Ngành đá quý và kim hoàn Ấn Độ (Phần 1)
Ngành đá quý và kim hoàn Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang[1]
Lịch sử phát triển
Từ trên 2.000 năm trước, Ấn Độ là nước cung cấp duy nhất đá quý trên thế giới. Kim cương vùng Golconda, Sapphire vùng Kashmir và ngọc từ Vịnh Mannar đã thu hút sự chú ý của các thương nhân đến buôn bán với Tiểu lục địa Ấn Độ qua cả đường biển và đường bộ. Đối với các giới chức và nhà giàu, các món đồ kim hoàn được coi như biểu tượng của quyền lực, sự giàu sang và uy tín. Còn với phụ nữ Ấn Độ, đồ kim hoàn đã và đang được coi như một sự bảo đảm về an ninh kinh tế và xã hội và các giá trị luôn luôn được đề cao.
Vào thời điểm đó, Ấn Độ là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất các chuỗi hạt đá quý và kim hoàn ra thế giới. Đây cũng là nơi khai thác và sản xuất kim cương trang trí. Kim cương được sưu tầm như là một loại đá quý và sử dụng trên những biểu tượng tôn giáo của người Ấn Độ cách đây ít nhất 2.500 năm. Những người thợ thủ công của nền Văn minh Thung lũng Indus đã sử dụng vật liệu đá bán quý như carnelian, đá mã não (agate), đá ngọc lam (turquoise), sứ faience, steatite và đá tràng thạch (feldspar) và chế tác chúng thành các đồ trang sức dạng ống và hình trống, trang trí thêm bằng các hình khắc, các dải, các nét chấm và hình mẫu hoặc các nốt, hoặc dải bằng vàng trên đó.
Ấn Độ, đất nước nổi tiếng từ xa xưa về thợ lành nghề kim hoàn, dệt may, thủ công, có những thuận lợi to lớn để phát triển ngành đá quý và mỹ nghệ kim hoàn: nguồn nguyên liệu từ trong nước, sự khéo tay và cần mẫn của các nghệ nhân và thợ thủ công, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước rộng lớn. Năm 2016, Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới. Mức tăng nhu cầu về vàng là 30% hàng năm và đạt 454,4 tấn từ tháng 1 – 9/2017. Năm 2016/2017, trị giá vàng nhập khẩu đạt 28,78 tỷ USD.
Kinh tế phát triển và đô thị hóa nhanh chóng làm tăng thu nhập phần lớn dân cư cũng làm cho nhu cầu về vàng tăng nhanh. Tầng lớp trung lưu, dự kiến đạt mức 547 triệu người vào năm 2025, là những người chính mua vàng, kim cương và các sản phẩm.
Câu chuyện về kim hoàn Ấn Độ sẽ không hoàn chỉnh nếu không nhắc đến hai sản phẩm đá quý nổi tiếng thế giới là Kohinoor và Hope Diamond.
Kohinoor là một viên kim cương vô giá có kích cỡ ban đầu 793 carat khi chưa cắt. Hiện nay, trọng lượng là 105,6 carat (21,6 gram). Vào thế kỷ XVIII, viên kim cương được tìm thấy tại Guntur, bang Andhra Pradesh và hiện đang được trưng bày tại Tòa nhà Lodon (Tower of London), Vương quốc Anh. Năm 1849, viên kim cương đã được chuyển quyền sở hữu từ Đế quốc Ấn Độ cho Công ty Đông Ấn thuộc Anh theo Hiệp ước Lahore và trở thành một phần của Hoàng gia Anh khi Nữ hoàng Victoria trở thành Nữ hoàng Ấn Độ năm 1877 và đã được gắn vào vương miện của Nữ hoàng Anh khi đó. Về chủ sở hữu gốc của viên kim cương, hiện vẫn còn những cuộc tranh cãi gay gắt giữa Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và người Anh.
Một trong những kiệt tác kim hoàn của thế giới là Hope Diamond (Viên kim cương Hy vọng), nặng 45,52 carat. Là viên kim cương có trọng lượng lớn, nó thường được thêu dệt về tính năng mang đến vận xui cho người chủ sở hữu. Viên kim cương nguyên thủy được phát hiện tại mỏ Kultur thuộc Golconda, bang Hyderabad và sau đó được gắn vào bức tượng thần Sita trong một ngôi đền ở Ấn Độ. Năm 1642, một thương gia, nhà vận chuyển kim cương, nhà thám hiểm người Pháp tên là Jean Baptiste Tavernier đến Ấn Độ và sở hữu được viên kim cương xanh trong một chuyến đi buôn tại Ấn Độ.
Vua Louis XIV của nước Pháp năm 1668 đã mua viên kim cương từ Jean Baptiste Tavernier trước khi nó bị mài cắt thành chuỗi kim cương 45,52 carat (9,104 gram) như ngày nay. Viên kim cương Hope có màu xanh thẫm, còn được gọi là Trang sức của Nhà vua (Le Bijou du Roi), Màu xanh của Pháp (Le bleu de France) và Màu xanh Tavernier. Qua những biến động của thời gian và lịch sử, viên kim cương đã qua sở hữu của nhiều người như Hoàng hậu Tây Ban Nha Maria Louisa, Hoàng tử Nga Kanitowski, Vua Ottoman Sultan Adul Hamid II…và hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng tự nhiên Smithsonian ở Washington, Mỹ.
Sản xuất
Ấn Độ là một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng đá quý và kim hoàn. Ngành này có vai trò quan trọng vì vai trò thu ngoại tệ và bảo đảm việc làm trong nước.
Ngành sản xuất có hai mảng là kim hoàn vàng và kim cương. Kim hoàn vàng chiếm khoảng 80% thị trường đá quý và kim hoàn, gồm kim hoàn đã chế tác kết hợp giữa kim cương và đá quý. Về kim cương, Ấn Độ có ngành lớn nhất thế giới về cắt và đánh bóng kim cương. Lĩnh vực này được chính phủ và 50 ngân hàng hỗ trợ mạnh mẽ với khoản tín dụng hàng năm là 3 tỷ USD. Sản phẩm được tiêu thụ chính tại thị trường nội địa. Một phần lớn kim cương sơ chế thô, chưa cắt được xuất khẩu. Ngành hàng này cần lượng vàng và kim cương nhập khẩu với khối lượng đáng kể để gia công và chế tác.
Trước khi cải cách kinh tế năm 1991, chỉ có Tổng công ty Thương mại khoáng sản và kim khí Ấn Độ (MMTC) và Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) được phép nhập khẩu vàng. Đến năm 1992, Luật Kiểm soát vàng được bãi bỏ và cho phép các công ty nhập khẩu quy mô lớn được tự do nhập khẩu vàng. Các nhà xuất khẩu tại những khu chế xuất được phép bán 10% lượng sản phẩm tại thị trường trong nước. Năm 1993, việc khai thác vàng và kim cương được mở rộng đến các nhà đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% các liên doanh khai thác mỏ.
Năm 1997, các ngân hàng nước ngoài và những nhà cung cấp khác cũng được phép nhập khẩu vàng vào Ấn Độ. Từ đó, xuất hiện các công ty nước ngoài có tiếng tăm hoạt động tại thị trường này: DeBeers, Tiffany, Cartiers… Trong những năm 1990, những cửa hàng bán lẻ vàng và kim hoàn tăng mạnh nhờ bãi bỏ việc kiểm soát vàng. Có khoảng 100.000 chuỗi của hàng lớn với trên 350.000 cửa hàng bán lẻ thuộc quy mô gia đình và đơn hộ hoạt động.
Trung tâm chính của ngành là Mumbai, nơi nhập khẩu chủ yếu vàng và kim cương thô với nhiều xưởng có công nghệ hiện đại và bán tự động, cắt bằng công nghệ laser. Những xưởng chế tác này đặt tại các đặc khu kinh tế. Các xưởng chế tác kim cương chủ yếu tại bang Gujarat (Surat, Bhavnagar, Ahmedabad và Bhuj) và bang Rajasthan (Jaipur), với năng lực chế tác 80% lượng kim cương toàn Ấn Độ.
Jaipur là trung tâm đánh bóng đá quý và bán quý, cả tự nhiên và nhân tạo. Surat là trung tâm lớn của thế giới chế tác kim cương. Mumbai chuyên về kim hoàn sản xuất bằng máy và cũng là thị trường bán buôn lớn nhất nước. New Delhi và các bang phụ cận nổi tiếng về hàng bạc và các sản phẩm.
Kolkata là địa bàn chính của kim hoàn vàng mộc. Tại bang Andhra Pradesh, Hyderabad là trung tâm kim hoàn đính đá quý và bán quý thì Nellore là địa danh nổi tiếng với kim hoàn làm thủ công. Nellore và Belgaum bang Karnataka cũng làm hàng kim hoàn đính đá nhân tạo hoặc giả đá. Trichur bang Kerala sản xuất kim hoàn trọng lượng nhẹ và cắt gọt kim cương…
Ngành đá quý và kim hoàn Ấn Độ năm 2016/2017 chiếm tỷ trọng 15,71% trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ và đóng góp 4,64% cho GDP. Lực lượng lao động là 4,64 triệu người. Đồng thời là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 29% tiêu thụ toàn cầu. Thị trường đá quý kim hoàn hiện có doanh số khoảng 60 tỷ USD năm 2016/2017 và dự kiến tăng lên 100 - 110 tỷ USD vào năm 2021/2022.
Các nhãn hàng nổi tiếng của Ấn Độ trong ngành hàng này là: Gili, Tanishq, Carbon, Oyzterbay, Trendsmith. Các nhà bán lẻ lớn trên thị trường: Reliance Retail, Damas Jewellery, Sawrovski, Gitanjali Group, Vardhaman Developpers, Joy Alukkas, Gold Souk, Viswa and Devji Diamonds. (Xem tiếp phần 2)
[1] Nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024