Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách Tình yêu và Tư bản: Karl và Jenny Marx và sự ra đời của Cách Mạng

Giới thiệu sách Tình yêu và Tư bản: Karl và Jenny Marx và sự ra đời của Cách Mạng

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu với bạn đọc sách Tình yêu và Tư bản: Karl và Jenny Marx và sự ra đời của Cách Mạng (Love and Capital: Karl and Jenny Marx and the birth of Revolution).

01:23 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đây là tác phẩm của nhà văn Mary Gabriel, đồ sộ gồm 53 chương kèm rất nhiều hình ảnh tư liệu, kể về cuộc đời, tình yêu và sự nghiệp của Karl Marx. Cuốn sách này là một hình thức giới thiệu và phân tích các tác phẩm kinh điển của Marx, đặc biệt là bối cảnh ra đời Bộ Tư Bản.

Sách do Nhà xuất bản Little, Brown and Company phát hành tại New York, Boston và London. Sách có độ dài 926 trang, trong đó gần 100 trang ảnh đen trắng. Bản sách điện tử do Hachette Book Group (Mỹ) HBGUSA giữ bản quyền.

Chúng tôi trích dẫn sau đây bản dịch chương 1 của cuốn sách này.

 

Chương 1: Trier, Đức, 1835

JENNY VON WESTPHALEN là cô gái được khao khát nhất ở Trier.

Chắc chắn là còn nhiều cô gái khác con của những gia đình giàu có hơn nhiều, và cha của họ có thứ bậc cao hơn trong giới quý tộc. Và chắc chắn còn nhiều cô gái khác có thân hình kiều diễm hơn. Nhưng chúng ta hãy đồng ý với nhau rằng, không có cô gái nào kết hợp được vẻ thanh tú hiếm có nhường ấy với tâm hồn phong phú và trí tuệ thông minh đến vậy, lại có địa vị xã hội đáng kính trọng trong vô số những người thuộc tầng lớp quý tộc ở vùng này, gồm cả những người sinh ra trong gia đình quý tộc, hay những người vừa mới được phong. Phụ thân của cô, Nam tước Ludwig von Westphalen, là Chủ tịch Hội đồng chính quyền Trier, quan chức thuộc phẩm hàm cao nhất của nhà nước Phổ, và cũng là vị quan được trả lương hậu hĩnh nhất trong thị trấn có mười hai nghìn dân, nhỏ bé nép mình như một ngôi làng trong truyện cổ tích bên bờ sông Mosel. Cha của Ludwig được kính trọng do đã tham gia chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, và đã kết hôn với ái nữ của một vị bộ trưởng trong Chính phủ Scotland, con cháu của Bá tước vùng Argyll và Angus. Bà ngoại người Scotland này đã truyền cho Jenny cái tên được đặt theo tên của bà, đôi mắt màu xanh lá, mái tóc màu nâu sẫm, và cả dòng máu kiên cường chảy qua nhiều thế hệ: Archibald Argyll là một chiến sĩ người Scotland đấu tranh cho tự do, bị chặt đầu ở Edinburgh, và một người họ hàng khác, nhà cách mạng George Wishart, đã bị thiêu trên giàn lửa ở cùng thành phố.

Tuy nhiên, năm 1831, không hề là một kẻ nổi loạn chính trị, cô gái Jenny mười bảy tuổi là một báu vật trong những buổi tiệc khiêu vũ ở Trier, nơi các quý cô tỏa sáng trong chiếc đầm dạ hội và những kiểu tóc uốn nếp thanh lịch, nơi các quý ông cố gắng quyến rũ họ bằng những chiếc áo khoác dạ cắt may tinh xảo và cách cư xử tinh tế, nhưng trên hết, bằng thứ được đánh giá cao nhất, đó là túi tiền của họ. Đó là một sàn giao dịch dưới ánh nến, nơi các cô gái trẻ được đem ra mua bán, và Jenny, trong khi chuyển từ bạn nhảy này sang bạn nhảy khác, hoàn toàn ý thức được ngoại hình đầy giá trị của cô. Kỳ vọng và ranh giới xã hội khác biệt rõ ràng của cô như một sợi dây nhung, ngăn cách người quý tộc như Jenny khỏi những thành phần khác trên sàn khiêu vũ.

Trong một bức thư gửi song thân vào tháng Tư, Ferdinand, người anh trai kế của cô, đã nhận xét, rất nhiều người đàn ông theo đuổi cô, nhưng Jenny luôn thể hiện thái độ xã giao đúng mực. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong một bữa tiệc vào mùa hè năm đó. Ở đó, Jenny gặp trung úy trẻ Karl von Pannewitz, người đã cầu hôn cô sau một buổi dạ vũ thân mật với niềm đam mê rực cháy như lửa. Jenny đã khiến gia đình cô, đặc biệt là cha cô và anh trai, người giám hộ của cô, Ferdinand, ngạc nhiên, khi nhận lời cầu hôn ấy. Đó là một quyết định nóng vội mà cô nhanh chóng hối hận. Chỉ vài tháng sau, cô đã làm trái với giao thức của xã hội thượng lưu khi từ chối hôn ước này.

Tin tức về vụ bê bối lan truyền khắp Trier. Hôn thê của Ferdinand, Louise, đã mô tả Jenny vào tháng 12 là người đóng cửa với cả thế giới, lạnh lùng, từ chối giao tiếp và thu mình, trong khi cha cô tìm cách thương lượng để chấm dứt mối giao ước này. Nhưng đến đêm Giáng sinh năm ấy, Jenny đã lấy lại tinh thần và cả gia đình dường như vui trở lại khi tạm quên đi câu chuyện tình bất thành. Trong một bức thư gửi song thân, Louise giãi bày rằng, cô cảm thấy sốc và không đồng tình với cái mà cô cho là cách cư xử bốc đồng lạ lùng của nhà Westphalen. “Bản chất của Jenny chắc hẳn không suy nghĩ thấu đáo, nếu có, em ấy hẳn đã không cử xử thiếu phù hợp như vậy, người chồng chưa cưới (cũ) bất hạnh của em ấy hẳn là sẽ cô đơn và cần được cảm thông... Sẽ mất bao lâu nữa mới có chàng trai tiếp theo đến với em sau người đầu tiên là ông von Pannewitz… các chàng trai sau này chắc sẽ ngại vì cách em đối xử với ông ấy.”

Tuy nhiên, qua cách nhanh chóng nhận lời cầu hôn và cũng nhanh chóng phá bỏ hôn ước, Jenny thực sự chứng tỏ cô chẳng để tâm tới việc kết hôn như các cô gái đồng trang lứa. Cô trở lại guồng quay xã hội, nhưng giờ không còn người đàn ông đặc biệt nào trong những câu chuyện đàm tiếu, và cũng không còn ai chú ý tới cô vì thân thế gia đình. Thay vào đó, với sự dạy dỗ của phụ thân, cô bắt đầu chương trình học về một nội dung kết hợp giữa triết học lãng mạn và triết học không tưởng mới có nguồn gốc từ Pháp, được gọi là chủ nghĩa xã hội. Jenny chìm đắm mình vào thứ mà trước đây chỉ có những tác gia, nhạc sĩ và triết gia Đức theo đuổi. Đối với họ, mục tiêu tối thượng là sống vì lý tưởng, từ chối tất thảy những gì cản trở tự do của bản thân, và quan trọng nhất là để sáng tạo, cho dù thứ họ sáng tạo là triết lý mới, là tác phẩm nghệ thuật hay là phương thức tốt hơn để con người tương tác với nhau. Họ thậm chí chẳng màng tới thành công; điều quan trọng là được theo đuổi giấc mơ cho đến khi đạt được, dù phải trả giá thế nào chăng nữa. Ánh sáng soi đường cho họ, trước đây được cho là do một vị thần xa xôi mang tới, nay trở thành thứ giá trị xuất phát từ bên trong mỗi con người; nhiệm vụ cá nhân của con người giờ đã trở thành nhiệm vụ cao cả như sứ mệnh của thánh thần.

Jenny cố gắng hồi phục sau lần phản kháng hôn ước (mà xã hội thời ấy coi đó là cuộc nổi dậy lớn), triết lý lãng mạn của cô mang bản chất anh hùng và đầy phấn khích. Và ngoại trừ hoàn cảnh riêng, cô còn có lý do khác để đón nhận cuộc nổi dậy này: một số nhà triết học lãng mạn đòi quyền bình đẳng cho giới nữ. Nhà triết học người Đức Immanuel Kant tuyên bố, “Con người sống phụ thuộc vào người khác không còn là con người nữa, anh ta đã mất đi vị trí của mình, anh ta không là gì khác ngoài vật sở hữu của người khác.” Áp dụng câu nói của Kant vào vị thế của phụ nữ thì sự phụ thuộc bị nhân lên gấp trăm lần. Do đó, những người theo triết học lãng mạn vẽ ra viễn cảnh tự do thực sự cho nam giới và nữ giới, đó là thứ tự do không chỉ để phá vỡ các rào cản cứng nhắc của xã hội mà xét cho cùng, nó thách thức vị thế của những ngôi vua có quyền cai trị không giới hạn trong suốt nhiều thế kỷ và tự nhận là sứ giả của Chúa trên trái đất.

Vào sinh nhật lần thứ mười tám, tháng 2 năm 1832, Jenny bắt đầu những trang đầu tiên của bài học này trong lúc thế giới xung quanh cô dường như chia ra hai phe, phe ra yêu sách buộc các vua quan phải thay đổi để phụng sự xã hội tốt hơn, và phe muốn bảo lưu nguyên trạng. Sự chia rẽ đó thể hiện rõ ngay từ trong gia đình cô: dù là một viên chức Phổ, cha của Jenny rất ngưỡng mộ Bá tước Claude Henri de Saint-Simon, người sáng lập chủ nghĩa xã hội Pháp. Niềm đam mê của người cha truyền cảm hứng cho con gái, cho dù ông không lường trước được hạt giống cảm hứng ông gieo sẽ đâm chồi nảy lộc ra sao.

Ludwig von Westphalen từ lâu đã biết tới quan điểm của Pháp về bình đẳng và tình bằng hữu. Ông lên tám tuổi khi Napoléon chiếm miền tây Phổ, quê hương của Ludwig. Cuộc chinh phạt đó mang tới vùng đất này bài học của Cách mạng Pháp 1789 và Bộ luật Napoléon, bao gồm tư tưởng bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do cá nhân, lòng khoan dung tôn giáo, bãi bỏ chế độ nông nô và tiêu chuẩn hóa thuế quan. Nhưng ảnh hưởng của Pháp ở miền tây Phổ vượt ra ngoài khuôn khổ vận hành của xã hội thời đó; nó mang tới dấu hiệu của sự thay đổi lớn trong tương lai. Các nhà triết học Khai sáng và Cách mạng Pháp tin vào lòng tốt nội tại của con người và cho rằng, con người sẽ tạo ra xã hội tốt đẹp hơn nếu họ được giải phóng khỏi những nhà cầm quyền theo triết lý ngu dân để dễ trị. Theo triết lý mới này, vị thế xã hội sẽ đến với người có nhiều thành tích chứ không phải là thứ cha truyền con nối, quả là một triết lý có ma lực hấp dẫn đối với tầng lớp tư sản mới nổi.

Tuy nhiên, dưới trướng áp đặt của thứ luật lệ nước ngoài, người dân vùng bị trị ngày càng phẫn nộ, và nhiều người đã khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 1813, Ludwig, một trong những người khởi nghĩa, bị kết tội phản bộ nhà nước Pháp và bị kết án tù giam hai năm trong pháo đài Saxon. Tuy nhiên, ông được thả ngay sau khi tuyên án do Napoléon bại trận tại Leipzig, và mặc dù Ludwig dường như quay lưng lại với kẻ cai trị từ nước Pháp, nhưng ông, cùng đồng bào tây Phổ, vẫn tiếp tục sống theo tư tưởng mới của người Pháp.

Năm 1830, rắc rối lại bùng lên ở Pháp. Một cuộc nổi dậy vào tháng 7 đã lật đổ Vua Charles X sau khi ông bỏ qua những yêu cầu của tầng lớp đại tư sản mới, họ là các chủ ngân hàng, các quan chức và các nhà công nghiệp, những người có quyền do có tiền, chứ không nhất thiết phải do dòng dõi gia tộc hay sở hữu đất đai, và cố gắng đảo ngược lại những gì vị vua trước đã làm khi ban hành cho người dân thứ luật lệ đầy hạn chế. Vua Charles X bị “Vua Dân” hạ bệ, trở thành công dân Louis-Philippe, người được sử gia Pháp Alexis de Tocqueville mô tả là “nhấn chìm niềm đam mê cách mạng trong niềm đam mê thụ hưởng vật chất.” Giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức khắp châu Âu đã được “Vua Dân”, quốc vương mới của Pháp, truyền cảm hứng, mang lại nhiều quyền tự do và tăng dòng tiền chảy vào nền kinh tế Pháp. Những fan hâm mộ này đã sớm xuống đường kêu gọi cải cách ở chính quốc gia của họ.

Các cuộc nổi dậy diễn ra trong năm đó đã bị dập tắt nhanh chóng và man rợ, đáng chú ý nhất là ở Ba Lan. Nhưng cũng có một số chiến thắng lâu dài: Bỉ giành độc lập từ tay Hà Lan, và những thay đổi đáng kể diễn ra dưới cấp Trung ương, nơi những nhân tố mới quan trọng xuất hiện. Dẫn đầu cuộc đấu tranh là giai cấp tư sản đang lớn mạnh, những người thuộc giai cấp này tin rằng, tất yếu sẽ có xã hội công nghiệp tự do. Cũng xuất hiện giai cấp lao động trước đây chưa được thừa nhận, đó là giai cấp vô sản, những người sẽ trực tiếp xây dựng thế giới công nghiệp mới. Và cuộc nổi dậy của Pháp là cuộc chiến đầu tiên của những người theo chủ nghĩa xã hội, kéo theo sau đó là phong trào của tầng lớp trung lưu với tư tưởng coi con người là thành viên của xã hội rộng lớn hơn, và có trách nhiệm với những người đi theo phong trào.

Trong giai đoạn sơ khai này, chủ nghĩa xã hội mang tư tưởng ôn hòa, khiến người Pháp theo Công giáo yên tâm. Tuy nhiên, bên ngoài nước Pháp, chủ nghĩa này cùng điệp khúc kêu gọi thay đổi đã dấy lên hồi chuông báo động. Giới cầm quyền Đức phản ứng đầy sợ hãi với những diễn biến ở biên giới phía tây bằng sự đàn áp tàn bạo. Trải dài trong ba mươi chín bang của Áo và Phổ bị Đức chiếm, các cánh cửa tới tự do, phát triển và cơ hội dần đóng lại bằng bàn tay sắt đá, giới quý tộc không hề có ý định buông bỏ bất cứ đặc quyền nào của họ.

Tuy nhiên, một nhóm tự xưng là Nước Đức trẻ mới xuất hiện đã kích động người dân đòi nhiều quyền hơn, lợi dụng mối hận âm ỉ trong một bộ phận người dân cảm thấy bị phản bội bởi vua Friedrich Wilhelm đệ tam của Phổ, người mười lăm năm trước đó đã hứa hẹn sẽ thay đổi luật nếu người dân giúp ông ta đánh bại Napoléon. Người dân đã đáp lại lời kêu gọi chiến đấu của ông, tầng lớp tư sản ngày càng mạnh đã giúp tài trợ cho cuộc chiến của tầng lớp quý tộc già nua và nghèo xơ xác, và Napoléon đã bị đánh bại. Nhưng sau năm 1815, Bundestag xuất hiện, đó là hội đồng liên bang gồm các vị vua chúa và hoàng tử, hay theo cách định danh của một nhà quan sát, đó là “một cơ chế bảo đảm quyền lực chung cho những kẻ thống trị chuyên quyền”. Họ dựng tượng tôn vinh các chiến sĩ giải phóng đã ngã xuống nhưng không mang lại cải cách cho những người còn sống. Thật vậy, những kẻ cai trị đã sử dụng quyền lực để trấn áp mạnh hơn nữa những người bất đồng ý kiến, đàn áp các quyền tự do vốn đã chịu nhiều hạn chế. Bạo loạn bùng phát cùng với bạo lực kéo dài trong gần một năm nhà cầm quyền truy lùng và bắt giữ những tiếng nói kích động.

Anh trai cùng cha khác mẹ của Jenny, Ferdinand, lớn hơn cô mười lăm tuổi và là con trai của Lissette, người vợ đầu tiên đã tạ thế của Ludwig. Như thân phụ, anh bảo thủ và theo chủ nghĩa tự do. Năm 1832, Ferdinand đang xây dựng sự nghiệp với tư cách là một quan chức trong chính quyền Phổ, kiêu hãnh phụng sự nhà vua. Tuy nhiên, phụ thân của anh đang nghiên cứu về những người theo chủ nghĩa xã hội mà chính quyền muốn đàn áp. Giữa những người này, Ludwig von Westphalen nhận thấy tiếng gọi thân thuộc của tinh thần bình đẳng và tình bằng hữu đã vang lên trong ông từ thời trai trẻ. Ông nhận thấy giá trị tốt đẹp không chỉ ở sự gắn kết của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà còn bắt nguồn từ thực tế cuộc sống: số người nghèo đói ở Trier tăng lên đáng kể, một phần do chính sách thương mại và thuế quan. Đến năm 1830, cứ bốn cư dân thì có một người sống nhờ vào tổ chức từ thiện, và nghèo đói sinh ra tệ nạn xã hội, điển hình là tội phạm, ăn xin, mại dâm và bệnh truyền nhiễm. Ludwig tin rằng, xã hội không thể đơn giản để người dân cùng cực, mà phải có trách nhiệm giảm bớt những đau khổ đó. Ông bắt đầu truyền bá những niềm tin đó cho bất kỳ ai chịu lắng nghe. Ngoài Jenny, còn có một cậu học trò, là con trai của một đồng nghiệp, rất háo hức đàm đạo với ông. Tên của cậu bé là Karl Marx.

Năm 1832, thiếu niên Marx mười bốn tuổi đang theo học trường công Friedrich Wilhelm, cùng với con trai út của Ludwig là Edgar. Mặc dù Karl thể hiện năng khiếu về tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh và tiếng Đức, nhưng cậu học yếu môn toán và lịch sử, và không thật sự nổi bật trong số bạn học cùng lớp. Tuy nhiên, dưới sự dạy bảo của Ludwig, cậu đã phát triển niềm đam mê đối với môn văn học, đặc biệt là văn học của Shakespeare và các nhà văn trong phong trào lãng mạn Đức như Schiller và Goethe. Marx cũng bắt đầu tiếp thu những tư tưởng sơ khai của xã hội chủ nghĩa không tưởng, mà thủa đó, còn huyền ảo như những vở kịch hay những bài thơ mà cậu vẫn đọc say sưa. Ludwig sáu mươi hai tuổi và người bạn trẻ tuổi đi dạo trên những ngọn đồi trên dòng Mosel bao la, hiền hòa xuyên qua những rừng thông cao chót vót, thảo luận những suy nghĩ mới xuất hiện. Marx nhớ lại đó là một trong những thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Cậu thiếu niên được nhà quý tộc nổi tiếng, uyên bác, coi như một người đàn ông và một nhà trí thức. Với thành tích học tập ở mức trung bình của Marx, Ludwig có thể ngạc nhiên về việc cậu bé tiếp thu bài học của ông rất nhanh, nhưng ông sẽ không còn ngạc nhiên như thế nếu biết rằng: trong nhiều thế kỷ, từ thế kỷ XIV ở Ý, gia phả hai bên nội ngoại của Marx đều có những thầy giảng đạo uyên bác bật nhất ở Châu Âu. Nếu dòng họ Westphalen xuất thân từ những nhà hoạt động xã hội ở Phổ và Scotland, thì Marx có xuất thân cùng dòng dõi với các nhà tư tưởng Do Thái có quyền lực mạnh trong tôn giáo và mở rộng sang lĩnh vực chính trị.

Ở Trier, trong gia tộc của Marx đã có những giáo sĩ Do Thái từ năm 1693. Một người họ hàng với cha của Karl, là Joshua Heschel Lvov, vào năm 1765, vài năm trước Chiến tranh giành độc lập của Mỹ và hơn hai thập kỷ trước Cách mạng Pháp, đã viết bản Responsa: Gương mặt của Trăng, một áng tuyên ngôn ủng hộ các nguyên tắc dân chủ. Danh tiếng của ông lớn đến nỗi người ta nói rằng, không có quyết định quan trọng nào được đưa ra trong cộng đồng người Do Thái vào thời điểm đó mà không tham khảo ý kiến ​​của Lvov. Ông nội của Karl, Meyer Halevi, mất năm 1804, được biết đến ở Trier với tên gọi Marx Levi và cuối cùng lấy họ là Marx sau khi ông trở thành nhà giảng đạo của thành phố. Và truyền thống giáo sĩ Do Thái của gia đình được tiếp nối đến thời thơ ấu của Karl: chú Samuel của Karl là nhà giảng đạo cao cấp của thành Trier cho đến năm 1827, và ông ngoại của Karl là nhà giảng đạo ở Nijmegen, Hà Lan. Sứ mệnh của những con người này là gắn tư tưởng với thực tiễn; khi cộng đồng người Do Thái như trên một con thuyền bị làn sóng xã hội đẩy đưa, họ thực sự là những người chèo lái cho cộng đồng người Do Thái.

Trước và sau khi Pháp chiếm đóng miền tây Phổ, người Do Thái thường bị nghi ngờ, nếu không muốn nói là bị công khai thù ghét, do là người ngoại đạo trong vương quốc theo Cơ đốc giáo. Nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1806 đến năm 1813, khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, người Do thái ít nhiều được thêm phần bình đẳng. Heschel Marx, cha của Karl, đã tận dụng cơ hội được đào tạo trong ngành pháp lý và trở thành luật sư Do Thái đầu tiên ở Trier, đảm nhận vị trí trong xã hội dân sự và thậm chí lên tới chức vụ Chủ tịch Hiệp hội luật sư địa phương. Giống như Ludwig von Westphalen, ông có lẽ coi mình là người Pháp hơn là người Phổ. Ông hiểu rõ tư tưởng của Voltaire và Rousseau, và chắc chắn ông đã nhìn tương lai theo lăng kính trí tuệ của những nhà tư tưởng đó, hy vọng nó sẽ không gây ra nỗi sợ hãi và thành kiến từng ngăn cản người Do Thái phát triển sự nghiệp và làm việc cho chính phủ. Nhưng khi Napoléon thất bại, chính phủ Phổ đã bãi bỏ các quyền từng được trao cho người Do Thái, và vào năm 1815 chính thức loại trừ người Do Thái ra khỏi các cơ quan của nhà nước. Một năm sau đó, chính phủ cấm người Do Thái hành nghề luật sư. Chỉ có ba người ở tỉnh Rhineland, miền viễn tây của nước Phổ, bị ảnh hưởng bởi phán quyết này. Heschel Marx là một trong số họ, và do đó buộc phải quyết định cải sang Cơ đốc giáo để tiếp tục hành nghề luật sư hay vẫn giữ là người theo Do Thái giáo. Ông thiết tha với nghề luật. Năm 1817, ở tuổi 35, Heschel trở thành người theo đạo Luther, lấy tên là Heinrich Marx.

Lúc đó Heinrich đã kết hôn được ba năm với Henrietta Presburg, người không được học hành để có phông văn hóa nhưng xuất thân từ một gia đình Do Thái giàu có ở Hà Lan. Cặp đôi có hai con, và một năm sau, vào năm 1818, họ có thêm một bé trai, tên là Karl. Vì lòng tôn kính, Henrietta không cải đạo khi cha mẹ cô còn sống, và những đứa trẻ cũng không cải đạo cho đến năm 1824. Một lần nữa việc cải đạo không phải vì lý do tôn giáo mà là một quyết định từ thực tế cuộc sống: Karl, năm đó sáu tuổi, không được học trường công, vì là người Do Thái.

Vì vậy, chàng trai trẻ Karl lớn lên trong sự giao thoa và xung đột của các nền văn hóa. Anh là người theo đạo Luther trong một gia đình Do Thái ở một thành phố phần đông theo Công giáo, được nuôi dưỡng bởi một người cha và được hướng dẫn bởi một người cố vấn, cả hai đều bề ngoài phục vụ hoàng gia Phổ và tuân thủ các luật lệ đàn áp của nó trong khi thầm ngưỡng mộ các triết gia Pháp, những người ủng hộ quyền tự do cá nhân, và, sâu xa hơn, trong trường hợp của Westphalen, là hậu duệ của những người theo chủ nghĩa xã hội.

Nhiều người viết tiểu sử cho biết gia đình Marx và Westphalens là hàng xóm của nhau. Gia đình Heinrich đã sống một thời gian ngắn cách nhà Westphalen vài con phố vào năm Karl được sinh ra. Nhưng sau đó, nhà Marx đã mua một ngôi nhà nhỏ hơn vào năm 1819 trên phố Simeonstrasse, ngay gần quảng trường có khu chợ sầm uất của thành Trier và chỉ cách tòa nhà đồ sộ với lối kiến trúc La Mã, Porta Nigra, vài mét, một công trình bê tông đen sẫm dường như đang nằm rên xiết dưới sức nặng của mười sáu thế kỷ. Những người nhà Westphalen sống ở bờ phía nam, bên kia thị trấn, gần sông Neustrasse, trong một ngôi nhà cao với cửa sổ dài trang nhã mở rộng cho người qua đường cái nhìn về cuộc sống phong phú bên trong.

Hai gia đình cách xa nhau cả về khoảng cách địa lý và văn hóa. Nhà Westphalen tỏa sáng trong nhiều hoạt động xã hội, với Dante, Shakespeare và Homer thường xuyên được ông Ludwig giới thiệu trong bữa tiệc do Ludwig chủ trì (ông có thể đọc thuộc lòng trường ca của Homer và kể truyện của Bard bằng tiếng Anh), và tiếng Latinh và tiếng Pháp đan xen một cách tự nhiên giữa các cuộc trò chuyện bằng tiếng Đức như ngôn ngữ mẹ đẻ của gia đình. Du khách được giải trí bằng những bức ký họa và thơ ca đầy kịch tính khi gia nhân mang ra bàn những bữa tối thịnh soạn kéo dài đến tận chiều tối và những vị khách say sưa ồn ào được người đánh xe chở ra phố trên cỗ xe sang.

Ngược lại, ngôi nhà của Marx, đến năm 1832 đã có tới tám đứa trẻ, là một nơi yên ắng. Cha của Karl là một trí thức thận trọng, ông dành thời gian đọc sách hơn là đọc thuộc lòng, trong khi mẹ ông nói tiếng Đức kém và phát âm đặc giọng Hà Lan. Bà không hòa nhập với xã hội Trier và dường như không có mong muốn mở rộng thế giới vượt qua những nhu cầu trước mắt của gia đình. Ngôi nhà thân thuộc nhưng không náo nhiệt, với mức sống vừa phải, công việc cần mẫn của Heinrich và thói quen tiết kiệm của gia đình đã cho phép họ mua được hai mảnh vườn nho nhỏ, nhưng không mang lại cảm giác dư dả. Marx tôn trọng cha, ngay cả khi anh thường không làm theo lời khuyên của cha. Nhưng ngay từ khi còn nhỏ, mối quan hệ của anh với người mẹ trầm buồn đã trở nên căng thẳng. Anh dường như đổ lỗi cho mẹ về sự u ám bao trùm lên căn nhà.

Tuy nhiên, bất chấp sự khác biệt giữa hai gia đình, cuộc sống của họ luôn gắn bó với nhau. Ludwig von Westphalen và Heinrich Marx là một trong số hai trăm người ít ỏi theo đạo Tin lành trong thành phố và cùng tham gia câu lạc bộ xã hội và cùng theo nghề giống nhau. Karl Marx và Edgar von Westphalen là bạn học; trên thực tế, Edgar là người bạn lâu năm duy nhất mà Karl kết bạn ở trường. Và Sophie Marx, người chị cả thân thiết nhất của Karl, làm bạn với Jenny von Westphalen. Những đứa trẻ đến chơi nhà nhau và có thể là tình bạn của Karl với Edgar, chứ không phải là mối quan hệ của cậu với cha của Jenny, là điểm đầu tiên khiến Jenny để mắt đến cậu. Edgar, nhỏ hơn Jenny năm tuổi, là người em duy nhất cùng cha mẹ của cô, và cô đã tâm sự với một người bạn nhiều năm sau rằng, cậu ấy là “thần tượng thời thơ ấu của tôi… người bạn thân yêu duy nhất của tôi”.

Edgar rất thu hút và đẹp trai với mái tóc xù như một nhà thơ, nhưng cậu không phải là một trí thức; là một cậu bé không cẩn thận và do đó được cha mẹ và chị gái bảo vệ (và chiều chuộng). Marx tương đối hiếu học và có thể được coi là một người có ảnh hưởng tốt. Dù thế nào đi nữa, Karl cũng nhanh chóng được chào đón: bởi Edgar, người sau đó trở thành môn đồ đầu tiên của Marx; bởi ông Ludwig, người bị thu hút bởi trí lực vượt trội của chàng trai trẻ; và bởi Jenny, người không thể làm ngơ trước cậu thiếu niên này, cũng là người đã gây ấn tượng mạnh với hai người đàn ông cô yêu nhất.

Năm 1833 và 1834, chính phủ đàn áp người bất đồng chính kiến ​trong vùng. Cho đến thời điểm đó, các trường học ở Phổ đã được để yên một cách đáng kể, không bị can thiệp chính thức chừng nào còn dạy về triết học Đức. (Chính phủ hy vọng sẽ loại bỏ ảnh hưởng của những tư tưởng họ cho là mục ruỗng của Pháp bằng những tư tưởng lành mạnh của Đức.) Nhưng sau cái chết của học giả vĩ đại nhất còn sống thời đó của Đức, Georg Wilhelm Friedrich Hegel vào năm 1831, một số môn đồ của ông đã sa đà vào lĩnh vực nhiều rủi ro, tập trung vào lý thuyết của Hegel rằng, thay đổi là không thể tránh khỏi. Các quan chức Phổ bắt đầu xem xét kỹ hơn các trường đại học và trường trung học để loại bỏ tận gốc những người cấp tiến cho rằng “thay đổi” có nghĩa là “thay đổi chính trị”. Một báo cáo của điệp viên của chính quyền Trier đã xác định một số giáo viên tại trường của Marx là quá tự do, khi cho học sinh đọc văn học bị cấm và viết thơ chính trị. Cuối cùng, một học sinh bị bắt và một hiệu trưởng nổi tiếng bị cho về vườn.

Giữa lúc đó, cha của Marx đã thể hiện quan điểm chống chính phủ trong một bài phát biểu tại một câu lạc bộ mà ông và Ludwig von Westphalen tham gia. Câu lạc bộ Sòng bạc, một hiệp hội tư nhân độc lập của Trier gồm doanh nhân, quân nhân và chuyên gia, thành lập vào tháng 1 năm 1834 để tôn vinh các thành viên có tư tưởng tự do nghị viện Rhineland (một hội đồng cấp tỉnh). Heinrich Marx đã chủ trì cuộc họp và đọc phát biểu, cảm ơn nhà vua đã cho phép nghị viện họp với tư cách là cơ quan đại diện của người dân và hoan nghênh nhà vua đã lắng nghe nguyện vọng của thần dân. Bài phát biểu của ông có những góp ý chân thành nhưng bị hiểu là mỉa mai nhà cầm quyền và gióng lên hồi chuông báo động trong giới quan chức chính phủ. Nhiều tuần sau câu lạc bộ lại họp, và lần này các bài phát biểu (một số gợi lại cuộc nổi dậy năm 1830 của Pháp) đã kết thúc bằng “những bài ca về tự do” bị cấm, trong số đó có bài “Marseillaise” của Pháp, bị chế độ quân chủ coi là một sự xúi giục nổi dậy tương đương với việc giương cờ đỏ. Điều khiến các quan chức hoảng sợ không chỉ là những người đã hát những khúc ca có tư tưởng nổi loạn là những người có vai trò trụ cột trong cộng đồng Trier, mà  họ còn thuộc lòng lời bài hát. “Tinh thần cách mạng điên cuồng” (theo mô tả của một sĩ quan quân đội tại sự kiện này) là rõ ràng không lệch đi đâu được. Câu lạc bộ đã bị giám sát và Heinrich Marx bị chính quyền đặt vào diện nghi ngờ.

Karl là một thanh niên mười sáu tuổi đầy ấn tượng khi hiệu trưởng trường cậu bị giáng chức và người cha tuân thủ pháp luật của cậu bị dò xét vô cớ. Có thể dễ dàng hình dung tác động của sự đàn áp của nhà nước có ảnh hưởng thế nào với cậu. Nếu những hiểu biết về tự do ngôn luận và bình đẳng trước pháp luật trước đây là những khái niệm trừu tượng thì nay đã không còn mơ hồ nữa. Giờ đây, Marx lần đầu tiên cảm nhận được tầm ảnh hưởng đáng sợ và độc đoán của chính quyền Berlin, và sự tức giận và phẫn nộ mà một nam thanh niên cảm thấy khi nhận ra mình bất lực trong việc đương đầu với thực tế đó.

Hal Draper, học giả chuyên nghiên cứu Marx đã lưu ý rằng, sự kiểm soát quá đà của nước Phổ đã dẫn đến hậu quả khó lường là làm cho “những người ít có tinh thần cải cách nhất cũng đứng lên làm cách mạng”. Thật vậy, việc chính quyền nhằm ngăn chặn các cuộc thảo luận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ làm cho các khái niệm được thảo luận, đôi khi là thảo luận kín, từ nhà trường đến bàn ăn, trên phạm vi toàn xã hội. Và càng được thảo luận nhiều, chúng càng ít bị coi là tư tưởng ngoại nhập từ Pháp; chúng đã trở thành những ý tưởng có liên quan trực tiếp và có ví dụ thực tế tại Đức.

Năm 1835, một tập sách mỏng của cha đẻ của chủ nghĩa xã hội Đức, Ludwig Gall, xuất hiện ở Trier. Sách mô tả xã hội được phân chia thành giai cấp lao động, sản xuất ra tất cả của cải, và giai cấp thống trị, những người hưởng mọi lợi ích. Heinrich Heine, nhà thơ nổi tiếng nhất ở Đức, dù tác phẩm của ông bị cấm ở Đức. Ông chuyển đến Paris sau khi chính phủ phát lệnh bắt giữ (một bộ trưởng đã kêu gọi hành quyết ông), và những lời ta thán của ông về cuộc sống lưu vong đã được nhiệt tình sao chép và truyền tay nhau đọc trong các trường học phổ thông và trường đại học, nơi sinh viên bắt đầu tỉnh ngộ về phương thúc bất đồng chính kiến ​​có tổ chức.

Không có gì ngạc nhiên khi những bữa tiệc náo nhiệt tại nhà Westphalen bị để mắt. Jenny, Edgar và Karl đều không những tiếp thu tư tưởng của trường phái lãng mạn, luôn hô hào chỉ ra và chống lại sự bất công, mà còn cả tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, nhận ra nguồn gốc của những tệ nạn xã hội một phần là do hệ thống kinh tế mới bóc lột khiến nông dân sa sút, mất đất đai và bị đẩy vào làm trong các nhà máy. Đức vẫn tụt hậu xa so với Anh về phát triển công nghiệp, nhưng Rhineland là tỉnh được công nghiệp hóa nhiều nhất và có thể thấy rõ tác động của sự giàu có mới thể hiện ở Trier, cũng như tình hình nghèo đói mới. Marx chỉ cần quan sát xung quanh để xem điều gì gây ra thực trạng này.

Năm 1835, Karl, lúc này mười bảy tuổi, chuẩn bị rời Trier để học đại học. Trong một bài viết ở trường học về việc lựa chọn nghề nghiệp, anh đã bàn luận về sức hút của tham vọng, sự kém cỏi trong kinh nghiệm của bản thân và khái niệm mà anh định danh là “các mối quan hệ xã hội”, vốn đã hạn chế nguyện vọng của anh ở một mức độ nào đó do vị trí xã hội của phụ thân. Trong phần kết luận, anh viết:

Người dẫn đường phải hướng dẫn chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp mang lại phúc lợi cho nhân loại và sự hoàn thiện của chính chúng ta ... bản chất của con người được cấu thành sao cho anh ta có thể đạt được sự hoàn hảo của bản thân khi làm việc hết mình để phụng sự lợi ích của cộng đồng…. Nếu chỉ làm việc vì lợi ích bản thân, có lẽ anh ta có thể trở thành một người nổi tiếng về học thuật, một nhà hiền triết vĩ đại, một nhà thơ xuất sắc, nhưng anh ta không bao giờ có thể trở thành một con người hoàn hảo và thực sự vĩ đại….

Nếu chúng ta chọn được vị trí trong cuộc sống mà hầu hết chúng ta có thể phụng sự nhân loại, thì không có gánh nặng nào có thể làm chúng ta gục ngã, bởi vì chúng ta hy sinh cho lợi ích của tất cả mọi người; chúng ta sẽ không cần tới niềm vui nhỏ bé, giới hạn, ích kỷ cá nhân, vì hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, những việc làm của chúng ta lặng lẽ nhưng có ảnh hưởng vĩnh viễn, và nước mắt nóng hổi của những người cao quý sẽ rơi trên tro tàn của chúng ta.

Đó là con người nổi loạn lãng mạn mà Jenny von Westphalen đã đem lòng yêu. Cậu thanh niên tỉnh lẻ này, người dám tuyên bố mình là có cách cải thiện nhân loại, là hiện thân của những anh hùng trong những cuốn sách mà cha cô đưa cho cô đọc, anh là Wilhelm Meister của Goethe và Karl von Moor của Schiller, và anh sẽ là Prometheus của Shelley, bị xiềng xích đẩy đến một vách núi do dám thách thức một vị thần độc đoán. Ở chàng trai trẻ kém cô bốn tuổi, người toát lên sự tự tin và can đảm, cô hoàn toàn bị thuyết phục về sức mạnh của trí tuệ của anh (ngay cả khi anh ta không chắc những sức mạnh và trí tuệ đó ​​sẽ đưa anh đến đâu), cô nhận ra đây chính là thần tượng của cô.

Dù thời đó bắt đầu phổ biến tư tưởng bình đẳng giới, điều mà một phụ nữ đầu thế kỷ XIX có tư tưởng lãng mạn mong đợi là dũng cảm hy sinh nhu cầu của bản thân, để hỗ trợ tinh thần và chăm lo cho gia đình để người đàn ông theo đuổi hoài bãi mà anh ta hằng theo đuổi. Đó là cam kết mà Jenny đã dành cho bản thân và Karl. Chúng ta không biết liệu họ có bắt đầu yêu nhau vào mùa hè năm đó trước khi anh rời Trier để đến trường đại học ở Bonn hay không, nhưng trong vòng một năm sau đó họ chắc chắn đã ước hẹn với nhau: năm 1836 Jenny von Westphalen bí mật đồng ý kết hôn với Karl Marx.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục