Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 4)

Giới thiệu sách “Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ thời kì cổ - trung đại” (Phần 4)

01:53 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

2. Lịch sử nghiên cứu từ góc độ văn học

2.1. Lịch sử nghiên cứu kinh điển – văn chương Hindu giáo

Cao Huy Đỉnh trong cuốn Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ (NXB Khoa học, Hà Nội, 1964) tập trung nghiên cứu kho tàng thần thoại Ấn Độ. Ông chia cuốn sách thành 9 chương. Chương 1 tìm hiểu thần thoại về vũ trụ trời đất. Từ đó, ông chỉ ra quan niệm triết học cổ xưa của người Ấn Độ qua bộ ba hình tượng Trời cha Đất mẹ Thần con, rằng vũ trụ là do âm dương kết hợp mà thành. Chương 2, 3 tìm hiểu thần thoại về các thần thiên nhiên Ấn Độ. Trong những thần ca về thiên nhiên, tác giả nhận thấy quá trình phát triển của tôn giáo Ấn Độ từ đa thần giáo đến nhất thần giáo. Các chương 6, 7, 8, 9 trình bày những vấn đề của thần thoại hậu Vêđa. Qua việc phân tích bộ ba thần tượng Brahma (Sáng Tạo) Vishnu (Bảo Tồn) Huỷ Diệt (Shiva), Cao Huy Đỉnh chủ yếu phê phán tính chất huyền bí, trừu tượng của thần thoại thời hậu Vêđa.  Như vậy, tác giả cuốn Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ đã phân tích rất rõ tư tưởng triết học tôn giáo thể hiện trong các pho thần thoại Vêđa và hậu Vêđa.

Trong cuốn Văn hoá Ấn Độ, Cao Huy Đỉnh đã trình bày những bước phát triển chính của văn học Ấn Độ qua bảy mục lớn: thần thoại, sử thi Mahabharata, truyện cổ, kịch Sơkuntơla, R. Tagore, Premchand, văn học nửa đầu thế kỉ XX. Trong mục 3 nói về sử thi  Mahabharata, nhà nghiên cứu đã phân tích nội dung phản ánh xã hội của sử thi, đồng thời khẳng định sử thi thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc. Tinh thần nhân văn được thể hiện bằng truyền thống dharma nghĩa là đạo sống hiền hoà, bình đẳng, bác ái của thời kì công xã nguyên thuỷ. Đạo đức dharma đã xung đột với quyền lực mới là hệ thống darda tư hữu, phụ quyền, sức mạnh đàn áp và lừa bịp của thống trị Brahmin (cũng gọi là đẳng cấp Bàlamon) và Kshatriya. Như vậy, Cao Huy Đỉnh đã thừa nhận xung đột chính của sử thi đã thể hiện xung đột chính của Hindu giáo   xung đột giữa dharma và darda.

Cuốn Văn hoá Ấn Độ của Nguyễn Tấn Đắc là bức tranh tổng thể về văn hoá của đất nước vĩ đại này. Tác giả dành mục 5 để bàn về tôn giáo và triết học Ấn Độ. Ba tác phẩm mà tác giả đề cập đến là Vêđa, Upanishad, Bhagavad Gita được coi là đại diện cho ba thời kì tôn giáo. Các tư tưởng chính của ba kinh điển đã được tác giả trình bày ngắn gọn, rành mạch. Theo tác giả, tôn giáo trong Vêđa là “một tôn giáo nhất thần có một biểu hiện đa thần”. “Thần thiêng duy nhất có những biểu hiện đa dạng”. Với Upanishad, tác giả tập trung giải thích cặp phạm trù cơ bản là Atman và Brahman rồi đi đến kết luận: tư tưởng đồng nhất Atman và Brahman là giấc mơ triết học từ xưa của người Ấn. Tác giả coi Bhagavad Gita là một Yoga –  sastra, tức sách dạy về tôn giáo triết học Yoga. Từ một vấn đề đặt ra về dharma, tức là cách xử thế đúng đắn hợp đạo đức ở đời, Krishna đã dẫn Arjuna đến triết học tôn giáo Yoga, tức là sự giải thoát để hợp nhất với Đấng Chí Tôn. Dharma không có mục đích tự thân, mục đích của nó là đạt đến Yoga.

Trong phần khái quát cuốn  Văn học Ấn Độ (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007), Lưu Đức Trung khẳng định một số kinh điển của tôn giáo Hindu có giá trị văn chương rất lớn như Vêđa, Upanishad, Purana… Tác giả khi thì dùng thuật ngữ “thần thoại”, khi dùng từ “kinh” để chỉ các bộ sách này. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng có một bộ phận văn học Phật giáo trong nền văn học Ấn Độ với nhiều ngụ ngôn, truyện cổ tích như Jataka (Truyện tiền thân Đức Phật), ngụ ngôn Panchatantra (Năm cuốn sách). Sau đó, trong chương I, chương nói về thần thoại, tác giả đã trình bày tiến trình phát triển của thần thoại Ấn Độ theo ba giai đoạn tiền Vêđa, Vêđa, hậu Vêđa. Tác giả coi kinh Vêđa là pho thần thoại quan trọng nhất của Ấn Độ. Nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tính chất giáo huấn, thánh kinh sâu đậm của các sử thi Ấn Độ. Chương IV của cuốn sách giới thiệu cụ thể bộ phận văn học Phật giáo.

Phan Thu Hiền trong cuốn Sử thi Ấn Độ cũng cho rằng, các sử thi Ấn Độ thực chất là các dharmasastra tức là sách dạy về con đường đi đến giải thoát cho đẳng cấp Kshatriya. Họ phải trung thành tuyệt đối với bổn phận của đẳng cấp mình, thực hiện bổn phận một cách vô tư không mưu cầu lợi ích của hành động. Bằng cách này, các anh hùng sẽ đạt tới giải thoát moksha.

2.2. Lịch sử nghiên cứu kinh điển – văn chương Phật giáo

Ở Việt Nam, do đặc điểm địa lí và lịch sử, Phật giáo Đại thừa chi phối sâu sắc từ sinh hoạt tới đời sống tinh thần và của quần chúng nhân dân và các tu sĩ. Phật giáo Tiểu thừa vào miền Nam Việt Nam qua đường Campuchia. Vì vậy, cùng với với việc dịch Tam Tạng Hán ngữ, sự nghiệp chuyển ngữ Tam Tạng Pali đã được bắt đầu và được đề cao xem như một nội dung hoạt động quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt bốn thập kỉ cuối của thế kỉ XX. Trong gần hai thập kỉ, thượng toạ Thích Minh Châu đã cố gắng chuyển ngữ và xuất bản hầu hết các kinh văn Kinh Tạng Pali tại Đại học Vạn hạnh, nơi được tiếp nhận việc xuất bản các bản dịch và là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam vinh dự được tiếp cận nền văn học Pali. Từ 1965, tại Phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh, văn học Pali được đưa vào nội dung giảng dạy.

Sau ngày đất nước độc lập, việc nghiên cứu và dịch thuật Tam Tạng Pali tiếp tục được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích. Năm 1985, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập có nhiệm vụ nghiên cứu và dịch thuật văn tạng Phật giáo các nước. Đến nay, nhờ sự cố gắng của các tì kheo, 35 tập các bản dịch Kinh Tạng Pali và A hàm Hán Tạng đã xuất bản.  

Tác phẩm Khảo cứu về văn học Pali của Thích Tâm Minh đã đem đến cho độc giả cái nhìn khá đầy đủ về mảng văn học sáng tác bằng chữ Pali của văn học Phật giáo. Cuốn sách gồm hai phần chính: Phần I giới thiệu tổng quan về văn học Pali trên các phương diện lịch sử, ngôn ngữ và phân loại văn học Pali; phần II giới thiệu cụ thể về văn tạng Pali gồm 102 bài Kinh Trường bộ và 450 bài Kinh Trung bộ. Qua tác phẩm, tác giả khẳng định:

Suốt 25 thế kỉ tồn tại và phát triển, Phật giáo đã để lại cho thế giới nhiều di sản văn hoá to lớn,  vô giá mà cho tới nay dù đã nỗ lực rất lớn, con người vẫn chưa khai thác hết. Trong số đó, văn học Pali Phật giáo Thượng toạ bộ là một kho báu phong phú, đóng góp rất lớn cho nhân loại trên nhiều lĩnh vực[1].

Tập 1 của cuốn Văn học sử Phật giáo còn có lời chú thích Thành lập Tam Tạng. Điều này cho thấy tác giả cuốn sách Cao Hữu Đính  đã coi ba bộ kinh (Tam Tạng) là Kinh Tạng, Luật TạngLuận Tạng là các kinh điển chủ yếu làm nên văn học Phật giáo. Quá trình hình thành Tam Tạng được tác giả giới thiệu rất chi tiết. Đặc biệt trong chương III của phần II, tác giả đã đi sâu giới thiệu cấu trúc và nội dung Tam Tạng.

Tạng Kinh (Sattapitaka) gồm:

          + Trường Bộ Kinh gồm 34 kinh dài chia làm 3 phẩm.

          + Trung Bộ Kinh gồm 152 kinh không ngắn không dài.

          + Tương Ưng Bộ Kinh có 7.762 kinh chia thành 6 phẩm lớn.

          + Tăng Nhất Bộ Kinh có 9.557 kinh chia thành 11 tập.

        + Tiểu Bộ Kinh hay Tạp Bộ Kinh gồm 15 quyển tiểu kinh sắp xếp theo thứ tự như sau: 1. Những bài pháp ngắn (Khuddakapatha) 2. Pháp cú (Dhammapada) tức những câu kệ dạy về pháp  3. Tự thuyết (Udana) 4. Bản sự (Ittivuttaka) 5. Tập kinh (Suttanipata) 6. Sự tích các cung trời (Vimanavatbu) 7. Sự tích người chết (Petavatthu) 8. Kệ tụng của thượng toạ tì kheo (Theragatha) 9. Kệ tụng của thượng

toạ tì kheo ni (Therigatha) 10. Bản sanh (Jataka) 11. Mục lục (Niddesa) 12. Con đường đưa đến trí tuệ (Patisambhidamagga) 13. Chiến thắng vẻ vang của Phật

 (Apadana)  14. Pháp hệ Phật (Buddhavamsa) 15. Tạng Thánh hạnh (Cariyapitaka).

Tạng Kinh chứa đựng tinh yếu Chánh Pháp mà Đức Thích Tôn đã chứng ngộ và hoằng hoá suốt trong 45 năm tại thế. Đó là gia bảo chung của tất cả Phật giáo đồ.

 Tạng Luật (Vinayaditaka): So với Tạng Kinh thì Tạng Luật không thuần nhất bằng. Lí do là vì tuy cùng khai thác một nội dung chung nhưng các Tạng Luật lại đứng trên các lập trường riêng của từng bộ phái mà giải thích vấn đề. Nội dung chính của Tạng Luật là Giới Luật Phật dạy (gồm những lỗi lầm mà tu sĩ phải tránh, những nghi thức hoặc động tác phải hành trì), ngoài ra còn ghi chép thành những sự tích đời Phật, các đại hội tổ chức để kiết tập kinh sách, sự tích các tổ kế tiếp…

 Tạng Luận hay còn gọi là A tì đàm (Abhidharmapitaka) là sản phẩm của bộ phái để xiển minh lập trường của bộ phái mình. Tuy nhiên, nội dung của Tạng Luận hết sức trung thành với giáo pháp Phật dạy trong các kinh. Nếu có thêm thắt chút đỉnh thì chẳng qua cũng chỉ là những chi tiết bổ túc để làm sáng nghĩa thêm chứ không làm sứt mẻ giáo pháp.

Theo tác giả Cao Hữu Đính, kinh Phật được ghi chép bằng rất nhiều thứ chữ như Magadhi, Pali, Prakrit vùng Tây Bắc, Sanskrit… Trong đó tiếng Sanskrit Phật giáo trở thành ngôn ngữ tận thiện tận mĩ.

Trong cuốn Văn học Ấn Độ, tác giả Phan Thu Hiền giới thiệu hai tác phẩm tiêu biểu của văn chương Phật giáo là kinh Pháp cú thuộc Tiểu bộ kinh trong Kinh Tạng Pali và ngụ ngôn của Đức Phật. Tác giả khẳng định giá trị cao cả của kinh Phật là ở chỗ nó kêu gọi con người từ bi, bác ái, an ủi thân phận trần tục và những khổ đau muôn thuở của họ. Xét về văn chương, nó cũng rất xuất sắc. Phong cách trung thực, thẳng thắn, sống động và sắc sảo, sáng rõ và đầy sức thuyết phục với những so sánh giản dị đời thường, những ngụ ngôn nhẹ nhàng mà sâu sắc đôi khi những câu chuyện hài hước hóm hỉnh, ngôn ngữ hàm súc, cô đọng. Kinh Phật là một mẫu mực tuyệt vời của nghệ thuật thuyết Pháp.

Mặc dù các cuốn sách nêu trên đều khẳng định mối quan hệ thống nhất giữa triết học tôn giáo và văn học trong các công trình tư tưởng vĩ đại của Ấn Độ nhưng chưa có một chuyên luận chuyên biệt nào đi sâu phân tích tìm hiểu cụ thể những trầm tích văn hóa được hàm chứa trong những tác phẩm văn học tiêu biểu qua các thời kì. Được sự gợi ý quý báu của các bậc tiền bối, chúng tôi đã chọn đề tài Tư tưởng tôn giáo – triết học trong văn học Ấn Độ trong văn học thời kì Cổ – Trung đại cho cuốn sách của mình.


[1]Thích Tâm Minh,  Khảo cứu về văn học Pali, NXB Phương Đông, 2006, tr.5.

Nguồn:

Cùng chuyên mục