Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15.8.1947 - 15.8.2015) - Những điểm tương đồng trong lịch sử... (Phần 2)

Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15.8.1947 - 15.8.2015) - Những điểm tương đồng trong lịch sử... (Phần 2)

Những điểm tương đồng trong lịch sử lâu dài xây dựng và đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 2)

03:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

2. Cuộc đấu tranh chống đế quốc Anh để giành độc lập dân tộc

  Từ thế kỷ XIX đến năm 1947, cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân Anh giành lại độc lập, tự do đã trải qua một quá trình lâu dài và gian khổ.

Khởi đầu của phòng trào giải phóng Ấn Độ là cuộc nổi dậy của binh lính Ấn Độ trong quân đội thực dân Anh vào năm 1857-1859. Căm giận sự ngược đãi thậm tệ của thực dân Anh đối với 20 vạn binh lính thuộc địa, năm 1857 một số trung đoàn lính bản xứ ở gần Delhi đã nổi dậy khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa đã giết chết những tên chỉ huy, đốt cháy trại lính, cơ quan, giết gần hết bọn thực dân Anh trong vùng rồi tiến về thủ đô. Dân chúng trong vùng cũng nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Một số thủ lĩnh bộ tộc cũng gia nhập phong trào đấu tranh nhằm chống lại bọn lãnh chúa phong kiến. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan lên phía bắc, tới gần ngoại ô Calcutta. Hoảng sợ trước phong trào nổi dậy của binh lính và nhân dân, được sự đồng tình của các tiểu vương phong kiến, thực dân Anh vội vã đưa các đơn vị có hỏa lực mạnh ở Lucknow, Calcutta đến đàn áp khởi nghĩa. Do thiếu tổ chức, cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, hàng vạn người khởi nghĩa bị giết, những cuộc cướp phá trả thù đã diễn ra trong suốt thời gian sau đó.

Ngày 28 tháng 2 năm 1885, Đảng Quốc dân đại hội Ấn Độ- gọi tắt là Đảng Quốc Đại- được thành lập. Đảng được tổ chức theo đề xuất của A.Ô. Hu-mơ, một viên chức người Anh làm việc trong sở công chức Ấn Độ. Mục đích của ông này khi chủ trương thành lập Đảng Quốc Đại là cốt tạo ra một “diễn đàn” cho người bản xứ có thể phát biểu quan điểm của họ về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội…tránh được các xunh đột với các nhà cầm quyền Anh như đã xảy ra trước đó. Như vậy, Đảng Quốc Đại mang tính chất một kiểu “đảng đối lập” trong cơ chế pháp luật của chính quyền thực dân, nhằm lôi kéo sự hợp tác của người Ấn Độ với chính quyền Anh. Cũng vì thế mà 4 chủ tịch đầu của Đảng quốc đại đều là người Anh. Nhưng đến đầu thế kỷ XX và thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, trong ban lãnh đạo Đảng quốc đại đã có người Ấn Độ; những người này về cơ bản không theo xu hướng mà người Anh nêu ra. Đặc biệt là từ khi không có người Anh ở trong đảng thì Đảng quốc đại Ấn Độ đã mang sắc thái mới, thoát ly dần quan hệ với Chính phủ Anh. Sự thay đổi này có tính chất lịch sử đối với Đảng quốc đại, tạo ra uy tín buổi đầu của đảng này khi giương lên ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu xu hướng “ôn hòa” còn chi phối trong Đảng quốc đại. Bọn thực dân tìm cách mua chuộc, nắm vững phần tử “ôn hòa” để chia rẽ và làm suy yếu Đảng quốc đại.

Trong bối cảnh tình hình Ấn Độ lúc đó, khi mà phong trào công nhân, nông dân đã nổi dậy chĩa mũi nhọn vào chính quyền thực dân, thì trong Đảng quốc đại cũng xuất hiện những người có tinh thần yêu nước, chống đế quốc thực dân. Đại biểu của họ là Tilak- được mênh danh là “cực đoan” đã công khai đòi có những cuộc hội thảo trên báo chí, thông qua nhiều kiến nghị, yêu sách, cử những đoàn đại biểu gặp phó vương Anh đưa yêu sách đòi dân chủ, tự do cho người bản xứ, đồng thời cũng cử đại biểu của Đảng quốc đại sang Luân-Đôn để hoạt động. Thực dân Anh đã khủng bố dã man những người “cực đoan’ ở trong Đảng quốc đại, bắt Ti-lắc đầy ra đảo An-đa-nan, đàn áp nhiều người cấp tiến khác như Aurobindo, Lala Lajpat Rai, …

Những năm đầu  của thế kỷ XIX, nội bộ Đảng quốc đại diễn ra sự bất đồng sâu sắc; phái “cực đoan” tách khỏi phái “ôn hòa”, hoạt động theo xu hướng của những người cấp tiến. Trong nhóm những người “cực đoan” của Đảng quốc đại, một số ít người được mệnh danh là những “người dân tộc chiến đấu”. Họ chủ trương đòi độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ. Họ cho rằng chỉ có phong trào đấu tranh cứu quốc mới có thể đánh đuổi được thực dân Anh và chỉ có đấu tranh vũ trang mới có thể giải phóng được Ấn Độ. Nhóm này đẩy mạnh các hoạt động bí mật, tích trữ vũ khí và xây dựng lực lượng vũ trang, đào tạo thanh niên chiến đấu, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới…Thực dân Anh gán cho họ cái tên “nhóm khủng bố” và tím cách truy lung, tiêu diệt họ. Cùng với những hoạt động trong nước, nhóm này cũng tiến hành những  hoạt động bí  mật ở nước ngoài.

Đầu thế kỷ XX, ngọn lửa chống thực dân Anh lại bùng lên mạnh mẽ ở Ần Độ. Trước việc tên toàn quyền Anh ra sắc lệnh chia đôi xứ Belgal, nhằm ly gián nhân dân theo đạo Hindu ở phía tây Ấn Độ với nhân dân theo đạo Hồi ở phía đông Ấn Độ, xúi giục tín đồ này chống tín đồ kia, nhân dân vùng Belgal sau khi tiến hành cuộc “để tang của toàn dân”, chống âm mưu chia cắt của thực dân Anh, đã xuống đường tuần hành vào ngày 16 tháng10 năm 1905 và tuyên bố “tẩy chay hàng hóa” của nước ngoài. Phong trào lan rộng tới Punjab và Bombay.

Năm 1908, công nhân Bombay đã tổng bãi công chính trị, phản ánh thực dân Anh đàn áp các cuộc khởi nghĩa. Nhân dân các địa phương khác trong nước hưởng ứng mạnh mẽ cuộc bãi công này. Trước áp lực đấu tranh của quần chúng và nhân sĩ tiến bộ ở Ấn Độ, thực dân Anh đã phải xét lại việc cắt tỉnh Ben-gan vào năm 1911. Sau nhượng bộ của thực dân Anh, phong trào không duy trì được khí thế như trước, tạm thời dịu đi nhưng vẫn giữ được tính chất rộng rãi của nó.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau và đặc biệt đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa các nước đế quốc và thuộc địa của nó. Đặc biệt cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra và thắng lợi ở một khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản đã làm rung chuyển cả thế giới, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa chống đế quốc, thức tỉnh lực lượn công nông trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ảnh hưởng lớn lao của Cách mạng tháng Mười đã dội mạnh mẽ vào Ấn Độ, cổ vũ tinh thần yêu nước của giai cấp công nhân và nhân dân Ấn Độ. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào nhiều bang và thành phố của Ấn Độ như Bombay, Belgal, Punjab v.v…Các “tiểu tổ cộng sản” được thành lập. Với việc xuất bản tạp chí Người xã hội ở Bombay, học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học được truyền bá rộng rãi ở Ấn Độ mặc dù Chính phủ Anh ra sức đàn áp. Năm 1918, nhiều cuộc bãi công đã nổ ra ở khắp Ấn Độ, nhất là ở Bombay, Calcutta, Madrad, Ahmedabad…Bảy tổ chức công đoàn được thành lập trong thời kỳ này. Tháng 12 năm 1925, Đảng Cộng sản Ấn Độ được thành lập. Đảng đã tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức quần chúng, làm cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân có những bước tiến mới.

Đảng quốc đại dưới sự chỉ đạo của Mahatmad Gandhi cũng đẩy mạnh các họat động trong tầng lớp trung lưu và cả các tầng lớp dưới. Phong trào “để tang” của tòan dân, do M. Gandhi đề xướng, nhằm phản đối thực dân sát hại những người tham gia đấu tranh tiếp tục phát triển. Hình thức đấu tranh phổ biến là tẩy chay hàng hóa Anh, đóng cửa hiệu, bãi khóa, bãi công…

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào “bất hợp tác” tạm thời lắng xuống, nhưng ngay sau đó ban lãnh đạo Đảng quốc đại đã chủ trương tiếp tục phong trào “bất hợp tác” với thực dân Anh, bao gồm việc tẩy chay các cơ chế lập hiến của chính quyền thuộc địa. Trong khi đó, với những đóng góp tích cực của Đảng cộng sản, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vẫn phát triển mạnh. Năm 1926, ở Ấn Độ đã có 57 công đoàn, tập hợp 12,5 vạn đoàn viên. Quy mô của phong trào công nhân thời kỳ này lớn hơn trước.

Tư bản Anh tăng cường vơ vét của cải của thuộc địa Ấn Độ để nuôi nền kinh tế chính quốc, do đó quần chúng Ấn Độ càng lâm vào cảnh bần cùng, hơn 17 triệu người thất nghiệp, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Tình thế trên đã buộc nhân dân lao động phải đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Thực dân Anh vội gửi một phái đoàn do Simon cầm đầu sang Ấn Độ hòng xoa dịu sự bất bình của nhân dân thuộc địa. Nhưng lập tức đã nổi lên phong trào “một ngày để tang” ở khắp Ấn Độ. Nhiều cuộc biểu tình phản đối và đòi Simon cút về nước đã diễn ra liên tiếp. Các đảng tiến bộ tẩy chay không gặp y.

Đảng quốc đại đẩy mạnh hoạt động “bất hợp tác”, mở chiến dịch chống phái đoàn Xai-mơn, phối hợp với các tổ chức tôn giáo thúc đẩy phong trào đối lập. Năm 1928, Motilal Nehru, thân sinh cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru, một trong những lãnh tụ của Đảng quốc đại có tinh thần yêu nước, chống đế quốc, có uy tín lớn trong nhân dân Ấn Độ, đưa ra bản dự thảo hiến pháp để các đảng chính trị ở Ấn Độ thông qua và gửi cho phái đoàn Simon. Tháng 12 năm 1928, Đảng quốc đại họp ở Calcutta, mặc dù cánh tả chỉ trích “dự thảo hiến pháp” đó, song đại hội quyết định tiếp tục phát huy phong trào “bất hợp tác”, quyết định tham gia “Liên đoàn các hiệp hội quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc” thông qua “Hiến pháp Nehru”. Sau Đại hội, Đảng quốc đại lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình với khẩu hiệu “giành độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ” tại nhiều tỉnh. Năm 1929, Đảng quốc đại phát động “chiến dịch bất tuân lệnh”, chiến dịch này triển khai trên toàn Ấn Độ theo tinh thần “bất bạo động”, học thuyết chủ đạo của Mahatmad Gandhi, một nhà yêu nước lớn, có tinh thần chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng quốc đại trong thời kỳ này giương cao ngọn cờ dân tộc, phát động quần chúng đấu tranh đòi độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ. Theo lời kêu gọi của M.Gan-đi, nhiều cuộc biểu tình, mít-ting đòi độc lập đã nổ ra ở khắp nhiều nơi, lôi cuốn được sinh viên, công chức, giáo giới, nhân sĩ, trí thức…Thực dân Anh đàn áp mạnh, bắt giam hàng nghìn người biểu tình.

Năm 1930, Mahatmad Gandhi tiếp tục lãnh đạo chiến dịch mới chống thực dân Anh mang tên “cuộc đi bộ đòi muối”. Chiến dịch này được triển khai và kéo dài bằng nhiều hình thức hợp pháp như biểu tình, phản đối trên báo chí, gửi đơn “thỉnh cầu” đòi Anh trả lại độc lập cho Ấn Độ…, và các hình thức bất hợp pháp như phát động “ngày để tang”, xô xát với cảnh sát. Cũng trong năm 1930, ở Bắc Ấn Độ đã nổ ra cuộc báo động chống thực dân Anh với sự tham gia của các bộ tộc thiểu số. Thực dân Anh đã dung quân đội để đàn áp, bắt đi hàng vạn người.

Đảng cộng sản Ấn Độ bị cấm hoạt động nhưng vẫn bí mật lãnh đạo tổ chức công đoàn và các đoàn thể quần chúng khác đẩy mạnh hoạt động nhằm đòi độc lập hoàn tòan và thật sự cho Ấn Độ. Phong trào giải phóng dân tộc do Đảng cộng sản lãnh đạo kết hợp chặt chẽ với các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Đảng đã kịp thời đề ra chủ trương lập mặt trận thống nhất các lực lượng chống đế quốc. Uy tín của Đảng được nâng cao, đặc biệt ở các thành thị lớn, tập trung đông công nhân như Bombay, Calcutta, Kanpur, Solapur và trong đông đảo nông dân các bang Punjab, Bengal, Andhra Pradesh, Kerala, Bihar …Từ năm 1934, những cuộc bãi công chính trị-kinh tế do Đảng cộng sản lãnh đạo nổ ra mạnh mẽ ở Bombay, sau lan nhanh đến Kanpur, Delhi, Nagpur, Solapur và các thành phố khác, thu hút hơn 12 vạn người tham gia. Hưởng ứng chủ trương của Đảng cộng sản, Đảng quốc đại, Đảng xã hội, Công đoàn tòan Ấn Độ, Công hội đỏ của Ấn Độ và Liên hiệp các công đoàn tòan Ấn đã ký “thỏa thuận” phối hợp các phong trào chống đế quốc, giành độc lập ở Ấn Độ. Khuynh hướng phối hợp các hoạt động yêu nước, chống đế quốc thời kỳ này cũng phát triển mạnh mẽ trong nội bộ Đảng quốc đại.

Tháng 8 năm 1935, để củng cố quyền thống trị đồng thời để lừa bịp nhân dân Ấn Độ, thực dân Anh công bố đạo luật ”liên bang toàn Ấn”, trong đó có vài nhượng bộ nhỏ, nhưng mọi quyền điều hành tối cao vẫn thuộc nữ hoàng, các thể chế thuộc địa vẫn tồn tại. Nhân cơ hội này, các lực lượng yêu nước đã tổ chức những đợt đấu tranh phản đối quyết định của thực dân Anh mưu toan dung một vài cải cách nhỏ bé, thông qua bọn tay sai trong các “viện dân biểu” bù nhìn để “vĩnh viễn ở lại” Ấn Độ.

Thời kỳ này, Đảng quốc đại ra sức củng cố nội bộ. Tháng 4 năm 1936, Đảng quốc đại họp đại hội, M. Gandhi giới thiệu J. Nehru vào ban lãnh đạo của Đảng quốc đại. J. Nê-ru yêu cầu bám sát lực lượng quần chúng, chống “đạo luật mới” của Chính phủ Anh, hợp tác với các lực lượng yêu nước, dân chủ, sát nhập với các công hội, nông hội của giai cấp tư sản vào Đảng quốc đại.

Những tiến bộ đó của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã tạo cơ sở tốt cho phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ bước vào thời kỳ mới, thời kỳ giành độc lập cho đất nước và thành lập chế độ cộng hòa, trải qua những thử thách ác liệt của chiến tranh thế giới lần thứ hai và những năm sau đó.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Anh đã thỏa thuận cho quân đội một số nước đến đóng ở Ấn Độ, nhưng đồng thời có lúc lại đưa quân Ấn Độ tăng viện cho các thuộc địa Anh ở Trung Đông, Châu Phi. Thực dân Anh ra sức vơ vét lương thực, của cải của Ấn Độ để nuôi binh lính và chi phí cho chiến tranh. Mùa thu năm 1942, Ấn Độ bị lụt lớn. Hơn 100 triệu người bị đói, trong đó theo thống kê chính thức có đến 4,5 triệu người chết đói. Trong chiến tranh, công nghiệp, thương nghiệp bị đình đốn, thuế khóa tăng nhanh.

(Xin xem tiếp phần 3)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục