Tổng thống Ấn Độ sẽ bàn về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Việt Nam
Lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận về định hướng hợp tác với Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tuần tới.
"Tôi cho rằng, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có cơ hội thảo luận về tất cả các khía cạnh xoay quanh chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chuyến thăm lần này, trong đó có quan điểm của hai nước", Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish hôm nay trả lời câu hỏi của VnExpress.
Ông Harish cho biết, Ấn Độ đã nêu rõ quan điểm của mình về chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thủ tướng nước này, ông Narendra Modi, khi dự Đối thoại Quốc phòng Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhấn mạnh các nước nên có quyền bình đẳng với việc tiếp cận, sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế. Điều này đòi hỏi quyền tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Modi cho hay, Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là chiến lược hoặc tập hợp của một số quốc gia giới hạn.
Trong Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba với chủ đề "Xây dựng cấu trúc khu vực" tại Hà Nội tháng 8/2018, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung, Ấn Độ với ASEAN và Việt Nam nói riêng không chỉ là kết nối trên biển mà còn là sự chia sẻ về tầm nhìn, mong muốn về một cơ chế khu vực tạo điều kiện giải quyết các thách thức an ninh, hướng tới việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, hợp tác, phát triển. Và Ấn Độ coi ASEAN là trung tâm của cấu trúc hàng hải khu vực.
Cũng trong sự kiện tháng 8/2018, Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cho rằng, các sáng kiến mới ở khu vực liên quan đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cần được triển khai trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi. Cấu trúc khu vực phải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và dòng chảy thương mại liên tục.
Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng thống nước này và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ xem xét lại sự phát triển quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác mạnh mẽ về an ninh và quốc phòng. Hợp tác an ninh hai nước được tăng cường trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, chống khủng bố. Đồng thời, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các Diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, ARF, ADMM+.
Tổng thống Ấn Độ sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18/11 đến 20/11/2018. Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016. Theo lịch trình, Tổng thống Ấn Độ sẽ đến Đà Nẵng ngày 18/11/2018, thăm Bảo tàng Chăm, thăm khu di tích Mỹ Sơn. Từ 2017, Viện Khảo cổ Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn. Hiện hai bên đang trong quá trình bảo tồn và trùng tu các nhóm tháp A, H và K.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,5 tỷ USD (tăng gần 38% so với 2016). Hai nước đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, một đoàn gồm 80 doanh nghiệp lớn của Ấn Độ sẽ tháp tùng Tổng thống tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ vào ngày 19/11/2018.
Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tong-thong-an-do-se-ban-ve-chinh-sach-an-do-duong-thai-binh-duong-voi-viet-nam-3839782.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024