Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng"

Bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng"

Ngày 29-30/6/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng". Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam tại Hội thảo này.

02:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng

                                                                  Bà PREETI SARAN
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

 

Tôi rất vui được một lần nữa có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để tham dự Hội thảo với tiêu đề  "Hợp tác Phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng". Thời điểm tổ chức Hội thảo là tuyệt vời, đúng với thời điểm chúng ta kỷ niệm một năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. Tôi xin chúc mừng Ngài Giám đốc Học viện Tạ Ngọc Tấn về sự lãnh đạo năng động và PGS.TS. Lê Văn Toan về việc đưa Trung tâm này trở thành cơ quan nghiên cứu quan trọng trong vòng một năm. Hội thảo cũng diễn ra vào thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong giai đoạn 2016-2018. Đối với Ấn Độ, Việt Nam vẫn là đối tác chiến lược quý giá trong quan hệ với ASEAN.

Mối quan hệ giữa ASEAN - Ấn Độ không chỉ giới hạn ở mối giao thoa về văn hóa, gắn kết địa lý trong lịch sử hay những bổ trợ giữa ASEAN và Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế và phát triển nguồn nhân lực mà đã mở rộng mạnh mẽ sang những khía cạnh chiến lược vì tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng, hòa bình và ổn định. Việc nâng mối quan hệ này lên tầm Đối tác Chiến lược vào năm 2012 là một tiến triển tự nhiên khi Ấn Độ trở thành Đối tác từng phần của ASEAN vào năm 1992, Đối tác Đối thoại năm 1996 và Đối tác cấp Thượng đỉnh vào năm 2002. Chính phủ của chúng tôi, với ưu tiên cao nhất, tích cực đẩy mạnh việc chuyển Chính sách “Hướng đông” sang Chính sách “Hành động Hướng đông” với mục tiêu hành động và đề cao kết quả. Chúng tôi đã thành lập Cơ quan Đại diện độc lập phụ trách ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Jakarta để tăng cường hợp tác với ASEAN. Ấn Độ coi ASEAN là trọng tâm của Chính sách Hành động Hướng đông và cốt lõi của giấc mơ Thế kỷ Châu Á của Ấn Độ.

Khi cấu trúc chính trị, kinh tế và an ninh đang thay đổi, Châu Á đang phải thực hiện những trách nhiệm mới, tương xứng với vị thế và sức mạnh mà Châu Á đã đạt được. Trong bối cảnh như vậy, ASEAN và Ấn Độ là đối tác tự nhiên, tác động tới việc định hình chính sách quốc gia của mỗi thành viên trong khi đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu chung về tăng trưởng kinh tế và duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định. Ấn Độ là đối tác năng động trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng, những diễn đàn quan trọng trong sáng kiến ASEAN là trọng tâm trong việc tạo dựng một cấu trúc khu vực mở và toàn diện. Việt Nam đã luôn ủng hộ Ấn Độ tham gia các diễn đàn này bởi hai nước có nhận thúc chung, lợi ích chung và mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Khi các quốc gia trong khu vực Đông Á đang cố gắng hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, việc duy trì một đường hàng hải an toàn, nhân tố then chốt trong thương mại bằng đường biển, an ninh hàng hải và việc tiếp cận những nguồn tài nguyên biển theo các quy định được quốc tế chấp nhận, tiếp tục có ý nghĩa lớn hơn. Hơn nữa, những mối đe dọa của những tổ chức không liên quan đến nhà nước như cướp biển, buôn lậu, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, tội phạm mạng, an ninh hàng hải và việc phổ biến những mặt hàng nhạy cảm, đang ngày càng tăng và gây ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong khu vực. Là hai quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh của khu vực, Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục có vai trò quan trọng khi chúng ta tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Chúng ta tin rằng, để có thể tạo ra niềm tin và minh bạch, việc tôn trọng các quy định và quy phạm của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực biển bởi tất cả các quốc gia, tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phải là mục tiêu chung và là trách nhiệm của các nước khu vực. 

Trong lĩnh vực kinh tế, diễn biến quan trọng nhất đó là việc hội nhập kinh tế ngày càng tăng giữa ASEAN và Ấn Độ với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do về hàng hóa năm 2009, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ năm 2014, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực cuối năm nay.

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa ASEAN và Ấn Độ đạt 76,58 tỷ đô la Mỹ trong năm tài khóa 2014-2015, tăng từ 44 tỷ đô la Mỹ trong năm tài khóa 2009-2010, thời điểm chúng ta ký Hiệp định Thương mại tự do về hàng hóa. Chúng tôi tin tưởng có thể đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015 và nỗ lực đưa kim ngạch lên 200 tỷ vào năm 2022. Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ vẫn tương đối thấp so với quan hệ thương mại của ASEAN với các đối tác đối thoại khác do sự thiếu hiểu biết về những cơ hội đầu tư tại mỗi bên và do sự không vận dụng hết những lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do từ cả hai phía, điều mà hiện nay chúng ta đang nỗ lực khắc phục. Theo quan điểm của tôi, quan hệ thương mại song phương năng động giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng hơn khi ASEAN tiến tới hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tiến triển rất tốt, đạt mục tiêu thương mại trước thời gian đề ra. Tôi rất tin tưởng vào điều này khi hai nước chúng ta là những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đạt gần 7,5%. 

Tuy nhiên, để có thể tối đa hóa lợi ích của Hiệp định Thương mại Tự do, chúng ta phải cố gắng phối hợp nhiều hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp hai bên thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc giao thương và các hoạt động xúc tiến thương mại. Gần đây, chúng tôi đã tổ chức ba cuộc giao thương lớn thành công cả ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh và đang chuẩn bị cho chuyến thăm của đoàn chuyên ngành dệt may sang Việt Nam vào tháng tới. 

Đồng thời, đàm phán giữa hai bên về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực cũng đang tiến triển khả quan và chúng tôi tự tin về việc kết thúc quá trình đàm phán vào cuối năm nay như đã được thống nhất trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng Bộ Công thương của 16 quốc gia về Hiệp định này vào tháng trước. Một lần nữa, việc Ấn Độ và Việt Nam thống nhất coi hợp tác kinh tế là ưu tiên chiến lược có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc đàm phán đối với Hiệp định này.

Trong hợp tác đầu tư giữa hai bên, khu vực Ấn Độ - ASEAN đã vượt qua tất cả các khu vực khác trên thế giới về luồng chảy đầu tư. Trong vòng 7 năm qua, các nước ASEAN đã đầu tư vào Ấn Độ 25 tỷ đô la Mỹ và Ấn Độ đã đầu tư 31 tỷ đô la Mỹ sang các nước ASEAN. Do đó, chúng tôi lạc quan rằng, các cơ hội đầu tư từ cả hai phía sẽ giúp khơi thông những luồng đầu tư lớn trong tương lai, xuất phát từ việc hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và việc Chính phủ Ấn Độ ưu tiên triển khai các sáng kiến như “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Số hóa Ấn Độ”, “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” và “Thành phố thông minh”, cộng với việc Hiệp định Thương mại ASEAN Ấn Độ về thương mại dịch vụ và Hiệp định Đầu tư ASEAN Ấn Độ về đầu tư đi vào hiệu lực. Điều này cũng sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại song phương về hàng hóa.

Việc tăng cường kết nối, cả với Việt Nam và ASEAN trong tất cả các lĩnh vực như kết nối địa lý, kết nối giữa các viện nghiên cứu và giao lưu nhân dân, là một trong những ưu tiên chiến lược của chúng tôi. Ấn Độ cam kết ủng hộ Kế hoạch Tổng thế Kết nối ASEAN. Nỗ lực nổi bật trong sáng kiến kết nối ASEAN - Ấn Độ là việc hoàn thành tuyến đường bộ ba quốc gia Ấn Độ -Myanmar -Thái Lan và sáng kiến mở rộng tuyến này sang Lào, Campuchia và Việt Nam. Chúng tôi đang triển khai hình thành cơ chế đặc biệt để cung cấp tài chính và triển khai nhanh các dự án kết nối với ASEAN trong đó doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ của Chính phủ trong đầu tư vào các dự án kết nối với các quốc gia ASEAN. Chúng tôi cũng đang hình thành Công ty Phát triển Dự án để thúc đẩy kinh doanh tại các nước CLMV với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Với Việt Nam chúng tôi đã ký Hiệp định Dịch vụ Hàng không và Bản ghi nhớ về Vận tải Biển. Nếu chúng ta có thể mở được đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam và hình thành tuyến vận tải Container trực tiếp thì sẽ tạo ra động lực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam và giữa Ấn Độ và ASEAN.

Trong khi quan hệ chính trị và kinh tế với các nước ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động giao lưu nhận dân cũng diễn ra rất năng động. Ngoài việc triển khai thành công Chương trình Trao đổi Sinh viên ASEAN - Ấn Độ, chúng ta cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu như giao lưu báo chí, nông dân, các nhà ngoại giao và các chuyên gia.

Các sáng kiến khác trong đó bao gồm Hợp tác Tiểu vùng Sông Hằng, Sông Mekong (MGC), với mục tiêu tăng cường kết nối giữa người dân của vùng hạ lưu sông Mekong và Sông Hằng trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, văn hóa và thúc đẩy giao lưu nhân dân cũng như việc xây dựng lại Trường Đại học Nalandar tại Rajgir trở thành Trung tâm học thuật nối tiếng của thế giới. Hơn nữa, chúng tôi đang tiếp nhận càng nhiều các dự án thúc đẩy Sáng kiến Hội nhập ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển khu vực bao gồm việc thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Anh và công nghệ thông tin tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc ở Nha Trang. Một số các dự án trọng điểm và giá trị cao cũng đang chuẩn bị được triển khai. Một trong những dự án quan trọng này là dự án Thành lập Trung tâm Thu thập và Xử lý dữ liệu vệ tinh cho các nước ASEAN tại Thành phố Hồ Chí Minh với giá trị 21,53 triệu đô la Mỹ, dự án nâng cấp Trung tâm hiện tại tại Biak, Indonesia và dự án đào tạo cán bộ ASEAN trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ tại Dehradun, Ấn Độ. Các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ, cơ quan vũ trụ hàng đầu tại Ấn Độ đã đến Việt Nam và Indonesia để hoàn tất kế hoạch triển khai và các công việc khác như việc lựa chọn địa điểm xây dựng. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ lần thứ 13 tại Kuala Lumpur vào cuối năm nay, Ấn Độ và ASEAN sẽ thông qua Kế hoạch Hành Động lần thứ 3 cho 5 năm tới, từ 2016-2020, để triển khai lộ trình gắn kết ASEAN - Ấn Độ về dài hạn và định hình Quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và phồn vinh được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ vào năm 2014. Văn kiện Tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo chúng ta thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Ấn Độ vào năm 2012 tại New Delhi, đưa quan hệ giữa ASEAN - Ấn Độ lên quan hệ đối tác chiến lược cũng như hình thành Nhóm những Cá nhân Kiệt xuất ASEAN Ấn Độ, sẽ tiếp tục là văn kiện định hướng và động lực cho mối quan hệ của chúng ta. Khi chúng ta nhìn về phía trước, tương lai đang rất sáng lạn.

Tôi mong muốn được lắng nghe các quan điểm của các diễn giả có mặt tại đây ngày hôm nay về “định hướng tương lai” của quan hệ giữa chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 25 năm Quan hệ Đối tác ASEAN - Ấn Độ vào năm 2017 và xa hơn nữa.   

Để kết luận, cho phép tôi, một lần nữa, bày tỏ sự cảm ơn cũng như biết ơn tới Giáo sư Tạ Ngọc Tấn và PGS. TS. Lê Văn Toan về việc tổ chức Hội thảo quan trọng này.

Tôi cũng xin thông báo rằng, Chính phủ của hai nước chúng ta đánh giá rất cao sự đóng góp liên tục và sẽ tiếp tục ủng hộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tôi chúc hội thảo chúng ta thành công và mong muốn được nghe những đóng góp và kết luận tại hội thảo này.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục