Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 1)

Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 1)

01:57 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ  thời kì cổ - trung đại”

 

Nhan đề: Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kỳ cổ - trung đại

Tác giả: PGS, TS Nguyễn Thị Mai Liên

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2014

 

Cuốn “Tư tưởng tôn  giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì Cổ – Trung đại” có nội dung phong phú, nhiều điều bổ ích và lí thú. Công trình có giá trị khoa học, giúp người đọc hiểu biết nhiều mặt về đất nước Ấn Độ cổ đại, thưởng thức được  nhiều  điều kì thú trong các chương thần thoại, sử thi và thơ sùng tín. Bằng cách phân tích nhẹ nhàng, cụ thể, có luận chứng vững chắc, công trình đã giúp người đọc nắm bắt được ngọn nguồn ra đời của tôn giáo, sự hình thành và phát triển tư duy triết học của Ấn Độ.

Công trình cũng đã làm rõ được mối quan hệ khăng khít như hình với bóng giữa tôn giáo, triết học với văn học nghệ thuật  qua những chuyện  kể về tục thờ Linga  Yoni của người Ấn Độ cổ xưa thời tiền Vêđa, người đọc có thể biết được ý niệm về tư tưởng triết học duy vật đã xuất hiện  rất sớm. Đọc chuyện bộ ba thần tượng (Trimurti) thời hậu Vêđa, độc giả sẽ biết được ý niệm về phép biện chứng và quan niệm duy tâm thần bí...

Qua công trình này chúng ta sẽ nhận rõ được Ấn Độ là mảnh đất màu mỡ cho tôn giáo phát sinh và là cơ sở cho mọi trường phái triết học phát triển. Do vậy, tính chất  khoa học trong công trình này đáng trân trọng.   

Ấn Độ là đất nước có nền văn minh rất sớm. John  Marshall, nhà khảo cổ người Anh,  đã từng thừa nhận nền văn minh Ấn  Độ không kém gì nền văn minh Ai Cập, Hi Lạp. Chúng ta cũng từng biết, văn minh Ấn Độ đã có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Văn học và Phật giáo Ấn Độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước châu Á. Riêng văn học Ấn Độ đến nước ta quá chậm, các công trình nghiên cứu quá ít ỏi, số lượng người nghiên cứu chỉ đếm được trên đầu ngón tay, người yêu thích say mê với nền văn huyền bí nay lại càng hiếm hoi. Trong hoàn cảnh  quan hệ nước ta và Ấn Độ ngày càng phát triển, xu hướng toàn cầu hóa đòi hỏi nước ta cũng phải  hòa nhập. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, tìm cách tăng cường nghiên cứu, giao lưu, truyền bá  văn học Ấn Độ và văn học các nước khác. Cuốn sách này đã đóng góp kịp thời vào nhiệm vụ đó.

 

Ấn Độ là một đất nước có nền văn hoá, văn học lâu đời. Nếu tính từ thời điểm kinh Vêđa, tác phẩm văn chương – tôn giáo đầu tiên của Ấn Độ ra đời đến nay (1.500 trước Công nguyên) thì văn học Ấn Độ đã có 3.500 tuổi. Từ chiếc nôi này, văn học Ấn Độ lan toả ra một khu vực rộng lớn trên thế giới. Các nước trong khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á… đều chịu ảnh hưởng của văn hoá, văn học Ấn Độ.

Một nền văn học vĩ đại, truyền thống lâu đời như văn học Ấn Độ thực sự xứng đáng là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình khoa học. Tuy nhiên, văn học Ấn Độ mới chỉ được chú ý nghiên cứu ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỉ XX. Thành tựu nghiên cứu văn học của đất nước này ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng với tầm vóc của  nền văn học đó.  Cuốn sách của chúng tôi mong góp một phần nhỏ vào công việc tìm hiểu văn học Ấn Độ, từ đó bắc thêm một nhịp cầu đưa người đọc Việt Nam đến với văn học của dân tộc bạn bè này.

Lịch sử phát triển của văn hoá nhân loại có một thời kì mà mối quan hệ giữa các ngành khoa học vô cùng mật thiết, đó là thời kì “văn, sử, triết bất phân”, “văn học pha trộn” (P.A Grinser), tôn giáo và thơ ca cũng có quan hệ tương hỗ. Tôn giáo khơi nguồn cho thi ca và ngược lại, thơ ca trở về phục vụ cho nghi lễ tôn giáo. Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó. Hơn nữa, Ấn Độ là dân tộc mộ đạo và trọng triết học. Đây là quê hương của hai trong số những tôn giáo lớn nhất trên thế giới là Phật giáo và Hindu giáo. Đồng thời đây cũng là ngôi nhà chung của nhiều tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, đạo Jain, Bái hoả giáo… Mỗi tôn giáo lại chia thành nhiều tông phái khác nhau. Mỗi tông phái lại vi phân thành nhiều nhánh nhỏ hơn. Các tôn giáo chung sống với nhau khá hoà bình dưới mái nhà chung Ấn Độ. Điều này khiến cho Ấn Độ trở thành “tiểu vũ trụ của các tôn giáo và các nền triết học” (N. Menon). Vì vậy, các tôn giáo và văn học Ấn Độ lại càng có sự liên hệ hữu cơ. Nhiều tác phẩm văn học cũng là kinh điển tôn giáo đồng thời hàm chứa tư tưởng triết học. Các tác phẩm văn học hoặc là kinh điển của tôn giáo (kinh Vêđa, kinh Brahmana, kinh Upanishad, sử thi Ramayana, Mahabharata, Tam Tạng Phật giáo…) hoặc là phát ngôn của các tôn giáo (thơ sùng tín). Chúng là những bộ thánh điển “ba trong một”. Vì vậy, thật khó mà tách biệt những yếu tố tôn giáo và triết học trong những tác phẩm này của Ấn Độ.  Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi nhận thấy, nếu không nghiên cứu các tư tưởng tôn giáo – triết học thì khó có thể hiểu một cách thấu đáo các tác phẩm văn học Ấn Độ. Nghiên cứu tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ là cơ sở để hiểu sâu sắc hơn đối tượng của khoa nghiên cứu văn học dân tộc này.

Cuốn sách này hướng tới mục đích xác định một phương pháp tiếp cận văn học Ấn Độ cho người học văn học Ấn Độ. Đó là hướng tiếp cận văn học từ góc độ tôn giáo, triết học, văn hoá. Từ hướng nghiên cứu này, chúng tôi thấy có thể giải quyết được những vấn đề hiện còn đang tranh luận trong giới nghiên cứu.

Vấn đề tư tưởng tôn giáo – triết học vô cùng phong phú, phức tạp trong văn học Ấn Độ, chúng tôi xin được giới thuyết những vấn đề nghiên cứu và giới hạn phạm vi nghiên cứu như sau:

 Thứ nhất, tôn giáo và triết học là hai khái niệm khác nhau nhưng trong những trường hợp cụ thể lại có quan hệ vô cùng mật thiết. Tôn giáo (tiếng Anh là “religion”, “religion” xuất phát từ thuật ngữ “legere” tiếng Latin “có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên – xét trên một cách thức nào đó, đó là một phương cách để giúp con người sống và tồn tại với sức mạnh siêu nhiên từ đó làm lợi cho vạn vật và con người), “là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lí, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó”. “Đặc điểm của mọi tôn giáo là sự tín ngưỡng và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên chi phối thế giới[1]. Mỗi tôn giáo thường bao gồm giáo hội có tổ chức chặt chẽ, có giáo chủ, có giáo lí thể hiện trong các kinh bổn, có nơi thờ phụng, có lễ nghi, tục lệ.

Từ “philosophy” (triết học) trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hi Lạp cổ đại “φιλοσοφία” (philosophia) mang nghĩa là “tình yêu đối với sự thông thái”. Sự ra đời của các thuật ngữ “triết học” và “triết gia” được gắn với Pythagoras, nhà tư tưởng Hi Lạp. Trước Marx, triết học “là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người và vũ trụ”, là “khoa học của các khoa học” bao gồm toàn bộ sự hiểu biết của loài người và thay thế cho tất cả các khoa học. Từ Marx về sau, vấn đề cơ bản của triết học là “mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy[2]. Các trường phái triết học bày tỏ quan niệm khác nhau về vũ trụ (vũ trụ quan), về nhân sinh (nhân sinh quan) và lí luận về nhận thức (nhận thức luận). 

Tuy nhiên, tôn giáo và triết học thường có quan hệ với nhau. Tôn giáo là “kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại”. Chính vì thế những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học đúng như giáo sư Nguyễn Đức Đàn đã khẳng định: “Trong lịch sử tư tưởng, chúng ta đã thấy rằng bất cứ một tôn giáo lớn nào cũng đều có một cốt lõi triết học có khi khá sâu sắc, ngược lại có những trường phái triết học cũng dần dần mang một hình thức tôn giáo nào đó (chẳng hạn tư tưởng Lão Trang và Đạo giáo ở Trung Quốc). Vì vậy thật ra có nhiều trường hợp thật khó tách rời triết học và tôn giáo[3]. Đây là lí do vì sao trong cuốn sách, chúng  tôi không trình bày tách biệt  tôn giáo và triết học mà chỉ nêu ra, phân tích và luận giải một cách song hành các yếu tố tôn giáo  –  triết học trong các tác phẩm. Tuy nhiên khi nói về yếu tố đậm màu sắc tôn giáo hơn chúng tôi sẽ dùng từ tôn giáo (ví dụ Hindu giáo), khi nói tư tưởng thiên về triết học, chúng tôi dùng từ đạo, có khi không tách bạch.

Thứ hai, các học thuyết triết học – tôn giáo Ấn Độ vô cùng đa dạng nhưng tựu chung chúng được chia làm hai hệ thống là hữu. Hữu là hệ thống triết học  chính thống, thừa nhận quyền uy và giáo lí trong kinh Vêđa. Vô là hệ thống triết học phi chính thống, phủ nhận quyền uy và giáo lí của Vêđa. Trong khi Hindu giáo thuộc về hữu thì đạo Phật, đạo Jain... thuộc về vô. Vì vậy chúng tôi sẽ tập trung vào tìm hiểu tư tưởng của hai tôn giáo – triết học tiêu biểu cho hai hệ thống triết học là đạo Hindu và đạo Phật.

Thứ ba, các học thuyết này ra đời đến nay đã hàng nghìn năm. Trong quá trình tồn tại, chúng có nhiều sự vận động, đổi thay, phân chia thành những trường phái với những tư tưởng hết sức phức tạp. Vì vậy chúng tôi chỉ tập trung vào những điểm cốt lõi của những tư tưởng nguyên thủy của các tôn giáo – triết học này chứ không đề cập đến những tư tưởng của các tông phái đã có sự thay đổi sau này.

Thứ tư, tư tưởng tôn giáo – triết học Ấn Độ thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học ra đời trong hơn 3500 năm lịch sử văn học của đất nước rộng lớn này. Vì vậy, cuốn sách của chúng tôi cũng chỉ giới hạn phạm vi khảo sát là những tác phẩm tiêu biểu nhất cho từng thời kì, từng trường phái như Vêđa, sử thi Ramayana, Mahabharata, văn chương sùng tín, văn chương Phật giáo.

Về lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng tôi tạm chia những tài liệu được khảo sát  thành hai khu vực là thế giới và Việt Nam.  (Xem tiếp phần 2)


[1] Marguerite-Marie Thiollier, Từ điển tôn giáo, Lê Diên dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr 855.

[2] Marguerite-Marie Thiollier, Từ điển tôn giáo, Lê Diên dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr 932.

[3] Nguyễn Đức Đàn, Tư tưởng triết học và đời sống văn hóa, văn học Ấn Độ, NXB Văn học, H, 1996, tr 7.

Nguồn:

Cùng chuyên mục