Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kết quả phát triển kinh tế quý 2 của Ấn Độ

Kết quả phát triển kinh tế quý 2 của Ấn Độ

Tại sao chúng ta có thể ước tính GDP quý 2 trong năm tài chính 2020-2021 của Ấn Độ nhiều hơn những gì hiện có?

06:37 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ước tính hàng quý về GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Ấn Độ cho quý thứ hai (tháng 7-9) của năm tài chính 2020-21 đã được đưa ra. Sau khi GDP thực tế giảm mạnh 23,9% trong quý đầu tiên, mức giảm 7,5% trong quý 2 đã mang lại thời gian tạm nghỉ cho nền kinh tế. GDP Ấn Độ theo giá cố định (số liệu năm tài chính 2011-2012) được ước tính là 33,14 nghìn tỉ rupee, còn trong quý 2 năm tài chính 2019-2020 là 35,84 nghìn tỉ rupee.

Sau một trong những lệnh phong tỏa để phòng tránhCovid-19 nghiêm ngặt nhất trên thế giới diễn ra trong quý 1, sự phục hồi trong quý 2 đã được nhiều người mong đợi. Tuy nhiên, một bộ phận chuyên gia và ban bình luận giải thích sự phục hồi này là sự phục hồi “nhanh hơn dự đoán” của nền kinh tế. Cách giải thích này dựa trên lý luận rằng, các biện pháp chống suy thoái hiện tại của Chính phủ Ấn Độ là đủ để giải cứu nền kinh tế.

Những cách giải thích này thực tế và hợp lý đến mức nào?

Đầu tiên, hai quý của năm tài chính này đã chứng kiến sự suy giảm tích lũy 32,4% trong nền kinh tế. Nếu tổng mức co lại lũy kế trong bốn quý duy trì dưới 40%, thì nền kinh tế Ấn Độ sẽ có thể giữ mức co lại tổng thể dưới 10% trong năm tài chính 2020-21. Để đạt được điều đó, trong ít nhất một trong hai quý còn lại, tăng trưởng GDP theo quý phải ở mức dương. Nếu cả hai quý đều tăng trưởng dương, thì mức co cuối cùng sẽ ở mức dưới 10%.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự đoán kinh tế sẽ phục hồi. Trong triển vọng tháng 12/2020, Ủy ban đã điều chỉnh tăng trưởng GDP thực tế lên (-) 7,5% trong giai đoạn 2020-2021, với mức tăng trưởng dự kiến (+) 0,1% trong quý 3 và (+) 0,7% trong quý 4. Hơn nữa, Ủy ban giả định tăng trưởng từ (+) 21,9% đến (+) 6,5% trong nửa đầu năm tài chính tới (2021-2022). Điểm đáng chú ý ở đây là RBI cảm thấy rằng nền kinh tế đã thoát ra khỏi đà suy giảm.

Tuy nhiên, có đủ cơ sở để đặt ra câu hỏi về những dự báo này. Cục Thống kê Quốc gia, thuộc Bộ Thống kê và Thực hiện Chương trình Ấn Độ (MoSPI), trong một thông cáo báo chí, đã đề cập rằng, do các tình huống hạn chế liên quan đến đại dịch “một số nguồn dữ liệu khác như GST, trao đổi thảo luận với các cơ quan chuyên môn” đã được sử dụng làm căn cứ xác thực để xây dựng các ước tính và đây là những nguồn dữ liệu “rõ ràng có hạn chế”. Do đó, các ước tính có thể sẽ được điều chỉnh trong tương lai. Các sửa đổi lần này có thể rất quan trọng.

Việc phong tỏa toàn quốc đã khiến cho nhu cầu bị dồn nén, một phần lớn trong số đó đã chuyển thành sự phục hồi trong quý 2. Nhưng nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu cuối cùng của khối tư nhân (PFCE) vẫn yếu và âm, đầu tư (Hình thành Tổng vốn cố định - GFCF) cũng vậy. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, xuất khẩu tiếp tục trở lại và bắt đầu bình thường hóa nhưng vẫn tăng trưởng âm. Một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ cần một ngưỡng tăng trưởng nhập khẩu đảm bảo để duy trì mở rộng sản lượng bền vững (đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất), và mức tăng trưởng (-) 17,2% là một tin xấu. Đây không phải là thời điểm tốt để cắt giảm chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ (GFCE), đặc biệt khi nền kinh tế đang thiếu hụt nhu cầu nghiêm trọng. Nhưng quý 2 ghi nhận mức tăng trưởng (-) 22,2% trong GFCE.

Kết quả theo ngành cho thấy phân khúc nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng dương. Các dịch vụ điện, ga, cấp nước và các dịch vụ tiện ích khác cũng đã hoạt động trở lại tích cực. Điều đáng được ca ngợi là một trong những dấu hiệu phục hồi quan trọng là tăng trưởng (+) 0,6% trong lĩnh vực sản xuất (Hình 2). Tuy nhiên, Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) cho tăng trưởng ngành chế tạo là (-) 6,8% trong quý 2. Điều này có nghĩa là sản xuất GVA trong quý 2 chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố hợp lý hóa chi phí, chứ không phải do tăng sản lượng thực tế. Nói một cách dễ hiểu, các biện pháp cắt giảm chi phí đã được sử dụng để tăng tỷ suất lợi nhuận. Điều này không thể duy trì trong thời gian dài vì thiếu nhu cầu chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ sản xuất, sớm hay muộn.

Trong khi đó, RBI cũng đã công bố vòng khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng (CCS) vào tháng 11/2020 - được thực hiện tại 13 thành phố lớn của Ấn Độ. Chỉ số này biểu thị niềm tin và kỳ vọng của người tiêu dùng về các chỉ số kinh tế vĩ mô khác nhau bao gồm thu nhập, việc làm và chi tiêu. Kết quả cho thấy sự lạc quan về khả năng phục hồi công khai của MPC.

Trong khi MPC khẳng định rằng, nền kinh tế đã hết suy thoái, CCS cho thấy kỳ vọng tiếp tục giảm về thu nhập trong tương lai, việc làm và do đó trong chi tiêu - đặc biệt là trong chi tiêu không thiết yếu (Hình 3). Nếu những động lực chính của nhu cầu trong nền kinh tế nằm trong vùng đỏ, thì việc tìm ra nguồn gốc của sự lạc quan phục hồi của MPC sẽ gặp khó khăn. Nếu kỳ vọng của người tiêu dùng bị hạ thấp quá mức, thì điều đó chắc chắn dẫn đến thiếu cầu. Điều đó làm cho những dự báo về sự phục hồi của MPC bị nghi ngờ.

Nền kinh tế mở cửa trở lại có thể cho thấy một số dấu hiệu phục hồi ngay lập tức, nhưng ban giám sát thống kê vẫn chưa rõ chất lượng và bản chất của sự phục hồi. Nền kinh tế có thể ở trong tình trạng giống như một con cá sống nhảy khỏi bể nước và đang ở trên mặt đất.

Một dự báo về sự phục hồi tương tự đang được đưa ra do tỷ lệ thất nghiệp nói chung giảm xuống 6,51% trong tháng 11/2020 từ mức 6,98% trong tháng 10/2020, theo dữ liệu của CMIE. Mặc dù sáu bang lớn và tương đối công nghiệp hóa hơn của Ấn Độ, trong đó có cả Haryana, Rajasthan và Goa, tiếp tục báo cáo tỷ lệ thất nghiệp hai con số, sự cải thiện tổng thể về kịch bản thất nghiệp đóng vai trò là một bằng chứng khác cho dự báo tăng trưởng.

Tuy nhiên, đặc điểm đáng lo ngại của dữ liệu việc làm trong hai tháng qua là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) giảm. LFPR trung bình trong giai đoạn 2019-2020 là 42,7% và cao hơn 42% trước khi phong tỏa. Tại thời điểm tháng 11/2020, LFPR trung bình đang liên tục giảm xuống dưới 40%. LFPR là 39,5% trong tuần kết thúc vào ngày 15/11/2020 và 39,3% trong tuần kết thúc vào ngày 22/11/2020, theo dữ liệu của CMIE.

LFPR liên tục giảm cho thấy ngày càng nhiều người lao động có khả năng và đủ điều kiện đã ngừng tìm kiếm cơ hội việc làm do điều kiện kinh tế bất lợi. Việc làm của người lao động cổ xanh (công nhân lao động chân tay) đã phục hồi trong vài tháng qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và hậu cần. Nhưng viễn cảnh việc làm chính thức của giới lao động cổ trắng (nhân viên văn phòng) vẫn còn nghiệt ngã. Nếu số lượng người đặt hàng trực tuyến tiếp tục giảm, thì đến một lúc nào đó lực lượng lao động giao hàng sẽ bắt đầu thu hẹp lại. Nó chỉ là vấn đề thời gian.

Theo Care Ratings, chi phí nhân viên giảm 0,9% trong quý 2 năm tài chính 2020-2021 so với mức tăng 6,9% trong cùng quý năm 2019-2020, do cắt giảm việc làm và lương. Ngoài việc đóng góp những lợi ích rất ngắn hạn vào bảng cân đối kế toán của công ty và ước tính GDP (như đã đề cập ở phần trước), điều này không bổ sung gì cho sự hồi sinh bền vững trong dài hạn.

Sự can thiệp dưới hình thức kích thích tài khóa lớn là nhu cầu của thời đại. Chính phủ Ấn Độ nhận ra điều này càng sớm thì càng tốt cho nền kinh tế Ấn Độ.

Tác giả: Abhijit Mukhopadhyay, nghiên cứu viên cao cấp Chương trình Kinh tế và Tăng trưởng của ORF.

Chú thích ảnh: Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/q2-results-bring-respite-but-path-to-recovery-is-longer-and-difficult/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article 

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục