Giới thiệu sách "Đặc trưng thi pháp nhân vật trong sử thi Ramayana"
Sử thi Ramayana của Valmiki là một kiệt tác văn chương có sự ảnh hưởng sâu, rộng, lâu bền hiếm thấy trong đời sống văn hóa thế giới. Ngày nay, trong thế giới hiện đại, Ramayana vẫn tiếp tục tồn tại sinh động không chỉ trong đời sống văn hóa Ấn Độ mà còn trong cả một khu vực rộng lớn1 dù tác phẩm ra đời cách đây đã khoảng hơn hai nghìn năm. Tác phẩm văn học đem lại nhận thức hay bài học giáo dục trước hết là qua những giá trị nghệ thuật mà nhân vật thực sự là trung tâm của thi pháp tự sự nói chung và của sử thi nói riêng. Vì vậy yếu tố quyết định hơn cả với sức thanh xuân bất tận của Ramayana vẫn là vẻ đẹp của hệ thống hình tượng nhân vật.
Giới thiệu sách
Đặc trưng thi pháp nhân vật trong sử thi Ramayana
Nhan đề: Đặc trưng thi pháp nhân vật trong Sử thi Ramayana
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Liên
Nhà xuất bản:Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2014, 239 trang.
Sử thi Ramayana của Valmiki là một kiệt tác văn chương có sự ảnh hưởng sâu, rộng, lâu bền hiếm thấy trong đời sống văn hóa thế giới. Ngày nay, trong thế giới hiện đại, Ramayana vẫn tiếp tục tồn tại sinh động không chỉ trong đời sống văn hóa Ấn Độ mà còn trong cả một khu vực rộng lớn1 dù tác phẩm ra đời cách đây đã khoảng hơn hai nghìn năm.
Có thể lấy nhiều đặc điểm của Ramayana để lý giải hiện tượng trên:
Tầm khái quát vĩ đại: Ramayana không đồ sộ bằng sử thi Mahabharata (gồm 110.000 câu thơ đôi - sloka, gấp hơn bảy lần sử thi Iliat và Ôđixê cộng lại, gấp mười lăm lần Kinh Thánh) nhưng nó cũng không kém phần đồ sộ với 24.000 sloka. Dung lượng lớn như vậy nên tuy không phong phú bằng Mahabharata song Ramayana cũng ôm trọn trong nó cả nền văn hóa Ấn Độ cổ đại vốn rất đa dạng, thâm trầm.
Kết cấu chặt chẽ: Mahabharata trở nên quá hùng vĩ đến mức được so sánh với dãy Himalaya là do có sự bổ sung vào câu chuyện chính vô số đối thoại triết học, truyện kể nhiều khi không liên quan đến cốt truyện. Hành động đó đã khiến sử thi này lâm vào tình trạng mà nhiều nhà nghiên cứu cho là thiếu tập trung, đôi khi gây ấn tượng rườm rà. Ramayana trái lại, cốt truyện rất thống nhất, chặt chẽ. Phong cách cũng khá nhất quán. Toàn bộ sử thi xoay quanh những kỳ tích của người anh hùng Rama - đúng như tên gọi của nó - Ramayana (Những kỳ tích của hoàng tử Rama). Sử thi vì thế trở nên dễ đọc, dễ nhớ.
Chất “triết lý trường cửu”: Ramayana có thể gọi là một quyển sách “triết lý trường cửu” theo cái nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Ở Ấn Độ, người ta coi đó là thánh kinh cần đọc tụng hàng ngày để bồi bổ tâm hồn như các tín đồ Thiên Chúa cần phải đọc Gương Chúa cứu thế (The Imitation of Christ) hay Đời sống các Thánh (The Lives of Saints). Họ tin với một niềm tin thiêng liêng rằng: “Chừng nào sông chưa cạn, núi chưa mòn thì Ramayana còn làm say lòng người và cứu giúp họ ra khỏi vòng tội lỗi”.
Tuy nhiên, tác phẩm văn học đem lại nhận thức hay bài học giáo dục trước hết là qua những giá trị nghệ thuật mà nhân vật thực sự là trung tâm của thi pháp tự sự nói chung và của sử thi nói riêng. Vì vậy yếu tố quyết định hơn cả với sức thanh xuân bất tận của Ramayana vẫn là vẻ đẹp của hệ thống hình tượng nhân vật.
Song cho đến nay, Ramayana nói chung và nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật của nó vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện. Các nhà nghiên cứu đề cập đến phương diện này, phương diện khác của hình tượng nhân vật nhưng chưa thực sự trọn vẹn. Qua chuyên luận, người viết hy vọng đóng góp một cái nhìn toàn diện hơn về đặc trưng thi pháp nhân vật của sử thi độc đáo này.
Văn hóa, văn học vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa, văn học Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy sự tác động của mỗi nước khác nhau (văn hóa Ấn Độ dường như không hiện diện nhiều trên bề mặt như văn hóa Trung Quốc mà chủ yếu chi phối đến đời sống tâm linh sâu thẳm của người Việt) nhưng vấn đề đầu tư tìm hiểu song song cả hai nền văn hóa, văn học vĩ đại này cần được coi trọng như nhau. Tuy nhiên trong thực tế, trong khi văn hóa, văn học Trung Quốc đã được các học giả Việt Nam nghiên cứu từ rất lâu và có những hiểu biết sâu sắc thì văn hóa, đặc biệt là văn học Ấn Độ nhìn chung còn khá huyền bí đối với đa số người Việt Nam. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi mong muốn cung cấp thêm sự hiểu biết về văn học, văn hóa Ấn Độ thông qua một chuyên luận tìm hiểu về sử thi Ramayana, tác phẩm được coi như diện mạo của nền văn hóa, văn học Ấn Độ.
Những hình tượng nhân vật trong Ramayana là biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, tinh thần khoan dung hiền hòa của người Ấn Độ. Đó là những con người hết mực vị tha. Chữ tha theo cách hiểu của người Ấn Độ không chỉ bó hẹp trong phạm vi con người (tha nhân) mà còn mở rộng ra với thiên nhiên vạn vật xung quanh. Đạo sống khoan dung, hòa hợp với vạn hữu của các nhân vật trong Ramayana thật có ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập giữa các nước trên thế giới và khi thiên nhiên môi trường trên trái đất đang bị hủy hoại một cách nghiêm trọng. Qua chuyên luận, chúng tôi mong muốn chuyển đến độc giả nhất là độc giả trẻ tuổi thông điệp sống hoà hợp với vạn hữu mà tác giả sử thi thể hiện trong tác phẩm.
Ramayana được giới thiệu trước đây khá lâu (từ những năm 70 của thế kỷ XX) ở các trường Đại học của Việt Nam. Người có công đưa văn học Ấn Độ nói chung và Ramayana vào chương trình văn học ở Đại học là PGS Lưu Đức Trung (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Gần chục năm nay, sử thi này được trích giảng ở phổ thông trung học, chương trình Văn 10. Bộ sách do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn chọn chương Hồ Pampa, sách do Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội soạn chọn chương Rama buộc tội. Cả hai chương theo chúng tôi đều thể hiện được những giá trị độc đáo về nghệ thuật và chuyển tải những thông điệp vừa uyên áo2 vừa dung dị đúng với tinh thần sử thi Ấn Độ. Khi tiếp cận hai chương này, muốn hiểu đoạn trích cần phải phân tích hình tượng nhân vật, kể cả chương Hồ Pampa là chương miêu tả nhiều về thiên nhiên.
Trong thực tế, tài liệu tham khảo về văn học Ấn Độ và sử thi Ấn Độ hiện nay còn rất thiếu nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Hơn nữa, ý kiến về hình tượng nhân vật và thi pháp nhân vật trong sử thi nhất là trong chương Rama buộc tội còn chưa thống nhất. Vì vậy, chúng tôi mong muốn góp thêm một ý kiến về hình tượng nhân vật này, cung cấp thêm tài liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy sử thi ở trường phổ thông.
Sử thi cổ điển là thể loại đã “hoàn tất” (M.Bakhtin). Từ lâu nó đã được coi là một bảo vật trong kho tàng thể loại văn học. Song lý luận về thể loại sử thi chưa hẳn đã định hình một cách hoàn hảo. Bởi vì để xây dựng những khuôn mẫu sử cho thể loại sử thi, các nhà lý luận trước đây mới chỉ chủ yếu dựa vào các sử thi phương Tây chứ chưa thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng thi pháp của sử thi phương Đông. Trong thực tế, chừng nào chưa bao quát hết các vấn đề của phương Đông thì chừng đó, lý luận còn chưa hoàn chỉnh. Chọn đề tài này cho chuyên luận, chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện thêm những đặc thù của thể loại sử thi ở phương diện nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật - một phương diện trung tâm của thi pháp tự sự nói chung và thi pháp sử thi nói riêng. Từ đó có thể linh hoạt hóa phần nào những quy phạm tưởng chừng đã đông cứng của thể loại sử thi.
Tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một chỉnh thể hoàn chỉnh, có sự gắn bó hữu cơ giữa nội dung và hình thức, nói như Hêghen, “nội dung chẳng qua là hình thức chuyển hóa vào nội dung”. Vì vậy, thông qua việc tìm hiểu nghệ thuật tạo dựng hình tượng nhân vật, chuyên luận có thể khám phá nội dung của Ramayana, trong đó đặc biệt lưu ý đến quan niệm của người Ấn Độ thời cổ về người anh hùng cũng như quan niệm sống của tác giả bởi vì “văn học là nhân học” (M.Gorki), tác phẩm văn học bao giờ cũng thể hiện nhân sinh quan của tác giả và thời đại nó ra đời.
Hai tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ là Hindu giáo và Phật giáo. Trong khi Phật giáo có môn đệ ở khắp nơi trên thế giới thì tín đồ Hindu giáo hầu như không có ngoài biên giới, trừ cộng đồng người Ấn Độ ở hải ngoại. Vì thế, với người Việt Nam nói chung, giáo lý của Phật giáo không còn xa lạ song những nguyên lý, tư tưởng của đạo Hindu nhìn chung còn khá mới mẻ. Qua việc nghiên cứu những hình tượng nhân vật trong Ramayana, những nhân vật có thể coi là phát ngôn bằng hình tượng của giáo lý Hindu, ta có thể có điều kiện tiếp xúc, thấu hiểu hơn tôn giáo lớn nhất, cổ xưa nhất của người Ấn Độ.
Đặt vấn đề tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật nhưng chuyên luận không thể bao hàm hết mọi nhân vật trong tác phẩm. Chúng tôi đi đến kết luận thông qua việc phân tích một số nhân vật chính, đóng vai trò chủ đạo, tạo nên nét đặc thù cho nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trong sử thi như bộ ba nhân vật Rama-Xita-Ravana, Hanuman, Lakmana, Bharata, Kekêyi, Xugriva, Vali và một số nhân vật khác.
Về văn bản, chúng tôi căn cứ trên bản dịch gồm ba tập Ramayana do Phạm Thủy Ba dịch, giáo sư Phan Ngọc giới thiệu, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1988. Ngoài ra trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thường xuyên so sánh với Iliat và Ôđixê, Mahabharata. Văn bản Iliat, Ôđixê mà chúng tôi chọn là bản dịch của Phan Thị Miến, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1997. Văn bản Mahabharata chúng tôi chọn là bản dịch của Cao Huy Đỉnh, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1978.
Chuyên luận đặt ra mục đích là xác định những đặc trưng thi pháp nhân vật trong sử thi Ramayana. Từ đó bình luận sự đóng góp của thi pháp nhân vật vào việc thể hiện tư tưởng uyên áo của sử thi nói riêng cũng như giá trị chung của toàn thiên anh hùng ca đồ sộ vào bậc nhất trong kho tàng sử thi thế giới. Ngoài ra chuyên luận còn hướng tới mục đích chỉ ra những nét độc đáo của Ấn Độ, những nét phương Đông trong nội dung tư tưởng và bút pháp văn chương, nhất là trong hệ thống hình tượng nhân vật của sử thi Ramayana so với sử thi Hy Lạp bên cạnh những quy tắc loại hình.
Từ khóa: Văn học nước ngoài, Văn học Ấn Độ, Sử thi Ramayana.
Địa chỉ lưu trữ tài liệu: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 135, Nguyễn Phong Sắc, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 0912139908. Email: indiancentrevietnam@gmail.com
1. Ở Ấn Độ, hầu như mỗi phương ngữ lại có một bản Ramayana riêng. Cho đến nay, những người dân quê vẫn dám bỏ ra một phần lớn tài sản nhỏ bé của mình để trả cho những người nghệ sĩ mỗi đêm đọc tụng và bình giải anh hùng ca cho họ nghe, kéo dài từ ba đến sáu tháng liền. Hàng năm, đất nước này vẫn tổ chức những cái tết gọi là Tết sử thi một cách rộng rãi bao gồm lễ hội Dussehra (kéo dài 10 ngày liền vào khoảng tháng 9,10 để kỷ niệm ngày Rama chiến thắng Ravana) và tết Dipawali (để soi đường cho Rama đưa Xita trở về quê hương sau 14 năm lưu đày).
Ở Đông Nam Á, Ramayana thâm nhập vào nền văn học của hàng chục nước và tìm được Tổ quốc mới của mình. Mỗi nước lại có bản Ramayana riêng như Ramakien ở Thái Lan, Sêri Rama ở Inđônêxia, Rama ở Miến Điện, Riêm kê ở Campuchia, Phralak Phralam và Xỉn xay ở Lào, Ramayana của dân tộc Chàm (Việt Nam), Dạ Thoa Vương ở Việt Nam, Alim ở Philippin, Sêri Rama ở Malaisia... Các nhà biên kịch vẫn dựa vào Ramayana để xây dựng những vở diễn cho sân khấu hiện đại như vở chèo Nàng Xita của Lưu Quang Vũ, ca kịch Hoàng tử Rama và công chúa Xita của đoàn Ca kịch Khu 5, những vở rối bóng ở Campuchia...
2. Đây là một từ cổ (thuật ngữ cổ) trong Ấn Độ giáo.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024