Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu chương 1 cuốn sách India Way

Giới thiệu chương 1 cuốn sách India Way

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bản dịch chương 1 cuốn sách Cách làm của Ấn Độ: Những chiến lược trong một thế giới bất định (India Way: Strategies for an Uncertain world), của tác giả S. Jaishankar, Ngoại trưởng Ấn Độ. Cuốn sách được xuất bản năm 2020. Bản tiếng Việt của cuốn sách đang được Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch toàn văn để sớm giới thiệu với độc giả.

01:48 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chương 1: Bài học từ Vương triều Awadth

Nhà làm phim Satyajit Ray nổi tiếng của Ấn Độ vài thập kỷ trước đã ghi lại hình ảnh người Ấn Độ bàng quan với thời cuộc, điều này định hình nhận thức của thế giới về Ấn Độ. Phim mô tả hai người Ấn Độ mải miết chơi cờ trong khi công ty Đông Ấn của Anh dần tiếp quản vương quốc Awadh giàu có người Ấn. Ngày nay, khi một cường quốc toàn cầu khác đang trỗi dậy, và cường quốc đó ở ngay sát Ấn Độ, thì Ấn Độ không thể một lần nữa quên đi những hậu quả của việc thờ ơ với thời cuộc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc nên là nguồn cảm hứng lý tưởng nhất để rèn luyện bản năng cạnh tranh của Ấn Độ. Ít nhất, điều đó cũng khuấy động cuộc tranh luận nghiêm túc về hướng đi của chính trị thế giới và những tác động của nó đối với chúng ta.

Song song với xu hướng đó, có những thay đổi quan trọng khác đang được tiến hành. Đã có nhiều bằng chứng về sự xuất hiện của sự tái cân bằng trên diện rộng, giờ đây bị che phủ bởi nhiều biến động lớn trong khu vực, chấp nhận rủi ro cao hơn, chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn và sự từ chối toàn cầu hóa. Nhưng thay đổi quan trọng hơn cả là việc vị thế của nước Mỹ đang được điều chỉnh lại so với vị thế trước đây là nền tảng của hệ thống quốc tế đương đại. Phản ứng của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể xác định rõ hướng đi của chính trị trong thế giới đương đại. Bởi vì những diễn biến toàn cầu không phải lúc nào cũng được thực hiện trong nội tại những quốc gia toan tính thực hiện diễn biến, mà nó ít nhiều cũng ảnh hưởng tới Ấn Độ. Nếu không có cách phân tích chính trị rõ ràng và dứt khoát, khó có thể làm rõ việc này tác động như thế nào đến những tính toán của Ấn Độ. Vì vậy, khi Ấn Độ muốn nâng cao vị thế trong trật tự thế giới, Ấn Độ không chỉ cần hình dung rõ ràng các lợi ích quốc gia, mà còn phải truyền thông về những lợi ích này một cách hiệu quả.

Cuốn sách này là một nỗ lực để đóng góp vào nỗ lực đó, sách mở ra thảo luận trung thực giữa những người Ấn Độ, và cởi mở không giấu giếm gì nếu thế giới muốn cùng nghe cuộc thảo luận này.

Quan hệ quốc tế chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa chúng ta và các quốc gia khác, nhưng quan hệ quốc tế cũng không thể thờ ơ, xa rời thời cuộc nếu không muốn gánh chịu hậu quả. Vì vậy, thay vì trông chờ các sự kiện xảy ra, chúng ta hãy làm tốt hơn nữa việc dự đoán và phân tích diễn tiến sự kiện. Lịch sử Ấn Độ đã không chấp nhận hội chứng Panipat - bình chân như vại, để mặc quân giặc xâm lược vào tận trung tâm đầu não. Lựa chọn cách phòng thủ kiểu đối phó phản ánh tư duy không chịu mở mang để tìm hiểu sự kiện bên ngoài, do đó không đủ nhận thức về ý nghĩa của những sự kiện đó.

Trong thời kỳ đương đại, việc Ấn Độ duy trì quan điểm bất khả tri sau chiến tranh thế giới thứ hai đã gây ra những hậu quả lớn. Trong thập kỷ tiếp theo, việc Ấn Độ không quan tâm tới chiến tranh lạnh đã khiến Pakistan, một nước láng giềng nhỏ hơn, thu hẹp khoảng cách quyền lực với Ấn Độ trong nhiều thập kỷ sau. Pakistan đã chiếm đóng bất hợp pháp một phần lãnh thổ Jammu và Kashmir của Ấn Độ là hậu quả của việc Ấn Độ đánh giá thấp sức mạnh của tâm lý theo chủ nghĩa xét lại sau năm 1971. Ấn Độ còn thiếu hiểu biết về Trung Quốc, về ý nghĩa của cuộc cách mạng năm 1949 và sau này là sự tăng cường của chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, cuối cùng, đã trở thành cường quốc lớn mạnh dần lên từ sau năm 1978. Khi Ấn Độ bắt đầu làm quen với vũ đài chính trị thế giới, các phương trình quyền lực đã bị đánh giá sai bởi chủ nghĩa lãng mạn chính trị. Do đó, các quyết định bất khả kháng, chẳng hạn như về vũ khí hạt nhân, đã bị trì hoãn với cái giá rất đắt. Một ví dụ khác của sự trì hoãn là vấn đề Ấn Độ có nên giành ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay không, người Ấn Độ tranh luận gay gắt mãi cho tới gần đây.

Đó là chưa kể tới nhiều cơ hội để phát triển kinh tế đã bị bỏ lỡ khi Ấn Độ quay lưng lại với sự tiến bộ toàn cầu. Mặc dù chiến tranh với Bangladesh năm 1971, cải cách kinh tế năm 1991, các vụ thử hạt nhân năm 1998 và thỏa thuận hạt nhân năm 2005 là những bước đi dựa trên những tính toán chiến lược, nhưng vẫn phản ánh nhiều bất cập trong vị thế nói chung của Ấn Độ. Chỉ mãi tới gần đây, Ấn Độ mới theo đuổi chủ nghĩa thực quyền mạnh mẽ hơn để vượt qua sự tự mãn giáo điều bảo thủ.

Sự trỗi dậy của một siêu cường tiềm năng đương nhiên là sẽ gây xáo trộn cho trật tự toàn cầu. Chúng ta có thể đã quên rồi vì lần gần đây nhất nó xảy ra với Liên Xô trong thời chiến tranh thế giới thứ nhất. Đôi khi, quá trình chuyển đổi giữa từ các dạng thức tồn tại trước siêu cường lên siêu cường rất khó khăn. Sự chuyển đổi giữa Anh và Mỹ trong nửa đầu thế kỷ XX là ngoại lệ, không phải là quy luật. Nhưng khi các xã hội được xây dựng dựa trên các nguyên tắc mới, thì việc điều hòa tranh chấp và hợp tác sẽ khó hơn rất nhiều. Sự khác biệt có thể ít quan trọng khi ảnh hưởng của một quốc gia là tương đối nhỏ và hành động của quốc gia đó chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến người dân của quốc gia đó. Nó có lẽ được chấp nhận nhiều hơn trong thế giới hậu thuộc địa, khi các quốc gia nhỏ bắt đầu có khả năng vươn lên. Nhưng một khi các quốc gia đó vươn ra quy mô toàn cầu, thì đó là hiện tượng khó có thể bỏ qua. Việc tiến hành các quan hệ quốc tế khi chưa xác định được đặc tính xã hội của các quốc gia khác chứa đựng trong nó nhiều hạn chế. Bằng chứng là ngày nay, ngay cả các đối thủ chính trị xưa cũng có suy nghĩ và thái độ tương đồng nhau. Khi điều này vừa chớm diễn ra, toàn cầu hóa xuất hiện tạo sức ép mạnh mẽ khiến các nước phải chung sống và phần nào giảm thiểu nhiều mâu thuẫn mới hình thành. Tuy nhiên, ở một số giai đoạn, căng thẳng địa chính trị đã hình thành khi các quốc gia to tiếng với nhau vì chủ nghĩa dân tộc. Các quốc gia nên mài giũa năng lực cạnh tranh mạnh hơn và coi đó là động lực phát triển của thế giới ngày nay.

Sự xuất hiện hoành tráng của Trung Quốc trên trường thế giới chắc chắn có những hệ quả. Một số trong số đó phát sinh từ sự dịch chuyển tự nhiên của các siêu cường khác. Nhưng một phần cũng là do những đặc trưng của Trung Quốc. Không giống như các quốc gia khác trỗi dậy sớm hơn ở châu Á, việc hòa nhập vào trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn dắt quả là khó khăn. Thực tế hiện nay là hai quốc gia hùng mạnh nhất trong thời đại của chúng ta, từng là đối thủ chính trị trong nhiều năm nay đã không coi nhau là mục tiêu cần tiêu diệt nữa.

Đối với Ấn Độ, một kịch bản như vậy đặt ra một loạt thách thức chiến lược. Xử lý vấn đề đó một cách khéo léo sẽ rất quan trọng, đặc biệt là khi tiếp cận nó từ góc độ lợi ích của chính Ấn Độ. Cần phát triển tư duy để không chỉ phản ứng mà còn thực sự tạo đòn bẩy cho sự thay đổi, đó là những gì sẽ định hình Ấn Độ mới. Mỹ hiện đang quay trở lại bàn chiến lược và họ tự thay đổi chính mình. Cách tiếp cận tạm thời của Mỹ là cho phép chủ nghĩa cá nhân mở rộng hơn, táo bạo hơn và tinh giản mạnh mẽ. Việc tính toán lại là bài tập khó vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy những toan tính chiến lược trong quá khứ không thể dễ dàng đảo ngược lại được. Vì vậy, chúng ta đã nghe đến nguy cơ tiềm ẩn về thương mại không công bằng, nhập cư ồ ạt và các đồng minh trở mặt. Và khả năng tiếp cận thị trường, sức mạnh công nghệ, sự thống trị của quân đội và sức mạnh của đồng đô la dường như là những hợp phần của một giải pháp đang hình thành. Dù nền chính trị ở Mỹ như thế nào, thì phần lớn sự thay đổi vẫn ở bắt đầu từ Mỹ. Động lực Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến bản thân hai nước, và trên trường quốc tế là bối cảnh toàn cầu cho việc hoạch định chính sách của Ấn Độ.

Đã qua rồi kỷ nguyên toàn cầu hóa an lành tạo điều kiện cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhân tố nào đã đặt dấu chấm hết cho sự lấn lướt của Trung Quốc; và làm thế nào để duy trì và phát triển nhân tố đó. Sự trỗi dậy của Ấn Độ đã chậm lại và giờ đây sẽ phải điều hướng qua những vấn đề khó. Chúng ta đã bước vào một giai đoạn hỗn loạn khi một kiểu chính trị mới đang trở nên thịnh hành. Vấn đề không phải là liệu Ấn Độ có tiếp tục theo trào lưu chính trị mới hay không; vì trào lưu đó sẽ còn được duy trì. Vấn đề là làm thế nào để tối ưu hóa việc theo trào lưu trong thời đại nhiều bất ổn hơn.

Trong ngắn hạn, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi sự kết hợp của nhiều cách tiếp cận, cả chính thống và cá những cách sáng tạo mới. Nhưng trong tất cả những cách tiếp cận đó, quan hệ đối tác dựa trên những mối quan tâm toàn cầu có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Phần lớn những mối quan tâm đó sẽ xoay quanh phương Tây và Nga. Nhưng Trung Quốc, hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khó có thể bị xem thường trong bất kỳ phép tính nào. Không dễ để tận dụng tất cả các mối quan tâm nhưng rất cần phải làm điều đó. Làm chủ các trò chơi trí óc và trò chơi cơ bắp đều là điều cần thiết trong một thế giới ngày càng thực dụng hơn. Để làm được tất cả những điều đó, điều quan trọng là chúng ta phải tuân theo các động lực phức tạp của thế giới. Chỉ khi đó, Ấn Độ mới có thể thực hiện thành công các chính sách chiến lược cho một kỷ nguyên mới.

Nhiều sự kiện trong vài năm gần đây đã sai lệch so với chuẩn mực đến mức có thể gây nhầm lẫn về hướng đi của các vấn đề thế giới. Cả trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, những diễn biến đã vượt ra khỏi phạm vi hiểu biết từ những kinh nghiệm trước đó. Pakistan đã đi quá giới hạn của những kịch bản dự báo bi quan nhất về mặt chính sách. Các nước láng giềng khác của Ấn Độ đôi khi hành động trái ngược với những gì họ đã làm trong quá khứ. Ảnh hưởng của việc thay đổi địa chính trị có thể nhìn thấy ở những nước láng giềng với Ấn Độ, cũng như những nước lân cận với những nước láng giềng. Việc cải tiến mối quan hệ của Ấn Độ với Nga đòi hỏi những nỗ lực tận tâm. Nhật Bản đã đưa ra những cơ hội hợp tác mới bất chấp tình trạng khó khăn, phức tạp. Chúng ta đã có thể thoải mái hơn với châu Âu, nhưng cần có thêm hiểu biết về nền chính trị ngày càng phức tạp của lục địa này. Phần lớn các phân tích của chúng tôi về diễn biến hiện tại mang đầy màu sắc của cuộc chiến ý thức hệ. Cho dù chúng ta có thích diễn biến của những sự kiện hay không, thì đó vẫn là những thực tế không thể làm ngơ. Những sự kiện đó có cả nguyên nhân và cả những tác động mà chúng ta phải thừa nhận. Dù quan điểm của chúng ta như thế nào đi nữa, tốt nhất là nên phân tích hơn là chỉ đơn giản gán cho hiện tượng đó lý do bắt nguồn từ Donald Trump.

Khi cường quốc thống trị trên thế giới xem xét lại các nguyên tắc nền tảng, hậu quả của nó là rất sâu sắc. Đánh giá chính xác sự thay đổi nguyên tắc nền tảng là một phần của việc đánh giá tính lâu dài của sự thay đổi đang diễn ra. Đối với Ấn Độ, việc đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt vì các tính toán của Mỹ đã hỗ trợ cho sự phát triển gần đây của nước này. Sự thay đổi tư duy của Mỹ sẽ biến đổi chính trị thế giới và ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ đến mức nào, vẫn là một câu hỏi quan trọng nhất. Nó gắn bó chặt chẽ với động lực của mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc khác. Cách tiếp cận mới của Mỹ đối với thương mại và an ninh cũng cần tìm hiểu thêm. Sẽ là một sai lầm nếu tiếp cận Chính quyền Trump bằng cách sử dụng kinh nghiệm làm việc với các chính quyền trước kia của những người tiền nhiệm. Có những ưu tiên mới trong việc thiết lập mối quan hệ với đối tác cũ, dẫn đến việc cần viết lại luật làm ăn với quốc gia đó.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ chắc chắn sẽ bị so sánh với Trung Quốc vì Trung Quốc đang dẫn trước rất sát Ấn Độ. Quốc gia để lại ấn tượng gì với người dân thế giới, đóng góp của quốc gia đó vào nền văn minh nhân loại, giá trị địa chính trị và hiệu quả kinh tế của đất nước, tất cả sẽ là những yếu tố trong quá trình cạnh tranh. Khó có thể bắt chước các chiến lược và chiến thuật ngoại giao của nước khác do mỗi xã hội có đặc điểm lịch sử và triển vọng khác nhau. Tuy nhiên, Ấn Độ có thể học hỏi được nhiều điều từ Trung Quốc. Bài học quan trọng là chứng minh được giá trị đóng góp cho toàn cầu để nhận được sự tôn trọng của thế giới. Nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu từng dành cho Ấn Độ một lời khen ngợi rằng, thế giới yên tâm vào sự trỗi dậy của Ấn Độ hơn. Thế giới ngày nay mong đợi làn sóng trỗi dậy táo bạo hơn nữa.

