Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 4)

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 4)

Từ năm 1975 trở đi, dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, dù tình hình mỗi nước gặp không ít khó khăn, nhưng có thể nói, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam, kể cả những thời điểm khó khăn nhất. Đây là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng mà ít mối quan hệ nào có được trong một thế giới đầy phức tạp, biến đổi khó lường.

03:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam 
(Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử 
quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay)

PGS, TS Nguyễn Cảnh Huệ*  

Thứ ba, Ấn Độ phản đối Trung quốc nếu họ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc chưa thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, nhưng trước sự “đe dọa” rằng, họ có thể làm điều này, Ấn Độ đã lên tiếng phản đối. Giới chức cấp cao Ấn Độ cho rằng, những hành động của Trung Quốc như tuyên bố chủ quyền, sau đó xây dựng đảo nhân tạo trái phép và khả năng sẽ áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực không chỉ ảnh hưởng đến các lợi ích thương mại và chiến lược của Ấn Độ mà còn vi phạm các nguyên tắc quốc tế về tự do hàng hải và hàng không. Ấn Độ sẽ chống lại bất kỳ hành động nào như vậy[1].

Thứ tư, Ấn Độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vấn đề  Biển Đông.

Cùng ngày Tòa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (12-7-2016), Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra Tuyên bố và khẳng định: “Ấn Độ ghi nhận phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Ấn Độ tin tưởng rằng, các nước cần giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng. Là một nước thành viên của UNCLOS, Ấn Độ thúc giục các bên thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với UNCLOS, thể chế thiết lập trật tự pháp lý đối với các vùng biển và đại dương”[2]. Tiếp theo, ngày 20-7-2016, Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (IVSC) chính thức ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague (Hà Lan) liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố cho rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính lịch sử và yêu cầu các nước liên quan chấp nhận và tôn trọng phán quyết này vì hòa bình, hòa hợp và chủ quyền quốc gia của các nước trong khu vực; phán quyết là cột mốc quan trọng để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Tuyên bố cũng hối thúc Chính phủ Trung Quốc tôn trọng phán quyết, đồng thời nêu rõ nếu bất kỳ nước nào không tuân thủ luật pháp quốc tế và hành động đơn phương, phớt lờ sự nghiệp chính nghĩa của các nước láng giềng, nước đó sẽ tạo ra tình hình hỗn loạn và đe dọa hòa bình không chỉ ở khu vực châu Á mà trên toàn thế giới. Tuyên bố cũng khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chủ tịch IVSC Greetesh Sharma cho biết, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống lâu đời và Tuyên bố này là một minh chứng nữa thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân Ấn Độ nói chung và Ủy ban này nói riêng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, khẳng định tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam và Ấn Độ cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương và hải đảo thiêng liêng của đất nước[3].

1.9. Ngoài ra, việc thi hành “Chính sách Hướng Đông” từ đầu thập niên 1990 và  nâng cấp  thành “Chính sách hành động phía Đông” dưới thời Thủ tướng Narendra Modi từ năm 2014, trong đó coi Đông Nam Á là trung tâm của “chính sách Hướng Đông” và Việt Nam là trung tâm, trụ cột của chính sách này; việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (2007) cũng như việc ngày càng tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; việc Ấn Độ ngày càng tăng cường các hoạt động với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như: giúp đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự, sự thăm viếng của  tàu hải quân, tăng cường hợp tác quân sự, tập trận chung,…  nhằm góp phần tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ hòa bình lãnh hải của Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác, giữ gìn hòa bình ở Biển Đông,…về khách quan cũng đã thể hiện sự ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam.

Trên đây là những tư liệu sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện việc “Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam” từ năm 1975 đến nay.

2. Một vài nhận xét

2.1. Trong thời kỳ  từ 1975 đến nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến chuyển phức tạp, tình hình mỗi nước cũng gặp không ít khó khăn, thử thách[4] nhưng Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam, nhất là trong những thời điểm Việt Nam gặp khó khăn nhất (Chẳng hạn: khi xảy ra hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nước ta vào năm 1978-1979, khi Việt Nam bị bao vây cấm vận gay gắt trong suốt thập niên 1980, hay như trong tình hình phức tạp của Biển Đông mấy năm gần đây…), Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam và giành cho chúng ta sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình. Vào những lúc Việt Nam gặp khó khăn, Ấn Độ đều lên tiếng rất kịp thời và, dường như, những lúc Việt Nam gặp khó khăn nhất, Ấn Độ lại gần hơn với Việt Nam. Đây là điều rất đáng trân trọng mà không phải mối quan hệ nào cũng có được và mỗi người Việt Nam đều không quên. Điều này càng đáng trân trọng và ý nghĩa khi chúng ta đã, đang chứng kiến những bạn bè “môi hở răng lạnh”, “đối tác chiến lược toàn diện”, quan hệ theo phương châm “16 chữ”, tinh thần “4 tốt””… của chúng ta nhưng sẵn sàng đưa quân xâm lược nước ta, gây tội các với nhân dân ta để thực hiện tham vọng bành trướng của họ và đã, đang gây áp lực ngày càng gia tăng với chúng ta ở Biển Đông; chứng kiến những nước đã cùng chúng ta “chung một chiến hào, hạt gạo cắn đôi”, “đồng cam cộng khổ… cùng tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ giành độc lập và chúng ta đã đổ biết bao công sức, thời gian, nhiều xương máu để xây dựng mối quan hệ, cứu cả một dân tộc thoát nạn diệt chủng, nhưng dường như họ  đang ngày càng xa chúng khi ta gặp khó khăn và chạy theo chủ nghĩa thực dụng, bị đồng tiền mua chuộc,…

2.2. Khi đứng bên cạnh Việt Nam, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, Ấn Độ đã phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích, bị lên án, bị cô lập, chịu sự tổn thất về mình (vì ủng hộ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Campuchia trong thập niên 1980, Ấn Độ bị các nước trong ASEAN và một số nước khác thù địch với Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia lúc đó lên án, cô lập, hay như vì ủng hộ lẽ phải, quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông hiện nay mà Ấn Độ bị Trung Quốc lên án…). Từ  đó, không chỉ cho thấy một Ấn Độ thủy chung với Việt Nam mà còn thể hiện một Ấn Độ bản lĩnh, hy sinh dám hứng chịu khó khăn về mình vì bạn. Sự ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian qua không chỉ góp phần tăng thêm sức mạnh, sự tự tin trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta mà còn góp phần vào sự nghiệp hòa bình ở khu vực, nâng cao uy tín của Ấn Độ ở khu vực và trên thế giới.

2.3. “Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam” trong thời gian qua không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn là sự đồng thuận của toàn xã hội - đó là các chính đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân. Chính sự đồng thuận cao này đã lý giải, vì sao mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, đổi thay, một nước Ấn Độ còn gặp không ít khó khăn và việc thay đổi nội các thường xuyên… nhưng một điều không thay đổi là vẫn không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ với Việt Nam, Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam. Sự đồng thuận cao và nhất quán của Ấn Độ - một nước đa đảng, thay đổi nội các thường xuyên, đa tôn giáo… trong chủ trương và hành động ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, không ngừng củng cố và phát triển quan hệ toàn diện với Việt Nam - cũng thể hiện sự thành công của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại với Ấn Độ.

2.4. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có truyền thống hữu nghị lâu đời, đã được thử thách qua chiều dài hàng ngàn năm lịch sử cùng những biến động của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước. Hai nước thực sự là bạn bè tin cậy, thủy chung của nhau. Đây là mối quan hệ hiếm có trong thời đại hiện nay. Tài sản này do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công giữ gìn vun đắp. Các thế hệ hôm nay và mai sau cần phải tiếp tục củng cố và phát huy để đem lại sức mạnh cho hai nước vượt qua những thách thức to lớn, hiểm nghèo đưa đến từ tình hình thế giới và khu vực.

2.5. Nguyên nhân của việc Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam trong thời gian qua

Nguyên nhân của việc Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam trong thời gian qua, theo chúng tôi, là hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời; Ấn Độ thi hành chính sách đối ngoại tích cực, yêu hòa bình, nhân đạo, ủng hộ lẽ phải; có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, quan điểm trong những vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới; cùng chia sẽ về nguy cơ đối với chủ quyền, an ninh của dân tộc cũng như những nguy cơ, thách thức khác từ bên ngoài và sự cần thiết phải phối hợp để đối phó với những vấn đề đó; Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của mình…

2.6. Để thay lời kết bài viết này, chúng tôi xin mượn những lời phát biểu, nhận định sau đây của các nhà lãnh đạo hai nước về mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Lúc sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Trong diễn văn đáp từ lãnh đạo Việt Nam nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 4-1988, Thủ tướng Rajiv Gandhi khẳng định: “Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ các bạn trong các nỗ lực phát triển kinh tế và sẽ luôn luôn đứng về phía Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ấn Độ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam theo yêu cầu”.  Nguyên  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài phát biểu chiêu đãi  Tổng thống Ấn Độ - Ngài Pranab Mukherjee - sang thăm Việt Nam vào tháng 10/2014, đã bày tỏ: “Việt Nam tự hào có một người bạn Ấn Độ thủy chung, luôn ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay”. Còn theo Tổng thống Pranab Mukherjee thì “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt hơn ngày nay” và “để bảo vệ được lợi ích dân tộc và lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau”.

* Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

[1]  Xem: http://www.baomoi.com/An-Do-phan-doi-han-che-tu-do-hang-khong-hang-hai-tren-Bien-Dong/c/17485416.epi.

http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/news/2015/9/A2575A00DC8F2F44/).

[2]. Biển Đông tuần từ 11/7-17/7 (http://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-tuan-qua/6005-bin-ong-tun-qua-t-117-177).

[3]. Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam tuyên bố ủng hộ phán quyết Tòa Trọng tài (http://tgvn.com.vn/uy-ban-doan-ket-an-do-viet-nam-tuyen-bo-ung-ho-phan-quyet-toa-trong-tai-33103.html)

[4] Về tình hình thế giới và khu vực, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, toàn diện và đi đến sụp đổ tác động tiệu cực đến những nước có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô như Việt Nam, Ấn Độ. Cuộc “Chiến tranh lạnh” kéo dài diễn biến phức tạp, căng thẳng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối thập niên đầu thế kỷ XXI… Khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ này là khu vực “nóng” của thế giới với việc xảy ra hai cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc cùng Vấn đề Campuchia phá hoại môi trường hòa bình trong khu vực, vấn đề biển Đông,…Về tình hình Việt Nam, công cuộc xây dựng đất nước được tiến hành trong hoàn cảnh có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn gay gắt, phải tiến hành hai cuộc chiến tranh để bảo vệ tổ quốc; cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng giai đoạn 1975-1985, lại bị các thế lực thù địch quốc tế bao vây, cấm vận gay gắt, vấn đề Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, căng thẳng…Về tình hình Ấn Độ, đây là thời kỳ mà tình hình Ấn Độ luôn luôn biến động về mặt chính trị - xã hội, đất nước gặp rất nhiều khó khăn,

Bình luận của bạn

Tin bài liên quan

Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 3)
Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 2)
Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam (Qua những tư liệu, sự kiện lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1975 đến nay) (Phần 1)
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 5)
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 4)
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 3)
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 2)
Con đường tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng thảo luận các tác động đa chiều đến chính sách phát triển cơ sở hạ tầng Nam Á của Ấn Độ (Phần 1)
Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 2)
Đối ngoại công chúng – công cụ quan trọng phát huy sức mạnh mềm của Ấn Độ (Phần 1)

Nguồn:

Cùng chuyên mục