Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15.8.1947 - 15.8.2015) - Những điểm tương đồng trong lịch sử... (Phần 3)
Những điểm tương đồng trong lịch sử lâu dài xây dựng và đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần 3)
Nợ nước ngoài của Ấn Độ lên tới 50 triệu xtéc-linh. Tháng 9 năm 1939, nữ hoàng Anh tuyên bố Ấn Độ tham chiến. Gánh nặng chi phí chiến tranh càng đè nặng lên vai nhân dân Ấn Độ. Hơn 2 triệu rưỡi người Ấn Độ bị bắt đi lính.
Ngay sau khi Chính phủ Anh tuyên bố Ấn Độ tham chiến, phong trào chống thực dân Anh đã bùng nổ dữ dội khắp Ấn Độ. Công nhân vẫn đi hàng đầu trong đợt đấu tranh mới này. Năm 1939-1940 đã nổ ra hơn 110 cuộc đấu tranh của công nhân lôi cuốn hàng mấy chục vạn người và hơn 50 tổ chức công hội tham gia. Đảng quốc đại đã biểu thị thái độ phản đối việc dung người Ấn làm bia đỡ đạn ngay từ khi quân đội Ấn Độ bị đưa sang Mã-lai, Trung Đông.
Năm 1942, Đại hội Đảng quốc đại khẳng định các chính sách chống thực dân Anh, giải phóng Ấn Độ. M. Gandhi nêu khẩu hiệu đòi “thực dân Anh phải rút khỏi Ấn Độ”. Cũng năm này, thực dân Anh đã phải nhượng bộ, trả lại địa vị hợp pháp cho Đảng cộng sản Ấn Độ. Tranh thủ hoàn cảnh thuận lợi, Đảng cộng sản đã xúc tiến mạnh mẽ hoạt động, đoàn kết với các lực lượng yêu nước, đấu tranh chống phát xít. Mùa hè năm 1943, Đảng cộng sản Ấn Độ họp Đại hội đề ra nhiệm vụ huy động mọi lực lượng yêu nước đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ, thành lập chính phủ dân tộc, đòi thả hết tù chính trị kể cả các nhà lãnh đạo của Đảng quốc đại.
Những chủ trương và đường lối đúng đắn phù hợp với lợi ích của nhân dân đó của cả Đảng cộng sản và Đảng quốc đại đã góp phần đẩy mạnh phong trào giải phóng của Ấn Độ trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, làm thất bại nhiều thủ đoạn của bọn thực dân Anh.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Anh bị suy yếu nhiều. Phong trào giải phóng dân tộc đã sôi nổi trong thời gian chiến tranh chống phát xít, giờ đây lại bùng lên mạnh mẽ hơn nữa và giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Nằm trong trào lưu chung đó, phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng chuyển lên một bước mới. Độc lập dân tộc là con đường sống duy nhất đưa đất nước ra khỏi tình trạng bế tắc do ách thống trị của thực dân Anh và do chiến tranh gây ra. Cuối năm 1945, làn sóng đấu tranh của công nhân dấy lên trong hầu hết các xí nghiệp, các ngành công nghiệp. Cuộc đấu tranh của công nhân được hàng vạn nông dân, sinh viên hưởng ứng.
Tình hình Ấn Độ trở nên căng thẳng do chính sách đàn áp của thực dân Anh ở khắp nông thôn, thành thị. Dưới chiêu bài “tước khí giới Nhật”, thực dân Anh đưa quân Anh-Ấn đến Đông Dương, In-đô-nê-xi-a giúp thực dân Pháp, Hà Lan khôi phục lại ách thống trị thực dân ở đó. Việc này đã gây nên sự bất bình sâu sắc trong nhân dân Ấn Độ. Ngày 25 tháng 10 năm 1945, Đảng quốc đại tổ chức “ngày Đông Nam Á” tại nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ. Công nhân Bombay không chịu dỡ hàng cho các tàu chở quân Ấn Độ đi In-đô-nê-xi-a. Cuối năm1945, trong quân đội Ấn Độ xảy ra xung đột giữa chỉ huy người Anh với binh sĩ Ấn Độ. Sang năm 1946, những cuộc binh biến nổ ra lẻ tẻ tại các đơn vị hải quân, lục quân. Tháng 2 năm 1946, các đơn vị hải quân ở Bom-bay đấu tranh chống sự áp bức, ngược đãi của thực dân Anh. Thủy thủ trên 20 chiếc tàu đậu tại cảng Bom-bay đã hưởng ứng mạnh mẽ cuộc nổi dậy này. Đảng cộng sản đã kêu gọi công nhân bãi công ủng hộ các binh sĩ đang bị thực dân Anh đàn áp. Hai chục vạn người hưởng ứng lời kêu gọi đã tham gia cuộc đấu tranh chống đàn áp thủy thủ. Thực dân Anh phải đưa một lực lượng lớn quân đội đến đàn áp mới dập tắt được cuộc nổi dậy của quần chúng.
Cuộc đấu tranh của nông dân tỉnh Kê-ra-la, Ben-gan diễn ra từ thời chiến tranh thế giới thứ hai đến lúc này vẫn tiếp diễn. Ở Punjab, Bihar nông dân nổi dậy đòi xóa nợ và tô tức. Nông dân ở Hayderabat liên tục đấu tranh chống bọn lãnh chúa, tiểu vương, tay sai thực dân. Năm 1946, phong trào nông dân nổ ra ở Bom-bay. Hội nghị nông dân lần đầu tiên họp tại bang Karnataka (phía nam Ấn Độ) đòi giảm tô 25%, có tiếng vang lớn.
Để xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng đòi độc lập dân tộc, năm 1946 thực dân Anh thi hành chính sách mị dân lừa bịp như bày trò “tuyển cử dân chủ” cho các đảng phái chính trị, kể cả Đảng cộng sản, tham dự. Đồng thời, chúng gửi sang thuộc địa phái đoàn chiêu dụ Phê-thích Lo-ren-sơ với âm mưu đề cao Đạo Hồi, chia rẽ Đạo Hồi với Đạo Hin-đu; chúng lập chính quyền tự trị từng vùng với viện lập pháp do các tiểu vương chỉ định.
Nhân dân Ấn Độ sôi sục đấu tranh chống lại âm mưu thâm độc của địch; họ lợi dụng hình thức bầu cử hợp pháp để bầu cho những người thuộc các đảng phái tiến bộ, dân chủ, làm thất bại thủ đoạn dùng tuyển cử nhằm hợp pháp hóa bọn tay sai của thực dân Anh. Kết quả là Đảng quốc đại giành được 192 ghế trong số 789 ghế tại Quốc hội lập hiến. Một “chính phủ lâm thời” do phó vương Anh làm thủ tướng và J. Nẻhu, Chủ tịch Đảng quốc đại, làm phó thủ tướng được thành lập. Mặc dù mọi quyền hành trong chính phủ thực chất đều do thực dân Anh chi phối, song việc này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng của phong trào giải phóng. Trên cơ sở đó, các tầng lớp nhân dân, các đảng cánh tả và cả Đảng quốc đại tiếp tục đấu tranh đòi “thực dân Anh rút khỏi Ấn Độ”; đòi Anh trao trả “độc lập hoàn toàn” cho Ấn Độ.
Phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ ở nhiều nơi với khẩu hiệu đòi “hoàn toàn độc lập” và “chống chia cắt”. Chế độ thuộc địa khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng thực dân Anh và bọn phong kiến tay sai của chúng vẫn tiếp tục đàn áp các cuộc đấu tranh của quần chúng, ra sức kích động người theo Đạo Hồi và người theo đạo Hin-đu giết hại lẫn nhau để làm suy yếu phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ.
Do bị suy yếu trong chiến tranh, lại đứng trước cao trào cách mạng giải phóng dân tộc nổi lên dữ dội ở khắp nơi, đế quốc Anh cũng đã phải hứa trao trả độc lập cho Ấn Độ. Song trước khi bị buộc phải hoàn toàn trao trả độc lập cho nước này, ngày 22 tháng 2 năm 1947, Thủ tướng Anh Át-ly đã tuyên bố “chia tách” Ấn Độ thành hai quốc gia: một quốc gia của người theo Đạo Hin-đu, đó là nước Ấn Độ ngày nay, một quốc gia của người theo Đạo Hồi, tức là nước Pa-ki-xtan hiện nay. Thực dân Anh muốn chi phối nước Pa-ki-xtan nhằm nắm lấy vùng tây bắc là vùng có tài nguyên phong phú, có cơ sở công nghiệp và nông dân theo Đạo Hồi. Sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại các vùng dân theo Đạo Hồi, tháng 6 năm 1947, một cuộc di dân khổng lồ đã diễn ra tại Ấn Độ. Hơn 9 triệu người phải di cư, trong số đó hàng vạn người đã bị chết. Căm phẫn cao độ trước âm mưu thâm độc của thực dân Anh, nhân dân Ấn Độ, triệu người như một, đã vùng lên đòi thực dân Anh phải trao trả ngay độc lập cho Ấn Độ. Cao trào của những cuộc bãi công, bãi khóa, “ngày để tang”, phong trào “không tuân lệnh”, “bất hợp tác”, “không nộp thuế”, “không chịu đàn áp, bắn giết dân”…của công nhân, nông dân, các tầng lớp trí thức, binh sĩ yêu nước tiến bộ dâng lên khắp nơi trong nước. Tình thế cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ đã đến! Thực dân Anh và bọn tiểu vương phong kiến tay sai bất lực, không đàn áp, dập tắt nổi ý chí, quyết tâm giành độc lập của tòan thể nhân dân Ấn Độ. Chúng bị cô lập, suy yếu cao độ ở trong nước, và bị dư luận thế giới lên án. Trước cảnh tuyệt vọng đó, không còn con đường nào khác, Chính phủ Anh buộc phải chấp nhận trao trả độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ vào ngày 15 tháng 8 năm 1947.
Thế là, bằng cuộc đấu tranh kiên trì, đầy hy sinh gian khổ trong suốt 200 năm, nhân dân Ấn Độ cuối cùng đã giành lại được độc lập, tự do cho đất nước.
Ngày 26 tháng 1 năm 1950, nước Cộng hòa Ấn Độ chính thức ra đời, mở đầu một giai đoạn mới vẻ vang của đất nước Ấn Độ.
3. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam
Giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam, giữa Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có mối quan hệ tốt đẹp được hình thành từ lâu. Nhìn lại và đánh giá một cách tổng quát mối quan hệ đó, như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói trong dịp đi thăm Ấn Độ năm 1978: mối quan hệ giữa hai nước “trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”.
Con đường hữu nghị của hai dân tộc Ấn Độ - Việt Nam khởi đầu từ xa xưa bằng sự giao lưu về tôn giáo và văn hóa. Đặc biệt cả hai dân tộc đều chung số phận bị thực dân xâm lược, thống trị hàng trăm năn. Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ở hai nước sớm xuất hiện các nhà yêu nước cùng đi tìm đường cứu nước, gặp nhau và cùng nhau hoạt động trong “Hội những người bị áp bức ở các thuộc địa”, đó là Motilal Nehru, thân sinh cố Thủ tướng J. Nehru và Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Tình đoàn kết chiến đấu, sự ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh – Pháp, giải phóng dân tộc như vậy là đã sớm hình thành và phát triển ngay từ đầu thế kỷ XX.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Án Độ giành được độc lập dân tộc sau Việt Nam không lâu (năm 1947); khi Ấn Độ chuyển sang thời kỳ xây dựng lại đất nước thì nhân dân Việt Nam lại còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Ấn Độ đã tích cực, liên tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam không chỉ ở Niu Đê – li mà khắp nơi trên toàn Ấn Độ; không chỉ giai cấp công nhân, các tổ chức công đoàn, các đoàn thể quần chúng thanh niên, phụ nữ, sinh viên, luật gia dân chủ… do Đảng cộng sản Ấn Độ lãnh đạo mà cả giới nghị sĩ, nhân sĩ trí thức tiến bộ đều tham gia những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành … chống Pháp xâm lược Việt Nam, đòi quân Pháp rút về nước, trả lại độc lập cho nhân dân Việt Nam. Không chỉ ủng hộ bằng chính trị, ở trong nước và tại các diễn đàn quốc tế, nhân dân Ấn Độ còn quyên góp, gửi thuốc men, chăn màn … giúp nhân dân Việt Nam. Tại Calcutta, thủ phủ bang Tây Bengal là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh rất quyết liệt của nhân dân Ấn Độ chống máy bay thực dân Pháp đỗ xuống sân bay quốc tế trên đường chở quân sang Việt Nam.
Chính phủ Ấn Độ là một trong những chính phủ sớm công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đoàn đại biểu Chính phủ Ấn Độ do cố thủ tướng J. Nehru dẫn đầu đã đến thăm Việt Nam vào những tuần đầu sau khi quân đội nhân dân Việt Nam tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội tháng 10 năm 1954. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm Ấn Độ. Những cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh với J. Nehru, tiếp sau chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng J. Nehru đã đặt nền tảng đầu tiên mở ra bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Các quan hệ hợp tác giũa hai nước đã được triển khai ngay trong thập niên 50 của thế kỷ XX: lập lãnh sự quán tại hai nước, trao đổi các đoàn thăm quan, ký hiệp định buôn bán giũa hai nước*. Cũng trong thời kỳ này, Ấn Độ đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban kiểm soát, giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp nghị Giơ – ne – vơ về Việt Nam, Lào, Căm – phu – chia.
Những năm nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược lại diễn ra mạnh mẽ, liên tục, đều khắp trên toàn Ấn Độ. Khi quân và dân miền Nam Việt Nam nổi dậy tiến hành cuộc tổng tấn công năm 1968 nhằm đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, thì Ấn Độ sôi nổi có những đợt đấu tranh chống Mỹ, tập trung vào khẩu hiệu: đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đòi Mỹ chấm dứt tức khắc việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhân dân Ấn Độ vô cùng căm phẫn, mạnh mẽ lên án những tội ác chồng chất của đế quốc Mỹ ở hai miển Nam , Bắc của Việt Nam. Các cuộc thảm sát Phú Lợi, Ba làng an, Mỹ lai, “sự kiện vịnh Bắ Bộ” do Mỹ và tay sai gây ra đều bị nhân dân Ấn Độ kịch liệt lên án. Khi nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thì ở Ấn Độ, nhân dân đã biểu thị tình cảm vui mừng chào đón thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
* Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li. Ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.
(Xin xem tiếp phần cuối)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024