Làm gì để phát triển văn hóa đọc trong thời kì chuyển đổi số?
Trong xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, văn hóa đọc ngày càng có điều kiện phát triển khi người đọc có thể tiếp cận với những cuốn sách giá trị ở mọi lúc, mọi nơi…thông qua các thiết bị thông minh.
Nhờ thế mà kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại được mở ra ngày càng dễ dàng để những người yêu sách, có thói quen đọc sách lĩnh hội để tự hoàn thiện bản thân mình.
Những thay đổi kỳ diệu
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.
Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội đọc sách, triển lãm sách…. nhưng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
Từ trước đến nay khi nhắc đến thư viện, mọi người thường liên tưởng đến những căn phòng chất đầy sách, tài liệu giấy. Thực tế hiện nay xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, sách giấy không còn vị trí độc tôn. Phương thức đó là thư viện điện tử hay còn được gọi là thư viện số. Cùng với thư viện điện tử, thói quen đọc sách cũng bắt đầu thay đổi, ngày càng nhiều người tiếp cận với văn hóa đọc trên nền tảng số, đặc biệt là giới trẻ.
Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại - thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức. Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói. Dù có những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt, nhiều người cũng đặt ra những lo ngại liên quan đến loại hình sách điện tử như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng thiết bị điện tử để đọc sách quá lâu, chất lượng sách…
Sách giấy truyền thống hay sách điện tử cùng tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm, “kênh” văn hóa đọc đa dạng hơn, tốt hơn sẽ là xu thế trong thời gian tới. Nhận định về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sẽ không thể chỉ kêu gọi người dân đọc nhiều hơn, mà điều quan trọng nằm ở việc nâng cao chất lượng sách từ tác giả đến các nhà xuất bản.
Sách điện tử được dự báo sẽ là xu hướng của thời đại. Tuy nhiên thị trường sách in truyền thống sẽ vẫn tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Và mỗi đối tượng độc giả lại có sự lựa chọn khác nhau giữa sách điện tử và sách giấy, hai loại sách này sẽ luôn song hành phát triển, hướng tới mục đích đưa nhiều cuốn sách hay đến với độc giả, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội.
“Sách chính là kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp chúng ta tích góp được mọi tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực của nhân loại để có thể phát triển bản thân mình ngày càng tốt hơn”. Chính vì vậy quan tâm, phát triển văn hóa đọc chính là nâng cao dân trí, tạo nền tảng quang trọng để phát triển của mỗi một quốc gia.
Cần tận dụng tối đa các không gian công cộng để xác lập sự tồn tại của sách
Bàn về giải pháp phát triển văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số rất nhiều chuyên gia đã khẳng định cần sự nỗ lực của các cấp các ngành với những giải pháp căn cơ, đồng bộ nhưng trên hết vẫn là ý thức của mỗi người dân.
Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.Các nhà xuất bản, công ty sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hoá đọc tại các trường học như: Hoạt động Hội sách Mini - sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách, tổ chức Hội sách tại khuôn viên hay hội trường của các trường.
Trường học là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc. Các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học. Cần xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ trong nhà trường cho giáo viên, học sinh mà còn cho cả phụ huynh. Cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm, phát động tuần lễ đọc sách và nhiều hoạt động, sự kiện tôn vinh sách trong tuần lễ này.
Nên tổ chức nhiều hội chợ sách và không chỉ tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh thành, tổ chức thêm nhiều hội sách trực tuyến, phát triển thêm nhiều đường sách, phố sách, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Reading Code.
Về phía Nhà nước cũng cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hoá khoa học tổng hợp. Đây là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi công dân. Thư viện trường học phải có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện trong khu vực cũng như quốc tế .Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí của gia đình văn hóa.
Mỗi người cần nâng cao ý thức đọc sách để làm giàu tri thức của bản thân. Bên cạnh đó cần đưa sách lại gần công chúng thông qua các hoạt động cho, tặng sách…Nhà nước và người dân cũng cần tận dụng tối đa các không gian công cộng để xác lập sự tồn tại của sách và văn hóa đọc. Chẳng hạn các quán nước, quán cà phê, quán ăn, bệnh viện, phòng khám, thẩm mĩ viện… có thể đặt thêm giá sách để cho khách đọc trong thời gian chờ đợi... Đọc sách lúc rảnh rỗi khi chờ đợi sẽ là một cơ hội tốt để người dân hình thành thói quen đọc sách.
Nhà chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ) đã từng nói về giá trị của việc đọc sách: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. Những tinh túy, những kiến thức quý báu, quan trọng và những kinh nghiệm vô giá đều đã được đúc kết trong những trang sách. Nếu muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn và muốn thành công thì mỗi người hãy hình thành thói quen đọc sách./.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024