Ngành dược phẩm Ấn Độ (Phần 2)
Ngành dược phẩm Ấn Độ
Nguyễn Tuấn Quang*
Một số công ty dược phẩm lớn
+ Sun Pharmaceutical Industries Ltd. hay còn gọi tắt là Sun Pharma được thành lập năm 1983 tại Mumbai. Công ty chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh như thuốc về bệnh tim, thần kinh, tâm thần, trực tràng, tiểu đường…Năm 2014, công ty này mua Ranbaxy với giá 4 tỷ USD và trở thành công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ, công ty dược phẩm Ấn Độ lớn nhất tại Mỹ và công ty sản xuất thuốc gốc lớn thứ 4 thế giới. Doanh thu năm 2016/17 là 4,9 tỷ USD với lực lượng lao động 52.700 người. Trên 72% doanh số bán hàng của công ty đến từ ngoài Ấn Độ, chủ yếu là từ Mỹ.
+ Dr. Reddy’s Laboratories là hãng được thành lập năm 1984 tại Hyderabad, sản xuất và phân phối nhiều loại thuốc trên thị trường Ấn Độ và thế giới. Năm 2016/17, doanh thu là 2,2 tỷ USD với số nhân viên 20.400 người. Các sản phẩm của công ty được bán rộng rãi trong nước và nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Công ty là chủ sở hữu của trên 190 sản phẩm thuốc chữa bệnh, 60 hoạt chất thuốc để sản xuất thuốc thành phẩm, chẩn đoán bệnh, các bệnh hiểm nghèo và các sản phẩm sinh học.
+ Aurobindo Pharma Ltd. là công ty sản xuất đa quốc gia, thành lập năm 1988 tại Hyderabad. Công ty sản xuất và bán trên 300 sản phẩm tại 150 quốc gia với 19 nhà máy (15 tại Ấn Độ, 3 tại Mỹ và 1 tại Brazil). Doanh số năm 2014/15 là 2 tỷ USD với 11.500 nhân viên. Các sản phẩm chính là thuốc kháng sinh, thuốc chống HIV, thuốc thần kinh, thuốc chống dị ứng…
+ Cipla là hãng nổi triếng trên thế giới về sản xuất thuốc phòng chống AIDS giá rẻ. Doanh thu đạt 2,2 tỷ USD và lực lượng lao động 22.000 người làm việc tại 80 nước trên thế giới.
Sản phẩm của Công ty rất đa dạng: thuốc trừ giun sán, phòng chống ung thư, chống nhiễm khuẩn, thuốc điều trị bệnh tim, thuốc kháng sinh, thuốc dinh dưỡng, thuốc chống loét, thuốc điều trị thận...Đồng thời, Cipla cũng cung cấp các dịch vụ như kiểm tra chất lượng, kỹ thuật, dự án, cung cấp các nhà máy sản xuất, tư vấn, chuyển giao bí quyết...
+ Glaxo Smithkline (GSK) thành lập năm 1924 tại Mumbai và là một trong các hãng dược phẩm lâu đời nhất tại Ấn Độ. Với 3.000 lao động, doanh thu năm 2015/16 là 411 triệu USD. Các sản phẩm gồm thuốc chống nhiễm trùng, phụ khoa, đái đường, tim mạch, hô hấp, chống nhiễm trùng...Công ty mẹ của GSK India là GSK Vương quốc Anh.
+ Torrent Pharma thành lập năm 1959 tại Ahmedabad, Bang Guzarat, nhưng mang tên chính thức Torren Pharma từ năm 1971. Công ty sản xuất và bán thuốc gốc, hoạt chất thuốc tại Ấn Độ và trên 40 nước như Mỹ, Mỹ La tinh, Nga và CIS, châu Âu, Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông…Doanh số hiện nay đạt gần 1 tỷ USD và lực lượng lao động 10.000 người.
+ Glenmark là công ty dược phẩm Ấn Độ xuyên quốc gia, thành lập năm 1977. Công ty chuyên sản xuất và bán thuốc thành phẩm, hoạt chất thuốc tại trên 80 nước, chủ yếu là Ấn Độ, Mỹ, EU, Nhật Bản và Nam Phi. Theo xếp hạng của SCRIP Rankings 2014, Glenmark India trong top 80 công ty dược phẩm hàng đầu thế giới về doanh số bán hàng. Doanh số là 1 tỷ USD và 11.500 nhân viên.
Chính sách phát triển
Ngành dược Ấn Độ dự kiến đạt mục tiêu doanh thu 55 tỷ USD, xuất khẩu 40 tỷ USD vào năm 2020 và xếp thứ 6 trên thế giới về quy mô giá trị thị trường. Trên nhiều bình diện, nước này có thể đạt mục tiêu trên với những lợi thế sẵn có, xu hướng phát triển trong nước và trên thế giới.
Nước này chú trọng kêu gọi đầu tư nước ngoài với những ưu đãi như được phép đầu tư 100% theo kênh tự động (automatic route). Nhiều khu chế xuất được thành lập và các trung tâm thu hút đầu tư mới tại các vùng như Đông Bắc, Jammu & Kashmir, Himachal Pradesh và Uttarakhand.
Các công ty nước ngoài hiện có cơ sản xuất và kinh doanh tại Ấn Độ: Teva Pharmaceuticals (Israel); Nipro Corporation (Nhật Bản); Procter & Gamble (Mỹ); Pfizer (Mỹ); Glaxo Smith Kline (Vương quốc Anh); Johnson & Johnson (Mỹ); Otsuka Pharmaceutical (Nhật Bản); AstraZeneca (Thụy Điển – Vương quốc Anh)…
Công tác Nghiên cứu và Phát triển (R & D) cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng được đặc biệt chú trọng. Nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm dược sinh học được nhiều công ty đầu tư rất mạnh. Từ năm 2008, mảng này đã có mức tăng bình quân 30%/năm. Hiện có khoảng 25 công ty Ấn Độ đang hoạt động trong lĩnh vực này và 50 sản phẩm được bán ra thị trường. Các sáng chế của Ấn Độ đã được đưa vào sản xuất các sản phẩm mới như Insulins, Insulin Analogues, Filgrastim, Ritoximab, Adalinumab…
Tổng cục Dược thuộc Bộ Hóa chất và Phân bón Ấn Độ đã công bố Dự thảo Chính sách dược phẩm 2017 (Draft Pharma Policy 2017) để lấy ý kiến các tập đoàn, công ty, hiệp hội ngành hàng.
Mục tiêu của chính sách này: (1) bảo đảm sản xuất các sản phẩm thuốc có giá cả phù hợp cho đại đa số người dân trong nước, (2) sản xuất tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường lâu dài, (3) Ấn Độ tiến tới sản xuất đủ thuốc và sản phẩm, dịch vụ phụ vụ cho người dân và xuất khẩu, (4) đảm bảo đẳng cấp thế giới về sản phẩm dược và dịch vụ và (5) tạo môi trường thúc đẩy R & D.
Theo dự thảo này, sẽ tăng mức thuế hải quan đánh vào hoạt chất dược phẩm nhập khẩu đã sản xuất được trong nước. Đây là sự thay đổi lớn nhằm hạn chế mức nhập khẩu hiện đang trên 75% nguyên liệu dược phẩm và hoạt chất API từ Trung Quốc.
Nhằm hạn chế nhập khẩu, bản dự thảo đã đưa ra các trợ giúp về tài chính cho các công ty và hạn chế khống chế mức giá các sản phẩm sản xuất trong nước.
Chính phủ cũng cam kết dành những khoản tiền ngân sách lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu sản xuất dược phẩm tập trung để tạo sản lượng lớn và cạnh tranh về chất lượng và giá thành cho các công ty trong nước./.
* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024