Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15.8.1947 - 15.8.2015) - Những điểm tương đồng trong lịch sử... (Phần cuối)
Những điểm tương đồng trong lịch sử lâu dài xây dựng và đấu tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc là cơ sở vững chắc của mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam (Phần cuối)
Sau chiến thắng giải phóng miền Nam, Việt Nam và Ấn Độ càng có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giũa hai nước. Năm 1976, để thiết thực giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, Chính phủ Ấn Độ thông qua Hội chữ thập đỏ Ấn Độ đã gửi giúp nhân dân Việt Nam 100 con trâu sữa Mu – ra để làm giống gây đàn trâu sữa của Việt Nam.
Năm 1978, đúng sau 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ. Các hiệp định về tín dụng, thương mại, khoa học kỹ thuật, chương trình trao đổi văn hóa được ký kết trong chuyến thăm này, đã mở ra một chương mới hết sức quan trọng trong lịch sử quann hệ truyền thống giữa Việt Nam - Ấn Độ. Từ đó, “cây hữu nghị” Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp đã đơm hoa kết trái. Từ chỗ ủng hộ nhau về mặt chính trị, Việt Nam, Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác: ngành đường sắt với hàng nghìn đầu máy, toa xe lửa nhập từ Ấn Độ; ngành công nghiệp với hai viện nghiên cứu về trâu sữa, lúa nước do Chính phủ Ấn Độ viện trợ cho Việt Nam; ngành địa chất với các công trình phối hợp giữa hai nước; ngành bưu điện với hiệp định trao đổi thư từ, bưu kiện; ngành đại học với việc Ấn Độ đào tạo sinh viên sau đại học cho Việt Nam … bước đầu Ấn Độ cũng đã trao đổi với Việt Nam các đoàn đại biểu quân đội và cử đoàn tàu chiến đến thăm Việt Nam.
Quan hệ thương mại và tín dụng giữa hai nước cũng ngày càng tăng. Năm 1982, cuộc thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ Narasimha Rao và chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lại góp phần mở rộng, tăng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Việc thành lập Ủy ban hỗn hợp kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam - Ấn Độ là bước phát triển mới tốt đẹp, tạo điều kiện tăng cường, mở rộng và thắt chặt hơn nữa quan hệ và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Ấn Độ. Tháng 12 năm 1982, Ủy ban đã họp phiên đầu tiên ở Niu Delhi đề ra những chương trình hợp tác ngắn hạn và dài hạn giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Khi bành trướng, bá quyền Bắc Kinh xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979, uy hiếp an ninh của nước Lào, chống phá cách mạng của nhân dân Cam – phu – chia, nhân dân Ấn Độ đã kịp thời lên án mạnh mẽ, đòi bọn bành trướng chấm dứt ngay hành động xâm lược Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam và ngoại trưởng Ấn Độ đang ở thăm Trung Quốc lúc đó đã kết thúc cuộc đi thăm trước dự định để phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
Vào thời điểm đầy khó khăn thách thức đó của Việt Nam, Bà Thủ tướng Indhira Gandhi đã nói lời tiêu biểu, đầy tình cảm về sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, Chính phủ Ấn Độ đối với Việt Nam: “Chúng ta ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam khi họ chống Pháp và sau đó, khi họ chống Mỹ, và ngày nay trong lúc họ đương đầu với làn sóng xâm lược mới. Chúng ta đã cùng với nhân dân Việt Nam, chúng ta đang cùng với họ, và chúng ta sẽ luôn luôn bên cạnh Việt Nam trong hoạn nạn cũng như trong hòa bình”. Đó là tình cảm đáng quý, đã trải qua thử thách mà nhân dân và chính phủ Ấn Độ đã giành cho nhân dân Việt Nam. Những năm sau đó quan hệ hai nước Ấn Độ và Việt Nam vẫn phát triển bất chấp những rào cản của thế lực đế quốc và phản động quốc tế.
Sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam không ngừng phát triển rực rỡ, ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả và mở rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quan hệ chính trị được tăng cường; quan hệ kinh tế, thương mại có bước phát triển đáng ghi nhận1.
Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ khẳng định ủng hộ việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn và tự do hảng hải và hàng không ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ấn Độ không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng. Tất cả các bất đồng, tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện quan điểm này của Ấn Độ trên tất cả các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động phương Đông của Ấn Độ.
Kết luận
Ấn Độ - quê hương của “cách mạng xanh”, quê hương của “5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay Cộng hòa Ấn Độ đã trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP đạt 1.800 tỷ USD ( năm 2012), với nền giáo dục hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến. Trong tương lai không xa, Ấn Độ chắc chắn sẽ đứng vào hàng các cường quốc trên thế giới.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị truyền thống lâu đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharla Nehru gây dựng và các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Chính sách nhất quán của Việt Nam là đặc biệt coi trọng, mong muốn cùng với Ấn Độ làm hết sức mình đưa quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
1 Tính đến hết tháng 11 năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 5,15 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,27 tỷ USD tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013 và nhập khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 12,5%. Riêng về đầu tư, đến nay Ấn Độ đã có 84 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 258 triệu USD. Trong đó, đầu tư của Ấn Độ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến nông sản và thực phẩm ...
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024