Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

“Make In India” đưa Ấn Độ thành công xưởng điện thoại di động lớn thứ hai thế giới

“Make In India” đưa Ấn Độ thành công xưởng điện thoại di động lớn thứ hai thế giới

Nhờ chiến lược “Make In India”, sản xuất điện thoại di động là một “điểm sáng” của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.

06:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là người khởi xướng chiến dịch “Make In India” (tạm dịch: Sản xuất tại Ấn Độ) vào ngày 25/9/2014. Chiến dịch nhằm quảng bá văn hóa và truyền thống của Ấn Độ để mở rộng các sáng tạo và thiết kế nội địa. Sáng kiến nhằm thu hút đầu tư từ các lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy kinh tế và tiêu chuẩn sống của người dân nước này trên diện rộng. Nó liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng truyền thống cũng như hiện đại, mở các lĩnh vực mới để xây nền tảng cho đầu tư nước ngoài và củng cố quan hệ giữa chính phủ và các ngành công nghiệp lớn nhỏ.

Từ khi khởi xướng, sáng kiến “Make In India” đã gặt hái được nhiều thành tựu. Một điểm sáng không thể không kể đến là sản xuất smartphone tại Ấn Độ. Theo dữ liệu được Hiệp hội Di động Ấn Độ (ICA) chia sẻ, Ấn Độ chiếm 11% sản xuất di động toàn cầu trong năm 2017, tăng từ 3% năm 2014, vượt qua Việt Nam để trở thành “công xưởng” di động lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc tính theo sản lượng. Nhờ đó, nhập khẩu điện thoại di động giảm xuống một nửa trong giai đoạn 2017-2018. Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất khoảng 500 triệu thiết bị trong năm 2019 với giá trị ước tính khoảng 46 tỷ USD. FTTF (The Fast Track Task Force), cơ quan thuộc Bộ Điện tử và công nghệ thông tin được thành lập năm 2015, hướng đến tạo ra 1,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp năm nay nhờ tăng trưởng trong sản xuất điện thoại di động.

Nhà sản xuất smartphone Lava chỉ là một người chơi nhỏ trong ngành viễn thông di động nở rộ song lại trở thành biểu tượng cho tham vọng biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu của Thủ tướng Modi. Chỉ vài năm trước, Lava chuyên nhập khẩu điện thoại giá rẻ từ Trung Quốc. Nay, công ty tự sản xuất thiết bị riêng tại hai nhà máy ở ngoại ô New Delhi với 3.500 nhân sự và đang có kế hoạch mở rộng.

Bên cạnh các doanh nghiệp địa phương như Lava, những gã khổng lồ smartphone như Samsung, Oppo và Vivo cũng mở rộng nhà xưởng nhanh chóng tại Ấn Độ và bắt đầu đưa đến các nhà cung ứng linh kiện, trong khi các nhà thầu sản xuất như Foxconn cũng tăng cường quy mô. Theo Hiệp hội Điện tử và di động Ấn Độ, trong 4 năm qua, hơn 120 đơn vị sản xuất mới đã tạo ra hơn 450.000 việc làm cho ngành di động phần lớn nhờ chiến dịch “Make In India”. Điều đó đưa Ấn Độ vào vị thế tốt hơn khi mà chiến tranh thương mại và chi phí lao động gia tăng đang ảnh hưởng đến Trung Quốc, “công xưởng” lớn nhất thế giới.

Vikas Agarwal, Giám đốc OnePlus tại Ấn Độ, nhận xét, quốc gia có cơ hội trở thành người chơi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do có nền kinh tế vững mạnh. Dù cần khuyến khích sản xuất linh kiện giá trị cao và nghiên cứu, phát triển, Ấn Độ đã có khởi đầu thuận lợi. Dấu ấn ngành di động thể hiện rõ nét nhất ở Noida, nơi Lava đặt trụ sở. Từng là khu vực dành cho các công ty gia công công nghệ, Noida nay bùng nổ với nhiều công ty sản xuất mọi thứ, từ tai nghe, sạc điện thoại đến smartphone cao cấp. Samsung cũng mở nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở Noida. Năm 2017, hãng điện tử Hàn Quốc nói sẽ chi 672,45 triệu USD để mở rộng năng lực tại nhà máy trong 3 năm tiếp theo. Cách nhà máy Samsung không xa, Oppo đang xây cơ sở hoành tráng và sẽ sớm khai trương.

Thay thế Trung Quốc

Kế hoạch sản xuất theo giai đoạn của Thủ tướng Modi được giới thiệu năm 2016 nhằm tận dụng lợi thế của thị trường smartphone nội địa khổng lồ để quảng bá sản xuất địa phương. Ấn Độ có hơn 1 tỷ thuê bao di động và khoảng 380 triệu trong số này chưa có smartphone. Nhà máy sản xuất không chỉ bao gồm điện thoại mà còn cả phụ kiện như sạc, pin, tai nghe, linh kiện như bảng mạch in được lắp ráp sẵn.

Xiaomi sản xuất nhiều thiết bị tại Ấn Độ thông qua các nhà máy của Foxconn. Công ty cũng muốn các đối tác cung ứng linh kiện thiết lập cơ sở tại đây, động thái có thể mang về 2,5 tỷ USD đầu tư và tạo ra khoảng 50.000 việc làm. Đối tác Holitech Technology của Xiaomi cam kết đầu tư khoảng 200 triệu USD tại Ấn Độ trong 3 năm và có kế hoạch bắt đầu sản xuất đầu năm 2019. Công ty sẽ sản xuất linh kiện như camera, màn hình cảm ứng và cảm biến vân tay.

Phần thưởng lớn dành cho Ấn Độ là trở thành phương án sản xuất thay thế “đủ lông đủ cánh” cho Trung Quốc. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra họ cần một “chiến lược Trung Quốc + 1”. Tại Trung Quốc, có những rủi ro từ phía Mỹ cùng với các thách thức khác về tiền tệ, chi phí nhân công… Samsung có kế hoạch dùng nhà máy Noida làm trung tâm xuất khẩu nhưng không rõ các bên khác có làm theo hay không.

Để trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động giá trị cao đích thực, Ấn Độ vẫn cần khung chính sách thân thiện, ổn định và đội ngũ lao động được đào tạo bài bản hơn. Một quan chức Xiaomi nhận định đưa toàn hệ sinh thái sản xuất điện tử sang Ấn Độ là thử thách lớn.

Nguồn: https://ictnews.vn/cntt/make-in-india-dua-an-do-thanh-cong-xuong-dtdd-lon-thu-hai-the-gioi-177977.ict

Nguồn:

Cùng chuyên mục