Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần 2)

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế (Phần 2)

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ kinh tế và thương mại từ rất sớm. Hai nước ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (1978 và ký lại vào tháng 3/1997) và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (9/2004). Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trên nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

06:35 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế

PGS, TS Phan Văn Rân*

(Tiếp theo phần 1)

 

Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ những năm qua vẫn còn một số hạn chế như: 1/ Việt Nam còn nhập siêu quá lớn từ Ấn Độ và đang trong xu hướng ngày càng tăng; 2/ Mặc dù kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng liên tục, nhưng về giá trị vẫn còn khá thấp so với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước. Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ chiếm dưới 10% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN. Hạn chế này do các nguyên nhân sau: Các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm đến thị trường Việt Nam đông đảo hơn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đi “khai phá” thị trường Ấn Độ còn ít (giới doanh nghiệp Ấn Độ đã thành lập tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Indian Business Chamber in Vietnam) có trụ sở tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hơn 80 văn phòng đại diện của các công ty Ấn Độ tại Việt Nam trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến thị trường Ấn Độ; hạn chế trong hiểu biết về thị trường của đối đối tác này,…; 2/ Cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ hiện nay vẫn còn ít thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thêm vào đó, một số thủ tục, hành lang pháp lý của Việt Nam còn chưa đồng bộ cũng khiến cho doanh nghiệp Ấn Độ e ngại; 3/ Phong tục tập quán, lối sống, tôn giáo, trang phục ăn uống hàng ngày của hai nước rất khác nhau và đây cũng là một rào cản; 4/ Hàng rào thuế quan bảo hộ của Ấn Độ rất cao. Tuy có sự chỉnh giảm trong một vài năm gần đây, song vẫn còn là một trong những nước có thuế quan cao nhất thế giới.

2. Về đầu tư

Đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam đã tiến hành tương đối sớm, từ năm 1988, sau khi Việt Nam triển khai thực hiện công cuộc đổi mới và ban hành luật đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 1987. Mặc dù vào thời kỳ này, kinh tế Việt Nam còn gặp khó khăn và Việt Nam còn đang bị Mỹ và nhiều nước phương Tây bao vây cấm vận, nhưng Ấn Độ đã ký Hiệp định về thăm dò và khai thác dầu mỏ trên thềm lục địa Việt Nam. Tiếp đó, Ấn Độ đã quan tâm tới hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực khác như thế biến nông lâm sản, giống cây trồng, chế tạo thiết bị tải điện, sản xuất dược phẩm,…. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam ở mức thấp và tiến triển chậm chạp. Chỉ từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thì đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam mới tăng lên đáng kể.

Tính đến tháng 10/2014, Ấn Độ có 84 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 260 triệu USD, xếp thứ 30 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Về cơ cấu đầu tư theo ngành: các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, chế biến nông sản và thực phẩm. Ngoài ra, các nhà đầu tư Ấn Độ còn tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mềm, công nghiệp điện, điện tử. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể đầu tư vào Ấn Độ trong các ngành dệt may, da giày, hóa chất, thép, dầu khí, điện năng, lương thực thực phẩm…

Về địa bàn đầu tư, hiện nay, Ấn Độ đầu tư tại 26 địa phương trong cả nước, trong đó, Tuyên Quang và Ninh Thuận là 2 địa bàn chiếm tỷ lệ cao nhất (Tuyên Quang với dự án khai thác khoáng sản Alliance, tổng vốn đầu tư 15 triệu USD; Ninh Thuận trong dự án sản xuất mía đường Dhampur Việt Nam, tổng vốn đầu tư 22 triệu USD).

Về hình thức đầu tư, trong tổng số các dự án còn hiệu lực (tính đến tháng 12/2014), hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm đa số (chiếm 72% tổng số dự án với 56,5% về tổng vốn đầu tư). Số vốn còn lại thuộc hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và liên doanh. Việt Nam cũng có một số dự án đầu tư sang Ấn Độ: dự án công ty phát triển đầu tư công nghệ India của Công ty Phát triển đầu tư công nghệ FPT với tổng vốn đầu tư 150.000 USD để sản xuất phần mềm. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã có 3 dự án đầu tư sang Ấn Độ, với tổng vốn đầu tư 23,6 triệu USD, xếp thứ 45/57 quốc gia có vốn đầu tư của Việt Nam. Tiêu biểu là dự án Rohto Pharma (India) Private Ltd, cấp phép ngày 23/6/2011, tổng vốn đầu tư 22,8 triệu USD. Nội dung sản xuất kinh doanh là nhập khẩu và bán các sản phẩm, dược phẩm, thực phẩm tại Ấn Độ. Nhà đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rohto – Mentholatum (Việt Nam).

Về hiệu quả đầu tư, nhìn chung hoạt động của các công ty Ấn Độ ở Việt Nam và công ty Việt Nam ở Ấn Độ là tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có sản phẩm thay thế nhập khẩu và tham gia tích cực vào tăng lượng hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, các công ty Ấn Độ còn phối hợp giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sản phẩm, phát triển thị trường, chia sẻ các kinh nghiệm trong chế biến thép và khai mỏ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược cho thị trường thép tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2013), hai bên nhất trí những điểm căn bản trong việc thúc đẩy sự phát triển quan hệ giữa hai nước, trong đó ưu tiên cho đầu tư giữa hai nước trong hàng loạt các lĩnh vực như: giáo dục, kết cấu hạ tầng, dầu khí, năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt, công nghệ thông tin, y dược,… Bên cạnh đó, hai bên cũng quyết tâm tăng cường sự kết nối đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ về vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác về khoa học, công nghệ sinh học, viễn thông, ứng dụng công nghệ nano, thông tin, hải dương học. Việt Nam cũng mong muốn các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ tham gia phát triển hợp tác du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh và du lịch văn hóa. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng hoan nghênh chương trình phát triển kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ” sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ. Để đẩy mạnh đầu tư giữa hai nước, tập đoàn TATA (Ấn Độ) sẽ sớm triển khai dự án điện Long Phú 2, công suất 1320MW tại Sóc Trăng (Việt Nam) trị giá 1,8 tỷ USD; mở đường bay thẳng giữa hai nước, tăng cường hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. 

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (10/2014), hai bên đã ký Thỏa thuận khung hợp tác giữa Công ty ONGC Videsh Limited (OVL) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Hợp đồng nguyên tắc về dự án BOT xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) và Công ty đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ (IL&FS). Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao giấy chấp thuận Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ cũng tổ chức lễ công bố mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 3)

* Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục