Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Sáng ngày 7/11/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Tham dự buổi Lễ về phía Ấn Độ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya; đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hoá Ấn Độ tại Việt Nam, Quỹ Ấn Độ, Viện Chính sách công Ấn Độ, Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng Ấn Độ; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm Văn hoá Ấn Độ tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; các đối tác trong và ngoài nước có quan hệ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Cầu nối, địa chỉ xây dựng mạng lưới về nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi Lễ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, sự ra đời Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một sáng kiến mang tính chủ trương của lãnh đạo hai nước, khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm khi được đặt tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhìn lại một thập kỷ hình thành và phát triển của Trung tâm, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã thực sự trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy để xây dựng mạng lưới về nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam. Trung tâm đã trở thành diễn đàn tổ chức nhiều chương trình, hội thảo liên quan đến các vấn đề truyền thống, hiện đại, kinh tế, văn hoá, đặc biệt là các vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh hiện nay như chuyển đổi số, phát triển xanh…; tổ chức các hoạt động nghiên cứu với nhiều nội dung sâu sắc, chắt lọc, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước mà còn góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ; đồng thời xuất bản các ấn phẩm dịch thuật và sách nghiên cứu về đất nước, con người, văn hoá, những thành tựu phát triển, những ưu tiên, định hướng chiến lược của Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, hiện nay Ấn Độ đang phấn đấu để vươn mình trở thành cường quốc kinh tế và khoa học, trong khi Việt Nam cũng đang chuẩn bị về mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó chính là điểm gặp gỡ giữa hai quốc gia để hai nước tăng cường thắt chặt, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời, chia sẻ không chỉ văn hoá, con người mà cả những thành tựu phát triển mới nhất, đặc biệt là những kinh nghiệm phát triển của hai nước, để có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của toàn cầu, nhất là đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với những thành tựu Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã đạt được trong một thập kỷ qua, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Trung Tâm Nghiên cứu Ấn Độ trong những năm qua và mong muốn rằng cán bộ, lãnh đạo Trung tâm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm để góp phần thúc đẩy, củng cố quan hệ hữu truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai nước, được lãnh tụ hai nước đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo hai nước liên tục dày công vun đắp.
Một thập kỷ hoạt động thực chất và đóng góp to lớn cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Chúc mừng Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ ấn tượng với những thành tựu nổi bật của Trung tâm trong việc cho ra đời nhiều ấn phẩm chất lượng cao đóng vai trò nguồn thông tin chính về Ấn Độ tại Việt Nam, trong việc tổ chức nhiều cuộc trao đổi với Ấn Độ, tiến hành các hội nghị, bài giảng và bài thuyết trình liên quan đến quan hệ Ấn Độ - Việt Nam và đưa ra các ý tưởng để tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Khẳng định tầm quan trọng của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được thể hiện qua lễ khánh thành với sự tham dự của Tổng thống Ấn Độ và Chủ tịch nước Việt Nam cách đây 10 năm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya nhấn mạnh: chặng đường một thập kỷ qua của Trung tâm là chặng đường hoạt động đầy thực chất, đóng góp to lớn cho quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình cảm giữa cộng đồng học giả hai nước.
Đại sứ Sandeep Arya cho biết, 10 xây dựng, phát triển của Trung tâm cũng trùng với những bước phát triển tuyệt vời trong trao đổi và hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, việc nâng cấp quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 là một cột mốc quan trọng. Vào thời điểm đó Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 3 có quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất với Việt Nam. Các hoạt động trao đổi và hợp tác cấp cao trong nhiều lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, từ hợp tác thương mại và kinh doanh, hợp tác quốc phòng và an ninh, giáo dục và đối tác phát triển, khoa học và công nghệ, trao đổi nghị viện và học thuật, du lịch, văn hóa tới giao lưu nhân dân. Vừa qua, hai nước cũng đã chứng kiến chuyến thăm của Phó Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ và chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ, đặc biệt là cuộc gặp gỡ mang tính thực chất giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tại New York vào tháng 9 năm 2024.
Khẳng định hai nước đang đứng ở cánh cửa của một sự trỗi dậy khi theo đuổi mục tiêu trở thành các quốc gia phát triển, với Ấn Độ là năm 2047 và Việt Nam là năm 2045, Đại sứ Sandeep Arya tin rằng trong giai đoạn này, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cũng như cộng đồng học giả và học thuật rộng lớn ở cả Ấn Độ và Việt Nam sẽ có vai trò to lớn hơn đối với cả hai nước và giúp phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đó là góp phần nâng cao hiểu biết sâu sắc hơn về tăng trưởng quốc gia và con đường phát triển, các sáng kiến cụ thể và những thay đổi mang tính chuyển đổi đang diễn ra ở Ấn Độ và Việt Nam; rút ra các cơ hội chung từ những nỗ lực mang tầm quốc gia này để phát triển hợp tác trong tương lai giữa hai nước; đánh giá các cách tiếp cận mang tầm quốc gia của Ấn Độ và Việt Nam đối với các diễn biến toàn cầu và khu vực và khả năng hợp tác trong việc đảm bảo vị trí thích hợp trong trật tự quốc tế của cả hai nước…
Nhân dịp này, ngài Đại sứ chúc mừng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa kỷ niệm 75 năm thành lập với tư cách là cơ sở đào tạo và học thuật hàng đầu tại Việt Nam, với những đóng góp to lớn cho hành trình phi thường của Việt Nam trong suốt thời gian qua và mong rằng Học viện sẽ tiếp tục đạt thêm nhiều thành công và tiến bộ trong tương lai khi Việt Nam hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Những thành tựu nổi bật
Trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và những gợi mở của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya, TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự đồng hành, hỗ trợ của Đại sứ quán Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam, các đối tác trong và ngoài nước; đồng thời xin hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ Trung tâm cố gắng, phấn đấu nỗ lực hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo, nhân dân và học giả hai nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn điện giữa hai nước.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tích Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã đạt được trong một thập kỷ qua, nhân dịp này, Trung tâm đã được trao tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện và kỷ niệm chương của Đại sứ quán Cộng hoà Ấn Độ dành cho các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
Ngày 15/9/2014, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee. Sự kiện là cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước và mở ra trang mới trong nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc hơn về Ấn Độ tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ ra đời trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, với mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nghiên cứu khoa học. Sự ra đời của Trung tâm thể hiện tầm nhìn chiến lược của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong nghiên cứu khoa học chính trị và lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ vào năm 2014 là sáng kiến quan trọng để hiện thực hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với các đối tác Ấn Độ trong nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về Ấn Độ, quan hệ giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học của Học viện; tuyên truyền đối ngoại về đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; thúc đẩy và mở rộng các quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hợp tác khác với Ấn Độ.
Theo https://hcma.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?cm=4&ItemID=18573
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024