Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 đến ngày 3-9-2016.
TUYÊN BỐ CHUNG
GIỮA
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA ẤN ĐỘ
Về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi
(Hà Nội, ngày 02-03 tháng 9 năm 2016)
6. Đào tạo:
Hai thủ tướng hoan nghênh việc hợp tác thành lập các viện đào tạo nâng cao năng lực tại Việt Nam về công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, phát triển doanh nghiệp, máy tính hiệu năng cao và các lĩnh vực khác; bày tỏ hài lòng hai bên đã đạt được thỏa thuận triển khai các dự án phát triển quan hệ đối tác như dự án thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh và tin học tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang và Trung tâm Phát triển phần mềm và đào tạo chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam hoan nghênh Ấn Độ đề xuất trao 15 suất học bổng cho cán bộ ngoại giao của Việt Nam học tập tại Học viện Ngoại thương Ấn Độ, New Delhi và 25 suất học bổng cho sinh viên Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Việt Nam học tập tại Học viện Quản lý Ấn Độ, Bangalore.
Ấn Độ khẳng định, tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Kỹ thuật (ITEC) và cung cấp các suất học bổng cho học sinh, sinh viên và công chức của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh các gói hỗ trợ Ấn Độ dành cho Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác sông Hằng - sông Mê Công, đặc biệt là các dự án thuộc Quỹ dự án tác động nhanh.
7. Y tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân:
Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác Y tế. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống y học cổ truyền.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực du lịch, văn hoá, giao lưu nhân dân, nhất là giao lưu thanh niên giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ thúc đẩy việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội, tiến tới sớm khai trương Trung tâm này. Hai Thủ tướng đề nghị sớm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ về việc bảo tồn và tôn tạo các nhóm Tháp tại Di sản Văn hóa thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam do Viện Khảo cổ Ấn Độ tiến hành.
Phía Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Ấn Độ đối với các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ. Phía Ấn Độ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ di tích khảo cổ trường Đại học Nalanda Ấn Độ trở thành Di sản Thế giới của UNESCO .
Ấn Độ công bố trao tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam các suất học bổng đặc biệt hàng năm để học thạc sĩ/tiến sĩ về Phật học và học tiếng Phạn tại Ấn Độ.
8. Hợp tác khu vực và quốc tế:
Hai thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí tăng cường hợp tác nhất là tại Liên Hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại thế giới, ASEAN và các diễn đàn liên quan của ASEAN bao gồm: ARF, ADMM+, EAS, ASEM cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác. Ấn Độ hoan nghênh việc thành lập Cộng đồng ASEAN, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Ấn Độ hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải tổ Liên hợp quốc và mở rộng thành viên Hội đồng Bảo an cả thành viên thường trực và không thường trực, trong đó cần tăng cường tính đại diện của các nước đang phát triển.
Thủ tướng Narendra Modi cảm ơn Việt Nam nhất quán ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc khi cơ quan này được cải tổ và mở rộng. Hai Thủ tướng tái khẳng định sự ủng hộ lẫn nhau làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 21, Ấn Độ nhiệm kỳ 2021 - 22. Hai bên bày tỏ hài lòng về việc ký Chương trình hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Phía Ấn Độ cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hai bên tái khẳng định mong muốn và quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Ghi nhận Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, và thương mại không bị cản trở, trên cơ sở các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc được phản ánh trong UNCLOS. Hai bên cũng kêu gọi các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và thực hiện kiềm chế, không có các hoạt động gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Hai bên cũng ghi nhận rằng, các tuyến hàng hải lưu thông qua Biển Đông là hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Việt Nam và Ấn Độ, với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, hối thúc các bên thể hiện tôn trọng cao nhất đối với UNCLOS, văn kiện thiết lập trật tự pháp lý quốc tế tại các vùng biển và đại dương.
Sau Hội đàm, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết các Thỏa thuận sau:
(i) Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về hợp tác khai thác và sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình; (ii) Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; (iii) Chương trình hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; (iv) Nghị định thư giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ về việc kỷ niệm “Năm Hữu nghị” 2017; (v) Bản ghi nhớ về Hợp tác Y tế; (vi) Bản ghi nhớ về Hợp tác Công nghệ thông tin; (vii) Bản ghi nhớ về Hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Ấn Độ về các Vấn đề quốc tế; (viii) Bản ghi nhớ về hợp tác An ninh mạng; (ix) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá chất lượng; (x)Thỏa thuận về việc xây dựng hạ tầng thông tin cho việc đào tạo Công nghệ thông tin chất lượng cao; (ix) Thỏa thuận kỹ thuật về trao đổi thông tin hàng hải phi quân sự; (xii) Hợp đồng về cung cấp tàu tuần tra cao tốc.
Các cuộc hội đàm và tiếp xúc giữa Thủ tướng Narendra Modi và lãnh đạo Việt Nam diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình và hữu nghị. Thủ tướng Narendra Modi cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng và đoàn Ấn Độ và mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Ấn Độ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận lời mời. Thời gian cụ thể sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
(Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024