Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách dịch "Chiến tranh giải phóng Việt Nam: Vai trò của Calcutta"

Giới thiệu sách dịch "Chiến tranh giải phóng Việt Nam: Vai trò của Calcutta"

01:22 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Buổi chiều mùa đông tháng 12 năm 2014, trời lạnh, một cụ già dáng tiên phong đạo cốt đến thăm tôi tại phòng làm việc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng đi với cụ là hai người phụ nữ mà khi cùng ngồi trao đổi cụ mới giới thiệu, người có dáng hình đậm đà, đôn hậu là Kusum Jain, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Bengal, người dáng cao da sẫm là Pravarayee Samantary, cán bộ nghiên cứu của ủy ban mà cụ là Chủ tịch. Cụ và mọi người bước vào phòng, tự nhiên, cởi mở, thân mật như người nhà. Cụ mở túi lục tìm gì đó nên tôi và mọi người cùng đứng chờ. Một lát, lôi trong túi ra một tấm khăn dài, vải vàng, hai viền khăn thêu riềm xanh đỏ. Cụ nói: "Đây là khăn thêu tay, sản phẩm đan thêu mỹ thuật của những người con gái Ấn Độ, tôi "xách tay" từ xứ sở có nền văn minh cổ đại nhất của nhân loại đến tặng ông, vì biết ông là người đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và làm Giám đốc nên tôi cảm thấy ấm lòng". Nói rồi, cụ quàng khăn vào cổ tôi. Tôi thuận tay theo thói quen thắt khăn chặt trên cổ. Cụ bảo: "Cách quàng khăn của người Ấn Độ không như thế, cần làm cho khăn vắt vòng thoải mái trên cổ, vừa lỏng mà chặt". Cụ chỉnh lại khăn cho tôi, mọi người cùng cười, căn phòng thêm nồng ấm. Tôi thoáng nghĩ, trong câu nói và cử chỉ của cụ đã hàm chứa triết lý sâu xa của một dân tộc lớn có bề dày lịch sử, là một trong bốn cái nôi của nền văn minh nhân loại. Khi ngồi trò chuyện, cụ giới thiệu hồn nhiên và thân mật quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Bengal; những hoạt động ủng hộ Việt Nam của phong trào sinh viên Ấn Độ lan tỏa trong nhân dân Ấn Độ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Cụ bày tỏ tình yêu nồng thắm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đất nước và con người Việt Nam.

Được tiếp chuyện với cụ Geetesh Sharma, tôi mường tượng ra sợi dây liên kết giữa hai nền văn hóa Việt - Ấn. Việt Nam - Ấn Độ vốn có quan hệ lịch sử, văn minh từ nhiều thế kỷ trước, và quan hệ ấy bền chặt, trường tồn cùng năm tháng. Có nhiều chứng cứ hiện hữu cho thấy Phật giáo được tôn trọng, lưu truyền và thực hành ở cả hai nước. Những di chỉ Ấn giáo như những tòa tháp Chăm kỳ lạ ở Mỹ Sơn, Nha Trang, Phú Yên, nhiều dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể có nguồn gốc từ Ấn Độ đang hiện hữu, song hành trong đòi sống người Việt cổ ở nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam đã thầm lặng viết lên những câu chuyện hấp dẫn về mối quan hệ Việt - Ấn vốn có từ cổ xưa trong lịch sử.

Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử và xã hội Việt Nam và Ấn Độ có bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, nhưng suốt chiều dài lịch sử, điều khiến cho mối bang giao giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ khác với các mối quan hệ với nhiều nước khác trên thế giới rằng, mối bang giao giữa hai nước hoàn toàn hữu hảo, thông qua thương mại, văn hóa, tôn giáo và triết lý về sự chung sống hòa bình và phi bạo lực, chưa bao giờ có mâu thuẫn, luôn "trong sáng như bầu trời không một gợn mây" - (Phạm Văn Đồng). Đây là đặc trưng quan trọng nhất trong các mối giao lưu lâu đời của hai dân tộc. Chính nhờ nền tảng vững chắc dựa trên hòa bình mà quan hệ giữa hai nước được không ngừng bồi đắp qua các thời kỳ hiện đại và ngày càng bền vững.

Bước vào thế ký XXI, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ càng phát triển thực chất hơn trên nhiều lĩnh vực. Hai bên liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ. Về phía Ấn Độ, cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng đều đến thăm Việt Nam. Đặc biệt là năm 2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến thăm Việt Nam và trực tiếp cùng Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. Những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước không chỉ tạo nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.

Cùng với ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân cũng được đẩy mạnh, phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhiều tổ chức mà điển hình là hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Bengal. Đơn cử, trong thời gian gần đây, dưới sự lãnh đạo của cụ Geetesh Sharma, nhiều hoạt động vì Việt Nam của ủy ban đã được tổ chức như: hoạt động Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức triển lãm sách, ảnh hoạt động của Bác Hồ tại Ấn Độ; trùng tu, nâng cấp khu tưởng niệm Hồ Chí Minh với bức tượng bán thân Hồ Chí Minh được đặt trang trọng tại khu phố ở Calcutta - Ấn Độ; đặt tên đường mang tên Hồ Chí Minh tại New Delhi và phố mang tên Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh Sarari) tại Calcutta; nghiên cứu biên soạn nhiều sách về Việt Nam và quan hệ Việt Nam - An Độ như: Các mối quan hệ Ấn - Việt: Thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ XXI, Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, Các nhà thơ thế giới viết về Hồ Chí Minh ở Ấn Độ. Năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức ba Hội thảo khoa học quốc tế về hợp tác phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nhiều bình diện, tuy đã hơn 80 tuổi, nhưng cụ Sharma đều nhiệt tình viết bài tham luận và bay đến Việt Nam tham gia Hội thảo.

Gần đây, cụ Geetesh Sharma cùng các vị lãnh đạo trong ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Bengal lại đếnTrung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thăm chúng tôi. Trong câu chuyện thân tình, chúng tôi bàn nhiều về tương lai tươi sáng trong quan hệ giữa hai nước; về lĩnh vực ngoại giao nhân dân, trách nhiệm dân sự trong bang giao; về văn hóa, giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ mai sau. Chúng tôi đều nhận thức rằng, trong khi chúng ta tự hào về mối liên hệ cổ kim và hoài cổ về tình hữu nghị được những người Cha khai sinh ra nền độc lập của Việt Nam và Ấn Độ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng - thì tương lai của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lại dựa vào giới trẻ của hai nước. Bởi vậy, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ là trách nhiệm của chúng ta.

Tự tin và nồng hậu, cụ trao cho tôi tác phẩm Chiến tranh giải phóng Việt Nam: Vai trò của Calcutta do cụ biên soạn, mới được phát hành ở Ấn Độ. Cụ viết ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên dịch và tạo mọi điều kiện cho cuốn sách được phát hành ở Việt Nam để người Việt Nam hiểu vì sao hai tiếng VIỆT NAM lại rất đỗi thân thuộc ở Ấn Độ, đặc biệt là vùng Tây Bengal, nơi mà dân chúng từng nhiều lần tự đồng nhất mình với Việt Nam trong một khẩu hiệu phổ biến: "Tên của bạn là Việt Nam, tên của tôi là Việt Nam!" (Tomar naam Vietnam, Amar naam Vietnam).

Tôi nghĩ, việc xuất bản cuốn sách này như là một việc làm nhỏ, một sự nỗ lực kết nối cái "tôi" với cái "chúng tôi", một nỗ lực gia tăng sự kết nối tình cảm giữa hai dân tộc, tình hữu nghị giữa hai nước. Và việc xuất bản cuốn sách này cũng là dịp để nhiều người Việt Nam hiểu rõ thêm tình cảm của người dân Ấn Độ đối với Việt Nam, đặc biệt là tình yêu vô tư, nồng nàn, nhiệt tâm dâng hiến của cụ Sharma đối với Việt Nam. Không biết rằng, trên thế giới này có bao nhiêu người nước ngoài yêu say đắm, vô tư Việt Nam như cụ. Ngồi nghe cụ nói về Việt Nam, về Hồ Chí Minh say mê và đầy hứng khởi, tôi đã nhiều lần rơi nước mắt và nhiều khi chập chờn trong giấc ngủ, tôi vẫn mường tượng ra cụ Sharma - một con người:

"Tiên phong ẩn đạo cốt,

Đi khắp cùng thế gian.

Vô tư như sông biển,

Yêu nồng nàn Việt Nam".

Chân thành cảm ơn cụ Geetesh Sharma - nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động chính trị - xã hội; cảm ơn Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về duyên hội ngộ - những tạo tác cho việc ra đời cuốn sách này ở Việt Nam.

Hân hạnh giới thiệu với bạn đọc cuốn sách quý giá này.

  Hà Nội, ngày 2 tháng 8 năm 2016

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Lê Văn Toan

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục