Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu chương 3 cuốn sách India Way

Giới thiệu chương 3 cuốn sách India Way

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bản dịch chương 3 cuốn sách Cách làm của Ấn Độ: Những chiến lược trong một thế giới bất định (India Way: Strategies for an Uncertain world), của tác giả S. Jaishankar, Ngoại trưởng Ấn Độ. Cuốn sách được xuất bản năm 2020.

01:01 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chương 3: Sự lựa chọn của Krishna

Thế giới đa cực ngày nay với những bên vừa là bạn vừa là thù, sự cân bằng quyền lực và sự xung đột của các giá trị có thể là thách thức đối với nền chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, những đặc trưng của giai đoạn này ở Ấn Độ đã từng được ghi lại trong sử thi hùng tráng của Ấn Độ. Khi Ấn Độ trỗi dậy, nảy sinh câu hỏi là Ấn Độ sẽ trở thành một cường quốc như thế nào. Nếu không có thay đổi, kinh nghiệm của thế giới về sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy những câu hỏi như vậy. Đó cũng là điều mà người Ấn Độ nên tự vấn. Một phần của câu trả lời có thể tìm thấy trong lịch sử và truyền thống của chính Ấn Độ.

Cho đến gần đây, mô hình kiểu phương Tây đã định hình các chuẩn mực và giá trị toàn cầu. Trung Quốc, cường quốc không phải phương Tây đầu tiên trỗi dậy mạnh mẽ trong thời kỳ sau năm 1945, đã dựa vào di sản văn hóa để thể hiện đặc trưng và định hình cách thế giới hiểu về Trung Quốc. Điều hợp lý là Ấn Độ cũng nên làm như vậy. Thật vậy, nếu ngày nay có những trở ngại trong việc hiểu quan điểm của Ấn Độ, thì phần lớn trong số đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về các quá trình Ấn Độ tư duy. Điều đó hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn phương Tây trong lịch sử đã quá coi thường xã hội Ấn Độ. Khi áp dụng tiêu chí của Mỹ trong đánh giá tư tưởng chiến lược của Ấn Độ, thậm chí không ai đề cập đến sử thi Mahabharata, cho dù sử thi đó ảnh hưởng sâu sắc đến cách tư duy của người Ấn Độ. Hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu chúng ta xem xét truyền thống chiến lược phương Tây nhưng bỏ qua trường ca Hy Lạp cổ đại Iliad của Homer, hoặc sách khoa học chính trị Quân Vương của Machiavelli! Hay, nhận xét về Trung Quốc mà không xét tư tưởng của họ trong Tam Quốc. Điều này xảy ra với Ấn Độ không phải do chúng ta ít kể những câu chuyện sử thi của chúng ta, mà phần lớn do sự hạn chế trong hiểu biết về chúng ta trên toàn cầu. Điều này cần phải được khắc phục ngay vì sự đánh giá cao hơn về đa văn hóa là một dấu hiệu của thế giới đa cực. Nhưng cũng vì nhiều thách thức mà Ấn Độ và thế giới đang phải đối mặt hiện nay rất giống những câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể trong sử thi.

Đưa ra những lời giải thích là công việc không thể thiếu trong quá trình Ấn Độ tiến lên trên hệ thống phân cấp toàn cầu. Vấn đề trong sự trỗi dậy của Ấn Độ là câu hỏi liệu nước này sẽ là một cường quốc theo kiểu phương Đông hay phương Tây. Cốt lõi của câu hỏi này dựa trên giả định lấy châu Âu làm trung tâm, cho rằng, chủ nghĩa đa nguyên là một thuộc tính thuần túy chỉ phương Tây mới có. Ấn Độ, với lịch sử đa dạng và nhiều nguyên tắc để cùng tồn tại, đã phủ nhận định kiến ​​đó. Cuộc tranh luận thứ hai xoay quanh các chủ đề về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu. Ở đây, Ấn Độ cũng là quốc gia đơn nguyên trong việc dung hòa những gì nước khác coi là những khái niệm phản tôn giáo. Ấn Độ, với tinh thần dân tộc, sẵn sàng làm nhiều hơn với thế giới, chứ không phải ít hơn.

Nhưng điều có lẽ phân biệt cách làm của Ấn Độ với cách thức của nước khác là cách tiếp cận của Ấn Độ trong quản trị và ngoại giao. Lịch sử của Ấn Độ cho thấy rằng, Ấn Độ không theo cách tiếp cận “được ăn cả, ngã về không”. Ấn Độ cũng không lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Ngược lại, Ấn Độ thường điều hòa các sắc thái để đạt được kết quả cân bằng. Thực tế, có thể không phải lúc nào Ấn Độ cũng thực thi theo một tiêu chuẩn như vậy, nhưng dù thế nào Ấn Độ cũng không làm mất những nét đặc trưng như đã nêu. Ấn Độ đã liên tục tự đánh giá về cả mục tiêu và quá trình, đôi khi đến mức tự nghi ngờ bản thân. Nhưng điều mà Ấn Độ đúc kết được là tầm quan trọng của việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong những tình huống khó khăn.

Không thể phủ nhận Mahabharata là sự chắt lọc sống động nhất những suy nghĩ của người Ấn Độ về xây dựng quốc gia. Không giống như Arthashastra (cẩm nang quản lý do nhà triết học lỗi lạc Chanakya biên soạn – ND), Mahabharata không phải là một bản tóm tắt các nguyên tắc quản trị. Thay vào đó, nó phác họa các tình huống thực tế và cách xử trí tình huống. Là một sử thi đồ sộ, Mahabharata làm lu mờ các sử thi của nhiều nền văn minh khác, không chỉ vượt trội hơn về độ dài, mà còn về sự phong phú và phức tạp. Tập trung vào tầm quan trọng của ý thức trách nhiệm và tính tôn nghiêm của những cam kết, sử thi cũng mô tả sự yếu đuối của con người. Những tình huống khó xử của những nhà lập quốc xuyên suốt câu chuyện, trong đó có việc chấp nhận rủi ro, niềm tin và sự hy sinh. Cần có sự can trường nhất định mới có thể làm theo những lời khuyên đưa ra trong phần nổi tiếng nhất của sử thi, là kinh Bhagavad Gita. Nhưng cũng có những phần khác bàn về những khía cạnh cố hữu của chính trị, bao gồm các thỏa ước trong chiến thuật, nghệ thuật dùng người, cách thức thay đổi chế độ và đảm bảo cân bằng quyền lực. Mối quan tâm hiện tại của chúng ta đã được phản ánh từ xa xưa trong những tích truyện cổ, đặc biệt là cách tận dụng môi trường bên ngoài để giải quyết sự mất cân bằng song phương. Các khía cạnh chính thống của cạnh tranh chiến lược và hệ thống trò chơi cùng tồn tại với các khái niệm hiện đại hơn về việc kiểm soát hình ảnh và coi tri thức là quyền lực.

Sử thi này có nhiều quan điểm để áp dụng trong các cuộc tranh luận và quyết định được đưa ra dựa trên bối cảnh các cuộc cạnh tranh leo thang trở thành xung đột. Tình hình chính trị toàn cầu hiện nay không đến mức thảm khốc nhưng vẫn có những yếu tố tương đồng và là kinh nghiệm cho việc ra quyết định. Ấn Độ của thời đại Mahabharata cũng đa cực, với sự cân bằng giữa các nước lớn. Nhưng khi không thể kiềm chế sự cạnh tranh giữa hai cực chính, các lực lượng khác phải đứng về phía nào. Mặc dù không có lý do gì để thế giới ngày nay lặp lại đúng những gì đã viết trong sử thi, nhưng cách thức các bên trong sử thi so sánh giữa cái được và cái mất mang lại những bài học cho những người tìm hiểu về chiến lược. Bối cảnh thời đại, các tuyến nhân vật và những lựa chọn được đưa ra trong sử thi có một số điểm tương đồng với thế giới đương đại của chúng ta. Nhân vật quan trọng nhất trong số đó là Sri Krishna, người mang lại hướng dẫn chiến lược, năng lượng ngoại giao và sự khôn ngoan chiến thuật để dẫn dắt những người khác vượt qua thử thách.

Tình huống khó xử được biết đến nhiều nhất trong Mahabharata là sự quyết tâm thực hiện các chính sách quan trọng mà không bị nản lòng bởi những hậu quả của quyết định này. Ví dụ rõ nhất tất nhiên có thể quan sát thấy trong trường hợp của chiến binh Pandava thành công nhất, Arjuna, khi anh ra chiến trường. Trải qua một cuộc khủng hoảng về niềm tin, anh không có đủ lòng quyết tâm để thu nạp những người anh em có lợi ích trái với lợi ích của mình. Cuối cùng Chúa Krishna cũng thuyết phục anh thực hiện nghĩa vụ, nhưng có những khía cạnh cơ bản trong hành vi của Arjuna có thể áp dụng được cho cách các quốc gia quản trị mối bang giao trong quan hệ quốc tế. Điều này không có nghĩa là bỏ qua phân tích chi phí-lợi ích. Nhưng đôi khi, ngay cả khi đã có cách làm, vẫn rất khó để chúng ta làm theo cách đó do thiếu quyết tâm hoặc sợ tổn thất.

Không giống như Arjuna, người Ấn Độ chúng ta ít bị sợ hãi bởi những gì đã biết, mà e ngại về những điều chưa biết. Theo cách nói hiện đại, cụm từ chính phủ mềm mô tả việc không có năng lực hoặc không sẵn sàng của một quốc gia trong tình huống buộc phải làm những gì cần thiết. Trong trường hợp của Arjuna, đó chắc chắn không phải là không có năng lực. Và đó, đôi khi, cũng là tình hình khó khăn chung của quốc gia Ấn Độ. Ví dụ, trong cuộc chiến lâu dài chống khủng bố, Ấn Độ thường bị hạn chế do thiếu khả năng vọng tưởng và sợ rủi ro. Điều đó có thể đã bắt đầu thay đổi, nhưng điều quan trọng là sự thay đổi phải phù hợp với mức độ quyết tâm của những người tham gia. Arjuna cuối cùng đã tham chiến với tư cách là chiến binh vì chính nghĩa và chúng ta cần ghi nhận quá trình tự nhận thức của Arjuna khi quyết định tham chiến.

Chỉ khi tầng lớp tinh hoa của quốc gia có ý thức mạnh mẽ và xác thực về quan điểm cốt lõi của mình thì họ mới có thể vững vàng khi hệ thống quan điểm bị thách thức. Vì vậy, cho dù đó là vấn đề vi phạm chủ quyền hay xâm phạm biên giới, khả năng ứng phó sẽ xuất phát từ lòng tin nội tâm của tầng lớp này. Đảm bảo lợi ích quốc gia và đảm bảo thực hiện các mục tiêu chiến lược thông qua nhiều phương tiện là cách thức nhà nước thực hành quản trị, cũng là cách từng cá nhân chiến binh triển khai hoạt động trên chiến trường. Điều này cần được nhấn mạnh trong môi trường mà sự đánh giá đôi khi được thực hiện bằng tiêu chí về mức độ nổi tiếng, hơn là mức độ đảm bảo làm việc có chiến lược.

Một điểm nữa cần quan tâm là làm sao để tập hợp sức mạnh và ý chí nhằm giải quyết những vấn đề đang khiến chúng ta quan ngại, thay vì tìm lý do để giải thích vì sao chúng ta không xử lý nó. Chúng ta đã quá thường xuyên nghe thấy lập luận rằng, đối thủ cạnh tranh quá mạnh nên không thể chống lại và cuối cùng đối thủ sẽ thắng. Hoặc, đôi khi, bản chất của quốc gia láng giềng là dung túng khủng bố và chúng ta đơn giản là phải sống bên cạnh quốc gia ấy. Đây là thuyết định mệnh được ngụy trang dưới dạng thuyết thận trọng. Sự lựa chọn của Arjuna mang đến thông điệp là chúng ta phải thực hiện bổn phận và trách nhiệm, dù hệ quả có khó khăn đến đâu chăng nữa. An ninh quốc gia của Ấn Độ sẽ tốt hơn đáng kể nếu quan điểm này được đánh giá cao và thực hành rộng rãi hơn.

Một khía cạnh được đánh giá cao trong bối cảnh chiến lược tại thời điểm sử thi Mahabharata và phù hợp với thế giới hiện tại của chúng ta là những hạn chế trong tác động lên đối thủ cạnh tranh. Cảm xúc trong thời đại đó rõ ràng là rất khác so với những cảm xúc đang áp dụng trong bối cảnh xã hội ngày nay. Họ bị thúc đẩy bởi niềm tin rằng, xung đột, về bản chất, là phá hoại lợi ích của tất cả các bên liên quan. Do đó, các bên liên quan đều không thoải mái khi là bên khơi mào xung đột, trong số đó có các trưởng lão Kaurava và thậm chí Vua Yudhishtira. Anh trai của Vua là Arjuna cũng mang theo cảm giác đó khi ra chiến trường. Nhưng xung đột trở nên rõ nét hơn khi những sợi dây tình cảm từ các mối quan hệ trong quá khứ đi ngược lại với những lợi ích trong tương lai. Cả trưởng tộc Bheeshma và thầy Drona đều tỏ ra rất miễn cưỡng không muốn dùng hết năng lực để đấu lại những người mà trước đây họ từng bảo trợ.  

Sự hạn chế ngày nay ít mang tính hành vi và thiên về tính cấu trúc nhiều hơn. Khả năng răn đe bằng hạt nhân là một ngưỡng giới hạn. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có lẽ là một yếu tố thú vị vì thị trường phản ứng nhạy bén khi căng thẳng xảy ra, chưa nói đến xung đột trên thực tế. Thế giới công nghệ hơn cũng dễ bị tổn thương hơn, cho dù công nghệ giúp chúng ta làm được nhiều việc hơn. Phạm vi các tùy chọn được mở rộng trước đây đã dần bị thu hẹp theo thời gian. Trong trường hợp của Ấn Độ, quy mô của các cuộc xung đột diễn ra trước đây không còn có thể phù hợp để đưa ra những dự tính cho thực tế hiện nay. Trong khi tất cả các chính thể đương nhiên sẽ lên kế hoạch cho các tình huống xấu nhất, thực tế là ngày càng cần nhiều phản ứng nhạy bén, với khung thời gian hạn hẹp và nhiều hạn chế trong ứng dụng. Tuy điều này không làm mất đi nhu cầu xây dựng năng lực tổng thể mạnh mẽ, nhưng công việc trọng tâm chuyển sang nhu cầu phát triển các trò chơi trí tuệ phù hợp hơn với các tình huống được dự báo sẽ có thể xảy ra.

Nếu có một phẩm chất mà một cường quốc đang lên phải trau dồi, thì đó là việc thực hiện trách nhiệm. Cách mà Arjuna cuối cùng đã dùng vũ khí tại Kurukshetra không chỉ làm nổi bật sự tận tâm với nhiệm vụ; nó cũng làm nổi bật tính nhẫn nại kiên trì của anh. Theo nghĩa đó, anh bất đắc dĩ mà trở thành chiến binh. Theo một cách khác, Sri Krishna cũng vậy. Việc Krishna sẵn sàng tha thứ cho người anh họ và đối thủ của mình là Shishupala sau hàng trăm lần bị khiêu khích, sau đó mới đáp trả một cách dứt khoát, là điều có thể mang lại bài học cho chúng ta. Đây cũng là một bài học cho quốc gia có năng lực ngày càng tăng trên vũ đài toàn cầu. Quyền lực, đặc biệt là khi nó tăng lên, phải được thảo luận, dự đoán ​​và áp dụng một cách thận trọng. Cho đến nay, Ấn Độ hiếm khi phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Hầu hết các cuộc xung đột trong thời kỳ hiện đại của Ấn Độ đều là các cuộc kháng chiến, và hiển nhiên phải thực hiện những cuộc chiến có tính chất phòng thủ như vậy. Những sự kiện gần đây cho thấy, Ấn Độ cần phải trau dồi sự kiên nhẫn chiến lược cần thiết cho các sự vụ kiểu Shishupalas ngày nay. Ấn Độ không cần những cuộc thảo luận suông vô trách nhiệm ở giai đoạn đang trỗi dậy này. Sử dụng vũ lực luôn phải là phương án được cân nhắc, nhưng không bao giờ là phương án đầu tiên. Ngay cả những siêu cường như Mỹ cũng hứng chịu nhiều thiệt hại khi họ làm ngược lại với quy luật này, ví dụ tại Iraq. Các quốc gia lớn có nhiều vũ khí trong kho và các vũ khí kiểu cũ thường có khả năng sát thương thấp. Nhưng bên cạnh tính hiệu quả, hình ảnh cũng không kém phần quan trọng. Những người ủng hộ việc áp dụng vũ lực ở nước ngoài gây thiệt hại nghiêm trọng. Sử thi đã cho chúng ta biết, chỉ nên chọn những hành động như vậy khi nguy hiểm sắp xảy ra hoặc áp dụng với những kẻ phạm tội hàng loạt.

Hầu hết các chiến lược gia đều chiến đấu như đây là cuộc cuối cùng, chứ họ không chiến để thành công trong cuộc tiếp theo. Trong bối cảnh đó, Arjuna đã đưa ra lựa chọn mang tính hệ quả từ khi trận chiến bắt đầu. Cả anh và đối thủ - người anh em họ của mình, Duryodhana, đều đến đô thành Dwarka của Krishna để tìm kiếm sự nhờ Krishna làm quân sư và đồng minh. Arjuna đến muộn hơn nhưng Krishna nhìn thấy Arjuna đầu tiên khi vừa thức dậy đã thấy Arjuna ngồi phục ở cạnh giường. Khi phải lựa chọn giữa quân đội của Krishna hoặc sự tham gia của cá nhân Krishna mà không có vũ khí, Arjuna đã khiến Duryodhana ngạc nhiên khi chọn điều số hai. Sự hiểu biết của Arjuna về năng lực thay đổi trò chơi của Sri Krishna rõ ràng là cơ sở cho quyết định này. Lựa chọn này mang tính đạo đức khi ta áp dụng vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh trong an ninh quốc gia. Giống như hầu hết các chiến binh, Duryodhana suy nghĩ theo cách truyền thống, trong khi Arjuna hiểu những gì bên ngoài khuôn mẫu thông thường. Không bỏ qua năng lực đã có, điều quan trọng là quốc gia phải chuẩn bị tốt hơn cho những gì đang chờ đợi thế giới ở thời tương lai. Đó có thể là các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, người máy và phân tích dữ liệu hoặc cảm biến, vật liệu tiên tiến và giám sát. Đặc biệt, nếu biết tận dụng nhân tài là trung tâm của thành công, thì việc có đầy đủ thông tin để đánh giá năng lực của họ là điều bắt buộc. Arjuna hiểu Sri Krishna có khả năng gì gì; Duryodhana thì không.

Duryodhana không chỉ hiểu sai bức tranh toàn cảnh mà còn thực sự không đánh giá cao những gì đang có. Duryodhana không biết gì về khả năng siêu phầm của Sri Krishna; nếu biết thì anh ta không đánh giá thấp Krishna vì thiếu vũ khí. Hiểu đầy đủ về giá trị của năng lực cũng quan trọng như việc xây dựng năng lực. Người Pandavas rõ ràng ghi điểm cao hơn trong cả hai hợp phần này. Ngày nay, Ấn Độ không chỉ cần chú ý đến chất lượng của những quân bài có trong tay mà còn cần tập trung vào việc làm thế nào để chơi bài thật tốt.

Mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như các chính sách bên trong mỗi quốc gia, dựa trên các quy tắc và chuẩn mực. Ngay cả khi theo thời gian có chính sách bị vi phạm, xã hội vẫn luôn kỳ vọng rằng, đó chỉ là một vài trường hợp ngoại lệ, rồi sẽ quay lại quy tắc và chuẩn mực cũ. Tất cả các những bên tham gia cuộc chơi đều dùng mọi phương thức và tận dụng thế mạnh truyền thống để tạo lợi thế, và Mahabharata cũng không là ngoại lệ. Thầy dạy bắn cung Drona lấy ngón tay cái của học trò tài năng, Eklavya, làm vật hiến tế vì như thế anh ta có thể đánh bại Arjuna. Thần Indra, cải trang thành một người Bà-la-môn, xin bộ giáp và bông tai bất khả bất khả chiến bại của Karna, một vị tướng Kaurava, sau lễ cầu nguyện vì đây là thời điểm duy nhất trong ngày lời thỉnh cầu sẽ không bị từ chối. Arjuna cải trang thành một phụ nữ tái sinh để ra chiến trường vì biết rõ rằng Bheeshma sẽ không bắn phụ nữ. Trong một thế giới hiện đang đầy rẫy tranh chấp thương mại, chiến tranh công nghệ và sự khác biệt về kết nối, ta có thể tự trấn an khi nhớ lại rằng, không tuân theo luật chơi đã có tiền lệ từ lâu. Trước chúng ta, đã có nhiều người tìm cách đánh lừa hệ thống hoặc tìm kiếm lợi ích ngoài ý muốn.

Mahabharata cũng có nhiều ví dụ về vi phạm các quy tắc ứng xử, một số ví dụ rất rõ ràng. Nhân vật chính Duryodhana bị giết theo đúng nghĩa đen với một cú đánh dưới thắt lưng. Trong số các chỉ huy kế cận của Kaurava, một người bị hạ gục khi dùng nữ chiến binh làm lá chắn sống, người thứ hai bị tấn công sau khi hạ vũ khí và người thứ ba bị chặt đầu khi đào bánh xe chiến xa lên khỏi mặt đất. Các quy tắc dù có được học thuộc lòng vẫn có thể không được áp dụng khi con người thấy làm trái quy tắc mang lại nhiều lợi ích hơn. Abhimanyu, con trai của Arjuna, bị nhiều kẻ thù tấn công cùng lúc, kể cả từ phía sau. Cha của anh, Arjuna, cũng vi phạm quy tắc tấn công Bhoorisvaras khi tham gia vào một cuộc chiến với đối thủ truyền đời là Satyaki. Những lần làm trái quy tắc như vậy dẫn tới hành động khủng khiếp nhất của cuộc xung đột, đó là khi Ashwathama, con trai của Drona sát hại những chiến binh thắng trận khi họ đang ngủ ban đem, để trả thù những kẻ giết hại cha mình.

