Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 2)
I. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU TRÊN THẾ GIỚI
1. Lịch sử nghiên cứu từ góc độ tôn giáo – triết học
Các công trình nghiên cứu kinh điển – văn chương Ấn Độ từ góc độ tôn giáo – triết học trên thế giới có thể chia làm ba loại chính:
Thứ nhất là các công trình nghiên cứu tư tưởng tôn giáo – triết học cổ đại trong bức tranh rộng lớn, đa sắc của văn hoá Ấn Độ. Thuộc nhóm này có các tác phẩm nổi tiếng của sử gia Will Durant như Di sản phương Đông của chúng ta (Our Oriental Heritage), New York, 1954; Lịch sử văn minh Ấn Độ, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1972 hoặc Phát hiện Ấn Độ (The Discovery of India) của Jawaharlal Nerhu, Sigrent Press, Calcutta, 1956 (NXB Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1990 qua bản dịch của nhóm dịch giả Phạm Thuỷ Ba, Lê Ngọc, Hoàng Tuý, Nguyên Tâm, từ bản tiếng Anh của NXB New Dehli, 1982). Các nhà văn hoá lớn này đã phân tích những đặc điểm của tôn giáo – triết học Ấn Độ trên một phông nền phức tạp, phong phú, đan dệt bởi nhiều hình thái, lĩnh vực của đời sống xã hội, văn minh Ấn Độ. Tài liệu họ sử dụng để khảo sát cũng chính là các tác phẩm kinh Vêđa, Upanishad, sử thi… Trong Lịch sử văn minh Ấn Độ, có thể thấy điều này ở các chương như Chương I với các mục Tôn giáo trong các kinh Vêđa, Triết lí trong các Upanishad. Trong Phát hiện Ấn Độ, cái nhìn về sự thống nhất giữa tôn giáo – triết học – văn chương được thể hiện ở các chương Những ghi chép bộ kinh và thần thoại sớm nhất; Kinh Vêđa; Kinh Upanishad; Sử thi, lịch sử truyền thống và huyền thoại, Chấp nhận và phủ nhận cuộc sống…
Thứ hai là các công trình nghiên cứu diễn trình khởi phát, vận động, phát triển và tư tưởng của triết học Ấn Độ cổ đại. Thuộc nhóm này có thể kể đến những công trình như Triết học Ấn Độ (Indian Philosophy), The Macmillan, New York, 1951; Ấn Độ và Trung Quốc (India and China) của S. Radhakrisnan, Bombay Hin Kitabs, 1954; Lịch sử Ấn Độ (A History of India) của Heinrich Zimmer, Bollogen series Princetion University Press USA, 1971; Hindu giáo (Hinduism) của Louis Renou, NXB Washington Square Press Book, New York, 1963; Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới cũng của Heirich Zimmer do NXB Văn hoá – Thông tin ấn hành năm 2006 qua bản dịch của Lưu Văn Hi… Trong các công trình này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các tác phẩm như Vêđa, Upanishad, Ramayana, Mahabharata, Bhagavad Gita… để chỉ ra một số khía cạnh chủ đạo của tư tưởng tôn giáo và triết học Ấn Độ. Các tư tưởng đó được gửi vào trong một số cặp phạm trù cơ bản như nghiệp báo (karma) – luân hồi (samsara), bổn phận (dharma) – giải thoát (moksha), Linh Hồn Cá Thể (Atman) – Linh Hồn Vũ Trụ (Brahman)…
Tiến sĩ triết học và văn học Ấn Độ Chandradhar Sharma, Trưởng khoa Nghiên cứu Triết học Sau đại học của Trường Đại học Jabalpur trong cuốn Triết học Ấn Độ nghiên cứu và phê bình trình bày một cách hệ thống những tư tưởng triết học Ấn Độ. Cuốn sách của ông gồm 20 chương. Các chương lần lượt trình bày tư tưởng triết học thể hiện trong Vêđa, Upanishad, Bhagavad Gita (Chí tôn ca) (một cuốn sách nằm trong sử thi Mahabharata tái hiện cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna), tư tưởng của đạo Jain, đạo Phật, các trường phái Shunyavada, chủ nghĩa duy vật, Svatantra – Vijnanavada, Sankhya, Yoga, Vaishesika, Nyaya, Purva – mimamsa, Vedanta…Từ các tác phẩm Vêđa, Upanishad, Bhagavad Gita…, Chandradhar Sharma đã phân tích xác đáng các tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại. Mặc dù chỉ khai thác các tư tưởng triết học nhưng việc lấy các kinh điển của Hindu giáo dùng vào việc phân tích của tác giả khiến chúng ta có thể nhận thấy sự đồng nhất của tôn giáo với triết học Ấn Độ. Trong trang 11, ông khẳng định: “…triết học Ấn Độ nghiêng hẳn về tính tâm linh và luôn nhấn mạnh vào nhu cầu nhận thức thực tế về chân lí. Darshana (kiến) có nghĩa là tầm nhìn và cũng có nghĩa là công cụ của tầm nhìn. Nó đại diện cho tầm nhìn trực tiếp, tức thì và mang tính trực giác về hiện thực. Đây là nhận thức thực sự về chân lí và đồng thời bao gồm những phương tiện dẫn con người đến nhận thức này. “Nhìn thấu vào bản ngã” (atma va are drastavyah) là giáo luật chủ đạo của tất cả các trường phái triết học Ấn Độ. Điều này chính là lí do vì sao, hầu hết các trường phái triết học Ấn Độ cũng là những giáo phái”[1].
Thứ ba là các công trình đi sâu nghiên cứu từng trào lưu, từng loại kinh sách triết học, tôn giáo Ấn Độ. Tiêu biểu cho các tác phẩm thuộc nhóm này là Chí Tôn ca (The Bhagavad Gita) của S. Radhakrisnan, Allen and Unwin, London, 1953; Upanishad chính yếu (The Principal Upanishad), Allen and Unwin, London, 1953; Ramayana và Mahabharata (The Ramayana and Mahabharata) của Dutt Romesh, London, 1961; Ramayana (The Ramayana) của R.K. Narayan, The Vikino Press, New York, 1974; Áo nghĩa thư Upanishad do Shri Aurobindo bình giải, Thạch Trung Giả dịch.
2. Lịch sử nghiên cứu từ góc độ văn học
Có thể chia các công trình nghiên cứu các tác phẩm trên phương diện văn học thành hai mảng:
2.1. Lịch sử nghiên cứu kinh điển – văn chương Phật giáo từ góc độ văn học
Trong số các trước tác Phật giáo, các kinh sách bằng tiếng Pali còn lưu truyền nguyên vẹn hơn cả. Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học Pali chỉ được tìm thấy qua một vài tác phẩm tiêu biểu xuất hiện khoảng từ thế kỉ XV trở đi.
Đáng chú ý nhất là tác phẩm Khảo sát về Thiện pháp do Dhammakitti biên soạn khoảng đầu thế kỉ XV ở Thái Lan.
Tác phẩm Lịch sử các kinh sách do Nandapanna viết cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các tác giả và kinh sách Pali.
Tiếp theo là cuốn Lịch sử giáo pháp nguyên bản tiếng Miến Điện được biên soạn vào năm 1831 cũng bao hàm những thông tin nói về các tác phẩm kinh sách.
Tác phẩm Pitakat samuin do Man Kri Mahasirijeyasu, vị cán bộ thư viện cuối cùng thuộc hoàng gia Miến Điện sưu tập vào năm 1888 nêu con số 2.047 tác phẩm tiếng Pali cũng như tiếng Miến Điện và Sanskrit.
Khi E. Burnouf và Christian Lassen cho công bố lần đầu (1826) ở Pháp bài viết của họ về Pali, công cuộc nghiên cứu văn học Pali bắt đầu ở châu Âu. Năm 1837, George Turnour dịch 38 chương đầu của tác phẩm Mahavamsa sang tiếng Anh. Sự kiện này đánh dấu sự nỗ lực quan trọng đầu tiên của một học giả châu Âu trong việc giới thiệu văn học Pali ở phương Tây. Năm 1855, bản dịch kinh Pháp cú và bản sớ giải Pali cổ xưa của nó được Vincent Fasuboll giới thiệu với độc giả phương Tây. Năm 1858, hai tác phẩm Cuộc đời và truyền thuyết về Gautama (The Life and Legend of Gautama) và Đức Phật ở Miến Điện (The Buddha of the Burmese) dựa vào các bản thảo tiếng Tích Lan và Miến Điện đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu châu Âu. Tiếp theo, các công trình nghiên cứu do R. Spence Hardy thực hiện như Kinh sách của đạo Phật (A Manual of Buddhism) (1860), Truyền thuyết và học thuyết của Đức Phật đối chiếu với Lịch sử và Khoa học (Legends and Theories of Buddhist compared with History and Science) (1866) đã khiến độc giả châu Âu chú ý hơn về đạo Phật. Năm 1875, cuốn tự điển Pali đầu tiên do Robert Caesar Childers biên soạn được xuất bản ở London ghi một dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu văn học Pali ở châu Âu. Từ 1877 đến 1879, V. Fausboll người Đan Mạch xuất bản bảy tập Truyện tiền thân Đức Phật (Jataka). Năm 1880, một học giả Đan Mạch khác là V. Trenckner cho ra đời tập Milindapanha ở London. Năm 1878, bản dịch Dipavamsa của H.Oldenber được xuất bản. Sau đó trong bốn năm (1879 – 1883), ông tiếp tục biên tập Luật Tạng Pali thành năm tập.
Năm 1881, Hội Đồng Kinh Tạng Pali (Pali Text Society) được thành lập ở Anh thu hút nhiều nhà nghiên cứu và dịch giả nổi tiếng về kinh văn Pali. Các học giả châu Âu đã gây được sự chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu, biên tập, dịch thuật các văn bản Pali ra tiếng Anh, Đức, Ý, Nga, Ba Lan. Hội đồng này do Rhys Davids làm Chủ tịch ra đời nhằm mục đích “giới thiệu kho tàng phong phú của văn học Phật giáo nguyên thuỷ cho các sinh viên”. Từ đây công tác biên tập và dịch thuật các tác phẩm văn học Pali được tiến hành đồng thời với sự xuất bản các bản gốc của chúng. Các tác phẩm Luật Tạng được H. Oldenber biên tập và dịch sang tiếng Anh từ 1881 đến 1885, được Minayeff dịch sang tiếng Nga (1870), được Karl Seidensticker chuyển sang Đức ngữ (1924 – 1925). Các phần của Kinh Tạng cũng được dịch ra các thứ tiếng khác. Chẳng hạn tuyển tập Trường bộ được Rhys Davids và vợ ông dịch ra tiếng Anh và xuất bản năm 1899 – 1921; sau đó được dịch sang tiếng Đức (bởi K.E Neumann; 1907 – 1928), sang tiếng Pháp (bởi M.P Grimblot; 1876). Tập Trung bộ do V. Treckner, R. Chalmer và C.A.F Rhys Davids biên tập (1888 – 1925) được K.E Neumann dịch sang tiếng Đức (1896 – 1902); được K.E.Neumann và G. de Lorenzo chuyển sang tiếng Ý (1907) và Lord Chalmer dịch ra tiếng Anh (1926 – 1927)... Bảy bộ thuộc Luận Tạng cũng lần lượt được giới thiệu và dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu.
Những thành tựu đạt được nhờ những cố gắng phi thường trong lĩnh vực Phật học của các nhà nghiên cứu châu Âu đã làm thức tỉnh các học giả Ấn Độ. Học tập châu Âu, Hội đồng Kinh Tạng Phật giáo (Buddhist Text Society) của Ấn Độ đã được thành lập ở thành phố Calcutta vào năm 1892, ghi dấu thời kì chấn hưng của Phật giáo sau một thời gian bị lãng quên trên chính bản quán của nó. Nếu như phần lớn các văn bản Pali được biết đến rộng rãi trên thế giới nhờ hoạt động nghiên cứu, biên tập, dịch thuật và xuất bản tích cực của Hội đồng Kinh Tạng Pali thì tại Ấn Độ, các văn bản Sanskrit được phát hiện và quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu trên thế giới nhận thấy văn học Phật giáo là một kho tàng vô cùng phong phú. Công tác nghiên cứu và phiên dịch văn học Phật giáo đòi hỏi và trông chờ nhiều nỗ lực
2.2. Lịch sử nghiên cứu kinh điển – văn chương Hindu giáo từ góc độ văn học
Trong số các công trình nghiên cứu các kinh điển Hindu giáo từ góc độ văn học, chúng tôi nhận thấy các ý kiến tập trung nhiều vào các bộ sử thi Ấn Độ là Mahabharata và Ramayana.
Vào những năm 30 của thế kỉ XIX, với tác phẩm Mĩ học, Hêghen đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho lí luận sử thi. Trong tác phẩm đồ sộ này, ông đã dành hẳn phần lớn chương 3 – Các loại thơ – để nghiên cứu sử thi. Tác giả của Mĩ học đã chỉ ra đặc sắc của hình tượng nhân vật sử thi Ấn Độ mà ông cho đó là những sử thi chính thức. Theo Hêghen, nhân vật của sử thi Ấn Độ có đặc điểm nửa thần linh, nửa trần tục và mang màu sắc tôn giáo nặng nề, tạo cho các sử thi này tính chất “thánh kinh”. Song ông không phân tích màu sắc tôn giáo biểu hiện như thế nào.
John. B. Alfonso Karkala trong cuốn Hợp tuyển văn học Ấn Độ (An Anthology of Indian Literature) chỉ ra rằng các nhân vật trong sử thi là phương tiện để các tác giả của nó phát ngôn cho thuyết nghiệp báo Karma của đạo Hindu. Valmiki (tác giả sử thi Ramayana) “thêu dệt” nên một sử thi mang dáng dấp lí tưởng, đạo đức gia đình, nghiệp báo Karma. Nhà thơ mô tả những mối quan hệ gia đình lí tưởng mà ở đó con trai coi lời nói của cha mẹ như là mệnh lệnh, vợ một lòng một dạ chung thủy với chồng, những người em trai trung thành với truyền thống, không hề thèm muốn ngai vàng của anh. Do vậy, những nhân vật buộc phải thực hiện một cách liên tục những sự lựa chọn đạo đức trong những hành vi của họ. Ở phương diện khác, nhà thơ chứng minh rằng, cái xấu xa, độc ác trong xã hội cổ đại không phải được mang đến bởi hành động bên ngoài mà hành động con người bị thúc đẩy bởi những dục vọng dữ dội (như trường hợp nữ tì Manthar). “Những hành động sẽ trở thành hiện thực, kết quả tất yếu của chính những hành vi đó cũng giống như những hạt giống, trưởng thành những cây to sẽ mang lại ngọt ngào hay cay đắng.”[2] (Xem tiếp phần 3)
1. Chandradhar Sharma, Triết học Ấn Độ nghiên cứu và phê bình, NXB Tổng hợp, TP HCM, tr. 11.
2. John.B.Alfonso Karkala, An A
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024