Ấn Độ - Việt Nam: Triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược (Phần 2)
Bài viết thảo luận những vấn đề như mối liên hệ lịch sử, tính đoàn kết trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, sự xa cách trong Chiến tranh Lạnh và sự khôi phục quan hệ hợp tác của Ấn Độ và Việt Nam kể từ cuối những năm 1970, hợp tác quốc phòng song phương, sự cần thiết phải xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược, và quan hệ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy vai trò của cơ chế đa phương khu vực bằng cách củng cố ASEAN.
Ấn Độ - Việt Nam: Triển khai xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
G C V NAIDU*
Ấn Độ, Việt Nam và an ninh Đông Nam Á
Đánh giá quan hệ Ấn Độ - Việt Nam cần được xem xét trong bối cảnh những thay đổi lớn mà Đông Nam Á chứng kiến cả về an ninh và kinh tế của mình. Chúng ta đều biết rõ rằng về lịch sử không có khu vực nào gây được sự chú ý đối với các cường quốc bên ngoài khu vực nhiều như Đông Nam Á vì hai lý do: Một là, do vị trí địa chiến lược là nơi gặp gỡ của hai đại dương năng động của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hai là, đây là khu vực có nguồn tài nguyên khổng lồ. Trong thời cổ đại, Ấn Độ và Trung Quốc đã tích cực tiếp xúc không chỉ với nhau mà với cả những nước Đông Nam Á. Thật vậy, Đông Nam Á là điểm gặp gỡ để trao đổi hàng hoá. Ảnh hưởng lớn của Ấn Độ đối với gần khắp toàn khu vực Đông Nam Á bắt đầu bằng thương mại theo sau đó là tôn giáo và ngôn ngữ, nghệ thuật và kiến trúc, và những vấn đề liên quan đến luật pháp, quản trị điều hành. Thậm chí đến ngày nay, ảnh hưởng đó vẫn còn tồn tại. Những nhà buôn và nhà sư Trung Quốc đã có thời gian ở Đông Nam Á trên đường tới Ấn Độ để học Phật giáo vì có rất nhiều trung tâm giảng dạy và trao đổi tư tưởng ở đó. Vào thời trung cổ Đông Nam Á trở thành trung tâm thu hút của người châu Âu đến mức cuối cùng tất cả các nước thực dân lớn đều có mặt ở Đông Nam Á mà không phải là ở các khu vực khác: Người Anh ở Miến Điện, Mã Lai, Singapore và Brunei, người Pháp ở Đông Dương, người Hà Lan ở Indonesia; người Tây Ban Nha và sau đó là người Mỹ ở Philippines, và người Bồ Đào Nha ở Đông Timor. Khi Nhật Bản bắt đầu nổi lên sau thời kỳ Phục hưng của vua Minh Trị, mặc dù trọng tâm ban đầu của nó là Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, nó cũng luôn nhòm ngó nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường Đông Nam Á, dẫn đến sự tàn phá toàn bộ khu vực (ngoại trừ Thái Lan mà họ kiểm soát gián tiếp) đánh đuổi người châu Âu và Mỹ. Thời kỳ sau chiến tranh, chính những siêu cường này đã nổi lên như là những cường quốc thống trị Đông Nam Á. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, sự cạnh tranh ảnh hưởng Đông Nam Á lại trở nên căng thẳng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và khát vọng tăng lên của Nhật Bản muốn đóng vai trò an ninh lớn hơn tương xứng với huyền thoại kinh tế của quốc gia này.
Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong những năm tới, bởi vì Đông Á đang chuyển biến mạnh mẽ không chỉ vì mối quan hệ ràng buộc giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang được củng cố mà còn do sự phụ thuộc lẫn nhau đang tăng lên nhanh chóng và sự giao cắt giữa khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Mặt khác, một sự phát triển đáng chú ý là sự tăng cường đáng kể hợp tác và hội nhập kinh tế nội vùng Đông Á. Trong bối cảnh này, với bất kỳ góc độ nào thì Đông Nam Á vẫn là trung tâm của những phát triển này. Nói một cách công bằng thì đó là sự phát triển bền vững của chủ nghĩa đa phương do ASEAN dẫn dắt.
Trong bối cảnh đó, ASEAN có một vai trò quan trọng không chỉ trong việc lôi cuốn các cường quốc mà còn trong việc quản lý an ninh khu vực. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về sự ổn định của một khu vực phức tạp như Đông Á vào thời điểm các cường quốc đang cạnh tranh khốc liệt để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nếu không có được sự cân bằng quyền lực đáng tin cậy, thì một môi trường chính trị mỏng manh, những bất định về an ninh khu vực và những tranh chấp biên giới trên biển/lãnh thổ mà Đông Á đang đối mặt sẽ là lý do quan ngại cho những ai mong muốn hoà bình và ổn định ở khu vực. Chính bởi ở khía cạnh này mà Ấn Độ và Việt Nam, với tư cách là nhưng quốc gia thân thiện truyền thống, có những cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời đóng góp cho sự ổn định khu vực. Tuy phạm vi bài viết này không phải là đi sâu vào những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ song phương, nhưng phần dưới đây sẽ cố gắng xem xét sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa hai nước và mối quan hệ của hai nước với môi trường an ninh khu vực.