Những ví dụ này tạo ra một cuộc tranh luận về giá trị của việc tuân thủ các quy tắc và cái giá phải trả của việc vi phạm quy tắc. Các phiên bản hiện đại của hiện tượng này có thể được tìm thấy ở mọi vùng địa lý trong mọi thời đại. Đối với tất cả những ràng buộc và giới hạn mà các quy tắc đặt ra, sự tuân thủ và sự xuất hiện của nó là rất có giá trị trong quan hệ quốc tế. Những bên thường xuyên vi phạm sẽ không được đánh giá cao ngay cả khi họ tuân thủ, trong khi đó, nếu có bên nào đột ngột vi phạm sẽ luôn có cách để biện minh. Đó là sự khác biệt giữa đội quân Kauravas và đội quân Pandavas. Tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận và hiểu biết không phải là một cuộc tranh luận về mặt lý thuyết. Các cường quốc không tự giác trình bày các lựa chọn và lợi ích của họ trước sự phán xét của các nước khác. Ấn Độ có thể sẽ rơi vào tình huống này khi có được sức mạnh và tầm vóc lớn hơn. Tuy nhiên, lợi thế của việc được coi là một người chơi tuân thủ quy tắc và có trách nhiệm không thể bị đánh giá thấp. Chúng ta thấy rằng, khi Ấn Độ đáp ứng được yêu cầu về hạt nhân, thế giới đã tin tưởng Ấn Độ hơn nhiều so với Pakistan. Thế giới còn tin tưởng hơn nữa khi Ấn Độ trở thành thành viên của các cơ chế kiểm soát xuất khẩu công nghệ chính. Về vấn đề như yêu sách hàng hải, việc Ấn Độ chấp nhận phán quyết trọng tài liên quan đến Bangladesh năm 2014 trái ngược với tình hình Biển Đông năm 2016.

Chơi theo luật là vấn đề trọng tâm của trò chơi, và các quốc gia khuyến khích nhau tuân thủ. Hiểu rõ suy nghĩ của người khác chính là chìa khóa để đánh giá xem họ sẽ đi bao xa và họ sẽ thu hẹp lại những gì. Lợi thế của người chơi phi chính thống là có thể phán đoán chính xác về cách người chơi chính thống sẽ phản ứng như thế nào, do người chơi chính thống bị ràng buộc bởi quy tắc. Trong khi bản thân thích thực hiện các hành động không kiềm chế, chiến thuật của người chơi phi chính thống là yêu cầu đối phương tuân thủ các tiêu chuẩn của luật. Khoảng cách giữa việc tuân thủ luật hay không tuân thủ luật mang lại cho bên không tuân thủ lợi thế lớn. Cuộc trao đổi cuối cùng giữa hai kình địch Karna và Arjuna là minh chứng cho tình trạng khó khăn này, cũng giống như những khoảnh khắc cuối cùng của hoàng tử Duryodhana của đội Kaurava. Cả Karna và Duryodhana đều mong đợi đối thủ cạnh tranh sống theo những giá trị mà bản thân họ luôn đề cao. Vai trò của Sri Krishna trong đội quân Pandavas là giải quyết những tình huống khó xử như vậy và giải quyết các tình huống khi các quy tắc không còn là được tôn trọng.

Trong thế giới hiện đại, các xã hội mở phải đối mặt với những thách thức như vậy khi đối đầu với những đối thủ có mức độ tuân thủ luật kém hơn. Chiến đấu trong cuộc chiến không cân sức là nghiệp của họ. Những tình huống khắc nghiệt nhất nảy sinh khi loài người đối đầu với chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là những tình huống khủng bố được nhà nước bảo kê. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và kết luận rằng, không thể dễ dàng tìm lời giải cho vấn đề này. Hãy xem xét sự can dự ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan trong hai thập kỷ qua. Pakistan tham gia vào hoạt động hạt nhân và tạo ra sự tương đương về mặt đạo đức giữa kẻ khủng bố và nạn nhân. Sau đó, Ấn Độ mắc sai lầm tại thỏa thuận Havana giữa Ấn Độ và Pakistan. Theo logic này, “kiềm chế chiến lược” dường như chỉ áp dụng cho nạn nhân, không áp dụng cho thủ phạm. Trên thực tế, có những báo cáo được chuẩn bị từ trước để vu vạ rằng, tình hình không có nguy cơ leo thang khi Pakistan thực hiện hành vi khủng bố, mà chỉ khi Ấn Độ ứng phó với những hành động như vậy.

Điều đáng kinh ngạc là có bao nhiêu người đã tin vào luận điệu phi logic này, và mong đợi rằng, Ấn Độ đương nhiên phải tuân theo thỏa thuận đó. Do đó, việc biến nó thành trò chơi giữa hai quốc gia quả là thách thức thực sự. Các vụ khủng bố ở Uri và Balakot là giọt nước tràn ly, cuối cùng, chính sách của Ấn Độ đã có thể tự suy nghĩ cho lợi ích của mình thay vì để Pakistan tự tung tự tác. Trong tình huống này, Ấn Độ cần vai trò của Sri Krishna trong đội quân Pandava.

Trong khi những sai lệch so với chuẩn không phải là hiếm, một vấn đề phức tạp hơn là vai trò của sự lừa dối. Rõ ràng là không thể minh bạch hóa các hoạt động trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trên mọi phương diện. Rốt cuộc, sự khuyến khích, sợ hãi và thao túng là một phần của bản chất con người. Tư tưởng chiến lược của Ấn Độ, đáng chú ý nhất là qua các bài viết của Kautilya, nhấn mạnh tầm quan trọng của ‘Sama, Dana, Danda và Bheda’ (liên minh, bồi thường, vũ lực và thủ đoạn) như những cách giải quyết những vấn đề chính trị. Sự phức tạp của chiến thuật phát triển tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tình huống. Chúng ta thấy điều đó trong hai tình huống có thể tranh luận về mặt đạo đức trong Mahabharata.

Vào thời điểm tuyệt vọng trên chiến trường, Vua Yudhishtira bị thuyết phục tuyên bố sai sự thật để tiêu diệt nhuệ khí của đối thủ đáng gờm Dronacharya. Trước đó, khi lời thề giết kẻ thù của Arjuna khó có thể thực hiện được trước thời hạn đã đề ra, Sri Krishna đã tạo ra ảo tưởng về sự an toàn để khuyến khích Jayadratha, một chiến binh đang bị truy lùng, bộc lộ bản thân và chịu hậu quả chết người. Trong cả hai trường hợp, ngôn từ của hành động trái với bản chất của hành động. Trong cuộc sống thực, nhiều tình huống xảy ra còn phũ phàng hơn. Nhiều trận chiến định mệnh nhất trong thế giới hiện đại - Bosworth Field ở Anh, Sekigahara ở Nhật Bản hay Plassey ở Ấn Độ - cuối cùng thắng hay bại đều được quyết định bằng hành vi phản bội. Đôi khi, sự lừa dối thậm chí còn được biện minh như một lời kêu gọi danh dự, một trường hợp điển hình là câu chuyện lịch sử về 47 anh hùng lãng nhân của Nhật Bản.

Tuy nhiên, thế giới luôn mong muốn có sự phù hợp với các quy tắc và thúc đẩy việc tuân thủ các quy tắc. Vì lý do đó, Nhật Bản đã tìm cách chính thức tuyên chiến ngay trước khi tấn công Trân Châu Cảng sao cho phù hợp về mặt đạo đức và kỹ thuật. Việc Nhật Bản không kịp thời làm như vậy đã giúp ích cho Tổng thống Mỹ Roosevelt trong việc huy động sự ủng hộ chính trị. Việc xây dựng câu chuyện là cần thiết để biện minh cho sự hành động vi phạm và mỗi nền văn hóa chính trị tạo ra phiên bản riêng cho những câu chuyện của mình. Trong lịch sử hiện đại, người Anh có lẽ là người giỏi nhất trong lĩnh vực sáng tạo những câu chuyện như vậy. Cốt truyện của họ về Ấn Độ có thể đi đến gợi ý rằng, sự áp bức là vì lợi ích của nạn nhân! Những quốc gia khác đã chọn sự kết hợp giữa ý định của họ và lời biện minh của riêng họ. Duy trì nền tảng đạo đức cao về nhiều mặt là thử thách cao nhất trong thực tế.

Chiến lược đánh lừa, theo đúng nghĩa đen của nó, là sáng kiến ​​có giá trị cao đòi hỏi tư duy nhất định để thành công. Thường liên quan đến một số lượng lớn các bên tham gia và thời gian dài hơn, rất khó để thực hiện nếu không có kỷ luật nội bộ ở mức độ cao. Trong Mahabharata, đội quân Kauravas chống lại đội quân Pandavas: một lần tìm cách dìm chết Bheema, một lần nữa cố gắng đốt cháy quân Pandavas trong một ngôi nhà trong hồ, và cuối cùng là mời Yudhishtira chơi trò xúc xắc gian lận. Các xã hội độc tài về bản chất có kỹ năng cao hơn trong vấn đề áp dụng chiến lược đánh lừa, và mối tương quan giữa tập quyền và chiến lược lừa dối trong thế giới hiện đại không thể bị xem nhẹ. Các nền dân chủ không đủ năng lực thực hiện chiến lược dối lừa, do chiến lược này đòi hỏi sự thống nhất mạnh mẽ mới có thể mang lại hiệu quả trong triển khai.

Kinh nghiệm phương Tây đã chỉ ra rằng, những sáng kiến ​​như vậy dễ được khởi xướng và thực hiện hơn khi có sự thống nhất về mục đích. Những gì diễn ra với Nga, Nam Tư, Libya hay Syria là rất nhiều nhưng chưa được nói đến. Ngược lại, đã có nhiều tranh luận gây chia rẽ trong vấn đề Iraq khiến nhiều vấn đề ẩn kín được phơi bày. Ngay cả chiến lược với Afghanistan cũng thường xuyên thay đổi. Một trong những thách thức của Ấn Độ là Ấn Độ ý thức được rằng mình chưa phát triển đầy đủ. Cạnh tranh trong chính trị trở nên mạnh mẽ đến mức có lẽ tính liên tục duy nhất là những người ở đối lập chắc chắn sẽ vẫn có ý kiến đối lập. Điều này khiến việc thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và ý định trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Một trong những nhà Hán học hàng đầu của Ấn Độ đã chỉ ra rằng, Trung Quốc là xã hội đã nâng sự phân biệt lên mức cao nhất của nền pháp chế. Tam Quốc nhiều lần ca ngợi những chiến thắng bằng thủ đoạn hơn là bằng vũ lực. 36 binh pháp thời Tề là bằng chứng thêm về việc những cách tiếp cận theo kiểu mưu kế đã thấm sâu vào tư duy phổ biến của người Trung Quốc. “Giấu trời qua biển” hay “Giương Đông kích Tây” là những câu cách ngôn nổi tiếng nhất của 36 kế. Hay như kế “trên cây hoa nở” chiến lược pháp đài trống. Không giống như ở Ấn Độ, người Trung Quốc không có cảm giác tội lỗi hay e dè trong việc phổ biến mưu kế lừa nhau; trên thực tế, mưu kế được tôn vinh như một nghệ thuật. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng sự trỗi dậy bất thường của Trung Quốc dựa rất nhiều vào các đặc điểm văn hóa này.

Ngược lại, Ấn Độ đã phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa chính sách đã tuyên bố và các mục tiêu thực tế. Do đó, trong những năm 1950, rất khó để vừa duy trì tình hữu nghị châu Á với Trung Quốc vừa chuẩn bị phòng thủ tuyến biên giới. Với Pakistan, nỗi hoài niệm về một dân tộc bị chia tách đã nhường chỗ cho thực tế rằng hai quốc gia trở nên đối đầu. Ngay cả ở Sri Lanka, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cũng khó dung hòa, cuối cùng Ấn Độ vẫn phải dùng vũ lực. Rõ ràng, việc tường thuật chính sách song phương với các mục tiêu thực tế khác với các mục tiêu đã tuyên bố là thách thức trong môi trường có mâu thuẫn công khai. Để khắc phục điều này và thực hiện thành công sự chiến lược đánh lừa, cần có nhóm tinh nhuệ hoạt động gắn kết. Những người bị hạn chế do thiếu năng lực chỉ có thể tồn tại thoải mái nhờ những lợi thế về danh tiếng do vô tình được hưởng.

Trong số những người có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột sử thi, có những người không được ghi nhận xứng đáng, đó là các chiến binh Trigarta do Susarma dẫn đầu, họ đến từ Punjab ngày nay. Các đồng minh truyền thống của người Kurus hình thành mối thù đặc biệt đối với Arjuna, do Arjuna đã đánh bại họ trong khi chuẩn bị dựng đàn cho lễ đăng quang của Yudhishtira. Do họ có thù với Arjuna, họ tỏ ra rất quý mến đội quân Pandavas. Không ngừng đổ dầu vào lửa Kaurava, họ hợp tác với nhau trong nỗ lực hút đánh đuổi người Pandavas ra khỏi vương quốc Virata trong thời gian họ bị lưu đày. Nhưng tai hại nhất, đó là sự thách thức của họ đối với Arjuna trong một cuộc chiến quyết tử đã khiến Arjuna phải rời khỏi chiến trường chính, tạo cơ hội cho đội quân Kaurava bắt sống anh trai Yudhishtira của Arjuna. Cuối cùng Arjuna vẫn chiến thắng, nhưng diễn biến trên dẫn đến cái chết của Abhimanyu, con trai của Arjuna, người đơn thương độc mã chống lại sự tấn công của Kaurava. Bài học rút ra ở đây là, những kẻ thù tuy nhỏ nhưng vô cùng nguy hiểm do những hiềm khích chạm đến tự ái của họ, họ có thể tự hủy hoại bản thân và gây thêm thiệt hại.

Không nên đánh giá thấp những đối thủ như vậy, ngay cả khi hành động của họ ít mang tính liều chết, nó vẫn gây hậu quả đau thương. Một ví dụ khác cũng liên quan tới vấn đề này là vua Sindhu Jayadratha, người mà sau một cuộc chạm trán gay gắt trước đó với đội quân Pandavas, đã thu được năng lực chiến đấu từ những người anh em trừ Arjuna. Do đó, anh ta có thể một tay chặn sự hỗ trợ mà Abhimanyu mong đợi khi anh ta bước vào đội ngũ quay bánh xe. Trên thực tế, những đối thủ cạnh tranh rải rác như vậy rất hiếm, nhưng họ đáng được quan tâm, đặc biệt khi sự đối nghịch của họ trở thành sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Tình hình khó khăn ngày nay giữa Ấn Độ với Pakistan cũng tương tự như tình huống này trong sử thi.

Kể từ năm 1971, quốc gia đó đã cực đoan tới mức làm tổn thương Ấn Độ ngay cả khi hệ thống của họ bị tàn phá bởi chính những thế lực mà họ nuôi dưỡng. Rõ ràng là Ấn Độ không thể lặp lại các giải pháp của Arjuna, nhưng Ấn Độ cần rút ra một số bài học thích hợp. Rõ ràng chiến lược của Ấn Độ về Pakistan có điểm khởi đầu tốt. Phải công nhận cảm xúc nội tâm của Ấn Độ đối với phía bên kia lúc ban đầu là như vậy. Đồng thời, không ai trong chúng ta có thể chọn hàng xóm, cũng giống như những chiến binh trong sử thi Mahabharata không được lựa chọn họ hàng. Làm thế nào để Ấn Độ vượt qua tình thế tiến thoái lưỡng nan này?

Không có cách nào duy nhất để làm công cụ sửa mọi loại lỗi và không có cách làm nào của Ấn Độ nên được đánh giá bằng thước đo bất khả thi này. Do đó, Ấn Độ cần đưa ra bộ câu trả lời của riêng mình. Đảm bảo rằng, không còn lực lượng chống lưng cho khủng bố là một trong những động thái như vậy. Việc thực thi trách nhiệm chống lại hành vi khủng bố là một việc khác. Cần phải gạt bỏ kỳ vọng ngây thơ rằng, bản thân sự tham gia đã là giải pháp. Quá trình không bao giờ có thể là phương thuốc chữa hành vi. Việc Pakistan từ chối duy trì thương mại bình thường và không kết nối với Ấn Độ cho chúng ta biết nhiều về ý định thực của nước này. Phản ứng với cách hành xử như vậy, ngoài việc gây thiệt hại về danh tiếng, còn làm cho việc duy trì mối quan hệ trở nên tốn kém. Pakistan chỉ có thể được coi là một nước láng giềng bình thường khi hành vi của nước này tương ứng với hành vi của nước láng giềng. Cho đến lúc đó, Ấn Độ sẽ phải thể hiện sự kết hợp giữa lòng dũng cảm, sự sáng tạo và sự kiên trì của một mức độ có thể gây ấn tượng ngay cả với Arjuna.

Do các lựa chọn có bản chất khác nhau, mỗi lựa chọn đều phải trả giá xứng đáng, sự do dự, xung đột và sự chia tách cũng vậy. Có ba cách tiếp cận tương phản nhau do ba nhân vật chính trong câu chuyện này thực hiện.

Đầu tiên là Shalya, người bác bên ngoại của Pandavas, người bị đánh lừa trong chiến dịch cờ giả để cam kết với phe Kaurava. Tuy nhiên, sự lừa dối là một con dao hai lưỡi và sự xung đột của anh ta cuối cùng làm suy yếu tinh thần của tướng Kaurava là Karna, người dùng anh ta làm người đánh xe trong trận chiến quan trọng. Anh trai của Krishna, Balarama, thực sự trung lập vì đã dạy nghệ thuật chiến tranh cho cả hai bên, và từ chối xung đột bằng cách tham gia cuộc hành hương dài trong suốt thời chiến tranh. Khi trở về, anh tức giận bởi kết quả của cuộc chiến và không còn cách nào thay đổi kết cục nữa. Rukmi của phe Vidharba là chiến binh đáng chú ý, đã chọn đứng ngoài cuộc chiến, nhưng vì một lý do rất khác. Anh ta đánh giá quá cao giá trị của mình đối với cả hai bên và kết cục là cả hai bên đều không nhận anh.

Mỗi ví dụ trên đều liên quan tới chính trị đương đại, đặc biệt là đối với quốc gia bị phân tách trên quy mô lớn. Chính sách không liên kết của Ấn Độ vào nhiều thời điểm khác nhau, đã dự báo một số tình huống này. Những vấn đề chúng ta chưa giải quyết, sẽ để lại hậu quả cho chúng ta gánh chịu. Trong một số vấn đề, chúng ta rơi vào thế nguy hiểm khi cố làm hài lòng tất cả các bên. Khi chúng ta liên kết với nhau để giải quyết những mâu thuẫn lớn hơn, sự miễn cưỡng của chúng ta không liên kết đầy đủ sẽ buộc chúng ta trả giá.

Sự thay đổi chế độ đã diễn ra kể từ khi có các nhà nước, cuộc chiến do Mỹ phát động tại Iraq xảy ra năm 2003 mới đưa quan điểm này vào ý thức của thế hệ hiện tại. Vì sự biện minh yếu ớt và hậu quả nặng nề của nó, thuật ngữ thay đổi chế độ chứa đầy hàm ý tiêu cực. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ được thực hiện dựa trên các cân nhắc về đạo đức. Trong Mahabharata, ví dụ điển hình nhất là việc Magadha giết vua Jarasandha ngay trước mắt Krishna. Việc loại bỏ vua là cần thiết để vừa xử lý thách thức trước mắt, vừa loại bỏ mầm mống phản đối việc Yudhishtira trở thành hoàng đế. Theo quan điểm của Krishna, đó cũng là một cách giải quyết của sự vụ nổi bật kéo dài. Điều đáng chú ý trong nỗ lực này là lý do bề ngoài của nó, đó là việc trả tự do cho chín mươi tám hoàng tử bị giam giữ bất công trong nhà ngục của Jarasandha. Thậm chí còn có tình huống được cho là nguy hiểm sắp xảy ra, vì vua đe dọa sẽ hiến tế những người bị giam cầm khi con số lên đến hàng trăm.

Điều này cũng minh họa giá trị của cái mà ngày nay chúng ta gọi là hợp tác Nam-Nam, một sự hợp tác chống lại kẻ thống trị. Hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tổn thương rõ ràng là giá trị được đề cao trong chính trị tập thể. Điều quan trọng không kém là mục tiêu quốc gia đã đạt được nhân danh lợi ích toàn cầu. Thay đổi chế độ là một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhiều hơn của quan hệ quốc tế vì chúng vi phạm chủ quyền một cách rõ ràng. Nhưng nếu chúng phải được thực hiện, thì tốt nhất nên có lời giải thích đạo đức đáng tin cậy. Trong trường hợp Iraq, có vẻ như Iraq ít nói tới lời giải thích của họ.

