Giới thiệu sách: Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ
Cuốn sách do tác giả Lê Thị Hằng Nga chủ biên; xuất bản năm 2022; dày 472 trang.
Lý thuyết về dân chủ cho rằng sự nghèo đói, thất học và phân tầng xã hội sâu sắc là những điều kiện không thuận lợi cho nền dân chủ hoạt động. Thế nhưng, nền dân chủ đa đảng của Ấn Độ cùng với một hệ thống chính trị tam quyền phân lập vẫn tồn tại và phát triển bền bỉ trong suốt hơn 70 năm qua bất chấp tình trạng nghèo đói, mù chữ, cùng với sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc. Chính vì vậy, nền dân chủ Ấn Độ không chỉ được coi là một nền dân chủ lớn nhất mà con được coi là nền dân chủ phức tạp nhất trên thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ đã có sự gắn kết từ trong lích sử cổ đại. Mối quan hệ ngoại giao được chính thức thiết lập vào năm 1972, trong nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững trên mọi lĩnh vực và ngày càng phát triển tốt đẹp. Quan hệ song phương đã được nâng lên mức cao nhất trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, đó là quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện (tháng 9/2016). Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển đã phát triển không ngừng, tuy nhiên sự hiểu biết của Việt Nam về Ấn Độ vẫn còn những hạn chế, gây cản trở sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên. Để có cái nhìn toàn diện về hệ thống chính trị nước Cộng Hòa Ấn Độ, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ” do Lê Thị Hằng Nga làm chủ biên. Cuốn sách là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viên Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á là đơn vị chủ trì.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1. Giới thiệu Hiến pháp Ấn Độ
Trong chương này, nhóm tác giả tập trung giới thiệu Hiến pháp Ấn Độ, với bốn nội dung chủ yếu sau: (i) Bối cảnh hình thành Hiến pháp Ấn Độ; (ii) Quá trình soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ; (iii) Những đặc điểm cơ bản của Hiến pháp Ấn Độ; (iv) Những sửa đổi Hiến pháp quan trọng từ năm 1950 đến nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng, Hiến pháp Ấn Độ là pháp luật tối cao của nước Cộng hòa Ấn Độ, đó được coi là bản Hiến pháp dài nhất thế giới. B.R Ambedkar là Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo và được coi là cha đẻ của Hiến pháp Ấn Độ. Hiến pháp Ấn Độ được Hội đồng Lập hiến Ấn Độ thông qua ngày 26/11/1949 và có hiệu lực từ ngày 26/11/1950, thay thế cho Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935. Từ đó, ngày 26/11 trở thành ngày Hiến pháp Ấn Độ và ngày 26/01 là ngày Cộng hòa Ấn Độ. Hiến pháp Ấn Độ tuyên bố Ấn Độ là một nước Cộng hòa Dân chủ, Xã hội chủ nghĩa, Thế tục”, đảm bảo cho công dân Ấn Độ công lý, bình đẳng và tự do.
Chương 2. Cơ cấu, chức năng của hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ
Chương này, nhóm tác giả đi sâu tìm hiểu cơ cấu, chức năng của hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ bao gồm: Cơ quan Lập pháp; cơ quan Hành pháp; Cơ quan Tư pháp; Chế độ Liên bang Ấn Dộ; Chính quyền tự trị địa phương. Nghiên cứu cho thấy, Ấn Độ là một nước Cộng hòa Dân chủ Nghị viện Liên bang, trong đó quyền lực được phân chia giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở cấp liên bang và cấp bang. Các cơ quan này tồn tại song song và kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Theo mô hình này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia, trong đó: Cơ quan lập pháp bao gồm Tổng thống và Quốc hội; Cơ quan Hành pháp bao gồm Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng; Cơ quan Tư pháp bao gồm Tòa án Tối cao, Tòa án cấp Bang, Tòa án cấp Quận/Huyện. Ở cấp địa phương, Hiến pháp Ấn Độ có quy định về hệ thống chính quyền địa phương, bao gồm các Hội đồng làng xã (Panchayats) và Hội đồng thành phố (Municipalities). Các tác giả khẳng định, trong một đất nước với hai phần ba diện tích là nông thôn, sự tồn tại của hệ thống chính quyền tự quản địa phương là yếu tố quan trọng giúp duy trì và bảo vệ nền dân chủ ở Ấn Độ. Hệ thống phân cấp chính quyền địa phương này chính là hạt nhân của nền dân chủ Ấn Độ, biến Ấn Độ thành một nước có nền dân chủ đại diện nhất thế giới. Có thể coi mỗi làng xã Ấn Độ như một nền dân chủ thu nhỏ, nơi mỗi người dân có thể có tiếng nói và vai trò nhất định…
Chương 3. Hệ thống Đảng Chính trị và các lực lượng chính trị xã hội Ấn Độ
Bằng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu khẳng định “Đảng chính trị” và “các lực lượng chính trị - xã hội dân sự” là hai thành tố có mối quan hệ hữu cơ trong nền chính trị Ấn Độ. Một mặt, trong khi “các đảng chính trị” là thành tố quyết định, cấu thành nên Chính phủ Ấn Độ dân chủ thì các lực lượng chính trị - xã hội dân sự là minh chứng sinh động cho các giá trị dân chủ. Hệ thống bầu cử Ấn Độ là một trong những thiết chế quan trọng giúp xây dựng và duy trì nền dân chủ Ấn Độ, được xây dựng nhằm đạt hai giá trị phổ quát của bầu cử trên thế giới là “tự do” và “công bằng”. Nó góp phần phát huy dân chủ ngày càng mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhân dân Ấn Độ thực hiện chủ quyền của mình một cách hiệu quả hơn. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử Ấn Độ, hệ thống bầu cử quốc gia này được tổ chức một cách chặt chẽ và bài bản, với yêu cầu về sự an toàn và công bằng được đặt lên cao nhất. Sự tồn tại của Đảng Chính trị và các lực lượng chính trị - xã hội dân sự là yếu tố quyết định của thế chế chính trị dân chủ liên bang Ấn Độ, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền của tất cả mọi người dân ở mọi đẳng cấp trong xã hội được có tiếng nói và trên hết là góp phần xây dựng một hệ thống chính trị “thống nhất”. Là hai lực lượng chính trị được Hiến pháp Ấn Độ công nhận, hai lực lượng này có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của chính quyền liên bang và nền Cộng hòa dân chủ Ấn Độ thông qua việc đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân để thực hiện cải cách chính trị và xã hội đất nước theo hướng tiến bộ hơn.
Chương 4. Một số nhận xét về hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ
Trên cơ sở phân tích đặc điểm của Hệ thống chính trị nước Cộng hòa Ấn Độ, nhóm tác giả chỉ ra một số hạn chế của hệ thống và đề xuất một số hàm ý cho Việt Nam: Thứ nhất, coi trọng đặc biệt đối với Hiến pháp; Thứ hai, nhân mạnh đến tính phù hợp của thể chế chính trị đối với đặc thù văn hóa xã hội đất nước; Thứ ba, nền chính trị không tách rời với truyền thống văn hóa của đất nước; Thứ tư, hệ thống chính trị Ấn Độ có tính chất dân chủ, chủ nghĩa xã hội; Thứ năm, Ấn Độ được cho là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm “thực hành dân chủ” ở Ấn Độ, trước hết bằng việc đổi mới hệ thống bầu cử của mình. Việc sử dụng các máy bầu cử điện tử để đảm bảo sự tức thời, công khai và minh bạch là một kinh nghiệm tuyệt vời mà chúng ta có thể học hỏi được từ Ấn Độ. Hơn nữa, khi tổ chức các cuộc bầu cử, cần thúc đẩy nhiều hơn hoạt động ứng cử và vận động tranh cử. Việt Nam cũng nên xây dựng mô hình tương tự Ủy ban Bầu cử của Ấn Độ, Ủy ban này cần hoạt động độc lập một cách tương đối và không chịu sự kiểm soát của bộ máy chính quyền.
Cuối cùng, nghiên cứu khẳng định, sự tồn tại bền vững của nền dân chủ Ấn Độ hơn 70 năm qua ở một đất nước với khoảng hơn 800 triệu người bị cho là nghèo đói là một điều tuyệt vời. Tuy nhiên, nền dân chủ này không phải không trải qua những thách thức, đổ vỡ. Tình trạng khẩn cấp ở Ấn Độ những năm 1975 – 1977 là minh chứng cho sự thất bại tạm thời của nền dân chủ, nhưng cũng chính thông qua khủng hoảng đó mà nền dân chủ Ấn Độ trở nên chín chắn và trưởng thành hơn.
Đúng như TS. Tôn Sinh Thành, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ nhận xét, cuốn sách là một nỗ lực nghiên cứu cơ bản một cách nghiêm túc, khách quan về một đối tác quan trọng của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hy vọng với những nội dung của cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu của độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024