Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách: “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”

Giới thiệu sách: “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”

“Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế” là ấn phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Việt trong hơn 100 cuốn sách quý do Ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ trao tặng trong chuyến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cùng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ngày 15 tháng 9 năm 2014.

01:40 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách

“Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”

          “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế” là ấn phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Việt trong hơn 100 cuốn sách quý do Ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ trao tặng trong chuyến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cùng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ngày 15 tháng 9 năm 2014.

         

          Ngày 26 tháng 6 năm 2014, Nhà xuất bản Routledge Ấn Độ - một phân hiệu của Tập đoàn xuất bản Taylor & Francis - đã xuất bản cuốn sách “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”. Cuốn sách do tập thể 24 tác giả nổi tiếng của Ấn Độ, Ba Lan và các nước trên thế giới chung tay biên soạn. Đồng chủ biên là các học giả danh tiếng Jakub Zajączkowski, Jivanta SchÖttli, Manish Thapa. Đây là công trình nghiên cứu sâu về Ấn Độ đương đại trên các bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ quốc tế. Sách gồm bốn phần được chia thành 19 chương.

       Phần một: Văn hóa, xã hội và nền dân chủ gồm 5 chương. Các tác giả Subrata K. Mitra, K.C. Suri, Jyotirmaya Tripathy, Sudarsan Padmanabhan và Zuzana Lehmannová đã đi sâu luận giải Ấn Độ đương đại trên các khía cạnh: nền dân chủ phản thực tế ở Ấn Độ - đổi mới thể chế, vốn chính trị và tiền đề của những khả năng hồi phục; bầu cử và bỏ phiếu ở Ấn Độ; lãnh thổ và bản sắc Ấn Độ; nghịch lý về bạo lực và phi bạo lực giáo điều; phân tích hệ chuẩn văn hóa.

          Phần hai: Kinh tế và phát triển – những vấn đề trong nước và quốc tế gồm 3 chương. Các tác giả Anna Wróbel, Justyna Nakonieczna, Meenakshi Rajeev và H. P. Mahesh đã phân tích sâu sắc các vấn đề được coi là điểm nóng cần tháo gỡ để thúc đẩy Ấn Độ phát triển như: khu vực dịch vụ trong nền kinh tế Ấn Độ; toàn cầu hóa theo cách khác ở Ấn Độ - nguồn gốc phát triển và tầm quan trọng; hệ thống ngân hàng Ấn Độ - cải cách và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

          Phần ba: Chính sách đối ngoại và chính sách an ninh gồm 7 chương. Các học giả Shantanu Chakrabarti, Jivanta SchÖttli, Johannes Dragsbaek Schmidt, Jakub Zajączkowski, John Doyle, Antonio Marquina, Chintamani Mahapatra và Monish Tourangbam đã tiếp cận trên các bình diện: địa chính trị, địa kinh tế, lịch sử, chính trị, văn hóa, ngoại giao, an ninh truyền thống và phi truyền thống để đi sâu nghiên cứu, minh giải nhiều vấn đề trọng tâm xoay quanh trục đối ngoại của Ấn Độ. Các vấn đề được coi là điểm nóng đang tranh luận như: Chính sách ngoại giao tiến triển của Ấn Độ trên quan điểm khu vực; quan hệ Ấn Độ - Pakistan và vai trò của Trung Quốc; sự xâm lấn và xác định vị trí của Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Nam Á; chính sách ngoại giao của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh; cách tiếp cận với an ninh và giải quyết xung đột của Ấn Độ; an ninh môi trường ở Ấn Độ; quan hệ đối tác phát triển giữa Ấn Độ và Mỹ - cơ hội hợp tác và thách thức.

          Phần 4: Ấn Độ và Liên minh châu Âu – so sánh, tác động qua lại và trao đổi gồm 4 chương. Các học giả Rajendra K. Jain, Shreya Pandey, Gulshan Sachdeva, Bishwanath Goldar, Idesbald Goddeeris và Kalyani Unkule đã đi sâu nghiên cứu, luận giải, đánh giá quan hệ giữa Ấn Độ với Liên minh châu Âu trên các lĩnh vực mà họ cho rằng nên làm sáng rõ hơn về mặt khoa học như: quan điểm và hình ảnh về Liên minh châu Âu ở Ấn Độ; Ấn Độ - Liên minh châu Âu và thách thức Afghanistan; các cuộc đàm phán và những đàm phán đang diễn ra về Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu và Ấn Độ.

          Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ đặc biệt, có truyền thống lịch sử lâu đời, được khẳng định bằng những dấu ấn lịch sử qua giao lưu giữa hai nền văn hóa. Mối quan hệ này được đánh dấu bằng những tình cảm tốt đẹp, gần gũi, tin cậy, luôn ủng hộ lẫn nhau trong những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của hai đất nước, hai dân tộc. Trong thời kỳ hiện đại, hai nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước và tình hữu nghị đó đã được vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước sau này. Hơn nửa thế kỷ qua, tuy tình hình trong nước Việt Nam, Ấn Độ, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, cũng như sự đan xen phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn chung thủy, “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví. Ngày nay, khi cả Việt Nam và Ấn Độ đang nổi lên, trở thành những nền kinh tế đang phát triển nhanh trên thế giới, triển vọng tăng cường hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực đang được khẳng định. Hai nước có đồng quan điểm trong các vấn đề khu vực và quốc tế, luôn ủng hộ nhau trong các diễn đàn đa phương, luôn khẳng định, mong muốn và quyết tâm hợp tác cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của hai nước cùng các nước trong khu vực và thế giới. Với mong muốn cung cấp ngày càng nhiều tài liệu cho các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học và đông đảo trí thức Việt Nam để họ có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu về Ấn Độ trên nhiều bình diện, đồng thời hướng tới kỷ niệm một năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúng tôi tổ chức dịch, xuất bản ấn phẩm đầu tiên của TỦ SÁCH NGƯỜI ĐƯA TIN ẤN ĐỘ có tựa đề “Ấn Độ trong thế giới đương đại: Chính trị, Kinh tế và Quan hệ quốc tế”. Trân trọng giới thiệu cuốn sách và mong nhận được ý kiến góp ý, phê bình của bạn đọc.

(CIS)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục