Ngành dệt may của Ấn Độ
Ngành dệt may của Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Ngành dệt tại tiểu lục địa Ấn Độ có nguồn gốc xa xưa từ nền Văn minh thung lũng Indus thuộc vùng Tây Bắc của Nam Á ngày nay, trải dài từ Đông Bắc Afghanistan đến Pakistan và Tây Bắc của Ấn Độ. Sau đó, nghề dệt được phát triển lan rộng ra nhiều vùng của khu vực Nam Á.
Sự khéo léo, lành nghề của những người thợ thủ công, sự phát triển của các phường hội dệt và nguồn nhân lực dồi dào đã tạo nên những sản phẩm dệt nổi tiếng tại khu vực và thế giới với các loại vải, lụa… mang thương hiệu Ấn Độ…có chất lượng tinh xảo, nổi tiếng tại châu lục và thế giới.
Ngành dệt may của Ấn Độ đóng góp 14% cho sản xuất công nghiệp, 4% GDP và 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với nguồn nhân lực gần 51 triệu lao động trực tiếp và 68 triệu lao động gián tiếp năm 2015/16, ngành này sử dụng nguồn nhân lực lớn thứ hai sau ngành nông nghiệp.
Sản xuất
Lĩnh vực dệt được chia làm các mảng chính: dệt sợi bông, dệt lụa, dệt len, may mặc sẵn, dệt thủ công, dây và sơ dừa.
Năm 2014/15, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về năng lực dệt với trên 4,9 triệu máy dệt, trong đó bao gồm 2,4 triệu khung dệt tay. Không kể các hộ gia đình và các cá thể, nước này có trên 3.400 nhà máy dệt ở tất cả các quy mô công nghiệp từ nhỏ đến lớn với trên 50 triệu cọc sợi và trên 8 triệu rotor, mức độ công nghệ từ dệt trơn đến dệt không sử dụng thoi (tổng số 150.000 máy dệt không thoi).
Thị phần của dệt may Ấn Độ đạt khoảng 5% tổng dệt may toàn cầu.
Dệt sợi bông là mảng lớn nhất và được tổ chức tốt nhất trong cả nước. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở hỗ trợ khác như cơ sở sản xuất máy móc, phụ kiện, kho hàng, hóa chất, thuốc nhuộm...
Trồng bông nguyên liệu là một thế mạnh của nước này giúp tạo điều kiện cho dệt sợi bông phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Các bang chính trồng bông là Andhra Pradesh, Gujarat, Haryana, Karnataka, Madhya Pradesh, Maharashtra, Punjab, Rajasthan và Tamil Nadu.
Diện tích và sản lượng bông của Ấn Độ
Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ
Ấn Độ sản xuất 28.523 tấn tơ, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Trong số các loại tơ, tơ tằm chiếm 71,8% (20.478 tấn); Tasar 9,9% (2.819 tấn); Eri 17,7% (5.060 tấn) và Muga 0,6% (166 tấn) năm 2015/16. Năm 2016/17, ước sản lượng tơ đạt 32.000 tấn.
Sản xuất dệt may hiện nay được phân bố hầu như tại tất cả các bang, các vùng của đất nước Ấn Độ. Các vùng có thế mạnh hơn về ngành này là phía Tây, phía Đông và Tây Bắc.
Hiện nay, Ấn Độ là nước sản xuất đay lớn nhất thế giới, thứ hai về sợi bông, sợi cellulo, lụa, thứ ba về bông và thứ tư về sợi tổng hợp.
Sản lượng ngành dệt của Ấn Độ
Nguồn: Bộ Dệt Ấn Độ
Xuất khẩu
Xuất khẩu của ngành dệt may Ấn Độ có những phát triển rất mạnh, nhất là sau khi việc xuất khẩu theo quota được bãi bỏ năm 2004. Xuất khẩu dệt may luôn chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu của Ấn Độ.
Năm 2005/06, xuất khẩu của toàn ngành tăng 25%, đạt 17,52 tỷ USD. Năm 2007/08 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 15,7% so với mức 19,15 tỷ USD của năm 2006/07. Năm 2008/09, lần đầu tiên qua nhiều năm, xuất khẩu giảm 5%, đạt 20,94 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may năm 2015/16 giảm còn 40 tỷ USD so với mức 40,7 tỷ USD năm 2014/15.
Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu tăng từ 13,6% năm 2014/15 lên 15% năm 2015/16. Trị giá xuất khẩu năm 2016/17 (từ tháng 4 – 9/2017) là 18,7 tỷ USD, chiếm 14% trong tổng xuất khẩu cùng kỳ 132 tỷ USD của Ấn Độ.
Việc xuất khẩu cũng có những khó khăn: cơ sở hạ tầng yếu kém, chi phí điện và các giao dịch cao, thuế tại các bang vẫn còn ở nức cao, công nghệ dệt chưa thật tinh xảo...
Quần áo may sẵn xuất khẩu chiếm tỷ trọng 42% tổng xuất khẩu của ngành dệt may. Thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU, Canada, U.A.E, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc, Bangladesh, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ai Cập. Trong số các thị trường này, Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm gần ½ xuất khẩu của nước này. Về nhân lực, 12,3 triệu người làm việc trong lĩnh vực may mặc và sản xuất 3,6 triệu tấn sản phẩm mỗi năm.
Có thể thấy rằng, ngành dệt may không những tạo điều kiện phát triển công nghiệp nhẹ, đem lại doanh thu cho các tập đoàn, công ty, bảo đảm thu nhập của nhiều người lao động mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội trong cả nước.
Xuất khẩu của ngành dệt may Ấn Độ
Đơn vị: triệu USD
Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ
Nhập khẩu
Ấn Độ là nước lớn về xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Nhập khẩu dệt may chủ yếu phục vụ cho việc tái xuất khẩu và các yêu cầu đặc biệt khác.
Tổng nhập khẩu giảm nhẹ từ 6,1 tỷ USD năm 2014/15 xuống còn 6 tỷ USD năm 2015/16. Từ tháng 4 – 6/2017, con số này là 3,4 tỷ USD so với 3,1 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Các công ty lớn của Ấn Độ
Welspun India Ltd chuyên sản xuất hàng dệt dùng trong gia đình. Vardhman Group sản xuất sợi, vải, sợi acrylics. Alok Industries Ltd về hàng dệt dân dụng gia đình, hàng dệt kim, may mặc và sợi polyester. Raymond Ltd sản xuất quần áo, hàng len và các hàng may mặc. Arvind Mills Ltd chuyên về dệt và sản xuất quần áo may sẵn. Bombay Dyeing and Manufacturing Company Ltd sản xuất ga trải giường, khăn tắm, khăn mặt, quần áo, sari…Garden Silk Mills Ltd chuyên về in và nhuộm vải.
Chính sách phát triển
Như trên đã trình bày, ngành dệt may có vị trí rất quan trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu ngoại tệ cho đất nước nên chính phủ đã có những chủ trương, chính sách thuận lợi để ngành này phát triển.
“Chương trình cho các khu liên hợp dệt” đã được Chính phủ thực hiện với tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng là 920 triệu USD. Trong khuôn khổ chương trình này, đã phê duyệt 40 dự án khu liên hợp dệt, trong đó các Bang Andhra Pradesh (5), Gujarat (7), Karnataka (1), Madhya Pradesh (1), Maharashtra (9), Punjab (3), Rajasthan (6), Tamil Nadu (7) và West Bengal (1).
Chính phủ đã quyết định giảm 4% thuế VAT cho toàn bộ ngành dệt. Như vậy, thuế của máy dệt là 10% so với trước đây là 14%, sản phẩm dệt không phải snar phẩm bông là 4% so với trước đây là 8%. Thuế VAT 4% với sản phẩm bông và thuế nhập khẩu 5% với naphta cũng được bãi bỏ.
Xuất khẩu hiện nay gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh quyết liệt. Ấn Độ đã thực hiện chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi vay vốn 50% cho các hợp đồng xuất khẩu từ 111.000 USD đến 222.000 USD. Đồng thời, thực hiện dành quỹ bảo hiểm xuất khẩu lên tới 78 triệu USD cho các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường mới khó khăn như thị trường châu Phi, Mỹ Latinh...
Chính phủ trung ương cũng như các bang tại Ấn Độ tìm cách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến nước này. Việc đầu tư được thực hiện theo cơ chế tự động (automatic route) và trị giá đầu tư có thể là 100% vốn nước ngoài.
Ấn Độ đã ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với ASEAN và đang đàm phán với Liên minh châu Âu để mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu sang các địa bàn quan trọng này.
Thực hiện Chính sách Ngoại thương 2009 – 2014, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua nhiều chủ trương lớn để thúc đẩy ngành dệt may. Đó là việc tiếp tục thực hiện miễn thuế cho việc xuất khẩu các sản phẩm mới và xuất khẩu sang các thị trường mới. 26 nước được xác định là thị trường mới gồm 16 nước Mỹ Latinh và 10 nước châu Á – châu Đại Dương.
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024