Ấn Độ và Việt Nam: Tiến tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược
Hợp tác quốc phòng (được thảo luận chi tiết dưới đây) chỉ là một khía cạnh của quan hệ đối tác toàn diện mà Ấn Độ và Việt Nam cố gắng thiết lập. Nó bao gồm khía cạnh chính tri, kinh tế và những khía cạnh khác để quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa thiết thực. Quan hệ chính trị song phương đã rất tốt đẹp với các cuộc tiếp xúc thường xuyên của hai bên nhưng vẫn còn có nhiều tiềm năng để tăng cường liên hệ kinh tế. Thương mại song phương đã tăng từ 3.7 tỷ USD năm 2010-11 lên 9.2 tỷ vào năm 2014-15, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng (thấp hơn nhiều so với thương mại Việt Nam – Trung Quốc, đạt xấp xỉ 60 tỷ USD năm 2014). Trên thực tế, Việt Nam đã vượt Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai với Trung Quốc trong số các nước ASEAN. Về đầu tư, hiện có hơn 100 công ty Ấn Độ hoạt động ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Các nhà đầu tư Ấn Độ cần coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng không chỉ bởi thị trường 90 triệu người Việt Nam mà còn một thị trường ASEAN rộng lớn hơn với hơn 600 triệu người khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN trở thành một thị trường chung vào cuối năm 2015. Tương tự, hiệp định quan hệ đối tác song phương toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng cần nhanh chóng ký kết để tăng cường mối liên hệ kinh tế đang còn yếu hiện nay.
Về hợp tác an ninh, phần lớn đã được đề cập trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, với việc trao đổi thường xuyên các quan điểm an ninh khu vực. Điều quan trọng là, không nên xem xét hợp tác an ninh theo góc độ hẹp, xoay quanh Trung Quốc. Tuy Trung Quốc đúng là thách thức chung, nhưng nhiều vấn đề cùng quan tâm khác cần được phân tích để hình thành sự hiểu biết và hợp tác an ninh toàn diện. Điều đó rõ ràng bao gồm cả những quan tâm chung về an ninh khu vực ở Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Cho dù sự bùng nổ kinh tế đang có ở khắp khu vực nhưng an ninh khu vực vẫn còn đầy rẫy những vấn đề nghiêm trọng. Các quan hệ cường quốc đang có những thay đổi lớn với việc tập hợp lại các thế lực và sự nổi lên của những cường quốc châu Á mới đang ngày càng tỏ thái độ quyết liệt và tìm kiếm một không gian chiến lược lớn hơn, có thể dẫn đến xung đột lợi ích. Hơn nữa, khu vực tồn tại một số lượng lớn đường biên giới và đường biển chưa giải quyết được, mà nếu không được giải quyết một cách hoà bình có thể làm mất ổn định toàn bộ khu vực và từ đó làm tổn hại đến phát triển kinh tế. Ngay cả khi khu vực này chỉ chú trọng vào lĩnh vực hàng hải, thì vẫn khó có được một cơ chế thúc đẩy hợp tác hàng hải hay thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, đó là chưa nói đến việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình. Thiếu sự cân bằng quyền lực ổn định là điều dễ nhận thấy ở Đông Á và đó là nơi cần đến sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đã có một số cơ chế song phương như Uỷ ban Hỗn hợp các bộ trưởng ngoại giao, Quan hệ đối thoại chiến lược và Tham vấn bộ ngoại giao (cuộc họp gần đây nhất lần thứ 4 và thứ 7 diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2015) nhưng vẫn cần phải xây dựng thêm những cơ chế khác nữa. Trong đó, một cơ chế rất có tiềm năng là hợp tác ba bên Việt Nam - Ấn Độ - Nhật Bản. Đó không phải là một liên minh quân sự cũng không phải nhằm vào một nước nào (chắc chắn không phải Trung Quốc bởi vì mỗi nước tham gia một cách khác nhau trong đó), nhưng về cơ bản là một khuôn khổ để trao đổi quan điểm và phát triển sự hiểu biết chung về những vấn đề an ninh khu vực (giống như Quan hệ ba bên Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản). Mối quan hệ ba bên này có thể mở rộng với nhiều nước khác sau này, chẳng hạn như Indonesia. (Xem tiếp phần 3)
* Giáo sư chuyên về các vấn đề Đông Á của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương, Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học tổng hợp Jawaharlal Nehru.
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nam, Trung, Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục