Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15.8.1947 - 15.8.2015) - Những điểm tương đồng trong lịch sử... (Phần 1)
Những điểm tương đồng trong lịch sử lâu dài xây dựng và đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 1)
Những điểm tương đồng trong lịch sử lâu dài xây dựng và đấu tranh giữ nước,
giành độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam
PGS, TS Nguyễn Hoài Văn
Viện Chính trị học, Học viện CTQG Hồ chí Minh
I. Vài nét về một lịch sử lâu đời và “nền văn minh Ấn Độ rực rỡ”
Nói về lịch sử lâu đời cũng như về nền văn minh Ấn Độ, từ đầu thế kỷ XX, nhà sử học nổi tiếng thế giới người Mỹ Wll Durant đã viết như sau:
“Ấn Độ là một bán đảo mênh mông rộng trên năm triệu km vuông, lớn gấp hai chục lần nước Anh, ba trăm hai mươi triệu dân[1] nhiều hơn toàn thể châu Mĩ (Nam và Bắc), và bằng một phần năm dân số thế giới. Nền văn minh trên bán đảo phát triển đều đặn lạ thường từ thời Mohenjo-daro (2900 TCN hoặc sớm hơn nữa) cho tới thời Gandhi, Raman và Rabindranath Tagore, dân chúng hiện còn theo đủ các tín ngưỡng có thể tưởng tượng được, từ hình thức sùng bái ngẫu tượng của các dân tộc dã man tới một hình thức phiếm thần giáo tế nhị nhất, duy linh nhất, các triết gia của họ đã đưa ra đủ các triết thuyết về chủ đề nhất nguyên, từ các thuyết Upanishad xuất hiện tám thế kỉ trước Ki Tô tới thuyết của triết gia Sankara, sống sau Ki Tô tám thế kỉ. Các nhà bác học của họ ba ngàn năm trước đã làm cho khoa thiên văn tấn bộ và hiện nay được giải thưởng Nobel, làng mạc của họ được tổ chức theo những qui tắc rất dân chủ đã có từ thời xửa thời xưa, không ai nhớ từ hồi nào nữa, kinh đô của họ đã được các minh quân Ashoka và Akbar cai trị, vừa sáng suốt vừa nhân từ, các người hát rong của họ đã ngâm những thiên anh hùng ca cổ như anh hùng ca của Homère, còn các thi sĩ của họ hiện nay được khắp thế giới đọc, các nghệ sĩ của họ đã xây cất từ Tây Tạng đến Sri Lanca, từ Cao Miên đến Java những ngôi đền vĩ đại để thờ các thần linh Ấn Độ, và đã chạm trổ hàng chục hàng trăm lâu đài cung điện tuyệt đẹp cho các vua chúa. Đó là xứ Ấn Độ mà hiện nay nhiều người đang gắng sức kiên nhẫn nghiên cứu để phát lộ cho người phương Tây thấy một thế giới mới của trí tuệ mà khỏi tự hào rằng trên địa cầu chỉ có họ mới văn minh”1 .
Lịch sử dân tộc Ấn Độ đã trải qua khoảng 5000 năm xây dựng và đấu tranh giữ nước. Lịch sử Ấn Độ từ cổ đại (bao gồm tiền sử và sơ sử) đến cận đại được chia thành bốn thời đại là Vệ đà (Vedas), Sử thi, Hin – đu và Mu – xlim (Hồi giáo).
Thời đại Vệ đà thuộc chế độ chiếm hữu nô lệ cũng là thời kỳ lập quốc của Ấn Độ. Thời đại này kéo dài khoảng từ 3000 năm trước Công nguyên cho tới năm 500 trước Công nguyên. Trong thời đại này nền văn hóa Harappa xuất hiện (từ 2550 năm TCN - 1550 năm TCN). Thời kỳ này nghề nông bắt đầu mở mang ở các “công xã nông thôn” nguyên thủy, chăn nuôi gia súc trở thành một bộ phận của kinh tế nông nghiệp. Các thành phố Ấn Độ bắt đầu mọc lên. Năm 900 TCN, trong cuộc chiến đấu đầu tiên chống quân ngoại xâm từ miền Nam Châu Âu đánh qua miền Trung Á định xâm chiếm Ấn Độ, quân Ấn Độ đã chiến thắng lẫy lừng ở trận Mahabharata.Trong thời đại này, người Ấn Độ đã sử dụng xe chiến mã, dùng voi trong chiến đấu và vận tải.
Các sử gia Ấn Độ gọi thời Vệ đà là thời đại tiền sử sang sơ sử, thời đại mà con người chấm dứt lối sống nguyên thủy, chuyển sang sống định cư, định canh, lập ra làng xã. Đây cũng là thời kỳ của nền văn minh với các tác phẩm kiệt xuất: kinh Vedas, Brahmanas và Upanishads. Cuối thời Vệ đà xã hội chia thành bốn đẳng cấp: Brahmins (Tăng lữ Bà la môn), Kshatriyas (Quý tộc võ sĩ), Vaishyas (Bình dân) và Shudras (cùng dân và nô lệ).
Thời đại Sử thi trong lịch sử Ấn Độ đánh dấu sự bắt đầu của chế độ phong kiến, tương đương với thời Trung cổ ở Châu Âu. Trong thời đại này; nổi bật lên sự kiện tôn giáo: Đạo Phật xuất hiện và phát triển ảnh hưởng của nó ở Ấn Độ. Lúc ấy, lãnh thổ Ấn Độ bắt đầu mở rộng về miền Trung, miền Nam. Xã hội chia thành hai đẳng cấp chính: lãnh chúa, nông nô. Hai tôn giáo lớn là Đạo Phật, Đạo Bà – la – môn tích cực hoạt động, tranh thủ giáo dân, mở rộng hoạt động xuống các miền Nam, Đông, Tây Ấn Độ.
Trong thời đại này của Ấn Độ, nổi lên vương quốc Magadha, trong đó có các nhà vua Bimbisara (Đức Phật Thích ca (Gautama Buddha) sinh trưởng trong triều đại này), Ajatasatru và Mahapadma Nanda. Cuối triều đại Magadha, đất nước không ổn định, Ấn Độ bắt đầu bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó. Vào khoảng năm 300TCN, Alexander đại đế đem quân xâm lược Ấn Độ. Quân xâm lược vượt qua dãy Hindu Kush vào sâu tận đất Punjab, nhưng đã bị quân Ấn Độ đánh bại tại đó. Sau chiến thắng này, triều đại Maurya bước vào thời kỳ cực thịnh trong hai thế kỷ. Triều đại Maurya bắt đầu với Chandragupta Maurya (322 - 298 TCN), tiếp đến sự thống trị của hoàng đế Bidusara (298-273 trước công nguyên) và hoàng đế Ashoka (269 - 232 TCN).
Thời “Sử thi” với những chiến công lừng lẫy của nó đã để lại cho các thế hệ người Ấn Độ hai bản trường ca tuyệt tác là Ramayana và Mahabharata mà cho tới nay, trong lịch sử văn học Ấn Độ chưa có tác phẩm nào sánh kịp.
Thời đại Hin-đu nổi lên trong quá trình lịch sử lâu đời của cộng đồng các dân tộc Ấn Độ như một thời kỳ hưng thịnh về nhiều mặt của nền kinh tế, văn hóa, xã hội Ấn Độ. Kế thừa và phát huy hai giai đoạn lịch sử trước, các triều đại phong kiến Hin-đu Ấn Độ đã nỗ lực xây dựng quốc gia Ấn Độ, xác lập bờ cõi từ nam lên bắc, từ đông sang tây. Trong số các triều vua Hin-đu ngự trị trong thời đại này, nổi bật là các triều đại Gupta I và II. Vương triều Gupta có công tập hợp sức mạnh dân tộc ở miền Bắc Ấn Độ, đánh đuổi ngoại xâm và thống nhất các tiểu vương quốc ở miền Bắc. Sự thuần phục của các tiểu vương quốc này đã làm cho vương triều Gupta trở nên vững mạnh. Các tiểu vương ở miền Nam cũng chịu quy phục vương triều Gupta.
Trong thời đại Hin-đu, miền Bắc Ấn Độ bước vào một giai đoạn phát triển rực rỡ về nhiều mặt, sử sách đánh giá đây là “thời hoàng kim của Ấn Độ”. Nông nghiệp bắt đầu thực hiện chế độ luân canh và đã dùng phân bón để tăng năng suất cây trồng. Cũng trong thời kỳ này, triều đình và các lãnh chúa phong kiến đã tiến hành nhiều công trình khai hoang. Những công trình đó, cộng với sự khai khẩn của nông dân đã làm cho diện tích nông nghiệp tăng nhiều. Đặc biệt các công trình thủy lợi lớn, nhỏ đã được chú ý phát triển. Công nghiệp Ấn Độ trong thời kỳ này nổi bật với thành tựu luyện sắt. Chiếc cột sắt Mehrauli nay vẫn còn ở Niu Delhi, cao hơn 7 mét, nặng 6,5 tấn đã nói lên trình độ kỹ thuật cao của người Ấn Độ thời kỳ đó. Ngoại thương cũng phát triển. Hải cảng Ba-ri-ga-đa trở thành cửa ngõ buôn bán với nước ngoài. Nền văn học, nghệ thuật thời đại Vệ đà và “Sử thi” đã được phát huy tốt đẹp với nhà thơ thiên tài Kalidasa - một trong “chín viên ngọc” thời các vua Gupta. Nền điêu khắc chạm trổ trên đá, những bức bích họa v.v của thời kỳ này đã làm rực rỡ thêm truyền thống nền văn hóa Hin-đu.
Cuối thời đại Hin-đu là thời kỳ chế độ phong kiến cát cứ. Miền Bắc Ấn Độ lại bị nạn xâm lăng. Người A-rập chiếm tỉnh Sindh. Đầu thế kỷ XI, người Turk Ghaniz tiến sâu xuống tỉnh Punjab cướp phá, bắt giết và mưu toan đặt ách thống trị của họ ở đó. Prithviraj, người anh hùng dân tộc Ấn Độ đã có công lãnh đạo nhân dân đánh lui các cuộc ngoại xâm từ Trung Á tới.
Thời đại Muxlim (Hồi giáo) của các triều vua Mughal (Mô-gôn) từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII. Các vua đầu triều Mughal như Babur, Akbar, Shad Jahan - đã thi hành một số chính sách cải cách như giảm nhẹ luật hình, thuế má…nhằm tranh thủ lòng dân và dựa vào tầng lớp quý tộc theo Đạo Hồi và Đạo Hin-đu. Các triều đại Mô-gôn, tuy không cai trị được lâu, nhưng đã cố gắng khôi phục, phát triển kinh tế, tranh thủ lòng dân vốn còn ngưỡng mộ các dòng dõi Hin-đu bằng những chính sách cải lương. Nhờ đó, nền kinh tế và văn hóa có bước phát triển nhất định. Một số công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như lăng mộ Taj Mahal xây toàn bằng đá cẩm thạch trắng hồi thế kỷ XVI. Trong kinh tế, điều đáng chú ý là kinh tế tiền tệ lúc này đã bắt đầu thâm nhập nông thôn, làm suy yếu các công xã nông thôn.
Đến thời Aurangzeb, nhà vua và tầng lớp thống trị ra sức bóc lột nhân dân làm cho các tầng lớp nhân dân vô cùng căm phẫn. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền trung ương đã nổ ra, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của người Maratha, Kaputana …Triều đình Mughal lại dựa vào bọn tư bản nước ngoài để đàn áp nhân dân. Hành động này đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa thực dân thâm nhập Ấn Độ và dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ của chế độ phong kiến.
Đế chế Mughal suy tàn nhanh chóng trong phần tư đầu thế kỷ XVII. Trong khi đó người Châu Âu mở đường tiễn vào Ấn Độ, người Bồ - Đào – Nha, người Hà – Lan, người Pháp và cuối cùng người Anh đã được thiết lập vững chắc sự thống trị của nó ở Ấn Độ. Trong hệ thống thuộc địa của thực dân Anh, Ấn Độ là thuộc địa lớn nhất. Thực dân Anh đã thiết lập nên một bộ máy cai trị khá đồ sộ ở Ấn Độ nhằm bảo đảm sự thống trị và bóc lột của chúng tại thuộc địa rộng lớn này. Đây là thời kỳ mà như Wll Durant đã mô tả: “Sau một trăm mười một cuộc hành quân, hết thảy đều dùng lính Ấn, tiền bạc của Ấn, người Anh chiếm trọn bán đảo, lập được cảnh bình trị, xây đường xe lửa, dựng xưởng máy, trường học, mở các trường Đại học Calcutta, Madras, Bombay, Lahore, Allabahad, truyền bá khoa học và công nghệ học, tiêm lý tưởng dân chủ của phương Tây vào tinh thần phương Đông và giới thiệu cho thế giới biết nền văn hóa phong phú của Ấn Độ thời xưa. Nhưng những cái lợi đó, người Ấn đã phải trả bằng một chính sách độc đoán về tài chính làm cho các chủ nhân ông – tức người Anh – làm giàu trên xương máu người Ấn, vơ vét hết của cải của Ấn rồi xách vali về xứ để nghỉ dưỡng sức; bằng một chính sách độc đoán về kinh tế làm suy sụp nền kĩ nghệ bản xứ, tới nỗi mấy triệu thợ thủ công Ấn thành thất nghiệp, phải trở về đồng ruộng quá nghèo, cằn, không đủ nuôi họ; sau cùng, bằng một chính sách độc đoán về chính trị – gần như nối tiếp ngay chính sách hà khắc,hẹp hòi của Aurangzeb – làm cho tinh thần Ấn Độ tan rã trong một thế kỷ” 1.
[1] Nước Cộng hòa Ấn Độ hiện nay có diện tích khoảng 3,3 triệu km2 , dân số xấp xỉ 1, 148 tỷ người (tính đến năm 2008)
1 Will Durant, Simo & Shuste, The Story of Civiliation, Part I: Our Oriental Heritage, New York,1954, tr. 391.
1 WLL Durant: Lich sử văn minh Ấn Độ, dich Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 196.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ ra mắt nhà máy sản xuất máy bay quân sự tư nhân đầu tiên
Tin tức 09:00 29-10-2024
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024