Ấn Độ còn có thể tìm cơ hội khi thế giới mong muốn có nhiều nguồn tăng trưởng và ổn định hơn. Có một chính thể dân chủ, một xã hội đa nguyên và một nền kinh tế thị trường, Ấn Độ sẽ phát triển cùng với các nước khác chứ không phải phát triển theo con đường riêng. Với những đặc trưng này, Ấn Độ có thể khai thác hiệu quả việc tìm kiếm các quan hệ đối tác mới. Những giá trị mang các nước lại gần nhau có ý nghĩa quan trọng, thậm chí còn có ý nghĩa hơn thế trong một thế giới công nghệ phát triển. Họ định hình các ý tưởng và khi kết hợp với các năng lực lại với nhau sẽ giúp xác định bản chất của quyền lực. Một quốc gia ít bị thế giới nghi ngờ sẽ có cơ hội được nhiệt tình chào đón hơn so với quốc gia còn lại.

Địa chính trị và cân bằng quyền lực là nền tảng của các mối quan hệ quốc tế. Bản thân Ấn Độ có truyền thống về nền chính trị Kautilya (tư tưởng vì dân của Chanakya) luôn coi trọng nền tảng đó. Cũng có nhiều bài học từ những diễn biến gần đây nhưng chưa được coi trọng để đúc kết thành kinh nghiệm. Kỷ nguyên Bandung của sự đoàn kết Á-Phi trong những năm 1950 như một lời nhắc nhở về cái giá phải trả của việc thờ ơ với quyền lực cứng. Nhưng không chỉ thiếu tập trung vào phát triển năng lực, mà những ví dụ gần đây còn phản ánh một tư duy tiềm ẩn. Ấn Độ tham gia vào cuộc ganh đua mà trong đó bảo vệ quyền lợi là một giả định, không chỉ là một lựa chọn. Điều đó được thực hiện tốt nhất thông qua sự kết hợp giữa sức mạnh nội tại của quốc gia và các mối quan hệ quốc tế.

Rõ ràng, trong thế giới nhiều dấu ấn của chủ nghĩa dân tộc hơn, ngoại giao sẽ sử dụng sự cạnh tranh để mang lại càng nhiều lợi ích từ càng nhiều mối quan hệ càng tốt. Tuy nhiên, Ấn Độ chắc chắn sẽ thực hiện việc cạnh tranh này một cách có trật tự. Mô hình tăng trưởng và triển vọng chính trị của Ấn Độ về bản chất thiên về hành vi dựa trên quy tắc. Ấn Độ thực hiện ngoại giao theo cách hòa hợp lợi ích toàn cầu với lợi ích quốc gia. Thách thức đối với Ấn Độ là cần thực hiện thành công điều đó trong một thế giới đa cực hơn và chủ nghĩa đa phương đang suy yếu.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ mang ba gánh nặng lớn từ quá khứ. Một là cuộc chia cắt năm 1947 khiến quốc gia suy giảm cả về mặt nhân khẩu học và chính trị. Một hệ quả ngoài ý muốn là tạo cho Trung Quốc nhiều không gian chiến lược hơn ở châu Á. Thứ hai là những cải cách kinh tế bị trì hoãn và chỉ được thực hiện sau Trung Quốc một thập kỷ rưỡi. Và có nhiều ý kiến tranh luận không thống nhất so với sự đồng thuận của Trung Quốc. Khoảng cách mười lăm năm về năng lực tiếp tục khiến Ấn Độ gặp bất lợi lớn. Thứ ba là việc trì hoãn lựa chọn trong vấn đề hạt nhân. Hệ quả là, Ấn Độ đã phải đấu tranh rất nhiều để giành được ảnh hưởng trong một lĩnh vực mà lẽ ra có thể thực hiện sớm hơn rất nhiều. Tất nhiên, những vấn đề này vẫn được giải quyết dù muộn còn hơn không. Nhưng cần nhận rõ những sai lầm của Ấn Độ kể từ năm 1947 để làm kinh nghiệm phát triển đất nước. Ấn Độ cũng có thể dùng bài học đó cho những hướng đi trong tương lai.

Đối với một đất nước lâu nay tồn tại trong hoàn cảnh bất lợi, bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần được đón nhận với một tinh thần cởi mở. Trong khi những diễn biến ở những nước xa hơn không thể bị coi thường, thì những diễn biến ở vùng lân cận của Ấn Độ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích. Phương pháp tiếp cận Láng giềng trước tiên xây dựng lại các mối liên kết kinh tế và xã hội của tiểu lục địa có thể mang lại lợi ích ngay cho Ấn Độ. Mở rộng sự hiện diện của Ấn Độ tới khu vực láng giềng phía Đông và phía Tây cũng quan trọng như nhau. Tích hợp không gian biển về phía Nam vào tính toán an ninh của Ấn Độ là yếu tố quan trọng của tầm nhìn rộng lớn hơn. Việc thực hiện thành công tất cả các chính sách như vậy có thể đảo ngược phần lớn mưu đồ chiến lược hòng thu hẹp quy mô của Ấn Độ.

Những nỗ lực của ASEAN để duy trì sự gắn kết và tính trung tâm cũng tạo ra yêu cầu đối với Ấn Độ. Cán cân quyền lực của châu Á bị lệch do sự phân chia Ấn Độ-Pakistan 1947, và càng mất cân bằng hơn do những hạn chế sau năm 1945 đối với Nhật Bản. Do đó, thế trận an ninh của các chính thể có nhiều hàm ý đối với các tính toán của Ấn Độ. Trên thực tế, khi nói đến châu Á, mức độ thay đổi vẫn chưa thể hiện rõ hoàn toàn. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cơ hội mở cửa cho Ấn Độ là nhiều hơn chứ không phải ít hơn.

Bức tranh thế giới hiện tại có thể đáng lo ngại nhưng không thể che khuất những tiến bộ đạt được trong vài thập kỷ qua. Ấn Độ đã làm thay đổi chất lượng cuộc sống của nhiều người trong nhiều lĩnh vực. Chắc chắn, người Ấn Độ có lý khi mong đợi tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Họ không thể bỏ qua sự chia rẽ trên toàn cầu, nhưng không có lý do gì để tin vào một viễn cảnh bi quan. Ngược lại, tình hình trong nước và vị thế quốc tế của Ấn Độ mở ra nhiều khả năng. Các phương án chúng ta đưa ra sẽ ảnh hưởng tới các lựa chọn mà chúng ta sẽ thực hiện.

Đây là thời điểm để Ấn Độ hợp tác với Mỹ, quản lý vấn đề với Trung Quốc, phát triển mối quan hệ với châu Âu, trấn an Nga, đưa Nhật Bản vào cuộc chơi, lôi kéo các nước láng giềng, mở rộng khu vực lân cận và tìm kiếm sự ủng hộ của các đối tác truyền thống. Sự đan xen giữa các cơ hội và rủi ro do một thế giới không chắc chắn và đầy biến động hơn là điều không dễ dàng để đánh giá. Những thay đổi về cơ cấu thậm chí còn khó thực hiện hơn, đặc biệt là sự giảm thiểu các chế độ và sự coi thường các quy tắc. Mục tiêu, chiến lược và chiến thuật ngày nay đều rất khác. Thâm hụt hàng hóa toàn cầu có thể đang gây ra vấn đề, nhưng không có hàng hóa sẵn có để thay thế.

Trong bối cảnh năng động như vậy, việc tạo ra sự cân bằng ổn định ở châu Á là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ. Chỉ có châu Á đa cực mới có thể dẫn đến một thế giới đa cực. Một điều quan trọng không kém, châu Á đa cực sẽ đề cao giá trị của Ấn Độ trong hệ thống toàn cầu. Cách tiếp cận của Ấn Độ không phải là làm cho thế giới có cảm giác thoái mái với Ấn Độ, cũng không hoài nghi, không xa lánh Ấn Độ. Mỗi cường quốc đang nổi lên sẽ bị thế giới ngờ vực, và Ấn Độ phải xử lý được điều đó. Giải pháp để xử lý là Ấn Độ cần đảm nhận các trách nhiệm toàn cầu, trở thành quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và thể hiện bản sắc riêng. Ấn Độ nên trở thành quốc gia được yêu mến hơn là quốc gia được nể trọng.

Vậy điều này sẽ thực sự có ý nghĩa gì về mặt chính sách đối ngoại và thực tiễn? Trước tiên, Ấn Độ phải thúc đẩy lợi ích quốc gia bằng cách xác định và khai thác các cơ hội do mâu thuẫn toàn cầu tạo ra. Ấn Độ cần quan tâm nhiều hơn đến an ninh và sự toàn vẹn quốc gia. Ấn Độ không nên do dự trong việc điều chỉnh các quan điểm nếu thấy cần thiết, vì lợi ích của chính Ấn Độ. Tư duy này giúp Ấn Độ ưu tiên hàng đầu việc xây dựng thiện chí, bắt đầu từ những vùng quốc gia láng giềng với Ấn Độ. Ấn Độ cần có ý thức mạnh mẽ hơn về điểm giới hạn cuối cùng và sẵn sàng làm những gì cần thiết để tự vệ khi điểm giới hạn bị xâm phạm. Để đưa vị thế Ấn Độ lên tầm cao hơn, cần tạo ra tác động có thể nhìn thấy ngay trong con mắt người dân toàn cầu. Nó sẽ khuyến khích sự đóng góp lớn hơn vào các vấn đề toàn cầu và các thách thức khu vực. Hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai (HADR) là một nền tảng rõ ràng để thể hiện Ấn Độ sẵn sàng cho những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Cũng sẽ có những khía cạnh khái niệm mới sẽ hình thành. Việc đưa các thuật ngữ ngoại giao của Ấn Độ vào diễn ngôn quốc tế là bản chất của quá trình xuất hiện trên trường quốc tế. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhóm tứ giác (Quad) hay nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) trước đó là những ví dụ minh họa. Việc xây dựng thương hiệu đã dựa trên thế mạnh công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh của Ấn Độ có thể được mở rộng hơn nữa. Đại dịch Covid-19 đã cho phép Ấn Độ ngày nay được coi là nhà sản xuất dược phẩm của thế giới. Thực hành văn hóa cũng có thể được “lồng ghép” để củng cố quá trình đó. Tham gia Ngày Quốc tế Yoga hoặc ủng hộ các loại thuốc cổ truyền là những trường hợp điển hình. Ngay cả việc sử dụng nhiều hơn các ngôn ngữ của Ấn Độ trong tương tác với thế giới cũng là một chỉ báo cho thấy trạng thái cân bằng đang thay đổi.

Nhưng vượt lên trên các yếu tố quảng bá hình ảnh là các giả định cơ bản rằng, Ấn Độ có thể tạo ra sự khác biệt. Có lúc chúng ta đã nghĩ cục diện thế giới sau năm 1945 là chuẩn mực và rời bỏ cục diện này chính là tạo ra sự lệch lạc. Nhưng lịch sử đa nguyên và phức tạp của chính Ấn Độ nhấn mạnh rằng, trạng thái tự nhiên của thế giới là đa cực. Tình hình thế giới cũng chỉ rõ nhiều hạn chế trong việc áp dụng quyền lực. Hành vi và quá trình suy nghĩ phản ánh những điều này cũng có thể tạo điều kiện tạo ra trạng thái cân bằng thuận lợi hơn giữa Ấn Độ với những quốc gia khác.

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ có thể cần đánh giá giá trị của chủ nghĩa hiện thực hơn trong cách tiếp cận của họ đối với các vấn đề thế giới. Ở một mức độ lớn, đây là một sức ép buộc họ phải gánh chịu bởi sự phát triển toàn cầu. Chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng trên các khu vực địa lý đang góp phần tạo nên một cái nhìn mang tính giao dịch hơn về các mối quan hệ quốc tế. Sự ưu tiên được trao cho thương mại và kết nối để định hình các lựa chọn củng cố những xu hướng này. Một nước Mỹ trên hết và Giấc mơ Trung Hoa đầy cơ bắp đang thiết lập giai điệu. Trong mọi trường hợp, trọng tâm của Nga từ lâu đã hẹp hơn so với Liên Xô. Nhưng ngay cả một châu Âu với tâm lý pháo đài đang phát triển cũng đang phải vật lộn để tìm ra sự cân bằng giữa lợi ích và giá trị của mình. Đối với Nhật Bản, sự thận trọng liên tục của họ đã tự nói lên điều đó. Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm ở Rome như người La Mã đã làm. Thật vậy, nó có thể làm điều đó thực sự tốt và thậm chí có thể tìm thấy những cơ hội mới trong quá trình này.

Tuy nhiên, với một cường quốc đang trỗi dậy và đầy khát vọng, cần có một lý do cho sự khác biệt hóa trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Thương hiệu Ấn Độ nên được xây dựng dựa trên các khía cạnh tích cực của chủ nghĩa dân tộc. Thế giới phải được nhắc nhở rằng, Ấn Độ đã cung cấp hỗ trợ kinh tế và đào tạo cho những nước khác ngay cả khi nguồn lực của Ấn Độ còn ít ỏi. Việc mở rộng cam kết của Ấn Độ với thế giới nên được coi là vì mục tiêu sâu sắc hơn là chỉ vì tham vọng của riêng Ấn Độ. Cách tiếp cận “Sabka Saath, Sabka Vikas, Sabka Vishwas” (Cùng nhau, vì sự phát triển của nhau, tin tưởng lẫn nhau – câu nói của Modi) phù hợp với chính sách đối ngoại cũng như chính sách đối nội, thể hiện mong muốn cơ bản là tham gia vào thế giới một cách toàn diện hơn.

Ấn Độ có ý nghĩa thế nào với thế giới và thế giới có ý nghĩa thế nào với Ấn Độ, tất cả sẽ thay đổi khi phát triển các phương trình mới. Nền kinh tế đang chuyển đổi lên một cấp độ cao hơn sẽ có một mức độ phù hợp với thế giới ở tầm khác. Điều đó có nghĩa là tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa việc phát triển các năng lực quốc gia mạnh mẽ hơn, giúp kinh doanh dễ dàng hơn, đảm bảo một sân chơi bình đẳng và phát triển cùng với nền kinh tế toàn cầu. Các trạng thái cân bằng mới giữa thế giới và Ấn Độ sẽ nảy sinh trong nhiều lĩnh vực, trong số đó không phải là không có xích mích. Nhưng cộng đồng quốc tế đang ủng hộ Ấn Độ nhiều hơn không chỉ vì lợi ích kinh tế. Hiệu quả hoạt động của nó sẽ quyết định liệu các Mục tiêu Phát triển Bền vững có đạt được hay không, các thách thức về biến đổi khí hậu được giải quyết, các công nghệ đột phá được áp dụng, tăng trưởng toàn cầu được cân bằng và tăng tốc, đồng thời cung cấp một nguồn nhân lực tài năng hơn hay không.

Không chỉ vậy, Ấn Độ cũng ghi nhận rằng uy tín toàn cầu về các thực hành dân chủ sẽ được củng cố. Vì vậy, Ấn Độ phải tiếp tục thành công trong mô hình của riêng trong những năm tới. Trong khi tiến trình phát triển của những nền kinh tế lớn trong thế hệ tiếp theo sẽ được theo dõi cẩn thận, thì mức độ phù hợp của nó với các ưu tiên của thế giới sẽ còn thu hút nhiều sự chú ý hơn nữa. Trọng tâm của tiến trình sẽ là thực hiện chương trình Sản xuất tại Ấn Độ đáng tin cậy, có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn. Một việc khác cũng không kém phần quan trọng, đó là việc triển khai các công nghệ mới và xanh hơn trên quy mô tạo ra sự khác biệt toàn cầu.

Những thay đổi văn hóa xã hội mà Ấn Độ đang trải qua cũng là yếu tố quan trọng trong ma trận tổng thể. Dân số trẻ và có tri thức đang góp phần vào việc tạo ra sự tự tin mạnh mẽ hơn cho Ấn Độ. Một Ấn Độ đầy khát vọng chắc chắn sẽ dành ưu tiên lớn hơn cho việc theo đuổi các mục tiêu quốc gia và thiết lập sự hiện diện trên toàn cầu. Cảm giác được bảo đảm nhiều hơn sẽ đưa Ấn Độ khám phá nhiều hướng. Điều cần thiết là Ấn Độ phải thừa nhận và tôn trọng sự phát triển các vấn đề quốc tế đương đại.

Là một nhà ngoại giao Ấn Độ, tôi đã chứng kiến ​​thế giới thay đổi ngoài sức tưởng tượng trong suốt quá trình làm việc lâu dài. Thế hệ của tôi và những người đi trước đã mang theo hành trang nặng nề của những trải nghiệm khó khăn với Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. Vào những năm 1970, ba quốc gia này đã biến thành mối đe dọa chung đối với các lợi ích của Ấn Độ. Nửa đầu cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi bị chi phối bởi hai thực tế địa chính trị: Chiến tranh Lạnh và sự trỗi dậy của chính trị Hồi giáo. Họ kết hợp với nhau để dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, một sự kiện có hậu quả lớn đối với Ấn Độ. Nửa sau cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi chứng kiến ​​đất nước Ấn Độ có điều kiện phát triển với những thay đổi này và hơn thế nữa. Về cơ bản, những thay đổi đó đã định hình lại mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, trong vai trò là cường quốc mới trỗi dậy ở phương Đông với những tác động toàn cầu. Nhưng không chỉ thế giới đang thay đổi; các khả năng, nguyện vọng và ưu tiên của Ấn Độ cũng vậy.

Tất cả những điều này được phản ánh sự thay đổi từ chỗ Ấn Độ coi mối quan hệ với Liên Xô cũ làm trung tâm sang việc Ấn Độ coi trọng mối quan hệ với nhiều cường quốc. Cải cách kinh tế, các vụ thử hạt nhân, thỏa thuận hạt nhân năm 2005 và vị thế an ninh quốc gia cứng rắn hơn là một trong những dấu mốc quan trọng về mặt ngoại giao của Ấn Độ. Tất cả tạo ra một triển vọng chính sách không dễ nắm bắt nếu suy nghĩ bằng tư duy chính thống. Ấn Độ thúc đẩy thỏa thuận với nhóm Quad với Mỹ, Nhật và Úc, nhưng chính Ấn Độ cũng trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cùng với Nga và Trung Quốc. Những phát triển có vẻ trái ngược này chỉ minh họa cho thế giới mà Ấn Độ đang vận hành. Rất khó để hiểu và tìm ra thông điệp từ thực tế này, đặc biệt là đối với những người chưa sẵn sàng chấp nhận sự phức tạp của kiến ​​trúc mới. Việc định vị quốc gia ngày càng có giá trị trong một thế giới linh hoạt, nó giải thích cho tầm quan trọng của việc thu hút các cường quốc cạnh tranh như Mỹ, Trung Quốc, EU hoặc Nga cùng một lúc.

Nhưng khi các hành động của Ấn Độ được nhìn nhận từ góc độ tư lợi của chính Ấn Độ, một khuôn mẫu rõ ràng hơn bắt đầu xuất hiện. Ấn Độ phát triển không ngừng cả trong mục tiêu và lợi ích, sử dụng tất cả các cách mà thế giới đã trải qua. Và vì phát triển là dám thử nghiệm những điều chưa có tiền lệ, đòi hỏi cả sự phán đoán và can đảm. Quá khứ của Ấn Độ mãi có ảnh hưởng, nhưng không còn là yếu tố quyết định tương lai của Ấn Độ. Vượt lên phía trước sẽ có nghĩa là chấp nhận rủi ro và không được coi sự rụt rè như một chiến lược hay nhầm lẫn giữa sự thiếu quyết đoán với sự thận trọng khôn ngoan.

Sự tiến bộ của Ấn Độ trong 5 năm qua đã làm bối rối những người không thể hoặc không muốn vượt qua khuôn khổ phân tích cũ. Những gì các quốc gia khác kỳ vọng về chính sách của Mỹ ban đầu sẽ được thành lập dựa trên hệ tư tưởng của chính quyền hay sau đó là dựa trên chủ nghĩa dân tộc đã được chứng minh là sai. Việc Ấn Độ có thể vững vàng trước các mối quan tâm chính nhưng thiết lập mối quan hệ ổn định với Trung Quốc không dễ dàng được đánh giá cao. Cơ sở cấu trúc cho mối quan hệ với Nga bị đánh giá thấp, cũng như sự kết hợp lỏng lẻo của châu Âu và Nhật Bản với Ấn Độ đương đại.

Có lẽ định kiến ​​mạnh nhất là về khu vực láng giềng. Mọi sự phức tạp được mô tả như một bước lùi. Và mọi sự điều chỉnh được giải thích là một điều không thể tránh khỏi, có lẽ không phụ thuộc vào hành động của Ấn Độ. Trong trường hợp đó, không có gì ngạc nhiên khi bối cảnh trong khu vực các quốc gia láng giềng đã biến đổi và thậm chí sự thay đổi còn không được ghi nhận.

Pakistan là nguyên nhân của cuộc tranh luận lớn nhất. Ấn Độ tạo mối quan hệ thiện chí, nhưng phản ứng mạnh mẽ đối với các hành động khủng bố. Đây không phải là mâu thuẫn, ngoại trừ những người cố tình cho rằng đó là mâu thuẫn. Rõ ràng, các hành động, các bên tham gia và thời gian khác nhau đòi hỏi những phản ứng khác nhau. Và việc thiết lập chương trình nghị sự để ứng phó với những thách thức hiện nay, ví dụ như khủng bố, là lẽ thường tình, không phải là điều tồi tệ.

Những người có hiểu biết về các mối đe dọa an ninh quốc gia của Ấn Độ trong lịch sử sẽ dễ hiểu nỗi lo về Afghanistan. Cho dù Ấn Độ đổ lỗi cho điều đó do đế chế hay chỉ là đánh giá sai lầm đơn thuần, các vấn đề đã đi đến tình trạng khó giải quyết. Nhưng không thể quay ngược thời gian hai thập kỷ. Ấn Độ có trách nhiệm trong những vấn đề này do có đóng góp trong giai đoạn trước. Và do đó, Ấn Độ có chỗ đứng riêng có vị thế không nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta không bị vùi lấp bởi các hoạt động chiến thuật của nước khác. Ấn Độ được thế giới ghi nhận không phải do sự tử tế của thế giới mà do chính sức mạnh của Ấn Độ. Và vai trò của chúng ta sẽ không chỉ là thể hiện sức mạnh đó, mà còn cần hợp tác với các cường quốc khác trong những mối quan tâm chung.

Kinh nghiệm quản trị luôn mang lại bài học thực tiễn nhiều hơn bất kỳ phân tích nào. Nói một cách đơn giản, chủ trương thì dễ, làm thì khó hơn nhiều. Thực ra, đây chính là lý lẽ mà cha tôi đã đưa ra để thuyết phục một sinh viên ngành quan hệ quốc tế tham gia kỳ thi vào Bộ Ngoại giao Ấn Độ năm 1976. Kể từ đó, người thanh niên đó học được rằng, chính sách thực tiễn ở một đất nước có quy mô lớn là theo đuổi song song nhiều ưu tiên, một số mối ưu tiên có thể mâu thuẫn với các mối ưu tiên khác. Không bỏ phiếu trắng, không có bảo hiểm rủi ro, nhưng luôn tồn tại nhiều sức ép và áp lực. Chúng ta phải lựa chọn, không chỉ mãi tranh luận không đi tới hồi kết. Và mỗi lựa chọn đều kèm theo cái giá phải trả.

Nhưng trước khi lựa chọn, cần xem năng lực của chúng ta đến đâu. Chính năng lực giải quyết những thách thức trong nước sẽ quyết định vị trí của Ấn Độ trên thế giới. Ấn Độ hiện đang tập trung vào các vấn đề đúng: số hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng trưởng nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, v.v. Việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững có thể mang lại cho Ấn Độ những gì mà các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã mang lại cho Trung Quốc.

Sẽ có những quyết sách trên mặt trận kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh quốc gia toàn diện của Ấn Độ. Chúng tôi có những lĩnh vực được bảo hộ quá mức và những lĩnh vực chưa được bảo đảm. Chiến lược sau năm 1991 rõ ràng đã đi chệch hướng, và các cuộc chiến tranh thương mại hiện nay cùng vấn đề phục hồi trong đại dịch đều là những động lực mạnh mẽ buộc phải hình thành một cách tiếp cận hiện đại hơn. Tương tự như cách tiếp cận đa cực về chính trị, Ấn Độ sẽ phải thực hiện thay đổi trong kinh tế, đặc biệt là trong định vị các trung tâm lớn mà thương mại và đầu tư của Ấn Độ hướng tới. Công nghệ cũng có một tiếng vang đặc biệt đối với xã hội Ấn Độ được cho là đi tắt đón đầu. Triển khai thay đổi triệt để có thể khó khăn nhưng mang lại thành quả lớn. Cuối cùng, muốn dẫn đầu trên sân khách thì cần vượt trội trên sân nhà.

Việc tiến lên trong hệ thống phân cấp quyền lực toàn cầu, dù xét về năng lực hay tầm ảnh hưởng, chỉ là một yếu tố giúp Ấn Độ vươn lên. Ấn Độ còn có những hành trình khác để thực hiện song song. Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã nghe thấy nhiều tiếng nói đích thực hơn khi quá trình dân chủ hóa trở nên sâu sắc. Những thay đổi này trong nền văn hóa quốc gia đã được khẳng định thông qua các kết quả chính trị và bầu cử. Đồng thời, Ấn Độ cũng đang chuyển đổi từ một nền văn minh sang một quốc gia được quản trị. Điều đó có nghĩa là mọi khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ được quản trị có kỷ luật và chính thức. Ngoài ra còn có những vấn đề còn sót lại từ lịch sử - đặc biệt là từ việc phân tách thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan - đòi hỏi tư duy mới. Vì vậy, ngoài sự hiện diện nổi bật ngày càng tăng của Ấn Độ, thế giới ngày nay buộc phải thừa nhận rằng, Ấn Độ đang thay đổi từng ngày.

Các câu hỏi chính liên quan đến việc phản ánh quá trình tái cân bằng toàn cầu đang được tiến hành. Thế giới sẽ tiếp tục định nghĩa về Ấn Độ, hay Ấn Độ bây giờ sẽ tự xây dựng định nghĩa về bản thân mình? Vương triều Awadh vẫn là biểu tượng của cái cũ cho đến ngày nay. Nhưng nếu bây giờ là cái mới, thì nó không chỉ có nghĩa là Ấn Độ tìm kiếm sự cân bằng mới với các cường quốc khác mà là tìm vị thế mới trong trật tự thế giới. Ấn Độ ngày nay đang trên hành trình khám phá bản thân và những bài học của Awadh là chiếc la bàn chắc chắn nhất của Ấn Độ trong hành trình đó.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bấm vào đây để đọc Chương 2 của cuốn sách này

Bấm vào đây để đọc Chương 3 của cuốn sách này

Nguồn:

Cùng chuyên mục