Tận dụng môi trường bên ngoài là mặt khác của xu hướng thay đổi chế độ. Ở đây, người chơi yếu hơn sẽ gạ gẫm hoặc điều động lực lượng mạnh hơn để có lợi cho họ. Không thiếu những tình huống như thế trong cuộc xung đột trong sử thi, hãy nhớ rằng cán cân quân sự là 7:11 mà phần kém hơn thuộc về đội quân Pandavas. Họ đã thỉnh cầu các vị thần linh để có được vũ khí mạnh hơn và khả năng siêu nhiên. Xây dựng và duy trì các liên minh có thể là một con đường mang lại ảnh hưởng, nhưng việc tiếp cận công nghệ và sử dụng kiến ​​thức của những người khác cũng không kém phần hiệu quả. Điều này đặc biệt xảy ra khi đối đầu với các đối thủ mạnh hơn, một tình thế khó khăn chiến lược mà Ấn Độ ngày nay cần phải suy tính nhiều hơn. Những người chủ trương tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện để tự cường chắc chắn là đúng; nhưng câu trả lời hiển nhiên là cũng cần lưu tâm đến việc tận dụng kỹ năng, tầm ảnh hưởng và sức mạnh của những nước khác.

Lịch sử hiện đại đã kể về những ví dụ về các quốc gia hùng mạnh đã thất bại chỉ vì lý do không cầu tới sức mạnh ngoại bang. Wilhelmine Đức, chẳng hạn, đã chứng kiến ​​nền ngoại giao kém cỏi gây suy yếu cho sự cân bằng quyền lực ra sao. Những kỹ năng tìm sự trợ giúp như vậy không chỉ là của những người yếu kém hay những người thiếu trình độ. Người có quyền lực cũng cần duy trì sự ủng hộ của cử tri và ngăn cản sự quay lưng của tập thể. Học từ sai sót cũng là một kỹ năng có liên quan để sai lầm không lặp lại. Một trong những điều trớ trêu trong sử thi Mahabharata là vua Yudhishtira để mất vương quốc trong trò chơi xúc xắc nhưng sau này kỹ năng chơi xúc xắc trở thành nghề của ông dưới thời vua Virata.

Điểm mạnh mà đội quân Pandavas liên tục giành thắng lợi so với những người anh em họ, cũng là đối thủ của họ, là khả năng định hình và kiểm soát câu chuyện. Họ định vị thương hiệu của họ ở vị trí cao cấp, lấy đạo đức làm trọng tâm. Thông qua những hành động có giá trị, cao thượng và hào phóng, họ thường được coi là phe chính nghĩa. Phải thừa nhận rằng, họ từng là nạn nhân nhiều lần, nhưng nhiều lần họ diễn vai nạn nhân. Việc họ lớn lên trong rừng giúp họ có khởi đầu câu chuyện hay với dư luận. Nỗ lực giết họ trong ngôi nhà chung cho thấy họ là một bên bị nạn. Việc chấp nhận sự phân chia không công bằng của vương quốc đã củng cố hình ảnh đó. Việc phát triển thành công một vương quốc mới thành lập ở Indraprastha càng làm tăng thêm vẻ rực rỡ của họ. Sự đối xử tàn nhẫn đối với người vợ Draupadi của họ mang lại cho họ quyết tâm không nhụt chí. Họ yêu cầu dàn xếp hợp lý và chịu thiệt khi chỉ được chia năm làng vào đêm trước khi chiến tranh nổ ra, và do đó họ lái dư luận theo hướng ủng hộ có lợi cho họ.

Có mối tương quan lớn giữa việc chiếm lĩnh nền tảng đạo đức cao và việc định hình câu chuyện. Vì lý do đó, trong Chiến tranh Lạnh, hai phe đều sôi nổi đưa ra các lập luận của mình. Một bên nhấn mạnh dân chủ, tự do cá nhân và kinh tế thị trường trong khi bên kia nhấn mạnh công bằng xã hội, lợi ích công và phúc lợi tập thể. Khi Trung Quốc trỗi dậy, nước này càng nhấn mạnh tính hòa bình và nhấn mạnh những tác động của sự thịnh vượng. Các quốc gia đang phát triển đã cải thiện vị thế trên bàn đàm phán bằng cách đưa ra trường hợp thuyết phục về sự phân biệt đối xử theo hướng tích cực trong một loạt các hoạt động. Thế giới phương Tây nói chung và Liên minh châu Âu đặc biệt tự đổi mới bằng cách ủng hộ các vấn đề toàn cầu và nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ. Phần lớn trong số những trách nhiệm đó ngày nay đang bị rút lui khi các lợi ích hẹp hơn chi phối suy nghĩ hiện tại và chủ nghĩa dân túy kinh tế leo thang. Khi năng lực của Trung Quốc mở rộng thêm, có thể dẫn đến thách thức trong việc chuyển từ toàn cầu sang phổ quát. Mỹ đang đi theo hướng khác, đó là làm loãng các cam kết liên minh và quay lại các nghĩa vụ quốc tế. Trong khi thể hiện bản sắc dân tộc mạnh mẽ, Ấn Độ cũng sẽ phải xây dựng những câu chuyện của riêng mình. Một xã hội sẽ sớm trở thành đông dân nhất và nổi bật về quy mô kinh tế không thể thiếu thông điệp riêng của nó. Nhưng khi Ấn Độ chưa đạt tới vị thế mạnh mẽ đó, nước này sẽ có tâm lý thoải mái khi lẫn vào đám đông và không tham gia sâu. Điều đó, theo thời gian, sẽ ngày càng khó thực hiện hơn.

Một ẩn ý xuyên suốt Mahabharata là sự cân bằng quyền lực giữa các vương quốc Ấn Độ. Sự đoàn kết giữa họ thường được giải thích bằng quan hệ họ hàng, nhưng bản thân điều đó thường là kết quả của lợi ích nhà nước. Hai ví dụ đáng kể là vương quốc Panchala và Matsya, hai đồng minh tự nhiên của Pandavas. Tình huống căng thẳng cũng rất hữu ích trong việc bộc lộ trong thâm tâm một người thiên về bên nào hơn. Vì vậy, trong khi lên kế hoạch ẩn náu vào năm thứ mười ba của cuộc sống lưu vong, Pandavas tìm ra vương quốc nào sẽ có thiện chí hơn. Tương tự như vậy, khi lập chiến lược để tiêu diệt Jarasandha, Krishna không chỉ nêu bật sự gần gũi của mình với Kauravas mà còn liệt kê các vương quốc đồng minh khác sẽ bị suy yếu do bị loại bỏ. Theo nhiều cách khác nhau, các chiến tuyến trên chiến trường Kurukshetra mang đến bức tranh tổng thể của ma trận rất phức tạp.

Ngày nay, cảm giác trực quan đó đối với việc tạo và duy trì sự cân bằng có lẽ đã giảm bớt ở Ấn Độ. Nhiều yếu tố không khuyến khích việc đi sâu vào phân tích chính trị thế giới, vốn rất cần thiết để thực hành duy trì sự cân bằng. Một số nguyên nhân cho điều là do những hạn chế trong năng lực của chúng ta. Khi điều đó được cải thiện, mức độ tự tin cũng vậy. Nếu chúng ta có thái độ dè dặt về cán cân quyền lực, đó là vì thời kỳ dẫn đến Thế chiến đã chứng kiến sự cạnh tranh quyền lực không kiểm soát. Chiến tranh Lạnh cũng tạo ra sự cứng nhắc làm giảm thiểu tầm quan trọng của những khả năng duy trì sự cân bằng. Khi tất cả những điều này đi tới hồi kết, niềm tin chung vào sự phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hóa đã xóa bỏ suy nghĩ như vậy. Tất cả những điều này hiện đang thay đổi trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc rộng lớn hơn, thế giới phẳng hơn và liên minh lỏng lẻo.

Sự thay đổi theo hướng thực tế hóa cũng làm tăng chi phí và sự giải thích lý do của các quy định chính sách. Bi kịch trong cái chết của Abhimanyu là thiệt hại có thể lường trước trong nỗ lực bảo vệ vua. Thiệt hại rõ ràng hơn có lẽ là hành động của bà nội Kunti, người đã thay gia đình của mình bằng một nhóm khách trước khi châm lửa đốt cháy ngôi nhà. Hay sự hy sinh của con trai Arjuna là Iravan như một cái giá phải trả cho chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Cái chết của cháu trai Ghatotkacha trước vũ khí không thể ngăn cản của Karna có thể chưa được tính trước, nhưng nó ngăn cản việc sử dụng vũ khí đó chống lại người chú Arjuna. Mỗi lợi ích quốc gia đều có cái giá phải trả và việc đưa ra những quyết định đó thường là trách nhiệm khó khăn nhất của nhà lãnh đạo.

Đội quân Pandavas là một ví dụ tuyệt vời về tích hợp. Được sinh ra từ những người mẹ khác nhau và mỗi người đều có nguồn gốc người cha phức tạp, họ kết hợp rất tốt trong nhóm, vượt qua những căng thẳng nội bộ. Họ có các bộ kỹ năng bổ sung giúp cho sự kết hợp trở nên đặc biệt hiệu quả. Là mô hình nhóm mẫu, họ truyền cảm hứng cho việc cùng tìm cách vượt lên khó khăn để làm việc cùng nhau một cách hiệu quả. Ấn Độ có vô số ví dụ trong vấn đề này bởi vì chúng ta được may mắn ban cho cả chủ nghĩa đa nguyên xã hội và chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Trước thực tế là cải cách hành chính còn nhiều hạn chế, nhu cầu hội nhập sâu rộng hơn đang thực sự rất mạnh mẽ. Nhìn chung, phối hợp và chia sẻ là thách thức kết nối của tất cả các tổ chức lớn. Họ phải vượt lên những thói quen đã định hình, mối quan tâm riêng và bản sắc riêng. Việc đồng ý với nhau ở cấp độ vĩ mô hiếm khi dẫn đến việc triển khai kế hoạch hoạt động hiệu quả ở cấp thấp hơn. Một số người có thể ý thức được điều đó, nhưng lịch sử và kinh nghiệm lại kéo theo hướng ngược lại. Thật vậy, ngoài việc xây dựng các năng lực tốt hơn, việc phá vỡ thói cục bộ để hợp tác tốt hơn gần như là một viên đạn bạc trong lĩnh vực thực thi chính sách.

Nếu Ấn Độ có được danh tiếng trên toàn cầu về khả năng tổ chức hoạt động với sự phối hợp mức tối ưu, thì đó là bởi vì lịch sử của chúng ta chứa đầy những ví dụ với những cái giá phải trả vô cùng lớn. Chủ nghĩa cá nhân có thể trở nên trầm trọng hơn bởi tính chiếm hữu đã được nâng tầm do tình trạng thiếu thốn. Chủ nghĩa quan liêu cũng đã tồn tại trong xã hội Ấn Độ. Điều có lẽ bổ sung cho tất cả những điều này là chúng ta tập trung vào quá trình hơn là quan tâm đến kết quả. Sự thiếu hợp tác diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chỉ khi đấu tranh chống lại thói không hợp tác trong tất cả các biểu hiện của nó, thì chính sách đối ngoại của Ấn Độ mới thực sự có thể thay đổi theo hướng tốt hơn.

Mahabharata là một câu chuyện về các phương pháp tiếp cận và lựa chọn mà tác động tổng hợp của chúng thúc đẩy chính thể theo một hướng nhất định. Mỗi câu chuyện trong số họ đều có một số bài học cho thời điểm hiện tại. Đội quân Kauravas, đáng chú ý nhất, đẩy sự cạnh tranh đến giới hạn cực độ, tạo ra phản ứng dữ dội thậm chí biện minh cho việc mô phỏng các chiến thuật ghê tởm của họ. Ngược lại, đội quân Pandavas xây dựng thương hiệu và thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược. Kết quả là, họ có thể đánh bại đối thủ vượt trội, một phần nhờ sử dụng chiến thuật bất đối xứng. Karna đại diện cho kỷ luật liên minh ở mức tốt nhất, làm nổi bật tác động của sự phân cực. Bheeshma và Drona có thể vững vàng, nhưng không khí xung đột khiến phe của họ phải trả giá đắt. Điều này trái ngược với Drupada, người chủ tâm nâng cao giá trị của anh ta với tư cách là một đồng minh. Trigarta, như đã nói trước đó, là phiên bản cực đoan. Shalya, Balarama và Rukma là hình mẫu của sự không liên kết và không tham gia. Và Kunti, những cam kết đầy tình cảm của cô không loại trừ việc sẵn sàng trả cái giá cao để vươn tới thành công.

Yếu tố quyết định, như chúng ta đều biết, là Sri Krishna. Krishna hiểu được bức tranh toàn cảnh, đưa ra chiến lược phù hợp và đưa ra các giải pháp chiến thuật vào những thời điểm quyết định. Những lựa chọn của Krishna mang tính định hướng, cho dù đó là thay đổi cấu trúc, định hình tình cảm, nâng cao thương hiệu hay tạo ra những câu chuyện kể. Bằng cách hạ bệ Jarasandha, Krishna có thể đảm bảo sự cân bằng quyền lực thuận lợi hơn. Cho dù đó là thông qua sự hiện diện của chính mình hay đưa ra những lời khuyên khôn ngoan, Krishna đều giúp xoay chuyển quan điểm có lợi cho Pandavas. Những động thái ngoại giao của Krishna nhấn mạnh thông điệp về một cường quốc có chính nghĩa, qua đó khiến phe của ông coi như bên bị hại. Vào những thời điểm quan trọng - vụ giết Jayadratha, Karna hay Duryodhana - Krishna vừa là động lực vừa là người biện minh. Ông cũng là người ủng hộ việc kiềm chế đối với Pandavas, khuyến khích họ tiết kiệm thời gian và có được những khả năng cần thiết cho cuộc xung đột không thể tránh khỏi. Krishna có thể là tiếng nói của lý trí hoặc những lời cảnh báo, nhưng cũng không kém phần hiệu quả trong kêu gọi hành động khi cần. Không phải Krishna chỉ vạch đường cho người khác xem rồi bỏ đó. Quan trọng nhất, Krishna chọn thực thi những việc đúng, với tinh thần trách nhiệm cao.

Mahabharata là một câu chuyện về đạo đức và quyền lực. Chính những lựa chọn của Sri Krishna đã dung hòa hai yêu tố này. Khi người Ấn Độ chuẩn bị cho những đóng góp lớn hơn với thế giới, họ phải dựa vào truyền thống của riêng mình để giúp họ chuẩn bị đối mặt với thế giới đầy biến động. Điều đó chắc chắn có thể xảy ra ở một Ấn Độ hiện có nhiều tính Bharat hơn. Khi chúng ta đưa ra lựa chọn của mình trong một thế giới tất cả chống lại nhau, đã đến lúc phải tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Trở thành một cường quốc có đạo đức là Con đường Ấn Độ, Cách làm của Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bấm vào đây để đọc Chương 1 của cuốn sách này

Bấm vào đây để đọc Chương 2 của cuốn sách này

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục