Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ - thực trạng và triển vọng (Phần 2)

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ - thực trạng và triển vọng (Phần 2)

Là quốc gia lớn nhất của khu vực Nam Á, sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường trên cơ sở kế hoạch hóa. Đến nay, Ấn Độ đã trở thành một trong các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới, với số lượng dân cư đông thứ hai thế giới, Ấn Độ ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế cả về chính trị, an ninh và kinh tế thương mại. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ có cơ sở truyền thống lịch sử khá lâu đời và hiện nay, có nhiều bước phát triển mới quan trọng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và đặc biệt kể từ khi Ấn Độ chuyển từ “Chính sách Hướng Đông” sang “Hành động phía Đông”.

06:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ - thực trạng và triển vọng                      

   PGS, TS Thái Văn Long*  

(Tiếp theo phần 1)

Những thành tựu quan trọng tạo đà phát triển

Việt Nam giữ một vị trí chiến lược trong “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ. Ấn Độ luôn đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong Hiệp hội ASEAN, Diễn đàn khu vực (ARF); Hội nghị Cấp cao Đông Á, trong thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ với ASEAN. Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ cũng nằm trong tình hình và kết quả chung đó, tuy nhiên, hai nước cũng có những nỗ lực riêng và đạt được những thành tựu quan trọng.

Trong hơn thập kỷ qua, quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ có nhiều phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng. Kim ngạch thương mại song phương hai nước năm 2000 là 200 triệu USD đã tăng lên 14 lần trong năm 2010. Những năm gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ có những bước chuyển khá mạnh mẽ. Kim ngạch hai chiều giữa hai nước trong năm 2007 đạt 1,5 tỷ USD (tăng 50% so với năm 2006). Về đầu tư, tính đến tháng 10/2008, Ấn Độ có 30 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 195 triệu USD, vốn thực hiện đạt hơn 578 triệu USD, đứng thứ 27/76 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Từ năm 2007, các tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ đã xúc tiến ký Bản Ghi nhớ (MoU) tiến tới thực hiện các dự án lớn, đáng lưu ý là dự án thép tại Hà Tĩnh trị giá 3,5 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác khác cũng được Chính phủ hai nước tích cực triến khai. Hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, giáo dục,... tiếp tục được thúc đẩy.

Các bước nhảy vọt trong chương trình hợp tác chiến lược có thể được nhìn thấy từ các khoản đầu tư của Ấn Độ, với số tiền 400 triệu USD được đổ vào lĩnh vực dầu khí và tập đoàn Oil and Gas Cooperation Videsh Limited (OVL) đã đầu tư 225 triệu USD để thăm dò các mỏ dầu ở Việt Nam.

Trong các nước ASEAN, Việt Nam trở thành nước thu hút nguồn FDI lớn nhất từ Ấn Độ. Các dự án sử dụng nguồn tín dụng của Ấn Độ đã và đang được triển khai ngày càng có hiệu quả hơn. Cho đến nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định: Hiệp định Thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ Đầu tư, Lãnh sự, Hợp tác Văn hoá, Hàng không, Du lịch, Hai nước cũng đã ký các Thoả thuận về Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Hợp tác về Mỏ và Địa chất, Môi trường, Y học dân tộc và Nghị định thư về Hợp tác quốc phòng,…

Ngày 12/2/2015, tại trụ sở của Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã diễn buổi tọa đàm "Kinh doanh với Việt Nam" do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và FIEO phối hợp tổ chức, nhiều lãnh đạo FIEO cùng đại diện hơn 40 doanh nghiệp Ấn Độ đã tới dự.  Theo số liệu từ buổi toạn đàm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, từ 2,36 tỷ USD năm 2009 lên 8,03 tỷ USD năm 2013 - 2014; xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam trong năm 2013 - 2014 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 37,17% so với năm tài chính trước, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy thương mại song phương. 

Tuy nhiên, hai bên vẫn nhận thấy sự hợp tác kinh tế, thương mại thời gian qua chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân hai nước và tiềm năng, thế mạnh của hai dân tộc. Đây là vấn đề đặt ra đối với hai nước, trở thành chủ đề quan trọng trong các cuộc thăm viếng, trao đổi và ký kết các hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia để nâng cao quy mô, gia tăng khối lượng và tính hiệu quả của hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ. Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 220 triệu USD, trong khi đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ là khoảng 26 triệu USD[1].

Quan hệ có nhiều triển vọng

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Với tiềm năng và thế mạnh của hai nước, cũng như mong muốn của nhân dân hai nước, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ thật sự có tương lai phát triển. Sự phát triển đó vừa trong khuôn khổ khung cảnh chung của khu vực vừa là nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước. Theo nhiều nhà phân tích, các lĩnh vực chính hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong tương lai là tận dụng hơn 60 cảng đóng tàu có trọng tải lên đến 6.500 (dead weight tonnage - DWT) và các cảng sửa chữa tàu lên đến 50.000 trọng tải DWT đang có tại Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đang có nhiều cơ hội trong việc xây dựng tàu hải quân cũng như tàu ngầm cho Hải quân Việt Nam và hợp tác giữa Cảnh sát biển Ấn Độ và Cảnh sát biển Việt Nam để giải quyết các mối đe dọa cướp biển và khủng bố được hiệu quả hơn.

Vấn đề chú ý

Ấn Độ là một trong 10 cường quốc công nghiệp trên thế giới; là một thị trường lớn rất nhiều tiềm năng về nhiều mặt: tài nguyên, khoáng sản, nông nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, nhân lực,... Các ngành dệt, sản xuất xe cộ, sắt, thép, dược liệu và ngành điện đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Ấn Độ còn là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu phần mềm máy tính; là một trong ba cường quốc hạt nhân ở châu Á. Là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, có thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, với giá trị sẽ lên tới khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2020, trên cơ sở một chính phủ ổn định, có những quyết sách đúng đắn, có quyết tâm cao sẽ là “chìa khóa” để thực hiện các chương trình lớn trong nước và toàn cầu của Ấn Độ. Với những thế mạnh của mình, Ấn Độ đang nỗ lực phấn đấu đem lại “mùa xuân mới” cho nền kinh tế.

Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chiến lược "Đông tiến" của Ấn Độ. Việt Nam trong thế kỷ XXI sẽ vẫn là một điểm trọng tâm - một khu vực có nhiều sự chú ý do vị trí địa lý chiến lược giáp ranh với Trung Quốc.

Việt Nam sẽ vẫn là một nước mà Ấn Độ và các cường quốc khác quan tâm, tham gia để khám phá các lĩnh vực hợp tác. Ấn Độ cần sử dụng các cơ hội đã bị bỏ lỡ với Việt Nam và duy trì một mối quan hệ đối tác hiệu quả hơn.

Việt Nam và Ấn Độ phải thấy được vấn đề: không thể bỏ lỡ cơ hội để đẩy mạnh hợp tác, gia tăng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Để tiếp tục làm cho quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đi vào chiều sâu và hiệu quả, trong thời gian tới, hai nước phải cùng phấn đấu thực hiện phương hướng hợp tác quan trọng mà hai bên đã thoả thuận, ký kết và hướng tới tương lai.

Đẩy mạnh và nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; xúc tiến việc trao đổi để đi đến ký kết Hiệp định Tự do thương mại song phương. Nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có. Thúc đẩy hơn việc thực hiện Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn OVL của Ấn Độ và Tập đoàn Petro Việt Nam; tái khởi động mối quan hệ kinh tế tập trung vào lĩnh vực dầu khí và các ngành liên quan như hóa dầu, dệt may, thương mại,... Phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ lên 20 tỷ USD năm 2020.


[1] Báo Nhân dân điện tử, cập nhật ngày 21/04/2015 

* Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục