Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ (Phần 2)

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ (Phần 2)

06:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

2. Xuất khẩu

Ấn Độ hiện cũng là một trong những nước xuất khẩu gạo trên thế giới với sản lượng tăng dần trong những năm gần đây với các thị trường nhập khẩu chính gạo phi basmati, basmati, white/parboiled (gạo đồ) là Nam Á (Nepal, Bangladesh), Tây Á (Iran, U.A.E., Iraq, Kuwait, Jordan), châu Phi (Senegal, Benin), EU, Anh, Trung Quốc và Mỹ…

Năm 2008, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu và lúa mỳ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Sau đó, do nhu cầu tăng mạnh tại thị trường thế giới và sản xuất trong nước dư thừa, lệnh cấm đã được dỡ bỏ, nhưng chỉ cho phép xuất khẩu khối lượng hạn chế. Từ năm 2011/12 đến nay, xuất khẩu gạo từ Ấn Độ được tự do và khối lượng xuất khẩu tăng mạnh.

Năm 2016/17, xuất khẩu ngũ cốc đạt trị giá 6,074 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gạo (trong đó báo gồm cả gạo phi – basmati và basmati) chiếm tỷ trọng 93,60%. Xuất khẩu lương thực khác, bao gồm cả lúa mỳ chỉ chiếm 6,40%. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu gạo basmati lớn nhất sang Ả rập Xê út, các nước Trung Đông, Châu Âu và Mỹ.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ

                                                                         Đơn vị: triệu tấn

Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MOCI)

Ấn Độ đã vượt qua Việt Nam và Thái Lan và trở thành nước xuất gạo lớn nhất thế giới. Năm 2015/16, Ả Rập Xê Út là nước nhập khẩu gạo basmati lớn nhất từ Ấn Độ, tiếp sau là Iran và U.A.E. Senegal, Benin và Nepal là 3 nước nhập khẩu lớn nhất gạo phi basmati.

3. Quản lý và Hệ thống phân phối và tiêu thụ lúa gạo

Hiện nay, cơ quan nhà nước chủ quản ngành nông nghiệp là Bộ Nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của Bộ Tiêu dùng, Lương thực và Phân phối công cộng (Ministry of Consumer Affairs, Food and Public Distribution) trong quá trình điều tiết, quản lý phân phối, dự trữ và tiêu dùng gạo và lương thực trong nước. Bộ này cũng có thể tham gia hợp tác với nước ngoài để giữ giá xuất khẩu gạo có lợi nhất cho người sản xuất. Tại Ấn Độ, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng được mua bảo hiểm (bảo hiểm tín dụng xuất khẩu).

Theo qui định, các cơ quan có quyền đưa ra quyết định về việc xuất khẩu, nhập khẩu, đình chỉ, cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ là: Hội đồng Thương mại Quốc gia (Board of Trade); Bộ LTTD và PPCC; Hiệp hội các Nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ All India Rice Exporters Associations/AIREA; Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ Federation of Indian Exporters Association/FIEO. Hội đồng Thương mại Quốc gia là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các chính sách, quyết định có liên quan đến thương mại trong và ngoài nước. Hội đồng bao gồm 35 thành viên, do Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp làm chủ tịch. Các thành viên khác là đại diện các bộ liên quan (Thương mại và Công nghiệp; Tài chính; Ngoại giao; Vận tải biển, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ), các Chủ tịch các Cơ quan xúc tiến xuất khẩu, các Phòng Thương mại và Công nghiệp (FICCI, ASOCHAM, CII) và đại diện từ một số tập đoàn, công ty lớn.

Bộ Thương mại và Công nghiệp giữ vai trò trung tâm, quản lý về chính sách xuất nhập khẩu thông qua các quyết định của Tổng vụ Ngoại thương (Directorate General of Foreign Trade). Trên cơ sở thực tế diễn biến của tình hình lương thực trong nước, ngoài nước, tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan (Bộ TD, LT và Phân phối Công cộng, Hiệp hội các Nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ, Liên đoàn Xuất khẩu Ấn Độ), Bộ Thương mại và Công nghiệp ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách về xuất nhập khẩu.

Bộ Thương mại và Công nghiệp (trực tiếp là Tổng vụ Ngoại thương Directorate General of Foreign Trade) ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách về XNK nói chung và XNK gạo nói riêng theo 3 hình thức văn bản : (1) Notification: quyết định về cấm xuất, cấm nhập, hạn chế, sửa đổi Quy định về XNK; (2) Public Notice: quy định, sửa đổi về thủ tục XNK và (3) Policy Circulars: quy định về cấm, hạn chế XNK

4. Cơ chế / chính sách hiện hành

Các cam kết khu vực, song phương, đa phương, WTO

Ấn Độ chưa ký cam kết khu vực, song phương, đa phương liên quan tới lúa gạo.

Các chính sách bảo đảm an ninh lương thực

Tổng thu mua dự trữ quốc gia về gạo năm 2016/17 đạt 38,105 triệu tấn, năm 2015/16 đạt 34,218 triệu tấn. Tổng thu mua dự trữ quốc gia tại 4 bang chính về lúa gạo Punjab, Haryana, Uttar Pradesh, Haryana thường chiếm gần 70% về lượng của dự trữ toàn Ấn Độ.

Việc thu mua và đưa vào dự trữ quốc gia được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ (tập đoàn của Nhà nước) thực hiện.

Việc sản xuất lúa được chính phủ trung ương hỗ trợ trong chính sách trợ giá lương thực. Những năm gần đây, trợ giá lương thực cho lúa và lúa mỳ tăng mạnh. Năm 2006/07, tổng trợ giá cho lúa và lúa mỳ là 238,28 tỷ Rs (5,295 tỷ USD). Năm 2007/8 là 312,6 tỷ Rs (6,947 tỷ USD), tăng 31,2% và năm 2008/09 là 436,68 tỷ Rs (9,704 tỷ USD), tăng 40%.

Hỗ trợ giá tối thiểu cho sản xuất lúa

                                                                         Đơn vị: Rupee/tạ

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Giá hỗ trợ tối thiểu (Minimum Support Price) cho sản xuất lúa năm 2016/17 là 1.490 Rs/tạ (24,45 USD), năm 2015/16 là 1.745 Rs/tạ (23,24 USD), năm 2014/15 là 1.380 Rs/tạ (20,67 USD).

Ngoài ra, gạo xuất khẩu cũng như nhiều mặt hàng khác được chính phủ hỗ trợ các mức 50%, 75% và thậm chí 90% chi phí vận tại nội địa tùy theo từng vùng, từng dạng hàng hóa có các điều kiện khó khăn khác nhau như vùng Đông Bắc, Jammu và Kashmir… và vận chuyển nguyên liệu thô hay dạng thành phẩm.

Ngoài Tổng công ty Lương thực Ấn Độ, MMTC Ltd., PEC Ltd., nhiều công ty có năng lực khác cũng được chính phủ cấp giấy phép xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu được giao hàng năm hoặc đột xuất.

Chính sách điều hành về phân phối và XNK lúa gạo

Xuất khẩu gạo phải chịu thuế xuất khẩu theo quy định của từng giai đoạn. Chính phủ quy định hạn ngạch xuất khẩu và chỉ định các công ty thực hiện việc xuất khẩu. Các văn phòng khu vực của Tổng vụ Ngoại thương cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty trên cơ sở hạn ngạch hoặc quyết định của chính phủ.

Tùy theo diễn biến của thị trường trong và ngoài nước và an ninh lương thực, chính phủ có những quyết định phi thị trường liên quan tới lúa gạo. Ví dụ : cấm xuất khẩu gạo khi lượng dự trữ xuống thấp, giá cả lương thực và thế giới tăng cao năm 2008, dỡ bỏ cấm xuất khẩu gạo với một vài nước tại Nam Á và Châu Phi đầu năm 2009.

Các chính sách để tăng cường canh tranh của gạo xuất khẩu

Bảo đảm có giống tốt và cung cấp cho nông dân với giá có trợ cấp. Tăng cường phát triển giống lúa năng suất và chất lượng cao cho xuất khẩu.

Phát triển sản phẩm mới và kỹ thuật chế biến mới.

Điều tra, quy hoạch để tạo các vùng chuyên gieo trồng lúa có chất lượng, năng suất cao dùng cho xuất khẩu. Duy trì và tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa để có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

Sản xuất, thu mua và chế biến gạo basmati và phi basmati cần phải được tổ chức một cách có hệ thống để duy trì chất lượng cho xuất khẩu. Tăng cường nghiên cứu và phát triển để có gạo chất lượng ngày một cao. Chính sách xuất khẩu cần linh hoạt, thân thiện, tạo điều kiện cho sản xuất, chế biến và lưu thông.

Tăng cường cơ sở hạ tầng: đường xá, cảng, kho, bãi… và tiếp tục hiện đại hóa các nhà máy chế biến gạo./.


* Nguyên Tham tán Thương mại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục