Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Lê Văn Toan trả lời phỏng vấn đài truyền hình, kênh VTC về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ấn Độ từ 2-4/3/2018

PGS, TS Lê Văn Toan trả lời phỏng vấn đài truyền hình, kênh VTC về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ấn Độ từ 2-4/3/2018

03:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phóng viên: Cảm ơn PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn ĐỘ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tham gia chương trình hôm nay với VTC. Thưa ông, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ. Theo ông, chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ?

PGS, TS Lê Văn Toan: Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ - Ngài Ram Nath Kovind, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2-4/3/2018.

Thời gian gần đây, Việt Nam và Ấn Độ đã chứng kiến những sự kiện lịch sử. Trong 5 năm qua, có 5 chuyến thăm quan trọng của các nhà lãnh đạo Việt Nam tới Ấn Độ. Trong đó, đáng chú ý là các chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tháng 12/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 1/2018. Về phía Ấn Độ có 2 chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam là chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ, Pranap Mukherjee vào năm 2014 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào năm 2016.

Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Chủ tịch nước mang đậm những ý nghĩa sau:

- Một là, chuyến thăm khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ.

- Hai là, chuyến thăm khẳng định thêm một bước sự tăng cường niềm tin chính trị mà gần nửa thế kỷ qua hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao trên nền tảng tư tưởng của hai lãnh tụ kiệt xuất, hai danh nhân văn hóa thế giới đặt nền móng là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Nền tảng tư tưởng này đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ chung tay dựng xây, vun đắp không ngừng nở hoa kết trái.

- Ba là, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang thêm một lần khẳng định những thành quả nổi bật trong quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là 5 trụ cột sau: Chính trị, ngoại giao; quốc phòng, an ninh; năng lượng; kinh tế thương mại; văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và ngoại giao nhân dân.

- Bốn là, chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước đánh giá kết quả hợp tác trong thời gian qua, xác định phương hướng và nhiệm vụ, biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện sâu sắc và thực chất hơn, cũng là dịp để hai bên tổng kết năm Hữu nghị 2017, đưa quan hệ hai nước bước sang năm thứ 46 với nhiều triển vọng mới.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua cũng như triển vọng phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn tiếp theo?

PGS, TS Lê Văn Toan: Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2007, hai nước Việt Nam - Ấn Độ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược, đến năm 2016 nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Điều đó cho thấy, Việt Nam và Ấn Độ đã có độ tin cậy chính trị rất cao do hai nước không có bất cứ sự vướng mắc nào, và hơn nữa lại có sự tương đồng trong quan điểm đối ngoại và song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng tin tưởng, chia sẻ lẫn nhau trên tất cả các vấn đề song phương và đa phương, kể cả vấn đề luôn nóng như Biển Đông. Việc nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác chiến lược toàn diện còn cho thấy nội dung hợp tác giữa hai nước đã hướng tới sự đa dạng trong phạm vi và nâng cấp chiều sâu về chất lượng. Hiện nay, Ấn Độ tiếp tục là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng 16% năm trong 10 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang đầu tư có hiệu quả vào Việt Nam. Ấn Độ dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế - thương mại; năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông, nông nghiệp, hạ tầng cơ sở, du lịch,….

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ Ấn Độ triển khai Chính sách Hành động Phía Đông. Chính sách này phù hợp với bối cảnh mới, tình hình mới khi địa chính trị, địa kinh tế, địa văn minh đang có những dịch chuyển mới, đặc biệt là trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở đã, đang hình thành và phát triển.

Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ tiếp tục phát huy vai trò tích cực của mình ở khu vực, luôn ủng hộ Ấn Độ tham gia tích cực vào các cơ chế liên kết, hợp tác khu vực kể cả APEC cũng như trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Có thể dẫn lại câu nói của Ngài Tổng thống Ấn Độ, Pranab Mukherjee năm 2014 đến thăm Việt Nam và khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để khái quát quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như ngày hôm nay… Để bảo vệ lợi ích dân tộc và lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau… Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy của Việt Nam”.

Với những gì đã đạt được, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn tiếp theo sẽ tràn đầy triển vọng.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực nào sẽ được hai nước quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới? Cần có những hành động cụ thể nào được triển khai tiếp theo để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ?

PGS, TS Lê Văn Toan: Việt Nam và Ấn Độ có sự gặp gỡ, giao thoa, tiếp biến văn hóa với nhau từ hơn 2000 năm nay. Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa đó dựa trên những giá trị cốt lõi, mang đậm chất nhân văn, chia sẻ tính cộng đồng, bình dị, gần gũi nên rất thủy chung, trong sáng. Giá trị cốt lõi đó đang được lãnh đạo và nhân dân hai nước cùng chung trí tuệ và niềm tin, cùng chung tay củng cố, dựng xây và vun đắp ngày càng phát triển phong phú và bền vững.

Bối cảnh hiện tại và trong thời gian tới đang có sự biến chuyển nhanh, phức tạp, khó lường. Một số trào lưu tư tưởng mới đang chi phối bối cảnh như: Cùng với sự phát triển của khu vực hóa, toàn cầu hóa, xu thế liên kết, hội nhập và dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, thế kỷ Châu Á đang có những tiềm năng trở thành thế kỷ Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương với một số ý tưởng, sáng kiến, chiến lược dài hạn mang tầm khu vực và toàn cầu đã và đang được vận hành như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN và 6 nước đối tác; Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ; sáng kiến liên kết Vành đai, Con đường của Trung Quốc; sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản; chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của Hoa Kỳ và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương - một Hiệp định có sự thu hút mà hiện tại chính nước Mỹ đang muốn tham gia trở lại. Cùng với những chiến lược trên và ý tưởng đang ấp ủ như Tứ giác Kim cương gồm Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ được thực hiện thì chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một không gian phát triển mới góp phần tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và thịnh vượng chung cho các nước trong khu vực rộng lớn hơn nửa thế giới này. Khi đó, cả Ấn Độ và Việt Nam sẽ đều là thành viên của cộng đồng Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn với 60% diện tịch, hơn 53% dân số trên hành tinh này. Và đương nhiên là sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP, thương mại, đầu tư và năng lực sáng tạo toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, hai nước Việt Nam và Ấn Độ sẽ quan tâm đẩy mạnh một số lĩnh vực hợp tác sau:

- Lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn luôn là lĩnh vực được hai nước chú trọng hợp tác, chia sẻ trí tuệ, kinh nghiệm đào tạo bồi dưỡng nguồn lực con người cũng như cơ sở trang thiết bị, khoa học công nghệ. Điều này là cần thiết tất yếu để hai nước đủ sức bảo vệ chủ quyền an ninh đất nước tạo môi trường ổn định để thúc đẩy năng lực phát triển.

- Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa kết nối kinh tế thương mại, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Để làm tốt điều này, hai nước phải vượt lên tư duy bảo hộ để thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kết cấu hạ tầng, kết nối đường bộ, hàng không, hàng hải cả trong khuôn khổ song phương cũng như trong kết nối tiểu vùng và khu vực.

- Hai nước cần gia tăng kết nối về biển, coi đây là lĩnh vực then chốt không chỉ trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ mà còn đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

- Hai nước cần tăng cường hợp tác, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực công nghệ xanh, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và ngày càng nâng cao hợp tác phát triển về công nghệ thông tin, công nghệ nguyên tử vì mục đích hòa bình.

- Hai nước cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, cùng nhau xây dựng cấu trúc khu vực cởi mở, mang tính bao trùm và cùng chia sẻ lợi ích, giá trị của hòa bình, thịnh vượng chung.

Một số điểm nhấn trên cũng là những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cần không ngừng phối hợp giữa hai nước để hiện thực hóa hơn, làm phong phú hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Ông đã tham gia chương trình.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục