Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 3)
Trên cái nền nghiên cứu sự ảnh hưởng sâu rộng của Ramayana ở Đông Nam Á (The Ramayana in South East Asia), tác giả Thakur Upendra chỉ ra căn nguyên tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng của sử thi. Đó chính là do các hình tượng nhân vật kết tinh những phẩm chất cao quý nhất trong truyền thống Ấn Độ và những lí tưởng xuyên suốt quá khứ và tương lai: “Điều tốt nhất và cao quý nhất trong truyền thống Ấn Độ và những lí tưởng xuyên suốt trước và sau đang phát triển trong các nhân vật Rama, Xita, Laksmana, Hanuman và những nhân vật khác. Rama trong số họ được tôn lên làm vua với những phẩm chất lí tưởng đến nỗi mà trong nhiều thế kỉ, anh ta được bảo vệ như là hiện thân của Dharma”[1]
Trong cuốn Hindu giáo – toàn cảnh văn hóa (Hinduism – A Cultural Perspective), David. R. Kinsley nhận thấy sự chi phối của dharma – đạo vũ trụ và đạo người tới hình tượng nhân vật một cách mạnh mẽ: “Rama là người bảo vệ vĩ đại của trật tự phù hợp trong mối quan hệ giữa người với người. Con phải vâng lời cha, thần dân phải tuân lệnh vua. Thái độ phục tùng là cách tổ chức của những mối quan hệ trật tự giữa con người, từ bỏ chúng thì trên thực tế, trật tự có thể bị hủy hoại, bởi vì một xã hội trật tự đi đôi với những mối quan hệ trật tự cá nhân”[2].
Nhà nghiên cứu văn học người Nga P. A. Grinser trong cuốn Sử thi cổ đại Ấn Độ đã chỉ ra sự ảnh hưởng đạo Hindu tới hình tượng nhân vật, chủ yếu là sự chi phối của bổn phận đẳng cấp tới hành động, lời nói của nhân vật. Nhân vật bao giờ cũng phục tùng nghĩa vụ của một Kshatriya (đẳng cấp vua chúa, chiến binh). Trong trường hợp bổn phận này không trùng hợp với chân lí, nhân vật cúi đầu phục tùng bổn phận chứ không thực hành theo chân lí.
Các tác giả của cuốn Văn học cổ đại phương Đông nhìn thấy trong các nhân vật của sử thi Ramayana sự thể hiện tính chất bất di bất dịch của sự phân chia đẳng cấp. Sách viết: “Sử thi khẳng định tính chất bất di bất dịch của sự phân chia đẳng cấp, sự lệ thuộc của đẳng cấp dưới vào đẳng cấp trên theo lứa tuổi và địa vị (Rama tuân theo mệnh lệnh của vua cha, đi đày một cách ngoan ngoãn), sự phục tùng của người vợ với chồng (lí giải bằng hành vi của Xita).”[3]
Jean - Claude Carriere, nhà văn, đạo diễn điện ảnh Pháp đã chuyển thể Mahabharata thành kịch rồi thành một bộ phim gây xúc động mãnh liệt cho người xem nhiều nơi trên thế giới. Trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Người đưa tin UNESCO 9/1998, Jean - Claude Carriere đã khẳng định điều cốt tuỷ của Mahabharata chính là Dharma: “Chính là để khắc sâu dharma vào trái tim con người mà Vyasa đã viết bản trường ca của mình. Dharma là quy luật chi phối trật tự thế giới. Đó cũng là trật tự thầm kín cá nhân mà mỗi người mang theo trong bản thân và tuân theo. Dharma của mỗi cá nhân nếu được tôn trọng là bảo đảm của trật tự vũ trụ”[4].
Bộ phim và lời phát biểu của Jean - Claude Carriere cho thấy ông đã cảm nhận được một cách thông minh và tinh tế tư tưởng cốt lõi của Mahabharata.
Trong cuốn Hindu giáo (Washington Square, New York, 1963), Louis Renou chỉ ra quá trình phát triển của tác phẩm: là một sử thi Mahabharata cuối cùng trở thành “một đại lược những giá trị cơ bản của đạo Hindu, trong đó nhấn mạnh tới Dharma của đẳng cấp chiến binh hơn là của đẳng cấp tu sĩ”[5].
Bên cạnh ý kiến của các nhà nghiên cứu phương Tây, chúng tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của các nhà nghiên cứu nổi tiếng người Ấn Độ. Họ có nhiều ưu thế khi nghiên cứu các tác phẩm Ấn Độ so với các nhà nghiên cứu phương Tây bởi công trình của họ có sự kết hợp năng lực phân tích khoa học vốn là ưu thế của phương Tây với cái nhìn thấm nhuần tinh thần Ấn Độ. Theo họ, những bộ sử thi Ấn Độ là tác phẩm văn chương đồng thời cũng là kinh điển tôn giáo – triết học. Và đấy mới là giá trị văn chương đích thực cao quý nhất của sử thi Ấn Độ.
Trong cuốn sách dày 462 trang có tên là Mahabharata – Nghiên cứu văn học (Mahabharata – A Literary Study, NXB Clarion Books India, 1993), K. Chaitanya đã khẳng định chức năng triết học của Mahabharata:
“Một bản anh hùng ca đã được chuyển dịch thành một trong những bài thơ triết học vĩ đại nhất, hoàn toàn có thể sánh với bất cứ hệ thống siêu hình học nào của các triết gia. Tuy nhiên, thơ ca trở thành triết học mà không thôi là thơ ca”[6].
Một công trình khác là Thời đại anh hùng Ấn Độ của N.K Shidhanta cũng bàn về tính chất tôn giáo và triết học Ấn Độ. Trong cuốn sách, nhà nghiên cứu đã tái hiện quá trình hình thành sử thi Mahabharata và đi đến kết luận: Mahabharata ban đầu là một sử thi anh hùng, qua tiến trình này biến thành Vêđa thứ năm, một tác phẩm kinh điển của tôn giáo Bàlamôn.
II. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM
1. Lịch sử nghiên cứu từ góc độ tôn giáo – triết học
Việt Nam là một nước sớm tiếp nhận văn hoá Ấn Độ, đặc biệt là tiếp thu rất nhiệt thành Phật giáo. Thời Lí, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Thành tựu nghiên cứu về văn học Ấn Độ nói chung, văn học Hindu giáo, văn học Phật giáo cũng rất đáng kể:
Cuốn Lịch sử triết học phương Đông (tập 3) của Nguyễn Đăng Thục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1991 trình bày tiến trình phát triển của triết học Ấn Độ từ thời đại Vêđa, qua thời Brahmana, Upanishad, thời đại Balamôn – Phật. Thời đại Vêđa, tác giả tập trung tìm hiểu bộ thánh ca Veda. Ông so sánh Vêđa với Kinh Thi của Trung Quốc và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm:
“Nếu ở Trung Hoa, tài liệu tối cổ của tư tưởng nhân loại bắt đầu bằng thi ca, thì ở Ấn Độ cũng vậy. Nếu ở Trung Hoa tư tưởng tối cổ phản chiếu vào ba loại sách Thi – Thư – Dịch thì ở Ấn Độ nó phản chiếu vào ba phần của Veda: Mantras – Brahamanas – Upanishad. Và nếu có thể so sánh xa hơn thì người ta cũng thấy rằng, thơ ca Kinh Thi cũng tương đương với thơ ca Vêđa ở lời phù chú Mantras. Giáo lí Kinh Thư cũng tương đương với giáo lí Brahmanas. Và suy luận vấn đề triết lí ở Kinh Dịch thì tương đương với suy luận các vấn đề triết lí ở Upanishad”.[7]
Hai bộ kinh này cũng có những điểm khác biệt:
“Kinh Thi gồm thơ ca phong tục bình dân, mà kinh Vêđa thì gồm những thơ ca tụng những hiện tượng thiên nhiên. Ở đây, chúng ta đã thấy những chỗ dị đồng của hai tinh thần văn hoá ở tại điểm phát xuất tự trong trứng nó đã mang nặng một bên khuynh hướng nhân sinh, một bên khuynh hướng vũ trụ. Khuynh hướng vũ trụ thiên về thần bí, tìm giải thoát, khuynh hướng nhân sinh thiên về hiện thực, tìm trật tự xã hội đại đồng”.[8]
Bằng việc so sánh Vêđa và Kinh Thi, tác giả đã phân tích rất rõ phần thơ và phần triết lí trong Vêđa.
Tiếp đó, tác giả còn phân tích tư tưởng Hindu giáo trong các thời đại Brahmana, Upanishad… và chỉ ra tính thống nhất của tư tưởng ấy. Người Ấn Độ từ những thời đại Cuốn Biện chứng giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ của Nghiêm Xuân Hồng, NXB Quan điểm, Sài Gòn, 1966 đã trình bày quá trình tiến triển của tư tưởng giải thoát xa xưa ấy đã luôn trăn trở đi tìm sự thống nhất giữa cái cá nhân và vũ trụ đại đồng.
Tư tưởng Phật giáo sau này tuy có nhiều điểm tương phản với Hindu giáo nhưng thực chất cũng kế thừa tinh thần này trong triết học Ấn Độ từ kinh Vêđa đến triết lí Phật giáo.
Trong cuốn Đại cương lịch sử triết học Ấn Độ (NXB Bồ Đề, Sài Gòn, 1965), Thượng Toạ Thích Quảng Liên đã khái quát quá trình phát triển của triết học Ấn Độ. Tác giả chia thành hai hệ thống: truyền thống hay chính thống (Astika) và không truyền thống hay phi chính thống (Nastika).
Hệ thống chính thống có 6 trường phái chia làm 2 phái:
– Trực tiếp ảnh hưởng Vêđa có: Vedanta và Mimansa.
– Gián tiếp ảnh hưởng Vêđa có: Sankhya, Yoga, Nyaya, Vaisesika.
Dù trực tiếp hay gián tiếp, hai phái này đều thừa nhận quyền uy của thánh kinh Vêđa.
Hệ thống không chính thống gồm ba phái là đạo Phật, Jaina, Savaka phủ nhận uy quyền và giáo lí Vêđa, phủ nhận vai trò sáng tạo thế giới của Phạm Thiên (Brahma). Tác giả tập trung phân tích giáo lí Phật giáo thể hiện trong Tứ diệu đế và Nhân duyên sinh.
Cuốn Nhập môn triết học Ấn Độ của Lê Xuân Khoa (Trung tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1972) đã chỉ ra những đặc điểm của triết học Ấn Độ như có tính cách truyền thống, là triết học tâm linh, thực nghiệm… trong đó, ông nhấn mạnh tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ. Ông cũng dựa trên các tác phẩm như kinh Vêđa, Upanishad, sử thi Ramayana, Mahabharata… để phân tích các tư tưởng triết học đó.
Trong cuốn sách dày 524 trang mang tên Tư tưởng triết học và đời sống văn hoá văn học Ấn Độ, giáo sư Nguyễn Đức Đàn đã phác hoạ một cách toàn diện những cốt lõi đời sống tinh thần của đất nước này. Cuốn sách gồm ba phần lần lượt khảo cứu tư tưởng triết học, đời sống văn hoá và đời sống văn học Ấn Độ. Trong phần I gồm 10 chương, tác giả lần lượt trình bày những bước đầu của triết học tư biện Ấn Độ trong kinh Vêđa, trào lưu tư tưởng của Upanishad, học thuyết Phật giáo, Thiền học, các học thuyết Samkhya – Janisme – Vaiseshika, Bhagavag Gita, tư tưởng triết học Ấn Độ hiện đại. Trong phần III gồm 4 chương, tác giả trình bày mối quan hệ ngôn ngữ Sanskirt và nền văn học cổ điển của Ấn Độ, vài nét về các nền văn học Trung Ấn, các nền văn học Đravidia và các nền văn học Indo – Arya ngày nay. Các công trình vĩ đại như Vêđa, Upanishad, Brahmana… cũng đều được tác giả coi là những tư liệu văn học đồng thời là những bài ca tôn giáo. Chẳng hạn, ở trang 391, tác giả viết: “Bộ Vêđa nguyên bản – những tư liệu về văn học đầu tiên của Ấn Độ đều là những bài về tôn giáo”. Trang 396 có đoạn: “Trong văn học Vêđa có một loại ở bình diện thứ hai gồm có các Brahmanas”. Trang 401, tác giả khẳng định rằng các bản anh hùng ca thực chất “đại diện cho dharma Ấn Độ, bộ luật như người ta thường gọi, chỉ đạo cách cư xử của mọi người cả trên bình diện tôn giáo lẫn trên bình diện đạo đức xã hội, pháp lí kể cả vệ sinh”. (Xem tiếp phần 4)
[1] Thakur Upendra, Some Aspects of Asian history and culture, New Delhi, India, 1986, page 105.
[2] David.R.Kinsley, Hinduism – A Cultural perspective, 2nd Edi-Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey, 1993, page 29.
[3] Dr Nadendra, Văn học cổ đại phương Đông, Matxcova, 1964, tr 243.
[4] Jean-Claude Carriere, Mahabharata - bài thơ nhân gian, TC Người đưa tin UNESCO số 9/1998 (Chuyên san: Những anh hùng ca của các thời đại), tr 9.
Bình luận của bạn
Tin bài liên quan
Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 1)
Giới thiệu sách "Đặc trưng thi pháp nhân vật trong sử thi Ramayana"
Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” (Phần 2)
Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” (Phần 1)
Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 1: “Chủ nghĩa xã hội: Từ lý luận đến thực tiễn” (Phần 2)
Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 1: “Chủ nghĩa xã hội: Từ lý luận đến thực tiễn” (Phần 1)
Giới thiệu sách: Thực hiện Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ về đối tác và thịnh vượng
Giới thiệu sách: “Ấn Độ trong thế giới đương đại: chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế”
Giới thiệu sách: 40 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ và chặng đường đi tới
Tin bài khác
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham gia triển lãm kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Thông tin Khoa học
Diễn văn chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm Viện Thông tin Khoa học
Ấn Độ vẫn chưa tán thành các mục tiêu của khuôn khổ kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thủ tướng Narendra Modi cam kết đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam thăm và chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam
Ý nghĩa của các dự án tác động nhanh của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam
Tàu sân bay INS Vikrant: biểu hiện độc đáo cho sự tự lực của Ấn Độ
Thông tin chuyên đề: “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong các dự án Tác động nhanh do chính phủ Ấn Độ tài trợ tại Việt Nam”
Đông dân nhất thế giới - liệu sẽ có một “điều kỳ diệu” khác mang tên Ấn Độ?
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024