Ấn Độ và Indonesia đóng góp tích cực cho tăng trưởng của châu Á
Báo Jakarta Post đăng bài viết của tác giả Anita Prakash với nhận định Ấn Độ và Indonesia là hai quốc gia quan trọng ở châu Á với vai trò định hình sức mạnh của khu vực.
Hợp tác giữa hai nước có thể giúp châu Á ngày càng phát triển về kinh tế cũng như duy trì an ninh và sự ổn định của khu vực.
Theo bài viết, cả Ấn Độ và Indonesia cần tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu của các nước đang phát triển trong các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhóm các nền kinh tế lớn G20.
Các nhà lãnh đạo của hai nước có thể củng cố chủ nghĩa đa phương bằng cách tạo ra chính sách chung để giải quyết những lo ngại của các nước đang phát triển và kém phát triển nhất của châu Á.
Indonesia và Ấn Độ có kinh nghiệm quản lý sự đa dạng về mặt đất đai, con người, nguồn lực và văn hóa để đưa ra một mô hình phát triển châu Á độc đáo, nơi chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự cùng đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
Ấn Độ và Indonesia có mối quan hệ lịch sử và gắn bó, cả hai đều là những quốc gia yêu chuộng hòa bình, có nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc và được điều hành dựa trên các nguyên tắc dân chủ.
Trong nhiều năm qua, Indonesia và Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra cộng đồng Đông Á hài hòa - không chỉ ở bên trong mà còn ở các nền tảng khu vực và toàn cầu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Indonesia tuần vừa qua là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác trong thập kỷ tiếp theo.
Con đường phía trước của Indonesia và Ấn Độ sẽ là hợp nhất những điểm mạnh và thiết lập một lộ trình làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nhằm củng cố và mở rộng sự phát triển của khu vực, đem lại sự thịnh vượng cho người dân hai nước.
Địa lý và con người là những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh chung lớn nhất. Hai quốc gia láng giềng trên biển này có điều kiện để khai thác, mở rộng trao đổi hàng hóa, dịch vụ và con người ở khu vực Ấn Độ Dương.
Hai nước cũng có vai trò đặc biệt trong Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA). Sự kết nối của châu Á - Thái Bình Dương và châu Á - châu Phi sẽ hiệu quả hơn khi Ấn Độ và Indonesia chia sẻ tầm nhìn và hợp tác chung để kết nối xuyên khu vực.
Indonesia có sức mạnh và kinh nghiệm về hàng hải cũng như khả năng kết nối hàng hải giữa các đảo, điều này rất quan trọng đối với việc kết nối hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương nói chung.
Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã đưa ra chiến lược “Trục hàng hải toàn cầu” kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014 nhằm phục vụ cho sự kết nối giữa các đảo của Indonesia cũng như với thế giới. Điều này cũng phù hợp với “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, nơi Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường hợp tác với ASEAN và các quốc gia Đông Á.
Khi Thủ tướng Modi đến thăm Indonesia dọc theo tuyến hàng hải lịch sử giữa hai nước, ông đã đưa ra một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lời kêu gọi của Tổng thống Jokowi về chiến lược biển của nước này.
Quan hệ thương mại Ấn Độ-Indonesia phát triển rất tích cực trong những năm gần đây. Trong số các nước ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Năm 2017, Indonesia chiếm 23,63% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Ấn Độ với ASEAN. Indonesia là thị trường rất quan trọng đối với các loại hàng hóa của Ấn Độ.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ được ký kết vào năm 2009 tạo điều kiện mở rộng hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN.
Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN-Ấn Độ cần được sử dụng nhiều hơn trong các nước ASEAN. Là một trong những thị trường lớn nhất trong các quốc gia ASEAN, Indonesia có thể đóng một vai trò lớn hơn trong thương mại dịch vụ với Ấn Độ.
Ấn Độ và Indonesia là hai nền kinh tế hàng đầu trong các cuộc đàm phán cho ra đời Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và có thể cùng nhau kết thúc đàm phán vào năm 2018. Indonesia là Chủ tịch đại diện ASEAN trong các cuộc đàm phán RCEP và Ấn Độ đang hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia với mong muốn kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay.
Quan hệ song phương Ấn Độ-Indonesia cũng sâu sắc hơn trước những thách thức toàn cầu hiện nay, khi mà vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập thương mại đang bị thách thức.
Trong một kịch bản mà toàn cầu hóa và lợi ích của nó đang bị đặt câu hỏi, các thể chế đa phương cũng đang bị thử thách. Điều này sẽ gây bất lợi cho các nước đang phát triển lớn như Ấn Độ và Indonesia cũng như với các nước nhỏ và dễ bị tổn thương về kinh tế ở ASEAN và châu Á.
TTXVN
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024