Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 1)
Từ năm 1975 trở đi, dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, dù tình hình mỗi nước gặp không ít khó khăn, nhưng có thể nói, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam, kể cả những thời điểm khó khăn nhất. Đây là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng mà ít mối quan hệ nào có được trong một thế giới đầy phức tạp, biến đổi khó lường.
Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam
(Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay)
PGS, TS Nguyễn Cảnh Huệ*
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị lâu đời. Bước sang thời kỳ hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, M. Gandi, J. Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã kế thừa truyền thống và không ngừng dày công vun đắp làm cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái, trở thành mối quan hệ toàn diện, chiến lược.
Trong thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ, lâu dài để giành tự do, độc lập (1945-1975), dù có những lúc gặp khó khăn nhưng hai nước đã nhanh chóng vượt qua, đưa quan hệ vào quỹ đạo phát triển ngày càng tốt đẹp. Từ năm 1975 trở đi, dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, dù tình hình mỗi nước gặp không ít khó khăn, nhưng có thể nói, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam, kể cả những thời điểm khó khăn nhất. Đây là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng mà ít mối quan hệ nào có được trong một thế giới đầy phức tạp, biến đổi khó lường.
Năm 1988, trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, Thủ tướng Ấn Độ -Rajiv Gandhi - đã phát biểu: “Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam…”. Quả đúng như vậy, những tư liệu, sự kiện lịch sử từ năm 1975 đến nay đã thể hiện rõ điều này.
1. Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam
1.1. Ấn Độ với Đại thắng Mùa Xuân 1975 của Việt Nam
Ngày 30-4-1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn; chính phủ, các đảng phái, tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân Ấn Độ hân hoan chúc mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam, coi thắng lợi của Việt Nam như thắng lợi của chính mình. Ngày 1-5-1975, hầu hết các tờ báo ở Thủ đô Dehli đều đưa tin về Việt Nam và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Tờ New Age, với hàng chữ đậm “Việt Nam chiến thắng”, đã giới thiệu cho nhân dân Ấn Độ về cuộc đấu tranh chính nghĩa, anh dũng của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược và tay sai, về sự vui mừng của nhân dân thành phố Sài Gòn trong ngày giải phóng. “Link” - một trong những tạp chí danh tiếng của Ấn Độ - trong bài “Lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã giải thích về chính sách đối nội của Việt Nam và đánh giá tích cực về sự thay đổi lịch sử đang diễn ra ở Việt Nam. Trong tháng 5-1975, trên khắp đất nước Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh và tại những cuộc mít tinh, nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng của các đảng phái chính trị đã phát biểu chúc mừng thắng lợi của Việt Nam…[1]
Ngay ngày 30-4-1975, Chính phủ Ấn Độ chính thức công nhận Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và hai bên thoả thuận thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Ngày 22-5-1975, sau khi trục xuất đại diện của Chính quyền Sài Gòn, Chính phủ Ấn Độ quyết định chuyển giao trụ sở Tổng lãnh sự của chính quyền này cho đại diện của Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
1.2. Ấn Độ với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (cuối 1978) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nước ta (đầu 1979)
Cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ở biên giới Tây Nam do tập đoàn Pôn Pốt tiến hành và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do nhà cầm quyền Trung Quốc phát động. Về nội dung hai cuộc chiến tranh biên giới này và vấn đề Campuchia (ở mục sau), chúng tôi xin được không nhắc lại vì đã được nhiều tài liệu đề cập đến mà chỉ đề cập đến quan điểm của Ấn Độ đối với những sự kiện-vấn đề này.
Đối với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Việt Nam, ngay từ sớm Ấn Độ đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của tập đoàn PônPốt, ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong cuộc chiến tranh này.
Cũng như đối với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, đối với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, ngay khi nhà cầm quyền Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính phủ, các đảng phái chính trị, nhiều tổ chức xã hội cùng đông đảo nhân dân Ấn Độ lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, đòi quân đội Trung Quốc phải rút ngay lập tức khỏi Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ tổ quốc. Thủ tướng Ấn Độ bày tỏ hy vọng chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình lập tức, mà trước hết là phải rút hết quân đội Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngày 17-5-1979, phát biểu tại Nghị viện về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ - Ông A. B. Vajpayee - đánh giá cao tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Việt Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Ông nói: “Ấn Độ đã ngay lập tức lên án chiến tranh của Trung Quốc đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[2]. Chính bản thân ông đã rút ngắn chuyến thăm Trung Quốc để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Ngày 7-7-1980, tại Hà Nội, ông Grixuaie, Chủ tịch Hội Luật gia Ấn Độ, trong cuộc trao đổi với Luật sư Phan Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và cảm phục tinh thần chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc[3]. Ngày 12-9-1980, trong chuyến thăm Hunggari của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, ông M.Pheruki, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ấn Độ, đã nêu rõ: Hai đảng đã bày tỏ tình đoàn kết với nhân Việt Nam, Lào và Campuchia trong cuộc đấu tranh chống hành động xâm lược của những người cầm quyền Trung Quốc và ủng hộ những biện pháp củng cố hoà bình và an ninh ở khu vực Đông Nam Á[4]. Trong thời gian Trung Quốc tiến hành xâm lược Việt Nam, đông đảo các tầng lớp nhân dân New Delhi, đại diện các đảng phái chính trị Ấn Độ, đông đảo phụ nữ Ấn Độ, các chiến sĩ tự do Ấn Độ,… biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ để phản đối cuộc chiến tranh của Trung Quốc và yêu cầu họ phải rút quân ngay lập tức về nước và Trung Quốc “không được đụng đến Việt Nam”.
1.3. Ấn Độ với vấn đề Campuchia (1979-1991)
Cuộc xung đột ở Campuchia (1979-1991) hay còn được gọi là “vấn đề Campuchia” là một trong những cuộc xung đột kéo dài, căng thẳng, phức tạp nhất trên thế giới từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Nó không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp hòa bình, ổn định ở Campuchia, mà còn gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước trong khu vực.
Về vấn đề này, trong khi một số nước trong ASEAN và trên thế giới lên án sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Campuchia, coi đó là sự “xâm lược”, đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia thì Ấn Độ đã ủng hộ hành động đó của Việt Nam; cho đó là việc làm chính nghĩa, là sự “giúp bạn khi họ gặp hoạn nạn”, đồng thời coi đó là sự đóng góp tích cực của Việt Nam đối với sự nghiệp hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á; Ấn Độ cũng đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia…[5] Đây là quan điểm tích cực, nhân đạo của Ấn Độ. Với quan điểm này Ấn Độ đã bị một số nước trong ASEAN lên án, cô lập nhưng điều đó không làm thay đổi được quan điểm, lập trường của Ấn Độ. (Xem tiếp phần 2)
* Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
[1] T. G. Giaxốp, Cuộc đấu tranh của Ấn Độ vì tự do, độc lập của các dân tộc Đông Dương, Nhà xuất bản “Fan”, Taskent ( Liên Xô), 1991; tr. 125-126 (tiếng Nga).
[2] Báo Nhân dân, ngày 15-8-1981, 22-5-1979.
[3] Bản tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 8-7-1980.
[4] Bản tin Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14-9-1980.
[5] Xem thêm Nguyễn Cảnh Huệ (2003), “Tìm hiểu quan điểm của Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ trong việc giải quyết vấn đề Campuchia (1979-1991)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, (1), tr.75-83.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục