Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á - Âu có thể thúc đẩy thương mại của Ấn Độ

FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á - Âu có thể thúc đẩy thương mại của Ấn Độ

Theo báo The Economic Times, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Việt Nam, nền kinh tế đang nổi của Đông Nam Á, ngày 29/5 đã ký Hiệp định Tự do thương mại (FTA) nhằm tăng cường thương mại và hợp tác chung giữa hai bên.

05:54 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hiệp định này được ký chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tới Belarus và dự kiến thảo luận về việc Ấn Độ tham gia EEU.

FTA giữa Việt Nam và EEU là một bước đi lớn hướng tới liên kết kinh tế khu vực Á-Âu với Đông Nam Á, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại của Ấn Độ với khu vực trước chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Nga và các nước Trung Á vào tháng Bảy tới.

FTA Việt Nam-EEU dự kiến sẽ tạo một khung pháp lý thuận lợi và ổn định cho sự phát triển kinh tế của những nước tham gia.

Các nhà kinh tế lưu ý rằng Hiệp định này sẽ đề ra các quy chế tự do hóa hải quan. Trong khi giảm và miễn trừ thuế quan đối với những hàng hóa nằm trong hạng mục được ấn định, mỗi nước thành viên EEU có thể duy trì các cơ chế bảo vệ hải quan đối với những mặt hàng nhạy cảm của mình. FTA này đã trở thành văn kiện quốc tế đầu tiên về thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa EEU với bên thứ ba.

EEU hiện gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan và Mỹ. Kyrgyzstan đang trong tiến trình phê chuẩn thủ tục để gia nhập EEU. Nếu New Delhi quyết định tham gia EEU thì điều này sẽ giúp Ấn Độ khai thác tiềm năng thương mại của mình với các nước trong khu vực. Thương mại của Ấn Độ với khu vực hiện vẫn còn thấp, mặc dù quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ.

Ngoài Nga, Thủ tướng Modi có kế hoạch tới thăm năm nước Trung Á trong tháng Bảy tới, trong đó có Kazakhstan và Kyrgyzstan. Nga cũng đang thúc ép Ấn Độ gia nhập EEU. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi dự kiến sẽ tập trung thảo luận việc mở rộng đối tác kinh tế với khu vực Á-Âu và Trung Á bằng cách khai thác thị trường và các nguồn tài nguyên.

Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hơn 40 nước và liên minh có thể trở thành đối tác của EEU và các cuộc thương lượng về vấn đề này đang được tiến hành. Ông Medvedev cho rằng, FTA với Việt Nam là quyết định đột phá vì đây là một hiệp định đầu tiên như vậy.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á-Âu Viktor Khristenko cũng mô tả FTA giữa Việt Nam và EEU như một “hành động lịch sử."

Giới chức tại Ấn Độ cho biết New Delhi đang nghiên cứu kỹ Hiệp định này để hiểu về lợi ích của nó. Khu vực thương mại tự do sẽ tiết kiệm cho các nhà xuất khẩu từ EEU khoảng 40-60 triệu USD trong năm đầu tiên triển khai thực hiện. Đổi lại, các công ty Việt Nam có thể tiết kiệm được 5-10 triệu USD/năm. FTA Việt Nam-EEU sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi phê chuẩn theo luật quốc gia của tất cả các thành viên EEU và Việt Nam./.

(Theo TTXVN)

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục