Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ tổ chức cuộc họp thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp

Việt Nam và Ấn Độ tổ chức cuộc họp thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp

Ông Rajesh Agrawal khẳng định phía Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, trong đó luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.

09:00 10-08-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Tổng vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Rajesh Agrawal đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ tại New Delhi, Ấn Độ.

Cùng tham dự cuộc họp, phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải, lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet và một số doanh nghiệp khác của Việt Nam; phía Ấn Độ cũng có đầy đủ đại diện các bộ, ngành và đơn vị liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Rajesh Agrawal đã đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đồng thời khẳng định phía Ấn Độ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, trong đó luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh những vấn đề Việt Nam quan tâm: (i) Hai nước cần hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại cao hơn theo hướng bền vững; (ii) tháo gỡ các rào cản thương mại cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước; (iii) thúc đẩy mở cửa thị trường đối với hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi; (iv) đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử; (v) tăng cường kết nối doanh nghiệp, thương mại, du lịch thông qua việc thúc đẩy khai thác thêm các chuyến bay thẳng, tăng tần suất khai thác chuyến bay giữa các thành phố lớn của hai nước.

Trưởng đoàn Ấn Độ Rajesh Agrawal hoàn toàn nhất trí với các đề xuất của Thứ trưởng Phan Thị Thắng và cho biết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phía Ấn Độ để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước.

Ông ghi nhận xu hướng phát triển rõ rệt trong trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, đặc biệt, có nhiều chuyển biến tích cực kể từ cuộc họp lần thứ 4 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ được tổ chức năm 2019 tại Hà Nội.

Về phần mình, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng tình hình thế giới, khu vực sắp tới tiếp tục còn nhiều khó khăn: kinh tế suy thoái, xung đột chính trị, căng thẳng thương mại, lạm phát tăng cao, nhu cầu giảm. Những vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu trong đó có cả Việt Nam và Ấn Độ.

Thứ trưởng khẳng định cuộc họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì tính liên tục và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Trưởng đoàn Ấn Độ cũng chia sẻ về các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ, các lĩnh vực mà Ấn Độ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam bao gồm y dược phẩm, thực phẩm chế biến, du lịch, công nghệ thông tin…đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế đa phương và khu vực.

Tại cuộc họp, hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giao thương.

Hai bên còn nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác thương mại trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác như nông, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng.

Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: (i) công nghiệp nền tảng (ôtô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu, điện tử, hóa chất); (ii) phát triển hạ tầng (hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics); (iii) ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử.

Đặc biệt, Trưởng đoàn hai nước nhất trí thúc đẩy các cơ quan liên quan của hai bên sớm hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro tiến tới cấp phép mở cửa thị trường cho một số loại trái cây ưu tiên của nhau trong thời gian tới.

Kết thúc cuộc họp, hai Trưởng đoàn đã thông qua và ký Biên bản cuộc họp, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ và làm việc với các cơ quan hữu quan để triển khai những nội dung đã nhất trí trong cuộc họp, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước./.

Cùng chuyên mục