Kỳ vọng và thách thức với Thủ tướng Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên kế hoạch thực hiện một loạt biện pháp nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông cũng đối mặt với không ít thách thức.
Cuộc bầu cử quốc gia kéo dài 6 tuần ở Ấn Độ đã kết thúc vào ngày 1/6/2024 và hầu hết các cuộc thăm dò sau bầu cử đều dự đoán Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ ba liên tiếp. Liên minh cánh hữu do Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi lãnh đạo dự kiến giành được đa số phiếu lớn khi kết quả bầu cử được công bố vào ngày 4/6.
Là một phần trong cam kết bầu cử nhằm biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu, ông Modi muốn cung cấp các khoản trợ cấp cho sản xuất trong nước theo mô hình các gói gần đây dành cho các công ty bán dẫn và nhà sản xuất xe điện - Reuters dẫn lời các quan chức Chính phủ Ấn Độ cho hay.
Chiến dịch tái tranh cử của ông Modi một phần được xây dựng dựa trên lời hứa tiếp tục phát triển kinh tế. Ông đã quảng cáo Ấn Độ như một giải pháp thay thế cho các công ty toàn cầu đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Chính phủ có kế hoạch tăng thị phần sản xuất toàn cầu của Ấn Độ lên 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047 - theo dữ liệu mà Reuters có được.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng điều đó bao gồm cả lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ và nền kinh tế cũ đang gặp khó khăn, không cung cấp đủ việc làm cho mọi người. Ấn Độ đã thu hút thành công các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple và Google. Nhưng chưa đến 3% hoạt động sản xuất toàn cầu diễn ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới, so với 24% ở Trung Quốc, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Giới chức Ấn Độ xác định ba trở ngại đáng kể đang cản trở nước này trở thành trung tâm sản xuất là luật lao động hạn chế, thách thức thu hồi đất và chế độ thuế quan kém hiệu quả.
Với tư cách là thủ tướng, ông Modi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các khu công nghiệp đối với Ấn Độ. Các cơ sở đang được xây dựng ở Khu đầu tư đặc biệt Dholera (DSIR) là nòng cốt để thành lập một trung tâm sản xuất chất bán dẫn của Ấn Độ. Tập đoàn Tata đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy chế tạo chất bán dẫn đầu tiên của Ấn Độ tại đây. DSIR hy vọng sẽ thu hút nhiều công ty sản xuất hơn bằng cách cung cấp hợp đồng thuê đất lên tới 99 năm trên đất thuộc sở hữu của chính phủ. Tuy nhiên, ở bên ngoài các khu vực như vậy, các tập đoàn công nghiệp vẫn phải trải qua một quá trình rất khó khăn để thuê được những lô đất lớn vì giấy tờ sở hữu thường không rõ ràng.
Về lao động, ở phần lớn Ấn Độ, các công ty có nhiều hơn 100 nhân viên cần được chính quyền tiểu bang cho phép tuyển dụng và sa thải. Điều này gây khó cho các công ty trong việc điều chỉnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu. Quốc hội do BJP kiểm soát đã thông qua luật nâng ngưỡng lên 300 nhân viên, nhưng cần có sự đồng ý của các cơ quan nhà nước. Ông Modi hy vọng rằng, chiến thắng mạnh mẽ ngày 4/6 sẽ mang lại cho ông động lực để vượt qua sự phản đối này.
Các chuyên gia kinh tế của HSBC cho hay, cần có những thay đổi sâu rộng về quy định lao động cũng như cải cách đất đai để duy trì mức tăng trưởng cao, có thể ở mức 7,5-8% trong thập kỷ tới, tạo ra vô số việc làm.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024