Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Chiều 17/12/2020, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức buổi giao thương trực tuyến và gặp gỡ trực tiếp tại hai điểm cầu TP. Hải Phòng và thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

06:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Phát biểu tại buổi giao thương trực tuyến, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch các Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, Ấn Độ với diện tích và dân số rộng lớn được phân bổ theo từng vùng, từng khu vực, mỗi vùng có điều kiện tự nhiên, văn hóa và thói quen tiêu dùng khác nhau là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ.

"Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với Việt Nam, tôi nhận thấy hai nước có nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến, chè, cà phê đồ gỗ và năng lượng", ông Atul Kumar Saxena nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 10 lần từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, lên hơn 11 tỷ USD vào năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,6 tỷ USD.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng khi các thị trường phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Đại diện cho Thành phố Hải Phòng, ông Tiêu Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng đã có bài phát biểu nêu bật tiềm năng xuất khẩu của thành phố, trong đó nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất là điện, điện tử và máy móc thiết bị. Hải Phòng hiện đã xuất khẩu hàng hóa sang hơn 130 thị tường quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,95 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nhận định, hợp tác kinh tế thương mại, du lịch, đầu tư giữa hai nước có sự tăng trưởng vượt bậc trong 5 năm vừa qua.

Quan hệ thương mại là một trong 5 trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 2,06 lần, từ 5,43 tỷ USD năm 2016 lên 11,21 tỷ USD năm 2019; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD năm 2016 lên 6,67 tỷ USD (2019).

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ-Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD vào năm tài chính 2018-2019, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 6,5 tỷ USD và nhập khẩu 7,2 tỷ USD, thương mại năm 2019-2020 có giảm chút ít xuống còn 12,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư cũng có nhiều điểm sáng, tính đến thời điểm hiện tại Ấn Độ đã đầu tư vào khoảng 250 dự án với trị giá gần 1 tỷ USD. Mới đây (ngày 10/12), Công ty HCL đã chính thức khai trương thành lập công ty tại Việt Nam với trị giá đầu tư khoảng 650 triệu USD và đào tạo 10 nghìn kỹ sư tại Việt Nam.

Về lĩnh vực du lịch, hợp tác du lịch Việt Nam-Ấn Độ phát triển mạnh trong những năm qua, trao đổi khách du lịch giữa hai nước tăng nhanh. Giai đoạn 2016-2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25% một năm và khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17% một năm.

Tuy nhiên, ông Bùi Trung Thướng cũng bày tỏ quan ngại: “Mặc dù giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều dung lượng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, nhưng Ấn Độ cũng là thị trường khá đóng cửa.

Gần đây, chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách như yêu cầu kiểm tra và truy nguồn gốc của các sản phẩm nhập khẩu từ các đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do, hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu phải đặt cọc hoặc bảo lãnh ngân hàng để được thông quan hàng hóa trong thời gian chờ cơ quan chức năng của Ấn Độ xác minh tính hợp pháp và đầy đủ của giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ… Việc này đi ngược lại với tinh thần tạo thuận lợi trong kinh doanh, có thể gây hạn chế thương mại”.

Tại các đầu cầu ở Ấn Độ, ông Lokesh Parashar, Chủ tịch Liên đoàn các đại lý mua hàng Ấn Độ; ông Hiren Gandhi, Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Gurajat có bài phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam trong thời gian vừa qua, những ngành hàng và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Tại phần thảo luận, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo đã có cơ hội nêu ý kiến và đặt câu hỏi cho đại diện từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng như đại diện các phòng thương mại, liên đoàn của Ấn Độ. Các câu hỏi liên quan đến một số thay đổi chính sách mới của Ấn Độ liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu hương nhang, quy định về C/O...

Ở phía Ấn Độ, các doanh nghiệp rất quan tâm đến nhu cầu của thị trường Việt Nam với một số mặt hàng của Ấn Độ, hay quy định về đầu tư tại Việt Nam.

Trong không khí thảo luận sôi nổi, tích cực, các câu hỏi của các doanh nghiệp đều được các diễn giả giải đáp đầy đủ, thỏa đáng.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của khoảng 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đại diện các phòng thương mại và công nghiệp, các trung tâm xúc tiến thương mại, các công ty lữ hành của cả hai phía Việt Nam và Ấn Độ đến tham dự theo hình thức trực tiếp hoặc theo hình thức kết nối trực tuyến.

Nguồn: https://baoquocte.vn/thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-an-do-131872.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục