Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách dịch "Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong quan hệ với các nước láng giềng"

Giới thiệu sách dịch "Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong quan hệ với các nước láng giềng"

Đây là một trong hơn 100 cuốn sách Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee trao tặng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong dịp đến thăm Học viện và cùng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ngày 15.9.2015. Nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúng tôi lựa chọn dịch và xuất bản cuốn sách này như một lời tri ân nguyên thủ hai nước đến thăm Học viện và khai trương Trung tâm.

01:44 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nội dung cuốn sách gồm hai phần lớn:

Phần 1: Chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ở phần này, tác giả tập trung phân tích tổng quan chính sách đối ngoại của Ấn Độ trên các bình diện: những thách thức, những mối lo ngại về an ninh quốc gia, những vận động ứng viên vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong giai đoạn này nằm trong bối cảnh lịch sử thế giới sau Chiến tranh Lạnh với những biểu hiện phức tạp: sự biến đổi nhanh chóng của cục diện chính trị toàn câu; sự dịch chuyển thế cân bằng quyền lực; sự phát triển kinh tế cũng như sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ; những biến đổi về chính trị ở Ấn Độ. Đặc biệt, sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, Ấn Độ mất đi những thế mạnh và những lựa chọn mang tính chiến lược trên trường quốc tế, bởi thế, làm thế nào để có được thế cân bằng quyền lực mới, để có được sự đa dạng hóa kinh tế, làm sao để có được các mối quan hệ kinh tế và chính trị, tìm kiếm được quan hệ với các trung tâm quyền lực mới nổi trên thế giới, v.v. là những vấn đề rất nan giải rất cần được tháo gỡ. Hơn nữa, việc khu vực Trung Á thuộc Liên bang Xô Viết trở thành những nước cộng hòa Trung Á độc lập, việc chế độ dân chủ ở Nam Phi trỗi dậy kết thức chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, việc phải đối mặt với tầm ảnh hưởng ngày càng cao của những nhòm các nước trong cùng khu vực mới thành lập như ASEAN, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ - Mỹ và Ấn Độ với các nước láng giềng, v.v. đều là những thách thức gay gắt đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Phần 2: Các nước láng giềng của Ấn Độ. Phân tích, luận giải các nhân tố chính trị trong nước của Pakistan tác động đến chính sách của Ấn Độ; mối quan hệ Ấn Độ - Bangladesh; quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc; cuộc khủng hoảng Sri Lanka và thế khó cho Ấn Độ; quan hệ Ấn Độ - Nepal; quan hệ Ấn Độ - Myanmar và các diễn biến khu vực ASEAN cũng như tác động của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á với Ấn Độ.

Những bài nghiên cứu cụ thể về từng lĩnh vực trong cuốn sách này đưa ra những đánh giá và phân tích ngay tại thời điểm diễn ra các sự kiện và các diễn biến xuất hiện. Từ đó giúp độc giả đánh giá những diễn biến, sự kiện này đúng hay sai trên quan điểm lịch sử. Toàn bộ nội dung của cuốn sách có thể gợi mở cho các nhà nghiên cứu hình dung một chính sách ngoại giao của Ấn Độ đương thời có thể dựa trên những cơ sở lập luận sau:

  • Chính sách đối ngoại của Ấn Độ vốn bị ảnh hưởng bởi quan niệm “không liên kết” nên không sẵn lòng đương đầu với những nước lớn.
  • Chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ truyền thống đến hiện đại luôn bắt đầu từ những đường biên giới quốc gia. Nếu Ấn Độ không giành được ưu thế trong tiểu lục địa Nam Á thì khó tạo được ấn tượng với thế giới.
  • Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong hơn một thập niên Thủ tướng Mammohan Singh cầm quyền đã có tầm nhìn rõ ràng về sự liên kết của Ấn Độ với các nước láng giềng, song ông không thể vượt qua những kháng cự chính trị trong nội bộ Đảng Quốc đại để có thể ký kết bất kỳ hiệp định quan trọng nào có tính đột phá với các nước lớn, đặc biệt là với các nước láng giềng.

Việt Nam và Ấn Độ vốn có tình hữu nghị truyền thống đặc biệt, được khẳng định qua chiều dài lịch sử quan hệ giữa hai nước từ ngàn xưa qua giao lưu văn hóa. Mối quan hệ gần gũi, thân thuộc giữa hai nước bắt đầu từ khi hai lãnh tụ đồng thời là hai nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đặt nền móng vững chắc và được thế hệ lãnh đạo hai nước kế thừa và phát triển lên tầm cao mới. Ngày nay, triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, năng lượng, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, an ninh quốc phòng, v.v. luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước tìm nhiều cách thúc đẩy, phát triển đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Để tăng cường hợp tác, tất yếu phải hiểu về nhau và để hiểu nhau, tất yếu phải qua nhiều kênh hợp tác, trong đó nguồn thông tin, tài liệu chính thống, nhất là những tài liệu nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng. Với tinh thần đó và với tinh thần triển khai những hoạt động thiết thực kỷ niệm tròn một năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúng tôi tổ chức dịch, xuất bản ấn phẩm thứ hai của Tủ sách NGƯỜI ĐƯA TIN ẤN ĐỘ có tựa đề Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong quan hệ với các nước láng giềng.

Ban Biên soạn Tủ sách trân trọng giới thiệu ấn phẩm và rất mong bạn đọc gần xa góp ý để tái bản lần sau được hoàn thiện hơn.

Tủ sách NGƯỜI ĐƯA TIN ẤN ĐỘ

Nguồn:

Cùng chuyên mục