Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư về dược, thiết bị y tế

Việt Nam - Ấn Độ nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư về dược, thiết bị y tế

Việt Nam - Ấn Độ có nhiều lợi thế, tiềm năng đẩy mạnh hợp tác đầu tư về ngành dược, thiết bị y tế là nhận định của các chuyên gia dự Hội thảo “Cơ hội hợp tác và đầu tư ngành dược phẩm tại Việt Nam”.

06:34 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Cơ hội hợp tác và đầu tư ngành dược phẩm tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (Pharmexcil) tổ chức, chiều 18/12.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM cho biết Ấn Độ hiện là nhà cung cấp lớn thứ ba của Việt Nam, sau Pháp và Đức trong lĩnh vực dược phẩm, với kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm nay đạt 198 triệu USD. Trong khi nhu cầu dược phẩm của Việt Nam ngày càng tăng, trung bình mỗi người Việt Nam chi 64 USD/năm cho việc mua dược phẩm, quy mô thị trường dược phẩm đạt trên 6,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Chính vì vậy, dư địa hợp tác và đầu tư trong ngành dược, thiết bị y tế giữa Việt Nam-Ấn Độ rất rộng mở.

Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết do mô hình dịch tễ thay đổi nên nhu cầu về dược phẩm và đầu tư về trang thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng phục vụ xu hướng các bệnh lý không lây nhiễm tăng cao, tập trung vào thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, xét nghiệm chuyên sâu.

Với việc dân số già hóa, nhu cầu dược phẩm và thiết bị y tế hiện đại chăm sóc sức khỏe người già cũng tăng cao. Trong khi thực trạng chung của các cơ sở y tế Việt Nam hiện 70% bệnh viện không có máy chụp CT, 35% thiết bị y tế đã sử dụng trên 20 năm và 40% thiết bị đã sử dụng 10-20 năm.

Hơn nữa, hầu hết trang thiết bị y tế của Việt Nam đang được nhập khẩu, sản xuất trong nước mới chỉ cung ứng được 1,5-2% nhu cầu sử dụng. Công nghệ phụ trợ cho ngành thiết bị y tế của Việt Nam cũng còn hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 3%. Đây sẽ là lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới và là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển.

Ông Murall Krishna, Giám đốc Pharmexcil cũng chia sẻ Ấn Độ có nhiều lợi thế để phát triển ngành dược, thiết bị y tế và hiện nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu dược phẩm lớn thứ 3 toàn thế giới. Trên thị trường, tới 70% thuốc vắcxin phòng bệnh cung cấp cho WHO có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Theo ông Murall Krishna, Việt Nam-Ấn Độ có nền tảng hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực, ngành dược phẩm cũng là lĩnh vực mà Chính phủ hai nước đều quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, những kết quả hợp tác, thương mại sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu thực tế. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, thiết bị y tế Ấn Độ quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp Ấn Độ thông tin, điều kiện đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua được cải thiện một cách tích cực, năng suất lao động của người Việt Nam cũng tăng nhanh và hơn hết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển y tế.

Việt Nam cũng có nguồn dược liệu tự nhiên khá phong phú sẽ là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với dược phẩm của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam cần thiết lập nền tảng kết nối thông tin một cách thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên vì mục tiêu phát triển cho cả đôi bên

Quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, trong đó, Ấn Độ đã nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ngược lại Việt Nam cũng là thị trường trọng điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ năm 2019 đã đạt 11,2 tỷ USD, riêng 9 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt trên 7 tỷ USD.

Trong số đó, xuất khẩu từ Việt Nam đến Ấn độ đạt 3,7 tỷ USD chủ yếu là các sản phẩm máy vi tính, linh kiện điện tử…; Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ trị giá 3,3 tỷ USD các sản phẩm máy móc, sắt thép, hóa chất.../.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-naman-do-nhieu-tiem-nang-hop-tac-dau-tu-ve-duoc-thiet-bi-y-te/683054.vnp

Nguồn:

Cùng chuyên mục