Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược (Phần 2)
Trong bối cảnh trên, bài viết này xem xét các lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, nghiên cứu chính sách của Ấn Độ về Biển Đông và những ảnh hưởng của nó đối với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Bài viết cũng sẽ xem xét mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trên cơ sở vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược
Amrita Jash*
Khi đề cập đến khung khổ khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”[1], Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ Đông Ấn Độ Dương đến Tây Thái Bình Dương. Theo quan điểm này, lợi ích chính của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương nhằm duy trì tự do hàng hải. Chính mối liên hệ chiến lược với tranh chấp ở Biển Đông này đã mở đường cho việc tăng cường vai trò của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương[2]. Trong tuyên bố về khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, vào năm 2012 đã nêu rõ: “các thỏa thuận Ấn Độ - ASEAN đã bắt đầu (được thực hiện) với sự tập trung mạnh mẽ vào kinh tế, nhưng nội dung của nó cũng đang ngày càng mang tính chiến lược”, và “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, an toàn và thịnh vượng là rất quan trọng đối với sự tiến bộ và thịnh vượng của chúng ta”[3]. Do đó, theo hai khái niệm căn bản này, Biển Đông được xác định là một khu vực có “lợi ích chiến lược” đối với Ấn Độ.
Từ góc độ này, có thể hiểu lợi ích chiến lược và sự can dự của Ấn Độ ở Biển Đông thông qua hai khía cạnh địa chính trị và địa kinh tế[4]. Trước hết, giống như các bên khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược căn bản của Ấn Độ ở Biển Đông là địa chính trị, trong đó có liên quan đến an ninh hàng hải. Theo quan điểm này, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh thổ ở Biển Đông đã đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền khác trong khu vực. Ngoài ra, các hành động của Trung Quốc trực tiếp thách thức nguyên trạng, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực[5]. Do lợi ích địa chính trị của Ấn Độ liên quan tới vùng biển trải dài giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, nên việc đi lại an toàn qua các vùng biển ở Biển Đông nằm giữa hai khu vực này trở thành lợi ích chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ. Bởi vậy, sự can dự lớn hơn của Ấn Độ ở Biển Đông là cách thức ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương[6].
Thứ hai, và cụ thể hơn, Biển Đông chiếm vị trí trung tâm trong lợi ích địa kinh tế của Ấn Độ, dựa trên các lợi ích chiến lược hai mặt của Ấn Độ trong khu vực: thương mại của Ấn Độ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á; và nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ các mỏ nằm ở Biển Đông. Cả hai yếu tố này đóng vai trò chiến lược trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ[7]. Có tới gần 92-95% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Ấn Độ Dương, trong đó khoảng 55% đi qua eo biển Malacca. Hơn nữa, trong một nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, Ấn Độ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng của nước này, vì vậy mà gần 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển[8]. Với những điều kiện ràng buộc như vậy, Biển Đông đã trở thành “một phần không thể tách rời của vành đai an ninh của Ấn Độ”, đóng vai trò quyết định đối với “ngoại thương, năng lượng và lợi ích quốc gia”[9].
Biển Đông trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ
Dưới chính quyền mới của Thủ tướng Narendra Modi, Chính sách Hướng Đông vốn có từ lâu của Ấn Độ với 10 nước thành viên ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào, Việt Nam, Philippines, Singapore và Thái Lan)[10], đã phát triển thành Chính sách Hành động Phía Đông (AEP) và mang tính chủ động hơn, được phát động tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Myanmar vào tháng 5/2014. Chính sách này vạch kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai cực tăng trưởng của một châu Á năng động. Trong khuôn khổ Hành động Phía Đông, quan hệ đa chiều giữa Ấn Độ với ASEAN đã được tiếp thêm sức mạnh và động lực lớn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh diễn ra những thay đổi nhanh chóng về địa chính trị, do sự nổi lên nhanh chóng và mạnh mẽ của Trung Quốc trên sân khấu chính trị thế giới và việc Bắc Kinh tăng cường cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản, dẫn tới sự thay đổi lớn về cấu trúc chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ về tái cân bằng tại châu Á, Chiến lược “Chuỗi kim cương an ninh dân chủ” của Nhật Bản, và “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, tất cả đều mang tham vọng chính trị và chiến lược lớn nhằm định hình cấu trúc khu vực theo cách riêng của họ. Trong bối cảnh đó, vai trò lớn hơn và sự tham gia của Ấn Độ trong việc ổn định cấu trúc an ninh khu vực đóng vai trò then chốt[11].
Trong bối cảnh như vậy, một trong những thay đổi chính trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ được phản ánh trong vấn đề Biển Đông. Nghĩa là, với yêu sách gây tranh cãi của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng lập trường nguyên tắc của mình về tự do hàng hải, an ninh hàng hải, và giải quyết nhanh chóng các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế (Công ước Liên hợp quốc về luật biển, 1982), phát triển một Bộ quy tắc ứng xử, và giải quyết (tranh chấp) thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình[12].
Vì những lợi ích chiến lược này, việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông có tầm quan trọng lớn đối với Ấn Độ. Ổn định ở Biển Đông được đề cập trực tiếp trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ, trong bối cảnh Ấn Độ gia tăng sự can dự với các nước ở Đông Á và Đông Nam Á. Theo đó, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò cường quốc bên ngoài khu vực Đông Nam Á dựa trên mục tiêu kép:
Thứ nhất, tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, trong đó chủ yếu tập trung vào Vịnh Bengal và biển Andaman. Tại đó, Ấn Độ ở đóng vai trò nhân tố phòng vệ chủ chốt chống các mối đe dọa tiềm tàng đến từ và đi qua quần đảo Đông Nam Á.
Thứ hai, mục tiêu lớn hơn là nhằm đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Lợi ích này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như mong muốn của Ấn Độ về mở rộng không gian chiến lược của nước này[13]. (Xem tiếp phần 3)
[1]Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương được sử dụng lần đầu bởi Khurana trong một bài báo vào năm 2007, "An ninh trên biển: Triển vọng hợp tác Ấn Độ-Nhật Bản". Theo ông ý nghĩa của thuật ngữ này, là một không gian biển trải dài từ các vùng ven biển của Đông Phi và Tây Á, qua Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, các vùng ven biển của khu vực Đông Á.
[2]TS Bawa Singh (2016), "Trò chơi địa chính trị mới ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương: Thách thức và lựa chọn cho Ấn Độ", Modern Diplomacy, 22 May 2016, http://moderndiplomacy.eu/index.php?option=com_k2&view=item&id=1438:new-geopolitical-great-game-of-indo-pacific-challenges-and-options-for-india&Itemid=645
[3]Bộ ngoại giao, "Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm Ấn Độ-ASEAN", Chính phủ Ấn Độ, 20/12/2012,
http://mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/20981/Opening+Statement+by+Prime+Minister+at+Plenary+Session+of+IndiaASEAN+Commemorative+Summit
[4] David Scott (2015), “Sự gia tăng cân bằng của Ấn Độ ở Biển Đông”.
[5] Amrita Jash (2016), “Sự hợp lý về mối quan tâm của Ấn Độ ở Biển Đông”, China-India Brief #68, 26 January-09 February 2016, http://lkyspp.nus.edu.sg/cag/publication/china-india-brief/china-india-brief-68#
[6] David Scott (2013), “Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông”, tr. 54.
[7] Amrita Jash (2015), “Ấn Độ và Biển Đông”, Gateway House, 11/6/2015, http://www.gatewayhouse.in/india-china-and-the-south-china-sea/
[8] Amrita Jash (2015), “Ấn Độ và Biển Đông”, Gateway House, 11/6/2015, http://www.gatewayhouse.in/india-china-and-the-south-china-sea/
[9] David Scott (2013), “Vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông”, tr. 55.
[10] Manish Chand (2014), “Hành đông Phía Đông: Hành trình của Ấn Độ ở ASEAN”, Ministry of External Affairs, Government of India, 10 November 2014, http://www.mea.gov.in/in-focus-article.htm?24216/Act+East+Indias+ASEAN+Journey
[11] Rahul Mishra (2014), “Từ hướng Đông đến Hành động Phía Đông: Sự hướng Đông của Ấn Độ”, The ASAN Forum, 1/12/2014, http://www.theasanforum.org/from-look-east-to-act-east-transitions-in-indias-eastward-engagement/
[12] Ashok Sajjanhar (2016), Chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ và xa hơn nữa”, Gateway House, 12/52016, http://www.gatewayhouse.in/indias-act-east-policy-far-beyond/
[13] David Brewster (2013), “Chiến lược quốc phòng Ấn Độ và quan hệ Ấn Độ -ASEAN,” India Review, Vol. 12, no. 3, tr. 151
* Nghiên cứu sinh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục