Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Ðộ - xứ sở của cơ hội

Ấn Ðộ - xứ sở của cơ hội

Ðẩy mạnh mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế là một trọng tâm cải cách của Chính phủ Ấn Ðộ, một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới. Những ngày thăm "đất nước sông Hằng" vừa qua, chúng tôi - các nhà báo đến từ các nước ASEAN đã được chứng kiến tận mắt việc triển khai chính sách của Thủ tướng Ấn Ðộ N.Mô-đi nhằm biến Ấn Ðộ thành địa điểm dễ dàng nhất để kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp và giới đầu tư các nước tham gia tiến trình phát triển, đưa Ấn Ðộ trở thành "xứ sở của cơ hội".

03:46 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trao đổi ý kiến với các quan chức ngoại giao và đồng nghiệp Ấn Ðộ bên lề Ðối thoại Ðê-li lần thứ bảy giữa Ấn Ðộ và ASEAN, chúng tôi được biết, những cải cách đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, khoa học-công nghệ với mục tiêu đưa nền kinh tế Ấn Ðộ "cất cánh" đã được thúc đẩy mạnh kể từ khi ông Mô-đi trở thành Thủ tướng vào cuối tháng 5-2014 đã giúp kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 7,4% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3-2015. Hãng xếp hạng tín dụng S&P vừa nhận định rằng, kinh tế Ấn Ðộ đã nổi lên thành điểm sáng nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự báo đạt mức tăng trưởng 8,1-8,5% trong tài khóa 2015-2016, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ một loạt cải cách được lòng dân cũng như giới đầu tư nước ngoài. Ðối với kinh tế trong nước, chính phủ đã thực hiện một số thay đổi chính sách đáng chú ý như: điều chỉnh giá dầu đi-ê-den, gắn giá khí đốt với chỉ số giá toàn cầu, sửa đổi chính sách lao động, xóa bỏ "giới hạn đỏ" đối với doanh nghiệp... Trong dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015-2016, Chính phủ Ấn Ðộ quyết định cắt giảm thuế cho doanh nghiệp từ 30% xuống 25% trong vòng bốn năm bắt đầu từ năm tới nhằm thu hút đầu tư.

Một trong những biện pháp được Chính phủ của Thủ tướng Mô-đi triển khai nhằm thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của những bang vùng sâu vùng xa, đó là tạo sự cạnh tranh giữa các bang, thúc đẩy các bang hợp tác với các địa bàn trọng điểm trong khu vực. Trong câu chuyện với Thủ hiến bang Át-xam G.Khô-xla, chúng tôi được biết, triển khai chính sách hướng Ðông của Chính phủ Ấn Ðộ, chính quyền bang đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước Ðông-Nam Á, trong đó tập trung vào những mũi nhọn như hợp tác dầu khí, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất khẩu gạo... Với thế mạnh là nguồn nông sản dồi dào và thiên nhiên tươi đẹp, bang Át-xam mong muốn hợp tác với ASEAN đẩy mạnh ngành chế biến nông sản, thực phẩm, kết nối du lịch xuyên biên giới như kết hợp các chương trình du lịch ở bang với các địa danh nổi tiếng ở Việt Nam, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a... Ngoài ra, hưởng ứng chiến dịch mang tên "Sản xuất tại Ấn Ðộ" ở cấp quốc gia, chính quyền bang khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ các nước ASEAN, thành lập công ty hoặc liên doanh sản xuất hàng hóa tại Át-xam, cũng như Ấn Ðộ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thủ hiến bang Át-xam khẳng định, việc thiết lập cơ chế một cửa ở cấp trung ương và cấp bang để nhanh chóng thông qua các dự án đầu tư khiến nhiều nhà đầu tư ngày càng quan tâm "rót vốn" vào Ấn Ðộ.

Bên cạnh những cải cách mạnh mẽ về kinh tế, đối ngoại, đầu tư, Chính phủ Ấn Ðộ cũng kêu gọi đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường... Thủ tướng Mô-đi đã nhấn mạnh vai trò của các nhà khoa học Ấn Ðộ là góp phần định hình đất nước hiện đại và đặt Ấn Ðộ vào vị trí hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Khi chúng tôi tới thăm Trường đại học công nghệ Gu-oa-ha-ti, Hiệu trưởng nhà trường, Giáo sư G.Bi-xoa nói vui rằng, một trong những tài nguyên của Ấn Ðộ là nguồn nhân lực công nghệ thông tin, do vậy trường rất tự hào được là một trong những cái nôi hàng đầu về đào tạo nguồn tài nguyên quý này với 1.320 nghiên cứu sinh tiến sĩ theo học tại trường. Với mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, Ấn Ðộ nỗ lực nâng cấp 30 trường đại học thành trường đẳng cấp quốc tế, thành lập tám Viện Khoa học Công nghệ mới và bảy Viện Khoa học Quản lý trong vòng năm năm; đồng thời có kế hoạch đầu tư lớn để mở rộng hệ thống giáo dục đại học. Cũng như tại hệ thống các trường đại học công nghệ của Ấn Ðộ, việc tuyển sinh của Trường đại học công nghệ Gu-oa-ha-ti thực hiện nghiêm ngặt nhằm thu hút những sinh viên giỏi phục vụ trong ngành công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ðối với lĩnh vực môi trường, đích thân Thủ tướng Mô-đi đã phát động chiến dịch "Làm sạch Ấn Ðộ" kéo dài năm năm kể từ tháng 10-2014, nhằm cải thiện chất lượng vệ sinh công cộng ở nước này. Tại sân bay quốc tế In-đi-ra Gan-đi, hay tại các địa điểm di sản thiên nhiên thế giới ở Thủ đô Niu Ðê-li như Cu-túp Mi-na, pháo đài Ðỏ, khu lăng mộ Hu-may-un, chúng tôi đều thấy các tấm biển "Làm sạch Ấn Ðộ" nhằm kêu gọi người dân giữ gìn môi trường. Anh Cu-ma thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ cho chúng tôi biết, từ khi phát động chiến dịch đến nay, cảnh quan môi trường không chỉ ở Niu Ðê-li mà ở nhiều nơi tại Ấn Ðộ đã được cải thiện đáng kể.

Hơn một tuần làm khách của "đất nước sông Hằng", được chứng kiến tận mắt việc triển khai những chương trình cải cách nhiều tham vọng, cũng như những thành tựu ban đầu từ chính sách mới của Thủ tướng N.Mô-đi, chúng tôi tin tưởng rằng, đất nước tươi đẹp này đang thật sự trở thành "xứ sở của cơ hội" và ngày càng nhiều bạn bè quốc tế và giới đầu tư, kinh doanh các nước tìm đến thị trường rộng lớn, giàu tiềm năng này.

(Theo Bích Hạnh/ http://www.nhandan.com.vn/)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục