Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Một chiếc giày của Mahatma Gandhi

Một chiếc giày của Mahatma Gandhi

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng trích đăng tùy bút "Một chiếc giày của Mahatma Gandhi"của GS TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Bài viết đã đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, số tháng 2/2016.

01:53 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ở Ấn Độ, rất nhiều người biết một câu chuyện nhỏ về Mahatma Gandhi thời trẻ tuổi thế này:

Có một thời ở đất nước Ấn Độ thuộc địa của Anh, các công ty xe lửa của Anh chỉ dừng tàu đón khách khi trên sân ga có hành khách người da trắng. Nếu không có khách người da trắng, tàu chỉ đi chậm lại khi qua nhà ga và hành khách người Ấn Độ, già cũng như trẻ, phải vừa chạy, vừa nhảy lên tàu.

Một lần, chàng trai trẻ Mahatma Gandhi cũng đã phải chạy theo và nhảy lên con tàu đang chạy chậm qua ga. Không may, trong khi nhảy lên tàu, Gandhi đã đánh rơi mất một chiếc giày xuống đường tàu. Ngay lập tức, Gandhi rút nốt chiếc giày còn lại ra khỏi chân và ném về phía chiếc giày thứ nhất vừa bị rơi.

Những người xung quanh đều quay lại nhìn Gandhi với con mắt ngạc nhiên. Một người hỏi: “Anh bạn trẻ, sao anh vứt chiếc giày còn tốt của anh đi?”. Gandhi trả lời: “À, nếu có ai đó nhặt được chiếc giày của tôi, hy vọng người đó sẽ tìm được chiếc thứ hai. Và như thế, anh ta sẽ có được một đôi giày còn tương đối tốt!”.

Đúng là một câu trả lời thật nhân hậu và rất sáng suốt của một con người tuyệt vời. Mahatma Gandhi là con người tuyệt vời bởi ông là một người tốt luôn nghĩ và làm điều tốt cho người khác. Vì thế, ông đã hy sinh cả cuộc đời mình đấu tranh giải phóng Ấn Độ khỏi ách áp bức thuộc địa của thực dân Anh, để giành độc lập cho đất nước Ấn Độ, tự do và hạnh phúc cho nhân dân Ấn Độ, trở thành một vị tháng của nhân dân Ấn Độ, một vĩ nhân của nhân loại.

Thiết nghĩ, nghe câu chuyện Một chiếc giày của Mahatma Gandhi không khỏi chạnh buồn khi nghĩ tới một thực tế là không ít người có chức, có quyền, hưởng lương nhà nước, ăn lộc của dân mà không lo trước tiên đến việc làm lợi cho dân, làm giàu cho nước, chỉ lo đục khoét của dân, của nước để vun vén cho cá nhân, mưu cầu vinh thân phì gia. Cũng có những người làm báo không biết tự trọng, lợi dụng quyền lực nghề nghiệp, dùng đủ các chiêu trò để thu lợi bất chính từ các cơ quan, xí nghiệp và người dân. Từ thực tế ấy càng thấy trân trọng, khâm phục tấm lòng nhân hậu, cao thượng của Mahatma Gandhi; càng thấy đó là một tấm gương tốt đẹp để ai nấy soi vào, suy ngẫm và tự sửa mình!

Thật đúng là:

Rơi giày còn nghĩ cho người khác,

Gandhi nhân hậu đến tuyệt vời!

Người tốt vì dân làm việc tốt,

Danh thơm còn để mãi ngàn đời!

Chú thích ảnh: GS TS Tạ Ngọc Tấn làm việc với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam trong giai đoạn đầu thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ  

Nguồn:

Cùng chuyên mục