Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế” của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam – Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế” của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

"Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế" là Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất kể từ khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ do ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ và Đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khai trương ngày 15/9/2014. Hội thảo lần này cùng với Hội thảo tháng 6/2015 là những Hội thảo đặt tiền đề cho Hội thảo quốc tế lớn hơn với chủ đề: “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Ấn Độ - ASEAN: Thực trạng và triển vọng” được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ và cũng là dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện

02:56 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!

Hôm nay, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây tham dự diễn đàn khoa học Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ kinh tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất kể từ khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ do ngài Pranab Mukherjee – Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ và Đồng chí Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam khai trương ngày 15 tháng 9 năm 2014. Hội thảo lần này cùng với Hội thảo tháng 6 năm 2015 là những Hội thảo đặt tiền đề cho Hội thảo quốc tế lớn hơn với chủ đề: “Hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Ấn Độ - ASEAN: Thực trạng và triển vọng” được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ, và cũng là dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Sự có mặt của các nhà khoa học, các vị khách quý, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ nhất định sẽ tạo nên tiếng nói đa chiều góp phần minh giải thực trạng hợp tác phát triển giữa Việt Nam với Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI trên bình diện kinh tế.

Sự bàn luận của các nhà khoa học, các vị khách quý sẽ làm sâu sắc hơn những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, rào cản ảnh hưởng đến hợp tác, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch Việt - Ấn lên một tầm cao mới. Thay mặt Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban tổ chức Hội thảo, tôi nhiệt thành chào mừng và gửi tới các quý vị đại biểu, các vị khách quý lời chúc tốt đẹp nhất!

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học!

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ lâu, đã được các vị lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru gìn giữ, vun đắp lên tầm cao mới. Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ Việt - Ấn được nâng tầm toàn diện. Điều đó được khẳng định bằng Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5 năm 2003. Tháng 7 năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Ấn Độ, hai nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. Điều này được tái khẳng định trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 10 năm 2011, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11 năm 2013, chuyến thăm Việt Nam của ngài Pranab Mukherjee – Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ tháng 9 năm 2014, và chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10 năm 2014. Trong tuyên bố chung mới nhất đã nêu bật cam kết của hai Chính phủ sẽ “phát triển toàn diện đối tác chiến lược” đã cho phép hai bên triển khai và mở rộng hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Điều này chứng tỏ rằng, quan hệ Việt - Ấn là một câu chuyện lớn hơn so với những gì giới truyền thông đề cập tới. Những gì cam kết giữa Chính phủ hai nước được thể hiện rõ trên năm trụ cột:

- Trụ cột thứ nhất là hợp tác chính trị: thể hiện quan điểm chung của hai nước về các vấn đề thế giới, đặc biệt là Khu vực Đông Nam Á. Xây dựng quan hệ gần gũi với ASEAN vẫn là ưu tiên trọng tâm của Ấn Độ, và Việt Nam là một trong những thành viên quan trọng của ASEAN xét từ khía cạnh chính trị.

- Trụ cột thứ hai là hợp tác kinh tế: bao gồm nhiều lĩnh vực. Đây là xương sống của tất cả quan hệ hợp tác. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh và đã vượt mức 7 tỷ USD sớm hơn mục tiêu đề ra; mục tiêu mới nâng kim ngạch thương mai lên mức 20 tỷ USD.

- Trụ cột thứ ba là hợp tác năng lượng: Việc tập đoàn dầu khí ONGC – Videsk (OVL) của Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí đã thu hút sự chú ý rộng rãi.

- Trụ cột thứ tư là hợp tác an ninh quốc phòng: Bao gồm đối thoại chiến lược, trao đổi các chuyến thăm, đào tạo nhân viên quốc phòng, trao đổi các chuyến thăm hải quân.

- Trụ cột thứ năm là hợp tác trong các lĩnh vực khác: Bao gồm phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, các mối quan hệ dân sự cũng được phát triển vững chắc, mặc dù mới ở mức khiêm tốn.

Xu hướng phát triển tích cực trong quan hệ Việt - Ấn xuất phát từ nguyện vọng chung của Việt Nam và Ấn Độ nhằm mang lại sự phồn vinh cho hai nước và tạo nên một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng.

Từ thực tiễn những thành tựu đạt được trong thời gian qua, sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của mỗi bên, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch. Bởi vậy, để Hội thảo lần này đạt được kết quả nhất định, tôi đề nghị các học giả, các vị khách quý đi sâu thảo luận những nội dung chủ yếu sau:

1. Bối cảnh trong và ngoài nước, tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ.

2. Đánh giá rõ thực trạng hợp tác phát triển Việt - Ấn trên lĩnh vực kinh tế.

3. Luận giải sâu nguyên nhân đạt được, những thành tựu cũng như những điều chưa đạt, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên.

4. Phân tích kỹ những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hợp tác Việt - Ấn như: Cách tiếp cận của các nước về địa chính trị, địa kinh tế; những tác động ngoại biên đến quan hệ hai nước; khoảng cách địa lý và điều kiện hạ tầng, cơ sở giao thông; khung pháp lý và chính sách thương mại; sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa và tập quán kinh doanh; vai trò năng động của các doanh nghiệp Việt - Ấn.

5. Triển vọng, phương hướng và các kiến nghị, giải pháp xúc tiến phát triển quan hệ Việt - Ấn trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian tới.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các vị khách quý, các đại biểu đã có mặt tham gia Hội thảo! Chúc các quý vị, các bạn Ấn Độ - Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ kinh tế” thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục