Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách: Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ

Giới thiệu sách: Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ

01:09 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Châu Á là lục địa lớn nhất trên thế giới, là chiếc nôi văn minh của nhân loại cổ đại, nhưng trong lịch sử thế giới cận đại, châu Á được nhắc tới như vùng đất của những quốc gia phong kiến, nửa thuộc địa. Cho tới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều quốc gia ở châu Á lần lượt giành được độc lập, thoát khỏi thân phận nô lệ, thuộc địa, đi theo những con đường chính trị khác nhau, hình thành cục diện mới trong chính trường quốc tế.

Trong và sau Chiến tranh Lạnh, các nước trong khu vực châu Á như những củ khoai tây trong bao tải khoai tây. Tuy hưởng ứng Phong trào Không liên kết với tuyên bố Bandung năm 1955, nhưng hợp tác khu vực châu Á dường như vẫn dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài. Cùng với xu thế phát triển của quan hệ quốc tế nói chung cũng như xu thế “hội nhập” của thời đại, những tổ chức hợp tác, hiệp hội quốc tế lần lượt ra đời ở châu Á. Cho tới nay, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được đánh giá là tổ chức hợp tác quốc tế thành công nhất tại châu Á với những đóng góp cụ thể, thiết thực trong việc kết nối các nước Đông Nam Á thành Cộng đồng ASEAN hướng tới một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh vào năm 2015. Hợp tác khu vực châu Á ngày càng được mở rộng với ASEAN+3 (APT), rồi tới EAS; cùng với sự tham gia ngày càng tích cực của Ấn Độ qua Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), hợp tác khu vực châu Á ngày càng đi vào thực chất, rộng mở ở mọi lĩnh vực.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin có hệ thống về lịch sử, hiện trạng của cục diện hợp tác khu vực châu Á, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Hợp tác khu vực châu Á: Nhân tố ASEAN và Ấn Độ. Cuốn sách nghiên cứu một cách tổng thể và liên tục đối với tất cả các mặt kinh tế, chính trị, an ninh và bản sắc văn hóa... của hợp tác giữa ASEAN với khu vực Đông Á nói riêng và khu vực châu Á nói chung nhằm tìm ra bản chất và xu hướng chính của tiến trình này. Từ những thay đổi của kỳ vọng và nguồn lực dành cho hợp tác sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc hợp tác. Thay đổi kỳ vọng của ASEAN, các quốc gia Đông Á và châu Á về lợi ích kinh tế, tập hợp lực lượng chính trị và bản sắc văn hóa chung sẽ khiến hợp tác khu vực châu Á ngày càng mở rộng và đa dạng, hiệu quả hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục