Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giao thoa văn hóa Việt Nam - Ấn Độ: Khám phá dấu ấn lịch sử và di sản tư liệu

Giao thoa văn hóa Việt Nam - Ấn Độ: Khám phá dấu ấn lịch sử và di sản tư liệu

Ngày 18 tháng 3 năm 2025, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi thông tin chuyên đề với chủ đề: "Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ: Dấu ấn Ấn Độ trong văn bản lịch sử và tư liệu Việt Nam". Sự kiện quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử và quan hệ quốc tế, nhằm làm sáng tỏ những ảnh hưởng sâu rộng của văn minh Ấn Độ đối với Việt Nam.

01:00 18-03-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự buổi thông tin chuyên đề về phía Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội có bà Ajungla Jamir, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; về phía Học viện có TS Bùi Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; PGS,TS Trịnh Thị Xuyến, Phó Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế; TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, và đông đảo nhà khoa học, giảng viên và học viên từ các Viện trong Học viện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến tham dự.

5.jpg

Tại buổi thông tin, Tiến sĩ Đỗ Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã trình bày những bằng chứng khảo cổ học về dấu ấn văn hóa cổ đại của Ấn Độ tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa hai nền văn minh không chỉ kéo dài gần hai thiên niên kỷ mà còn có ý nghĩa chiến lược trong tiến trình lịch sử châu Á. Những di tích như khu đền tháp Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương và Tháp Pô Nagar không chỉ là minh chứng về sự tiếp thu tinh hoa kiến trúc Ấn Độ mà còn thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt trong việc bản địa hóa các yếu tố ngoại lai.

Bên cạnh đó, sự lan tỏa của Phật giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thúc đẩy giao lưu văn hóa và tư tưởng. Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ học cho thấy sự tồn tại đồng thời của nhiều con đường truyền bá Phật giáo, phản ánh sự giao thoa đa dạng giữa hai nền văn hóa.

4.jpg

Phát biểu tại hội thảo, bà Ajungla Jamir, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, khẳng định rằng mối liên hệ văn hóa bền chặt giữa hai quốc gia chính là nền tảng vững chắc để thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao văn hóa. Bà cam kết Đại sứ quán Ấn Độ, thông qua Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda thuộc Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR), sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chung, qua đó củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

2.jpg

Thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Tiến sĩ Bùi Việt Hương, Phó Viện trưởng Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của Trung tâm trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác học thuật giữa Việt Nam và Ấn Độ. Từ khi thành lập vào năm 2014, Trung tâm đã trở thành một địa chỉ quan trọng trong việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về Ấn Độ, cũng như quan hệ giữa Ấn Độ với khu vực và thế giới.

Không chỉ là nơi nghiên cứu, Trung tâm còn góp phần tuyên truyền đối ngoại, giúp phổ biến những quan điểm, chính sách của Việt Nam, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa với Ấn Độ. Sự kiện lần này đánh dấu bước tiến mới trong việc kết nối tri thức và tạo dựng những nền tảng bền vững cho sự hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia.

Với những kết quả đạt được, buổi chuyên đề không chỉ góp phần làm sáng tỏ các dấu ấn của Ấn Độ trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu, học giả hai nước. Việc tiếp tục khai thác các tư liệu lịch sử và khảo cổ sẽ giúp mở rộng tầm hiểu biết về mối quan hệ lâu đời này, đồng thời củng cố nền tảng hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lai.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục