Bài phát biểu của bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế"
Ngày 11/5/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”. Đây là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất kể từ khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ do ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ và Đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai trương ngày 15 tháng 9 năm 2014. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo này.
Kính thưa GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,
Kính thưa Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương,
Kính thưa Ông Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,
Thưa các quý vị khách quý,
Thưa các quý ông, quý bà,
Hôm nay tôi rất vui mừng được có mặt tại buổi Hội thảo với chủ đề “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế”, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Tôi thực sự cảm thấy vinh dự được phát biểu trước các học giả và chuyên gia danh tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ Ấn Độ và Việt Nam để tham dự hội thảo này. Tôi tin chắc rằng cuộc thảo luận ngày hôm nay sẽ đóng góp lớn lao vào việc hiểu thêm về sự cần thiết cấp bách phải thúc đẩy mối quan hệ Việt - Ấn.
Điều này sẽ không thể trở thành hiện thực, nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của Giáo sư Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thay mặt cho các đồng nghiệp và cá nhân, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới Giáo sư vì những nỗ lực và sự lãnh đạo của ông trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện danh tiếng này và việc tổ chức buổi Hội thảo hôm nay.
Ông đã góp phần không nhỏ để hai nhà lãnh đạo đứng đầu hai nước chúng ta cùng khai trương Trung tâm này vào tháng 9 năm ngoái, và tôi tin chắc rằng, dưới sự dẫn dắt của ông, và sự điều hành của Giám đốc Trung tâm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Toan, Trung tâm này sẽ trở thành một trung tâm năng động để khai phá những ý tưởng mới nhằm đưa hai đất nước chúng ta sát cánh bên nhau hơn nữa.
Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ về lịch sử và văn minh lâu đời hàng thế kỷ trước. Đạo Phật, sau đó là đạo Hindu, đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giao lưu văn hóa hai nước chúng ta. Trong thời kỳ hiện đại, tình bạn giữa hai vị lãnh tụ, Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa hai nước. Chúng ta luôn hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc chiến chống lại Chủ nghĩa thực dân và đấu tranh giành độc lập. Ngày nay, quan hệ giữa hai nước phản ánh tình bạn và tình cảm sâu sắc mà nhân dân hai nước chúng ta giành cho nhau.
Kể từ khi mối quan hệ song phương này được nâng tầm lên Quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, nó đã có những bước phát triển vượt bậc. Hợp tác toàn diện giữa hai nước bao gồm mọi lĩnh vực khác nhau như chính trị, quốc phòng, thương mại và đầu tư, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Việt Nam là đối tác trước tiên trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Chúng ta tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Việt Ấn được đặt trong sự quan tâm tốt nhất của nhân dân hai nước và cũng là vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Tôi mong muốn được lắng nghe quan điểm của quý vị trong buổi hội thảo này, rằng chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy tốt hơn nữa những tiềm năng hợp tác. Trước khi quý vị bắt đầu trao đổi, tôi xin điểm lại một vài dấu mốc quan trọng của quan hệ Việt Ấn ngày nay:
- Hai nước chúng ta có mối quan hệ chính trị tuyệt hảo và có chung những mối quan tâm chiến lược. Hai nước thường xuyên ủng hỗ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và nêu lên những quan điểm chung đối với những vấn đề quan trọng mà hai nước quan tâm.
- Ngay sau khi kết thúc cuộc Tổng tuyển cử và Chính phủ mới được thành lập tại Ấn Độ năm ngoái, chuyến thăm tới Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong tháng 8 và chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ trong tháng 9 đã cho thấy Ấn Độ coi trọng tình hữu nghị với Việt Nam như thế nào. Thủ tướng Việt Nam cũng đã sang thăm Ấn Độ trong tháng 10 năm 2014. Những trao đổi ở cấp cao nhất đó giữa hai quốc gia là rất hiếm và là biểu trưng cho mối quan hệ chính trị tuyệt hảo vốn là dấu ấn của tình hữu nghị này.
- Các trao đổi cấp cao khác trong những tháng qua bao gồm các cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ với Chủ tịch Trương Tấn Sang tại Jakarta tháng trước, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ nhân dịp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), và chuyến thăm Ấn Độ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong tháng 3. Sắp tới là chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào cuối tháng này.
- Thương mại song phương hiện nay là 8 tỉ USD, vượt qua các mục tiêu thương mại, đã tăng 20 lần trong 10 năm qua. Sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài quốc gia ASEAN và Châu Ấu, Ấn Độ nằm trong tốp 10 đối tác thương mại của Việt Nam. Hy vọng rằng thương mại song phương sẽ vượt qua mục tiêu 15 tỉ USD vào năm 2020. Bằng cách khuyến khích Ấn Độ đầu tư nhiều hơn vào ngành điện, cơ sở hạ tầng, khai thác dầu khí trong đường ống, Ấn Độ cũng có thể nằm trong tốp 10 nhà đầu tư vào Việt Nam (2.2 tỉ USD).
- Khi hai Thủ tướng của hai nước chúng ta gặp nhau tháng 10 năm ngoái, họ đã nhất trí và đồng thuận rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia nên là ưu tiên chiến lược. Chúng ta cũng đã xác định dệt may, du lịch, dược phẩm, IT, năng lượng và nông nghiệp là những lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy hợp tác. Trong khi ý chí chính trị ngày càng tăng lên, thử thách lớn nhất cho chúng ta là thúc đẩy các doanh nghiệp hai bên tập trung vào các tiềm năng để hợp tác kinh doanh.
- Việc này đòi hỏi sự hiểu biết về tầm quan trọng của các mối quan hệ chính trị, kinh tế và chiến lược của chúng ta phải được tăng cường. Buổi hội thảo ngày hôm nay của Học viện Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu tiềm năng và tăng cường nhận thức.
- Chúng ta cần đặt ra cho mình một vài câu hỏi. Tại sao với quan hệ chính trị hữu hảo như vậy mà hợp tác về kinh tế giữa hai quốc gia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng? Ví dụ, trong ngành công nghiệp may mặc đang bùng nổ, trị giá 26 tỉ USD của Việt Nam, nguyên liệu thô được nhập khẩu từ nhiều quốc gia, nhưng chỉ có 600 triệu USD nguyên liệu là từ Ấn Độ, mặc dù Ấn Độ là một trong những nước sản xuất bông, sợi, vải với chi phí thấp nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới. Tương tự như vậy, trong ngành dược phẩm, Ấn Độ sản xuất ra những chủng loại thuốc tốt nhất và rẻ nhất trên thế giới; để phục vụ cho ngành này, các thành phần hoạt chất dược phẩm được nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, trong khi chúng có thể dễ dàng được nhập từ Việt Nam. Rõ ràng, có những sự bổ khuyết trong ngành này mà chúng ta chưa khai thác. Thế mạnh của Ấn Độ trong ngành Dược phẩm, cũng bao gồm cả dược phẩm cho chăn nuôi, hóa nông, và chúng ta có thể làm tốt hơn. Hiện nay, thị phần của Ấn Độ trong ngành này chỉ chiếm 5%, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đảo ngược xu hướng. Du lịch cũng là một lĩnh vực mà tôi thấy tiềm năng to lớn, bởi du khách Ấn Độ du lịch và chi tiêu nhiều thứ hai trên thế giới, và họ tới các địa điểm lân cận như Bangkok hay Siam Reap. Các bạn có thể dễ dàng thu hút du khách Ấn Độ tới Việt Nam.
- Vậy trở ngại lớn duy nhất đã cản trở thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu giữa nhân dân với nhân dân hai nước chúng ta là gì? Có lẽ việc chưa có các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ là nguyên nhân lớn duy nhất. Các chuyến bay của Jetairway từ TP Hồ Chí Minh tới Mumbai và New Delhi, quá cảnh qua Bangkok là một khởi đầu tốt và chúng ta mong Việt Nam Airlines và Vietjet cũng sớm mở chuyến đường bay thẳng từ Hà Nội. Kết hợp với một cơ chế cấp visa thông thoáng hơn, quảng bá tốt hơn, bao gồm cả việc sử dụng các bộ phim Bollywoods để quảng bá về các địa điểm tuyệt vời của Việt Nam, tôi tin chắc rằng, chúng ta có thể tạo nên một thay đổi to lớn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
- Cả hai nước chúng ta đều may mắn có dân số trẻ nhất trên thế giới. Họ chính là động cơ tăng trưởng của hai quốc gia và là những nhà đại sứ tốt nhất cho các mối quan hệ trong tương lai. Trong khi những người Ấn Độ ở thời đại của tôi lớn lên và được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện về cuộc chiến hào hùng của các bạn, thì chính thế hệ trẻ của cả Việt Nam và Ấn Độ cần được giáo dục về tiềm năng của tình bạn Việt - Ấn. Một lần nữa, chính Học viện này, nơi đào tạo các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tương lai, sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng để biến điều đó thành hiện thực.
Tôi tin chắc rằng, các học giả danh tiếng tham dự buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo nữa và tôi mong được nghe ý kiến của quý vị đề làm thế nào chúng ta có thể tôi luyện các liên kết kinh tế chặt chẽ hơn, quan hệ nhân dân với nhân dân tốt đẹp hơn giữa hai nước chúng ta. Một lần nữa xin gửi lời cảm ơn tới Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì đã tổ chức buổi hội thảo này.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục