Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng (Phần 1)
Với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài (1954-2015), quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế là “xương sống của tất cả quan hệ hợp tác” và là trụ cột thứ hai của cam kết “phát triển toàn diện Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership - SP) giữa hai Chính phủ. Trong quan hệ hợp tác kinh tế, thì hợp tác thương mại là quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài và triển vọng không chỉ là lợi ích chiến lược hôm nay hoặc ngày mai, mà đã được chứng minh trong quá khứ rất lâu dài giữa Việt Nam và Ấn độ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được và những kỳ vọng phát triển trong tương lai, thì quan hệ quan hệ Việt-Ấn nói chung, quan hệ kinh tế - thương mại nói riêng cũng hàm chứa không ít những rào cản đan xen triển vọng. Chính vì vậy, việc nhận diện các rào cản và triển vọng trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Ấn là mục tiêu mà bài viết này hướng đến
Phát triển kinh tế - thương mại Việt-Ấn: Những rào cản và triển vọng
PGS, TS Phạm Thị Túy*
PGS, TS Phạm Quốc Trung**
1. Phát triển kinh tế-thương mại Việt-Ấn: những thuận lợi và thành quả đã đạt được
Với truyền thống hữu nghị lâu đời, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Ấn đã có được nhiều những thuận lợi trong phát triển, những thuận lợi đó trước hết được xây đắp nên bởi quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, bên cạnh đó là sự nỗ lực của cơ quan chức năng hai nước trong việc thiết lập các cơ chế hợp tác nói chung, cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế - thương mại nói riêng; đó là sự nỗ lực, quyết tâm cao của các chủ thể kinh tế của mỗi bên nhằm hiện thực hóa quan hệ hữu nghị truyền thống bằng những quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương; đó là sự tương đồng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế nên thuận lợi trong trao đổi thương mại; đồng thời, mỗi bên đều có những tiềm năng, thế mạnh và những tiềm năng, thế mạnh đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp được khai thác thông qua các quan hệ kinh tế-thương mại,…
Với những thuận lợi kể trên, hiện nay, Ấn Độ đang là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng khá nhanh, từ 72 triệu USD năm 1995, lên trên 1 tỷ USD năm 2006, 2,5 tỷ USD năm 2008, 3,4 tỷ năm 2010, năm 2013 đạt tới 5,2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2012. Năm 2014 đã vượt mốc 7 tỷ USD sớm hơn mục tiêu đề ra[1] và hai bên đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020[2].
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam là: nguyên phụ liệu thức ăn gia súc, máy móc thiết bị, tân dược, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép và kim loại khác, nguyên phụ liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may và da, vải các loại, thuốc trừ sâu...
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ là: điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, cao su, quế, hạt tiêu, hóa chất, cà phê, xơ sợi dệt các loại, gỗ và sản phẩm,…. trong số đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch lớn nhất. Từ năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ có thêm các mặt hàng như: kim loại và sản phẩm, sản phẩm mây tre cói, gốm sứ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, thức ăn gia súc và nguyên liệu và nguyên phụ liệu dệt may da giày, trong nhóm những mặt hàng này thì kim loại thường khác và sản phẩm đạt kim ngạch cao nhất, đạt 50,7 triệu USD[3] trong 8 tháng đầu năm 2014.
2. Triển vọng phát triển kinh tế-thương mại Việt-Ấn và những rào cản cần quan tâm
“Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI” và “Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”, trong đó cam kết mới nhất (năm 2015) của hai Chính phủ là “phát triển toàn diện Đối tác chiến lược” nghĩa là quan hệ Ấn-Việt sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực quan trọng trong hoạt động song phương; quan hệ song phương đã đạt được đà tăng mạnh mẽ; và những mối quan hệ này có tầm quan trọng để theo đuổi lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Phát triển toàn diện Đối tác chiến lược được hiện thực hóa với 5 trụ cột: (1) Hợp tác chính trị; (2) Hợp tác kinh tế; (3) Hợp tác năng lượng; (4) Hợp tác an ninh - quốc phòng; (5) Hợp tác trên các lĩnh vực khác. Với 5 trụ cột phát triển này, có thể thấy tiềm năng trong quan hệ Việt - Ấn vô cùng lớn, trong đó tiềm năng hợp tác kinh tế được coi là xương sống của tất cả quan hệ hợp tác. Trong hợp tác kinh tế, hợp tác kinh tế - thương mại đang là lĩnh vực hợp tác có mức tăng trưởng mạnh mẽ và triển vọng hợp tác của lĩnh vực này có thể là mũi nhọn trong những giai đoạn tới đây và với vị thế mũi nhọn, hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tạo nền tảng thúc đẩy phát triển những lĩnh vực hợp tác khác. Có thể cụ thể hóa triển vọng phát triển kinh tế - thương mại Việt - Ấn trên những giác độ sau:
Thứ nhất, nông lâm thủy sản sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu triển vọng của Việt Nam sang Ấn Độ không chỉ bởi nông lâm thủy sản là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, mà còn vì đây là một trong những mặt hàng thiết yếu trong cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ.
Triển vọng thương mại của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có cơ sở bền vững, đây là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ ngay từ khi thiết lập quan hệ kinh tế giữa hai nước. Với dân số trên 1,27 tỷ người và văn hóa có những nét tương đồng, nên có thể thấy, Ấn Độ thực sự là thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Hiện tại, Ấn Độ đang là nước nhập khẩu chính các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại Nam Á. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính riêng hai tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,7 triệu USD; cà phê đạt 10,8 triệu USD; hạt tiêu đạt 15,9 triệu USD; hạt điều đạt 1,3 triệu USD; cao su đạt 17,6 triệu USD và gỗ đạt 6,7 triệu USD [4].
Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này của nước ta vẫn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tốt hơn những lợi thế đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, nắm bắt kịp thời hơn nữa nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng để tăng tính cạnh tranh,…
Thứ hai, điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là những mặt hàng xuất khẩu chiến lược.
Trong điều kiện hướng đến hoàn thành công nghiệp hóa đất nước, công nghiệp điện tử được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn, có tác động mạnh mẽ đến cách ngành công nghiệp khác, đồng thời, để phát triển công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp nói chung cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo đó, sự phát triển của những ngành công nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều sản phẩm điện tử và linh kiện (điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện khác), những sản phẩm này sẽ là những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam trong lộ trình cơ bản trở thành nước công nghiệp và thực hiện hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm 2015, các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng,… đang là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ. Trong đó, đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tháng đầu năm 2015 là điện thoại các loại và linh kiện với 68,91 triệu USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 33,3% tổng trị giá xuất khẩu. Đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 15,16 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ[5].
Thứ ba, xơ sợi dệt, hóa chất cũng là những mặt hàng xuất khẩu hứa hẹn nhiều triển vọng trong hợp tác thương mại Việt - Ấn.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về dầu khí, trong bảng danh sách 99 quốc gia có số liệu trữ lượng dầu khí, Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới với 297.570 triệu thùng, tiếp đến là Ả Rập Saudi với 267.910 triệu thùng, Việt Nam xếp thứ 28 thế giới về trữ lượng dầu thô, với khoảng 4.400 triệu thùng[6], xếp sau Ai Cập nhưng xếp trước Australia và, nếu xét trong khu vực, thì Việt Nam là nước đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á về trữ lượng dầu, chỉ thua Trung Quốc. Tiềm năng dầu khí đó sẽ tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp hóa chất, xơ sợi dệt phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. (Còn tiếp)
[1] Vũ Hiền (gt), “Năm trụ cột trong quan hệ Việt -Ấn”, http://nghiencuubiendong.vn
[2] “Hợp tác kinh tế - điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ”, Vietnamplus, 01/10/2014, http://www.fad.danang.gov.vn
[3] Nguyễn Hương, “Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng ở hầu khắp các mặt hàng”, Vinanet (07/10/2014)
[4] Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.
[5] “Xuất khẩu sang Ấn Độ tháng đầu năm 2015 tăng trưởng khá”; http://vietnamexport.com
[6] http://vi.wikipedia.org/wiki
* Trung tâm Khảo thí, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ và Anh nối lại đàm phán FTA vào năm 2025
Kinh tế 03:00 20-11-2024
Ấn Độ và Mexico: Đầu tư, thương mại và những con đường hợp tác
Kinh tế 10:00 30-10-2024
Rào cản ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế ở Ấn Độ
Kinh tế 10:00 26-08-2024
Vietnam Airlines, Innovation India seal MoU for collaboration
Kinh tế 10:00 31-07-2024