Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam vẫn phát triển trong đại dịch Covid-19
Tờ báo bình luận Quan hệ quốc tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, The Diplomat vừa đăng bài bình luận về triển vọng phát triển mạnh của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, một ngành ngày càng quan trọng của nền kinh tế đất nước, tiếp tục phát triển bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ngay cả trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã được định hình là một địa điểm lý tưởng để kinh doanh trong lĩnh vực này do phải di dời chuỗi cung ứng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc. Tất cả những điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu điện tử chủ chốt, đứng thứ 12 trên thế giới kể từ năm 2015.
Giai đoạn này đã chứng kiến sự gia tăng ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam, từ 47,3 tỷ USD năm 2015 lên 96,9 tỷ USD vào năm 2019. Nhập khẩu các sản phẩm điện tử đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa các đối tác xuất khẩu. Năm 2019, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của hàng điện tử xuất khẩu từ Việt Nam, chiếm 19,3% tổng hàng xuất khẩu hàng điện tử, tiếp theo là Mỹ (18,2%) và Hàn Quốc (9,1%).
Các mặt hàng xuất khẩu điện tử chính của Việt Nam là điện thoại di động, TV và máy ảnh (41%), thiết bị điện (18,2%), và mạch tích hợp điện tử và cụm vi mạch (11,9%).
Các công ty nước ngoài hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Năm 2019, LG tuyên bố sẽ chuyển hoàn toàn các cơ sở sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Đồng thời, cả Apple và Foxconn đều đã chuyển một phần nhà máy sản xuất sang Việt Nam.
Theo báo Vietnam Plus đã đưa tin, Samsung đã đầu tư hơn 17,5 tỷ USD vào Việt Nam, và điện thoại di động cao cấp và linh kiện điện tử hiện chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hãng điện tử khổng lồ này hiện đang sử dụng hơn 170.000 lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, đồng thời có kế hoạch mở rộng đầu tư ra cả nước. Panasonic cũng đã chuyển nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm sản xuất điện tử chính của khu vực.
Tất nhiên, Việt Nam hiện đang phải vất vả ngăn chặn làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19, dẫn đến việc ngừng hoạt động, hạn chế và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất. Nhưng bất chấp tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam có nhiều cơ hội để duy trì quỹ đạo đi lên trong sản xuất điện tử và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây sẽ giúp giảm thuế quan, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vào tháng 6/2019, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), theo đó hầu hết các loại thuế quan, hàng rào quy định và tệ nạn quan liêu sẽ giảm mạnh, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho cả hai bên.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chương trình khuyến khích tạm thời thực hiện cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số doanh nghiệp và công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như trong các khu công nghiệp cụ thể và các vùng kém phát triển.
Theo một báo cáo gần đây từ Fitch Solutions, ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2021 do “việc triển khai vắc xin toàn cầu và nước ngoài có nhu cầu tăng mạnh mẽ hơn đối với các ngành xuất khẩu quan trọng”. Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc do “sự kết hợp của sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế mang lại cho Việt Nam những triển vọng lớn hơn trong khu vực mạnh mẽ hơn, nhiều nhà cung cấp được thiết lập để phục vụ nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và nhóm người tiêu dùng lần đầu mua hàng điện tử.”
Triển vọng kinh tế Việt Nam đã ổn định trong sáu tháng đầu năm 2021 trước khi bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ ba hiện nay. Ngày 11/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các doanh nghiệp tránh “bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lưu thông hàng hóa”. Thủ tướng chỉ đạo rằng, cần tập trung chống đại dịch vì chống dịch thành công sẽ giúp tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR – thuộc Đại học quốc gia Hà Nội), bất chấp những đợt bùng phát hiện nay, nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 3,5 đến 4% trong năm 2021, tùy thuộc vào tốc kiểm soát đại dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm 2021. Nếu Việt Namthành công trong việc hạn chế các tác động kinh tế của làn sóng bùng phát hiện nay, thì rất có thể Việt Nam trở thành một trung tâm lớn để sản xuất điện tử trong khu vực.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://thediplomat.com/2021/08/despite-covid-19-vietnams-electronics-industry-has-room-to-grow/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024