Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Bangladesh trao đổi về chủ quyền lãnh thổ tồn tại hơn 3 thế kỷ

Ấn Độ và Bangladesh trao đổi về chủ quyền lãnh thổ tồn tại hơn 3 thế kỷ

Người dân hai nước Ấn Độ và Bangladesh đã tổ chức ăn mừng sự kiện hai nước láng giềng trao đổi 162 thửa đất nằm dọc trên biên giới của nhau, chấm dứt một trong những tranh cãi lâu đời nhất về biên giới, khiến hàng nghìn người bị sống trong lãng quên suốt gần 7 thập kỷ qua.

03:22 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đúng 0 giờ 1 phút ngày 1/8/2015 (giờ địa phương), hàng nghìn người dân sống trên các thửa đất không có trường học, bệnh viện và điện trong gần 70 năm đã vỡ òa trong niềm vui khi chứng buổi lễ trao đổi đất giữa hai nước, đồng nghĩa với việc những người dân sống ở những vùng lãnh thổ này trở thành công dân mới.

Russel Khandaker, thanh niên 20 tuổi nói trong niềm vui: "Chúng tôi đã sống trong bóng tối suốt 68 năm và bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy ánh sáng."

Trước đó, ngày 6/6 vừa qua, trong chuyến công du 2 ngày tới Bangladesh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Sheikh Hasina Wajid đã ký thỏa thuận lịch sử giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ tồn tại suốt hơn 300 năm.

Tính chất của thỏa thuận này càng đặc biệt hơn khi nhìn lại quan hệ phức tạp vào loại “có một không hai” trên thế giới về chủ quyền các vùng đất biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh ở khu vực Bắc Bengal.

Thỏa thuận trao đổi các khu đất thuộc chủ quyền của nước này nhưng lại nằm trong lãnh thổ của nước khác giữa hai nước giúp đơn giản hóa vấn đề chủ quyền của 4.000km đường biên và làm rõ vấn đề quốc tịch của khoảng 52.000 cư dân đang sinh sống trên đó.

Theo thỏa thuận được ký kết, những thửa đất sẽ được trao đổi gồm 111 phần lãnh thổ bị tách rời của Bangladesh và 51 phần lãnh thổ bị tách rời của Ấn Độ tụm lại trên cả phía biên giới giữa Bangladesh và huyện Cooch Behar thuộc bang Tây Bengal của Ấn Độ.

Những phần lãnh thổ này không thể nhìn thấy được trên hầu hết các bản đồ và hầu hết chúng cũng không thể nhìn thấy trên thực địa. Nhưng những phần lãnh thổ này đã trở thành một vấn đề hiển nhiên đối với hơn 50.000 cư dân ở đây trong việc kiểm soát thị thực và hộ chiếu.

Cả Ấn Độ độc lập và Bangladesh - vốn từng là một phần của Pakistan mãi cho đến năm 1971 - đều từ chối để bên còn lại quản lý phần lãnh thổ bị tách rời của mình, khiến cho những cư dân ở đây hiển nhiên rơi vào tình trạng không có quốc tịch.

Truyền thuyết kể rằng những phần lãnh thổ bị tách rời nói trên đã được hình thành do các trận đấu cờ giữa hai vị hoàng tử (maharaja) Ấn Độ cách đây nhiều thế kỷ (các khoảnh đất đã được sử dụng như những vật đặt cược). Những khoảnh đất đó sau này được cho là do một viên chức Anh say xỉn đã làm nhỏ một vài giọt mực lên bản đồ trong khi đang vẽ đường biên giới Ấn Độ-Pakistan vào năm 1947.

Theo Reece Jones, một nhà địa lý chính trị, những khoảnh đất nhỏ đó được cắt ra từ những phần lãnh thổ lớn hơn thông qua các hiệp ước được ký vào năm 1711 và 1713 giữa vị Hoàng tử của vùng Cooch Behar và Hoàng đế của đế chế Mughal ở Delhi, giúp chấm dứt hàng loạt cuộc xung đột nhỏ.

Quân đội nắm giữ phần lãnh thổ mà họ kiểm soát, dân cư đóng thuế cho lãnh chúa phong kiến ở nơi họ sinh sống và người dân di chuyển tự do qua một vùng đệm được hình thành từ những cuộc chiến tranh giữa các lãnh chúa.

Sự phân chia lãnh thổ này giữa Ấn Độ và Pakistan đã biến những phần lãnh thổ bị tách rời thành những vùng đất vô chủ. Vị hoàng tử Hindu vùng Cooch Behar đã chọn sáp nhập vào Ấn Độ vào năm 1949, đồng thời ông cũng đưa những vùng trước đây thuộc đế chế Mughal hay thuộc Anh mà ông được thừa kế sáp nhập vào Ấn Độ.

Những phần lãnh thổ bị tách rời của vị vua này ở phía còn lại của đường biên giới mới hình thành thì bị “nuốt chửng” (nhưng không bị sáp nhập) bởi Đông Pakistan mà sau này trở thành Bangladesh.

Mãi đến năm 1974 hai quốc gia này mới lần đầu thỏa thuận điều chỉnh vùng biên giới phức tạp này. Ấn Độ đã đồng ý không đòi bồi thường cho phần lãnh thổ bị mất có tổng diện tích xấp xỉ diện tích Hong Kong (Trung Quốc).

Nhưng chính phủ yếu và chủ nghĩa dân tộc đã cản trở Ấn Độ thực hiện điều này. 41 năm sau, tháng Năm vừa qua, Quốc hội Ấn Độ cuối cùng cũng đã thông qua một sửa đổi hiến pháp nhằm nhượng đất cho Bangladesh và chấm dứt tình trạng bất thường của đường biên giới./.
(Theo TTXVN)

Nguồn:

Cùng chuyên mục