Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng" của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Ngày 29-30/9/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và Triển vọng", Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo đề dẫn Hội thảo của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện.
PHÁT TRIỂN QUAN HỆ HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM, ASEAN - ẤN ĐỘ
VÌ HÒA BÌNH, THỊNH VƯỢNG
(Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ:
Thực trạng và Triển vọng”,
Hà Nội, 29-30/10/2015)
GS. TS. TẠ NGỌC TẤN
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các vị khách quý!
Lời đầu tiên, tôi xin được gửi tới các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các nhà khoa học, các vị khách quý đến từ Ấn Độ, các nước ASEAN và Việt Nam lời chào trân trọng nhất! Xin chúc các quý vị, các bạn Ấn Độ, ASEAN và các bạn Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc Hội thảo của chúng ta đạt được mục đích tốt đẹp là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác phát triển giữa các bên ngày càng mở rộng, có hiệu quả tích cực, góp phần gìn giữ hòa bình, mang lại thịnh vượng chung cho Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ, cũng như hòa bình, thịnh vượng chung cho khu vực và thế giới!
Thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và các vị khách quý!
Quan hệ hữu nghị Việt Nam và Ấn Độ đã có truyền thống từ lâu, được thử thách qua thời gian, ngày càng phát triển bền vững. Từ năm 2007, sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác giữa hai nước càng phát triển thực chất hơn, mở rộng thêm trên nhiều lĩnh vực. Hai bên liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ. Về phía Ấn Độ, cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng đã đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao này không chỉ tạo nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác, mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.
Việt Nam và Ấn Độ luôn coi trọng quan hệ và nhất trí cao trong việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác.
Hai nước luôn tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh: kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban Liên Chính phủ, tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách quốc phòng, hợp tác kinh tế, năng lượng, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục được phát huy nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước.
Việt Nam và Ấn Độ luôn tăng cường và làm sâu sắc hơn trụ cột về kinh tế, thương mại và đầu tư; coi tăng cường hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên cũng tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh trên cơ sở các cơ chế thỏa thuận, hợp tác hiện có; tăng cường trao đổi đoàn, đối thoại chính sách quốc phòng an ninh. Phía Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tín dụng, đào tạo, nâng cao năng lực quốc phòng và an ninh, chia sẻ kinh nghiệm về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phối hợp tại diễn đàn đa phương như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), diễn đàn khu vực ASEAN (ARF),…
Việt Nam và Ấn Độ nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trên cơ sở coi trọng tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Việt Nam và Ấn Độ cũng nhất trí tăng cường hợp tác về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thám, tăng cường hợp tác kết nối đường không, đường bộ, đường biển, tổ chức hiệu quả Liên hoan hữu nghị Việt - Ấn hai năm một lần.
Từ thực tiễn quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hiện nay, Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN quyết tâm đưa quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên tầm cao mới, nhất là trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm cương vị nước Điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2018.
Thưa các vị đại biểu, các nhà khoa học và các vị khách quý!
Quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á đã có từ lâu đời. Từ những năm đầu Công nguyên, văn hóa Ấn Độ đã để lại những dấu ấn khó phai trên hầu hết các khía cạnh của đời sống nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Nét điển hình nhất cho mối giao thoa văn hóa này là diễn ra trong hòa bình, chưa bao giờ có xung đột hay chiến tranh. Ngài Narasimaha Rao, nguyên Thủ tướng Ấn Độ, đã từng nói: “Khi nhìn nhận châu Á - Thái Bình Dương một cách khách quan, chúng tôi không thể lờ đi một thực tế rằng, các nền văn minh của chúng ta có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia - nhà nước Đông Nam Á…”[1]. Nguyên Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Sing nhấn mạnh: “Với các nước ASEAN, chúng tôi đã có các mối quan hệ đặc biệt cũng như các mối liên kết lâu đời”[2].
Trên thực tế, ASEAN có tầm quan trọng đối với Ấn Độ trên nhiều mặt. ASEAN là tổ chức hợp tác nằm ở khu vực có địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ trong việc hội nhập khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ coi trọng nhân tố ASEAN trong chính sách đối ngoại của mình vì tổ chức này là nhân tố cốt lõi của tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế Đông Á và là đầu tầu dẫn dắt các cấu trúc hợp tác đa phương trong khu vực.
Sau khi Ấn Độ ban hành chính sách hướng Đông năm 1992, quan hệ ASEAN - Ấn Độ được thiết lập. ASEAN là điểm khởi đầu và luôn đóng vai trò trung tâm của chính sách hướng Đông. Năm 1992, ASEAN đã chấp thuận Ấn Độ là đối tác đối thoại bộ phận và đến tháng 12/1995 đã nâng cấp lên thành đối tác đối thoại đầy đủ, mở đường cho Ấn Độ tham gia vào Hội nghị Bộ trưởng ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN) lần thứ ba ở Jakarta tháng 7/1996. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ bảy, tháng 11/2001 ở Brunei, ASEAN đã quyết định nâng quan hệ với Ấn Độ lên cấp thượng đỉnh (cấp cao). Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ nhất tháng 11/2002 họp tại Thủ đô Phnompenh, Campuchia đã quyết định, hàng năm đều tổ chức Hội nghị này và đều có nguyên thủ Ấn Độ tham gia. Năm 2012, ASEAN - Ấn Độ đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ và 10 năm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược.
Cho đến nay, ASEAN và Ấn Độ đã có 25 cơ chế hợp tác, trong đó có 6 cơ chế ở cấp Bộ trưởng. Các cơ chế tiếp xúc ở cấp Bộ trưởng bao gồm các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, môi trường, du lịch. Các cuộc tiếp xúc của người dân cũng tăng lên. Quan hệ đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ không ngừng mở rộng, bao gồm các cơ chế ở tất cả các cấp như Hội nghị Cấp cao, Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (PMC), Tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Hội nghị Các quan chức cao cấp (SOM), Hội nghị Các quan chức cao cấp về kinh tế (SEOM), Ủy ban Hợp tác chung (JCC) được tổ chức hàng năm.
Quan hệ chính trị tốt đẹp đã mở đường cho ASEAN - Ấn Độ hợp tác phát triển thành một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động nhất và toàn diện nhất, bao trùm các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, giao thông vận tải, giao lưu nhân dân.
Hơn 20 năm qua, tuy hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ đã không ngừng phát triển, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhưng những gì đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và kỳ vọng của mỗi bên.
Vậy nên, để Hội thảo khoa học quốc tế lần này đạt kết quả cao, tôi đề nghị các vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận sâu những nội dung chủ yếu sau:
1. Bối cảnh thời đại, khu vực và thế giới cũng như điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình trong từng nước tác động đa chiều đến hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực.
2. Phân tích, đánh giá làm rõ những thành tựu và hạn chế của hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN và Ấn Độ trong thời gian vừa qua trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, quốc phòng, an ninh…, chỉ ra những nguyên nhân, bài học, những yếu tố thúc đẩy hay kìm hãm thành tựu, hiệu quả hợp tác phát triển giữa hai bên; đánh giá tác động qua lại của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
3. Đưa ra các dự báo về triển vọng của quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ trên các lĩnh vực khác nhau, dự báo và đánh giá các yếu tố tác động tích cực hay chi phối, quyết định, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực, có thể trở thành rào cản đối với sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai bên.
4. Đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, yếu kém, tăng cường các yếu tố nền tảng, tích cực hóa các điều kiện nhằm mở rộng, tăng hiệu quả sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam, ASEAN với Ấn Độ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, sự phát triển thịnh vượng và mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho nhân dân các nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia Hội thảo khoa học quốc tế này. Chúc các quý vị, các bạn Ấn Độ, các bạn đến từ các nước ASEAN và Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: thực trạng và triển vọng” thành công tốt đẹp!
Trân trọng cảm ơn!
[1] Rao, PF. Narashimaha (1944) India and the Asia - Pacific: Forging a New Relationship, p.9.
[2] PM (Manmohan Sing)’s address at the 5th india - ASEAN Summit Cebu, Philippines, Jannuary 14, 2007.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục